Lời hẹn gặp tháng 5

Thứ tư, 14/03/2018 10:37
(ĐCSVN) - Vào tháng 5 tới, cuộc gặp gỡ lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ được diễn ra. Hiện nay, cả hai bên đang xúc tiến mạnh mẽ công tác chuẩn bị cả về hình thức và nội dung cuộc gặp. Dư luận quốc tế cũng hồi hộp theo dõi diễn biến của “lời hẹn gặp lịch sử" này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: AFP/TTXVN).

"Lời hẹn gặp lịch sử”

Ông Kim Jong-un đã mời Tổng thống Donald Trump có chuyến thăm Triều Tiên và Tổng thống Mỹ đã nhận lời thực hiện vào tháng 5 này. Trong một thông báo, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói, ông D.Trump sẽ chấp nhận lời mời gặp ông Kim Jong Un và địa điểm chưa xác định.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui Yong cho biết, lời mời có trong lá thư từ ông Kim Jong-un được ông Chung Eui Yong trao lại tại Nhà Trắng hôm 8/3, nhân dịp ông Chung Eui Yong đến Washington D.C. để thông báo cho các quan chức Mỹ kết quả cuộc gặp giữa phái đoàn Hàn Quốc và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng.

Ông Chung Eui Yong phát biểu tại Washington D.C: “Tôi nói với Tổng thống Donald Trump rằng trong cuộc gặp với chúng tôi, lãnh đạo Kim Jong-un nói rằng ông cam kết với việc phi hạt nhân hoá... và ông ấy bày tỏ háo hức được gặp Tổng thống Trump càng sớm càng tốt”.

Theo ông Chung Eui Yong, lãnh đạo Triều Tiên đã nhất trí “dừng thử hạt nhân - tên lửa” và chấp nhận các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn là một thực tế “phải tiếp tục”. Trong quá khứ, Triều Tiên thường phản đối gay gắt Mỹ - Hàn tập trận, coi đó là diễn tập xâm lược và thường đáp trả bằng những lời đe dọa cùng các vụ thử tên lửa.

Ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump đáp lại động thái này bằng việc cho rằng lời đề nghị “rất tích cực” và ông tin Triều Tiên thành thật khi muốn đối thoại. Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận lời mời gặp mặt lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát đi một tín hiệu đột phá ngoại giao tiềm tàng trong nỗ lực chấm dứt bế tắc hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Trên mạng xã hội Twitter, ông D.Trump thể hiện sự lạc quan một cách thận trọng khi viết: “Ông Kim Jong-un đã bàn với các đại diện Hàn Quốc về phi hạt nhân hóa, không chỉ đóng băng. Trong giai đoạn này, Triều Tiên cũng không thử tên lửa. Đã có tiến triển đáng kể nhưng các lệnh trừng phạt sẽ tiếp tục được duy trì cho đến khi đạt được một thỏa thuận. Đang lên kế hoạch gặp mặt”.

Một cuộc gặp mặt trực tiếp nếu diễn ra sẽ mang tính “lịch sử”, sẽ là lần gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai quốc gia đối địch lâu năm vốn từng chiến đấu chống lại nhau và liên tiếp dọa hủy diệt lẫn nhau.

Những dấu hiệu tích cực

Ngay từ đầu năm mới 2018, cánh cửa đối thoại giữa hai miền Triền Tiên, cũng như cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đã được hé mở khi Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa Đông tại Pyeongchang (Hàn Quốc). Phái đoàn quan chức cấp cao của Hàn Quốc đã có chuyến thăm tới Triều Tiên, gặp mặt nhà lãnh đạo Kim Jong-un và đã đạt được một “thỏa thuận tốt đẹp”.

Mỹ cũng đã để ngỏ khả năng đàm phán với Triều Tiên nhân dịp Thế vận hội. Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã nói Mỹ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên “vào thời điểm thích hợp, trong hoàn cảnh phù hợp”.

Nhiều diễn biến tích cực bất ngờ đã xuất hiện khi đoàn đại biểu Hàn Quốc trở về hôm 6/3 sau cuộc gặp với ông Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng. Tại cuộc gặp, ông Kim Jong-un đề nghị dừng thử tên lửa và hạt nhân trong lúc diễn ra đối thoại, và cam kết giải trừ hạt nhân nếu chính quyền của ông được đảm bảo an toàn. Triều Tiên có thể muốn đối thoại với Mỹ bởi các lý do:

Một là, Bình Nhưỡng đã đạt được mục tiêu trở thành quốc gia hạt nhân và khả năng hạt nhân của nước này có thể chống lại đòn hạt nhân của Mỹ và các nước khác. Sau khi phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 có tầm xa nhất tháng 11/2017, Triều Tiên nói rằng họ đã làm chủ được khả năng tấn công hạt nhân và trở thành một quốc gia hạt nhân toàn diện. Ông Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng đã “thực hiện được mục tiêu lịch sử là hoàn thành lực lượng hạt nhân quốc gia”.

Hai là, dù cho GDP tăng khoảng 3,9% năm 2016, nhanh nhất trong 17 năm qua thì Triều Tiên vẫn là một nước nghèo. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 5/8/2017 đã công bố nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên, cấm nước này xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản. Lệnh trừng phạt này có thể khiến kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Triều Tiên ước tính giảm 1 tỷ USD. Bình Nhưỡng có thể sẽ tập trung khôi phục nền kinh tế vốn yếu kém bấy lâu nay.

Ba là, trong thời gian gần đây, Trung Quốc cũng bắt đầu lên tiếng với nhà lãnh đạo Kim Jong-un vì chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Theo số liệu hải quan công bố cuối năm 2017, Trung Quốc đã không xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ sang Triều Tiên trong tháng 11/2017. Bắc Kinh cũng không nhập quặng sắt, than hay chì từ Bình Nhưỡng trong thời gian này.

Vẫn còn những khoảng cách không dễ vượt qua

Tuy nhiên, cuộc hẹn gặp giữa Bình Nhưỡng và Washington vẫn chứa đựng những yếu tố khó đoán định bởi “nghệ thuật” ngoại giao của người đứng đầu chính quyền hai nước và vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vốn là sự kiện rất phức tạp.

Ông Kim Jong-un tuy có đề nghị dừng thử tên lửa và hạt nhân trong lúc diễn ra đối thoại, và cam kết giải trừ hạt nhân nếu chính quyền của ông được đảm bảo an toàn. Nhưng trong quá khứ, quan điểm về bảo đảm an ninh của mỗi bên cũng có sự khác nhau liên quan đến Hiệp ước quốc phòng Hàn - Mỹ.

Theo Washington Post, Ralph Cossa - chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận xét: “Một khi Bình Nhưỡng cho rằng chúng ta tin họ có khả năng tiếp cận lục địa Mỹ bằng ICBM, họ sẽ sẵn sàng thảo luận về việc đóng băng các vụ thử” hạt nhân và tên lửa.

Theo giới quan sát, phía Mỹ có thể chỉ đối thoại về việc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, với “sức ép tối đa” cho tới khi đạt được mục tiêu cuối cùng.Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nhấn mạnh: “Chúng tôi hướng tới giải trừ hạt nhân Triều Tiên” trong bối cảnh cấm vận vẫn được duy trì. Tuy nhiên, “cuộc gặp sẽ không thể diễn ra trong một sớm một chiều”.

Như vậy, trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới nếu diễn ra, cả hai bên đều để ngỏ mục tiêu và tham vọng cuối cùng. Tuy nhiên, giới nghiên cứu và dư luận khu vực, thế giới vẫn đón nhận động thái của các bên như là một tín hiệu tích cực mở đầu cho năm mới 2018./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực