Mỹ đề cập việc rút khỏi INF và không gia hạn START mới

Thứ tư, 31/07/2019 21:22
(ĐCSVN) – Ngày 31/7, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton thông báo: Washington sẽ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987, trong khi Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START) duy nhất còn tồn tại giữa Nga và Mỹ cũng có khả năng sẽ không tiếp tục được gia hạn.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton. (Ảnh: Joshua Roberts/Reuters)

Trước đó, phát biểu tại một hội nghị ở thủ đô Washington ngày 30/7, ông Bolton cho rằng START mới, được thông qua vào năm 2010, chưa hoàn thiện vì không bao gồm các vũ khí hạt nhân chiến lược tầm ngắn hay hệ thống phóng mới của Nga. Chính vì thế, các bên cần tập trung vào điều gì "tốt hơn" thay vì gia hạn một thỏa thuận chưa hoàn thiện. Quan chức Mỹ cũng tuyên bố Washington muốn đàm phán về kiểm soát vũ khí với Nga và Trung Quốc.

Thông tin do ông Bolton đưa ra có phần “không nhất quán” với tuyên bố của Tổng thống D.Trump khi bày tỏ rằng, nhà lãnh đạo này trông đợi vào việc đạt được một thỏa thuận về kiểm soát vũ khí giữa Nga và Mỹ. Cách đây ít lâu, một số phương tiện truyền thông Mỹ cũng đưa tin về việc Tổng thống D.Trump đã nêu ý tưởng về một bản Hiệp ước ba bên, gồm sự tham gia của Nga và Trung Quốc trong khuôn khổ các cuộc gặp gỡ với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Osaka (Nhật Bản) vào tháng trước.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố đưa ra ngày 30/7, Trung Quốc đã tái khẳng định lập trường phản đối việc đa phương hóa Hiệp ước INF vì cho rằng, tốt hơn là Mỹ nên cắt giảm các kho vũ khí hạt nhân của nước này theo tinh thần của các bản Hiệp ước đang có hiệu lực, thay vì đùn đẩy trách nhiệm cho các nước khác.

Trong cuộc họp báo cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã bày tỏ sự quan ngại trước kịch bản INF bị sụp đổ sau hành động đơn phương rút bỏ từ phía Mỹ. Phát ngôn viên này kêu gọi cả Nga và Trung Quốc giải quyết bất đồng thông qua đối thoại, đồng thời “nỗ lực tối đa” để bảo toàn Hiệp ước.

Theo quan điểm của bà Hoa Xuân Oánh thì Trung Quốc sẽ không bao giờ đồng ý việc đa phương hóa Hiệp ước INF vì cho rằng, đây là một bản Hiệp ước mang tính chất song phương, liên quan tới chính trị, quân sự, pháp lý cùng một loạt vấn đề phức tạp khác.

Một số nét về Hiệp ước INF và START mới

Hiệp ước INF được Nga và Mỹ ký kết ngày 8/12/1987 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6/1988, quy định các bên liên quan không được sản xuất cũng như phóng thử hay triển khai các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo mặt đất có tầm bắn từ 500 - 1.000 km (tầm ngắn) và 1.000 - 5.500km (tầm trung). Đây được xem là một thành tựu ngoại giao nổi bật trong thời kỳ chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên bang Xô viết trước đây. Hiệp ước này cũng được đánh giá là giúp xóa bỏ “mối đe dọa hạt nhân” trong mối quan hệ giữa Nga và Mỹ – vốn luôn trong trạng thái dễ dàng leo thang căng thẳng.

Tuy nhiên, vào tháng 2/2019, Mỹ chính thức ngừng thực hiện các nghĩa vụ trong INF, kích hoạt một tiến trình 6 tháng để hoàn tất việc rút khỏi Hiệp ước này vào ngày 2/8/2019. Ngay lập tức, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đáp lại bằng việc ký sắc lệnh ngừng tham gia INF.

Hiệp ước START mới được ký kết giữa Nga và Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/2/2011. START mới quy định, 7 năm sau khi Hiệp ước có hiệu lực, mỗi bên tham gia không được triển khai quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom chiến lược, không quá 1.550 đầu đạn trên các ICBM, SLBM và máy bay ném bom đã được triển khai, cùng không quá 800 bệ phóng ICBM. SLBM và các thiết bị máy bay ném bom chiến lược. Hiệp ước quy định các bên có nghĩa vụ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và các thiết bị vận chuyển đầu đạn theo định kỳ 2 năm/lần.

Theo quy định, START sẽ hết hiệu lực vào năm tới nếu như không được thay thế bằng một Hiệp ước khác. Tuy nhiên, cho tới nay, Mỹ vẫn chưa quyết định về khả năng liệu có tiếp tục gia hạn START mới hay không, trong khi Nga đã nhiều lần khẳng định lập trường sẵn sàng đối thoại về vấn đề này.

Ngày 17/7, các quan chức Nga và Mỹ đã gặp gỡ tại Geneva (Thụy Sĩ) để thảo luận về các vấn đề chiến lược. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov – người dẫn đầu phái đoàn Nga tham gia sự kiện này cho biết, các đại diện Nga và Mỹ đã tận dụng cuộc gặp gỡ ở Geneva để thảo luận kỹ lưỡng về việc gia hạn START mới./.

Thu Lan (Theo Xinhua, nation.com.pk/Sputnik)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực