Mỹ ghi nhận 85.377 ca nhiễm COVID-19, cao nhất thế giới

Thứ sáu, 27/03/2020 12:33
(ĐCSVN) – Số liệu cập nhật của trang Worldometers sáng 27/3, nước Mỹ ghi nhận có 85.377 ca nhiễm COVID-19 do chủng mới virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra, vượt qua cả Trung Quốc, Italy và trở thành quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới.

Hiện Mỹ có số ca nhiễm cao nhất thế giới. Trung Quốc đứng số 2 với 81.340 ca nhiễm, còn đứng thứ 3 là Italy với 80.589 ca nhiễm.

Theo Thống đốc tiểu bang New York, Andrew Cuomo, bang này ghi nhận đã có 100 người đã tử vong trong ngày 25/3 vừa qua. Đây là bang ghi nhận số ca tử vong nhiều nhất chỉ trong 1 ngày tại Mỹ kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 385 trường hợp tử vong kể từ đầu tháng 3 tại tiểu bang này.

New York hiện vẫn là trung tâm của dịch COVID-19 tại Mỹ. Virus SARS-CoV-2 đã khiến 37.258 người bị lây nhiễm tại đây, chiếm khoảng ½ tổng số ca dương tính tại nước này. Ông Cuomo cũng cảnh báo  dịch COVID-19 sẽ tiếp tục tồi tệ hơn tại tiểu bang khi mà đỉnh điểm bùng phát dịch bệnh tại bang này có thể sẽ còn kéo dài thêm 2 tuần nữa.

Theo một nghiên cứu của trường Đại học Washington, Mỹ sẽ  có khoảng 38.000-162.000 người tử vong trong vòng 4 tháng tới bởi dịch COVID-19 và các bệnh viện có thể sẽ bị quá tải vào tuần thứ 2 của tháng 4.

Theo CNN, các chuyên gia y tế hàng đầu ở Mỹ cảnh báo nguy cơ bác sĩ buộc phải chọn lựa bệnh nhân COVID-19 để điều trị do bệnh viện quá tải tương tự như ở Italy, Anh và Tây Ban Nha.

Dịch COVID-19 đang bùng phát nhanh chóng khiến Tổng thống Donald Trump phải tuyên bố về tình trạng đại thảm họa đối với các bang New York, Illinois, California, Florida, Washington và Louisiana. Cũng theo Tổng thống Trump, ông đang chuẩn bị đưa ra các hướng dẫn mới đối với việc phòng chống dịch COVID-19, theo đó phân loại mức độ nguy cơ cao, nguy cơ trung bình và nguy cơ thấp đối với các hạt ở các bang của Mỹ.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, giới chức Mỹ cũng đã ban hành một loạt các biện pháp nhằm ứng phó với những hậu quả chưa từng thấy đối với mọi mặt của đời sống cả xã hội lẫn kinh tế của nước này.

Sáng ngày 26/3 (theo giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói ngân sách giải cứu kinh tế lên tới 2.000 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay. Khoản tiền này sẽ được chi để ứng phó đại dịch, hỗ trợ người dân, bệnh viện cũng như các doanh nghiệp Mỹ chịu thiệt hại vì COVID-19.

Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua gói ngân sách này vào ngày 27/3 và cuối cùng là Tổng thống Donald Trump ký thành luật để giải ngân.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với nhóm đặc trách chống COVID-19 ngày 26/3, Tổng thống Donald Trump cảm ơn lưỡng đảng tại Thượng viện đã cùng thông qua gói hỗ trợ trị giá 2.000 tỷ USD, đồng thời hy vọng dự luật này cũng sẽ sớm được thông qua tại Hạ viện. Ông Trump cũng tiếp tục nhấn mạnh nước Mỹ cần quay trở lại công việc, tuy nhiên ông cũng khuyến cáo người dân tiếp tục tránh tiếp xúc xã hội nhằm hạn chế sự lây lan của virus.

Tính đến nay, dịch COVID-19 đã lan ra 199 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Theo Worldometer, thế giới ghi nhận đã có 531.804 ca dương tính với COVID-19 và 24.073 ca tử vong; đã có 123.942 ca bình phục.

leftcenterrightdel
 Hiện Mỹ đã vượt Trung Quốc, Italy về số ca nhiễm COVID-19. (Ảnh: AP)

Châu Âu vẫn báo động về số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19

Châu Âu hiện vẫn đang là điểm nóng của dịch bệnh COVID-19. Theo Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu, khu vực này hiện đã ghi nhận hơn 220.000 trường hợp mắc COVID-19 và 11.987 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Điều đó cho thấy, khoảng 60% số các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 70% số các trường hợp tử vong là ở châu Âu.

Italy

Theo số liệu thống kê mới nhất của trang Worldometer, nước này ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 tử vong cao nhất thế giới với 8.215 ca trong số 80.589 ca mắc bệnh.

Thành phố Bergamo, Italy - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh đã phải gửi nhiều thi thể đến các nhà hỏa táng ở các thị trấn lân cận, do số người tử vong tại đây liên tục tăng cao. Theo số liệu từ các cơ quan chức năng của Italy, nạn nhân chủ yếu của COVID-19 là người già và người có bệnh lý nền. Tỷ lệ tử vong trong số các ca nhiễm COVID-19 được xác nhận ở Italy là 10,1%, cao hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Tây Ban Nha

Nước này cũng ghi nhận có số ca tử vong nhiều thứ 2 trên thế giới với 4.365 ca trong số 57.786 ca mắc.

Các chuyên gia y tế dự đoán tình hình dịch COVID-19 tại đây vẫn còn xấu đi nữa trước khi tốt dần lên. Đây là một viễn cảnh đáng ngại cho đất nước Tây Ban Nha hiện trong tình trạng quá tải, cạn kiệt các dịch vụ y tế trong khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 hiện tăng lên nhanh chóng.

Pháp

Tính đến sáng 27/3, Pháp ghi nhận có 29.155 ca dương tính với COVID-19, trong đó 1.696 ca tử vong. Nước này cũng ghi nhận có 3.922 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 và 365 ca tử vong trong vòng 24h qua.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, sẽ triển khai chiến dịch quân sự mang tên “Résilience – Kiên cường kháng cự” nhằm đấu tranh với đại dịch COVID-19.

Đến thăm bệnh viện dã chiến tại thành phố Mulhouse, tỉnh Haut-Rhin, vùng Grand Est ngày 25/3, Tổng thống Macorn thông báo huy động lực lượng quân đội bảo vệ dân chúng trước sự tấn công của dịch COVID-19.

Với chiến dịch "Résilience", quân đội sẽ trợ giúp chính phủ, các cơ quan nhà nước, hỗ trợ nhân dân chống COVID-19 trên lãnh thổ Pháp và ở các vùng hải ngoại.

Cũng trong chuyến này, Tổng thống Macron thông báo một kế hoạch đầu tư quy mô cho các bệnh viện tại Pháp.

Anh

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Đại học Johns Hopkins, tính đến nay, Anh ghi nhận có 11.812 ca mắc COVID-19, trong đó có 578 trường hợp tử vong.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak ngày 26/3 tuyên bố Anh đã phát động chương trình can thiệp kinh tế lớn bậc nhất trong lịch sử nước này, đồng thời cảnh báo những thách thức nặng nề sắp tới. 

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Sunak công bố gói hỗ trợ cho khoảng 5 triệu lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo đó, Chính phủ Anh sẽ hỗ trợ trả tiền cho những lao động tự do bị ảnh hưởng thu nhập bởi lệnh phong tỏa của chính phủ. Đây được xem là một trong những biện pháp bổ sung nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế Anh. 

Đức

Cũng theo số liệu cập nhật từ Đại học Johns Hopkins, tính đến sáng ngày 27/3, trên cả nước Đức đã ghi nhận 43.938 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 267 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong đối với người nhiễm virus SARS-CoV-2 hiện là khoảng 0,5%, đây là một con số tương đối thấp, đáng ngạc nhiên khi so sánh với các quốc gia khác.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đánh giá Đức là nước dẫn đầu thế giới về số lượng xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 với hơn 360.000 xét nghiệm được thực hiện hàng tuần.

Các tổ chức thế giới kêu gọi các quốc gia chung tay đẩy lùi dịch bệnh

WHO

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tại một cuộc họp báo thường kỳ, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước tận dụng "cơ hội thứ hai" quan trọng hiện nay để chặn đứng đà lây lan của dịch COVID-19.

Bloomberg dẫn lời Nhà lãnh đạo WHO cho hay, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus khuyên Chính phủ các nước nên ngừng lãng phí thời gian quí báu để tập trung đẩy lùi đại dịch sau khi bỏ lỡ cơ hội tiềm năng ban đầu.

"Chúng ta đã bỏ phí cánh cửa cơ hội đầu tiên", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói. "Thời điểm cần phải hành động thực chất là hơn một tháng hoặc hai tháng trước", ông nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc Ghebreyesus cho biết, cơ hội này có được nhờ các nước và vùng lãnh thổ đang áp dụng các biện pháp phong tỏa chưa từng thấy để kiềm chế dịch bệnh. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, các biện pháp này tự thân không thể dập dịch được mà cần áp dụng đồng thời nhiều quyết sách quan trọng khác.

Nhà lãnh đạo WHO đặc biệt kêu gọi các nước mở rộng, huấn luyện và triển khai lực lượng chăm sóc y tế và sức khỏe cộng đồng, thực thi một hệ thống xác định mọi ca nghi ngờ nhiễm bệnh ở cấp độ cộng đồng, tăng cường sản xuất thiết bị y tế và tăng khả năng xét nghiệm. 

Liên hợp quốc

Cũng trong một diễn biến liên quan, tại một cuộc họp báo chung vừa diễn ra, các quan chức hàng đầu của Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo đại dịch COVID-19 do chủng mới virus Corona (SARS-CoV-2) đang đe dọa đến toàn nhân loại và kêu gọi các quốc gia tiếp tục hỗ trợ nhân đạo, đặc biệt các nước có cơ sở hạ tầng trang thiết bị y tế yếu kém nhằm giảm thiểu những tác động chưa từng có mà đại dịch COVID-19 đang gây ra.

Tổng thư ký Antonio Guterres đã công bố một kế hoạch hỗ trợ nhân đạo toàn cầu trị giá 2 tỷ USD cho những nước kém phát triển nhất thế giới nhằm bảo vệ hàng triệu con người trước ảnh hưởng chưa từng có mà đại dịch COVID-19 đang gây ra.

Theo ông Guterres, sáng kiến này nhằm giúp những nước kém phát triển nhất chống lại COVID-19, cũng như giải quyết những nhu cầu thiết yếu của những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, đặc biệt phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật hoặc người mắc bệnh mãn tính./.

 

Hoài Hà (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực