Mỹ tiến hành bay thử nghiệm Boeing 737 MAX

Thứ ba, 30/06/2020 15:00
(ĐCSVN) – Ngày 29/6, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã phối hợp với tập đoàn sản xuất và chế tạo máy bay Boeing tổ chức các chuyến bay thử nghiệm đối với dòng máy bay 737 MAX vốn đang bị cấm bay kể từ tháng 3/2019.
 Một máy bay Boeing 737 MAX tại Sân bay thành phố Renton, bang Washington. (Ảnh: Reuters)

Chuyến bay thử nghiệm kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ do các phi công và thành viên phi hành đoàn của FAA và tập đoàn Boeing thực hiện. Máy bay đã hạ cánh vào khoảng 14 giờ 15 phút (giờ địa phương) tại Sân bay Quốc tế King County (Boeing Field) tại thành phố Seattle, phía Đông bang Washington. Trong chuyến bay, các phi công đã thử nghiệm hệ thống tốc độ cao cùng các tính năng bay khác như cất cánh và hạ cánh.

Dự kiến, các phi công và thành viên phi hành đoàn sẽ tiến hành các chuyến bay thử nghiệm trong vòng ít nhất 3 ngày. Đây là động thái đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình nhằm đưa dòng máy bay thương mại 737 MAX quay trở lại hoạt động.

Phi hành đoàn sẽ sử dụng chiếc 737 MAX được trang bị thiết bị thử nghiệm đặc biệt nhằm đảm bảo rằng các biện pháp bảo vệ mới mà Boeing bổ sung cho hệ thống điều khiển bay sẽ đủ mạnh để ngăn chặn các tình huống đã gây ra tai nạn trước đó.

Boeing đã nâng cấp phần mềm cho hệ thống điều khiển bay vốn đã được nhanh chóng xác định là nguyên nhân chính gây ra hai vụ tai nạn thảm khốc. Tuy nhiên, việc cấp phép hoạt động cho Boeing 737 MAX bị trì hoãn do các vấn đề mà các nhà chức trách về an toàn hàng không đã phát hiện sau đó.

Boeing cho biết, hãng hy vọng sẽ nhận được sự chấp thuận hoàn toàn đối với dòng máy bay này để phục vụ khách hàng trở lại vào giữa năm nay. Trong một bức thư gửi tới Quốc hội vào ngày 28/6, FAA cho biết, hãng này chưa xác định rõ thời gian nào lệnh cấm bay sẽ được dỡ bỏ.

Nội dung bức thư ghi rõ: “FAA sẽ đánh giá các thay đổi do Boeing đề xuất đối với hệ thống kiểm soát bay tự động của 737 MAX. Việc thử nghiệm dự kiến sẽ kéo dài trong vài ngày và bao gồm một loạt thao tác bay cũng như quy trình khẩn cấp. Qua đó, cơ quan quản lý sẽ đánh giá xem các thay đổi có đáp ứng được những tiêu chuẩn của FAA hay không”.

 Boeing phối hợp với FAA tiến hành thử nghiệm bay đối với 737 MAX. (Video: CNBC)

Boeing đang hợp tác với FAA nhằm đưa 737 MAX quay trở lại hoạt động. Công ty ban đầu hy vọng máy bay sẽ được phép trở lại bầu trời trước cuối năm 2019, nhưng nỗ lực đã gặp phải một số trở ngại, bao gồm cả vấn đề lỗi phần mềm mới được phát hiện hồi tháng 2.

Theo FAA, quy trình bay thử nghiệm sẽ bao gồm nhiều tình huống bay giả định cũng như các trường hợp khẩn cấp để giúp FAA đánh giá liệu những điều chỉnh của Boeing có đáp ứng tiêu chuẩn cấp phép của FAA hay không.

Hãng chế tạo máy bay hàng đầu của Mỹ nỗ lực khắc phục các lỗi phần mềm và nâng cấp chương trình tập huấn bay cho phi công để đảm bảo mục tiêu được cấp phép đưa mẫu 737 MAX trở lại bầu trời vào giữa năm 2020 và khôi phục uy tín cho dòng máy bay thân rộng này. Tuy nhiên, trong bối cảnh mọi hoạt động đều đình trệ vì đại dịch COVID-19, Boeing mới đây cho rằng có thể thời điểm này sẽ lùi tới quý III năm nay.

Việc dòng máy bay 737 MAX bị đình chỉ trên khắp thế giới đã khiến Boeing thiệt hại 18,7 tỷ USD và dường như thiệt hại này sẽ còn tiếp tục gia tăng. Boeing cũng đã tạm thời ngừng phát triển dòng 737 MAX kể từ tháng 1, trước thời điểm đại dịch COVID-19 diễn ra và gây ảnh hưởng tới ngành hàng không trên toàn thế giới. Theo công bố của Boeing, công ty quyết định đình chỉ sản xuất dòng máy bay này nhằm tập trung vào việc giao hàng khoảng 400 chiếc Boeing 737 MAX hiện đã được cất trữ. Tháng 5 vừa qua, hãng này cũng đã tái sản xuất dòng máy bay 737 MAX.

Hoạt động của Boeing 737 MAX đã bị đình chỉ sau hai thảm họa liên quan đến dòng máy bay này. Vào ngày 10/3/2019, một chiếc Boeing 737 MAX của hãng hàng không Ethiopian Airlines bị rơi ở Ethiopia khiến 157 người thiệt mạng.

Trước đó, vào ngày 29/10/2018, một máy bay Boeing 737 MAX khác của Hãng hàng không giá rẻ Lion Air của Indonesia gặp nạn cũng khiến 189 người thiệt mạng.

Boeing đã từng thừa nhận cả hai trường hợp máy bay gặp sự cố đều có liên quan đến Hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS) do Boeing chế tạo./.

Hoài Hà (Theo Reuters, CNN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực