Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cắt giảm lãi suất

Thứ năm, 08/08/2019 14:58
(ĐCSVN) – Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) ngày 7/8 vừa quyết định cắt giảm thêm lãi suất trong năm nay, mức thấp nhất kể từ 4/2010 nhằm kích thích tăng trưởng nền kinh tế hiện đang trong tình trạng trì trệ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: milleniumpost.in)

Việc cắt giảm lãi suất đợt này của RBI cao hơn mức dự đoán của các nhà kinh tế. Theo đó, lãi suất cơ bản đồng Rupee được RBI cắt giảm 0,35% điểm cơ bản, còn 5,4%, đánh dấu đợt cắt giảm lãi suất lần thứ tư của ngân hàng trong năm nay.

RBI cho biết rằng cần phải cắt giảm thêm lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư tư nhân. Quyết định cắt giảm lãi suất được ông Shaktikanta Das thực hiện lần thứ 4 kể từ khi lên nắm quyền Thống đốc RBI vào tháng 12/2018.

RBI đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ sụt giảm trong những tháng gần đây. Trong quý I, GDP nước này giảm từ 6,6% xuống 5,8%. Theo cựu cố vấn kinh tế trưởng của Chính phủ Ấn Độ, ông Arvind Subramanian tháng 6 cho biết, tăng trưởng của Ấn Độ vài năm qua có thể đang được “đánh giá quá cao” so với tình hình thực tế.

“Kinh tế trong nước đang phải đối mặt với những cơn gió ngược, đặc biệt là trên mặt trận toàn cầu”, RBI cho biết trong một tuyên bố hồi tháng 4 tại Mumbai.“Điều cần làm là tăng cường các động lực tăng trưởng trong nước bằng cách thúc đẩy đầu tư tư nhân vẫn còn chậm chạp”.

Động thái cắt giảm lãi suất đánh dấu sự nới lỏng mạnh mẽ nhất của RBI trong số các Ngân hàng Trung ương của các thị trường mới nổi năm 2019 trong bối cảnh lạm phát chậm lại và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chuyển sang lập trường chính sách ôn hòa hơn.

FED trước đó đã chính thức thông báo cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày của Ủy ban Thị trường mở Liên bang từ 30-31/7 tại Washington, Mỹ. Theo đó, cắt giảm lãi suất Quỹ Dự trữ Liên bang 0,25% từ mức mục tiêu 2,25% - 2,5% xuống 2% - 2,25%. Đây là lần đầu tiên FED cắt giảm lãi suất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007 - 2008. 

Các dấu hiệu suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và mong muốn thúc đẩy lạm phát quá thấp là lý do để FED đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất. Ngân hàng trung ương Mỹ cũng để ngỏ một đợt cắt giảm lãi suất khác từ nay đến cuối năm 2019.

Ba Ngân hàng Trung ương ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày 7/8 đồng loạt có động thái hạ lãi suất đầy bất ngờ nhằm ứng phó với triển vọng tăng trưởng ngày càng xấu của nền kinh tế toàn cầu.

Ngân hàng Trung ương New Zealand, hạ lãi suất 0,5% điểm cơ bán, về mức thấp kỷ lục 1%. Trước đó, giới phân tích dự báo mức giảm 0,25% điểm cơ bản.

Ngân hàng Trung ương Thái Lan giảm lãi suất cơ bản đồng Baht 0,25%, còn 1,5%. Đây là lần giảm lãi suất đầu tiên của Thái Lan trong hơn 4 năm. Ngân hàng Trung ương Thái Lan hạ lãi suất gần như không nằm trong dự báo trước đó của giới phân tích.

Xu thế giảm lãi suất đã được dự báo từ đầu năm nay, trong bối cảnh các nước đều đồng loạt tăng cường kích thích tăng trưởng, ứng phó với các biến động toàn cầu./.

Hoài Hà (Theo CNN, India Today)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực