Ngân hàng Trung ương châu Âu “bơm” thêm 600 tỷ Euro mua trái phiếu

Thứ sáu, 05/06/2020 16:30
(ĐCSVN) – Tại cuộc họp báo ngày 4/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định "bơm" thêm 600 tỷ Euro (hơn 674 tỷ USD) để mở rộng chương trình khẩn cấp thu mua trái phiếu trong đại dịch (PEPP) nhằm hỗ trợ các nước trong cuộc chiến chống COVID-19.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde. (Ảnh: laprensalatina.com)

Như vậy, với quyết định này, ECB sẽ dành khoản ngân sách lên đến 1,35 nghìn tỷ EUR cho hoạt động mua tài sản. Chương trình PEPP được kỳ vọng sẽ kéo dài ít nhất đến tháng 6/2021 thay vì đến cuối năm 2020 như dự tính ban đầu. Tiền thu được từ những tài sản được mua trong quá trình sẽ được tái đầu tư ít nhất đến cuối năm 2022.

Cũng theo công bố, ECB cũng quyết định giữ nguyên tỷ lệ lãi suất cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay ở mức thấp kỷ lục 0,25% và lãi suất tiền gửi ở mức -0,5%.

Bên cạnh đó, ECB cũng tiếp tục duy trì chương trình mua trái phiếu trị giá 20 tỷ EUR/tháng (22 tỷ USD/tháng). Chương trình này được ECB tái khởi động từ tháng 11/2019.

Động thái của ECB được đưa ra sau khi Chủ tịch Christine Lagarde đã hạ dự báo tăng trưởng GDP khu vực xuống mức âm từ 8-12% trong năm nay và giữa bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 7,3% trong tháng 4 so với mức 7,1% trong tháng 3 do ảnh hưởng của lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Tại cuộc họp, bà Lagarde cho biết, kinh tế khu vực Eurozone đang có nhiều dấu hiệu “lập đáy” suy giảm khi các nước dần mở cửa trở lại nền kinh tế.  Nền kinh tế khu vực Eurozone chỉ tăng trưởng 0,1% trong quý I/2020 và được dự báo sẽ suy giảm đáng kể trong quý II/2020. Bà Christine Lagarde dự báo tăng trưởng của khu vực có thể sẽ suy giảm 8,7% trong năm 2020 và trong trường hợp xấu nhất có thể giảm đến 15%.

Bà Lagarde đánh giá, trong bối cảnh các nước đang dần mở cửa trở lại, những dấu hiệu của suy thoái hiện đã không còn. Tuy nhiên, hoạt động phục hồi lại khá yếu ớt so với mức giảm mạnh của các chỉ số kinh tế trong những tháng trước đó. ECB dự báo, kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng ở mức 5,2% trong năm 2021 và 3,3% trong năm 2022 nhờ vào những gói kích thích quy mô lớn từ ECB cũng như Chính phủ các nước.

Các dự báo này được cho là giảm đáng kể so với các dự báo được ECB đưa ra hồi tháng 3 vừa qua khi dự báo tăng GDP của khối này đạt 0,8% trong năm 2020. ECB cũng cho rằng ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ khiến lạm phát chỉ giảm ở mức 0,3% năm 2020; 0,8% trong năm 2021 và 1,3% trong năm 2022. Bà Christine Lagarde cho rằng các dự báo tăng trưởng của Eurozone trong năm nay sẽ còn phụ thuộc vào thời gian áp dụng và mức độ hiệu quả của các biện pháp hạn chế cũng như các chính sách hiệu quả được thực thi nhằm giảm nhẹ tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng gây ra đối với nền kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng Holger Schmieding nhận định, chương trình khẩn cấp thu mua trái phiếu trong đại dịch PEPP được đưa ra lớn hơn so với dự đoán trước đó. Động thái này của ECB là một “tín hiệu mạnh mẽ nhằm thúc đẩy  niềm tin của các doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình”.

Trước đó, vào tháng 3 vừa qua, Hội đồng quản trị ECB đã họp bất thường để đưa ra những biện pháp khẩn cấp ứng phó với đại dịch COVID-19. Theo đó, ECB đã tung ra chương trình khẩn cấp thu mua trái phiếu trong đại dịch trị giá lên tới 750 tỷ EUR đến hết năm 2020. Theo đó, trong gói nới lỏng định lượng kinh tế lần này, ECB cho biết sẽ thực hiện việc mua lại cả các giấy tờ có giá từ các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp phi ngân hàng nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tín dụng ngắn hạn. Việc mua lại các giấy tờ có giá được ECB kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp đảm bảo được khả năng thanh khoản, duy trì được việc trả lương cho người lao động cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh thường nhật./.

Hoài Hà (Theo CNBC, Bloomberg)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực