Nhật Bản vận hành trạm radar gần đảo tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông

Thứ hai, 28/03/2016 17:40
(ĐCSVN) - Ngày 28/3, Nhật Bản sẽ chính thức vận hành một trạm radar với nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo một cách thường trực tại khu vực gần Đài Loan (Trung Quốc) và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh trên biển Hoa Đông.


Đảo Yonaguni thuộc quận Okinawa của Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/Reuters)

Hãng tin Reuters, ngày 28/3 cho biết, trạm radar được xây dựng trên đảo Yonaguni, điểm cực Tây trong chuỗi đảo do Tokyo kiểm soát trên biển Hoa Đông và cách quần đảo đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư 150 km (khoảng 93 dặm) về phía Nam. Trạm radar này thuộc quyền quản lý của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF).

Giáo sư Nozomu Yoshitomi thuộc trường Đại học Nihon của Nhật Bản, nguyên là Tướng cấp cao trong SDF cho biết, ngoài chức năng thu thập thông tin, trạm radar mới này có thể được sử dụng là một căn cứ cho các chiến dịch quân sự của Nhật Bản trong khu vực. Vị trí triển khai trạm radar này phù hợp với kế hoạch tăng cường sức mạnh quân đội tại khu vực dọc theo một chuỗi đảo trải dài 1.400 km tính từ thềm lục địa Nhật Bản. Cũng theo dự báo của ông Yoshitomi thì việc Nhật Bản vận hành trạm radar này có nhiều khả năng sẽ vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc.

Cách đây ít lâu, hãng tin Reuters dẫn nhận định của một số nhà hoạch định chính sách cho biết, việc triển khai hệ thống radar này là một phần trong chiến lược nhằm “kiềm chế” Trung Quốc tại Tây Thái Bình Dương  trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng sự hiện diện quân sự tại Biển Đông. 

Giáo sư Toshi Yoshihara, thuộc Trường Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho biết đảo Yonaguni nằm cạnh hai điểm nóng tại châu Á là Đài Loan (Trung Quốc) và quần đảo tranh chấp mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư còn Tokyo gọi là Senkaku trên biển Hoa Đông. Giáo sư Yoshihara cho rằng, việc thiết lập một mạng lưới radar chồng chéo dọc theo chuỗi đảo do Nhật Bản kiểm soát sẽ giúp Tokyo tăng cường khả năng giám sát ở biển Hoa Đông.

Trong một tuyên bố mới đây, Đại tá Masashi Yamamoto, tùy viên quân sự Đại sứ quán Nhật Bản tại Mỹ cũng xác nhận rằng Nhật Bản đang có kế hoạch mở rộng mạng lưới giám sát trên biển Hoa Đông tại khu vực xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc. Trạm radar quan sát mới trong mạng lưới này sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 28/3, được vận hành bởi 150 binh sỹ thuộc Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSDF). 

Ông Yamamoto cho biết, việc vận hành mạng lưới quan sát này là “Giai đoạn 0” trong một loạt các biện pháp ứng phó mà chính phủ Nhật Bản đã thông qua vào năm 2013 trong trường hợp “căng thẳng liên tiếp gia tăng”. “Giai đoạn 1” là việc thiết lập lực lượng phản ứng nhanh của JGSDF, gồm một đơn vị bộ binh, một đơn vị pháo binh và một đơn vị được trang bị các phương tiện chiến đấu mới. “Giai đoạn 2” sẽ được kích hoạt trong trường hợp các hòn đảo của Nhật Bản bị chiếm đóng. Trong tình huống này, một hải quân và lữ đoàn đổ bộ sẽ được huy động để giành lại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Đảo Yonaguni nằm ở vị trí cách phía cách phía Đông Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 100 km (62 dặm), gần bên rìa Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) gây nhiều tranh cãi do Trung Quốc đơn phương thiết lập vào năm 2013.

Trong vòng 5 năm tới, Nhật Bản có kế hoạch tăng cường sự hiện diện của SDF trên vùng biển Hoa Đông lên khoảng 10.000 người, đồng thời triển khai các khẩu đội tên lửa giúp Tokyo tạo nên một “bức rèm” phòng thủ tại khu vực dọc chuỗi đảo do Nhật Bản kiểm soát – vốn là tuyến đường đi bắt buộc của các tàu Trung Quốc khi xuất phát từ vùng biển phía Đông hướng tới vùng biển Tây Thái Bình Dương.

Được biết, trong ngày 28/3, quân đội Nhật Bản sẽ tổ chức một buổi lễ đánh dấu ngày trạm radar tại đảo Yonaguni bắt đầu hoạt động. Đảo Yonaguni có diện tích 30 km2, với 1.500 người sinh sống chủ yếu dựa vào nghề chăn nuôi gia súc và trồng mía. Lực lượng SDF cùng gia đình được triển khai tới đảo Yonaguni sẽ khiến dân số tại đây tăng thêm 1/5./.

Thu Lan (Theo Reuters, DefenseNews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực