Phía sau căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc

Thứ năm, 20/09/2018 10:59
(ĐCSVN) - Quyết định áp thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã đẩy căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới trước một cuộc chiến tranh thương mại tổng lực. Mục tiêu chiến lược đằng sau cuộc chiến này đang đang được dư luận quốc tế quan tâm.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có hồi kết

Ngày 17/9/2018, Tổng thông Mỹ D. Trump thông báo, từ ngày 24/9 sẽ áp mức thuế 10% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD và sau đó là mức thuế lên tới 25% vào đầu năm 2019. Danh sách hàng hóa trị giá 200 tỷ USD chịu mức thuế mới sẽ bao gồm nhiều sản phẩm công nghệ Internet, điện tử, bảng mạch in và hàng tiêu dùng khác nhau, từ hải sản, hóa chất, túi xách đến xe đạp, đồ trang sức và đồ nội thất.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có hồi kết (Ảnh: Reuters)

Quyết định ngày 17/9 của Tổng thống Mỹ được đưa ra dựa theo kết quả của một cuộc điều tra cho thấy, Trung Quốc đã có một loạt các chính sách cũng như hoạt động không công bằng liên quan đến sở hữu trí tuệ và công nghệ của Mỹ. Tổng thống Trump cũng cảnh báo nếu Trung Quốc có hành động trả đũa nhằm vào nông dân và các ngành công nghiệp của Mỹ, Mỹ sẽ lập tức tiến hành giai đoạn ba, áp thuế đối với 267 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Nếu việc Mỹ áp thuế đối với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trở thành hiện thực, điều này đồng nghĩa với việc gần như mọi thứ hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều bị đánh thuế. Do đó, chắc chắn Trung Quốc sẽ có thể đưa ra các biện pháp trả đũa đối với Mỹ.

Quyết định áp thuế mới của Mỹ lên hàng hóa của Trung Quốc lần này đã thực sự gây nhiều lo ngại cho cả hai bên, nhất là trong bối cảnh các quan chức của Mỹ và Trung Quốc đang dự định sẽ tiếp tục đối thoại để tháo gỡ bất đồng (dự kiến vào ngày 20/9). Do đó, việc Mỹ quyết định áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc được cho là sẽ đẩy những nỗ lực đàm phán rơi vào bế tắc.

Phản ứng lại quyết định áp thuế của Mỹ, ngày 18/9, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ có biện pháp đáp trả. Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh lấy làm tiếc trước quyết định trên của Washington. Trong tình hình này, Trung Quốc sẽ "buộc phải có các biện pháp đáp trả phù hợp để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cũng như trật tự thương mại tự do toàn cầu". Cũng theo người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, các khoản thuế bổ sung của Mỹ đã làm gia tăng bất ổn trong hoạt động tham vấn song phương. Ngoài ra, Trung Quốc hy vọng Mỹ nhận thức được "những nguy cơ gây hại của hành động trên và sớm có phương án khắc phục". Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc còn cho biết, các biện pháp thuế quan đáp trả của Trung Quốc cũng sẽ được công bố ngay lập tức vào ngày 24/9 tới.

Cũng trong ngày 18/9, trong cuộc họp báo tại Thiên Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát và quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) Phương Tinh Hải cho biết cụ thể hơn: “Các biện pháp áp thuế của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ không phát huy tác dụng do Trung Quốc có nhiều công cụ chính sách tiền tệ và tài chính để đối phó”.

Những động thái trên khiến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc vẫn chưa thể đi đến hồi kết, trong bối cảnh cả hai bên không có dấu hiệu nhượng bộ lẫn nhau. Giới quan sát cũng không đặt niềm tin vào các cuộc đàm phán sắp tới mà cho rằng, đó chỉ là động thái “câu giờ” của hai bên trước khi đi đến một giải pháp mà cả hai bên có thể chấp nhận được. Trước đó, ngày 22 và 23/8, tại thủ đô Washington của Mỹ, các quan chức Mỹ và Trung Quốc tiến hành đàm phán về thương mại. Tuy nhiên, vòng đàm phán không đạt được bất kỳ đột phá nào. Hai bên chỉ nhất trí sẽ tiếp tục tiếp xúc để thảo luận "các kế hoạch tương lai".

Căng thẳng leo thang, thương mại toàn cầu sụt giảm

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu được thổi bùng lên từ hồi tháng 3/2018 sau khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ áp thuế nhập khẩu mới với mặt hàng nhôm và thép. Kể từ đó, Washington và Bắc Kinh đã tiến hành một số đợt áp thuế trả đũa qua lại, trong khi các cuộc tham vấn thương mại song phương đều không đạt kết quả. Từ mùa Hè năm nay, Tổng thống Trump đã ra lệnh cho các nhân viên bắt đầu chuẩn bị vòng đánh thuế quan mới, khiến căng thẳng thương mại leo thang. Ông Trump nhiều lần ẩn ý rằng sẵn sàng áp đặt các mức thuế mới, mặc dù đã nhận được nhiều cảnh báo từ các chuyên gia kinh tế và sự phản đối từ cộng đồng doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Trung Quốc William Zarit cảnh báo rằng, chính quyền Mỹ đang đối mặt với nguy cơ rơi vào "vòng xoáy" của cuộc chiến thương mại với những đòn "công kích và đáp trả", vốn không đem lại lợi ích cho bên nào.

Ở cấp độ kinh tế vĩ mô, hãng tư vấn Oxford Economics có trụ sở tại Anh ước tính, các biện pháp đáp trả thương mại lẫn nhau sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của Mỹ và Trung Quốc giảm khoảng 0,1-0,2% trong năm 2018. Quy mô của nền kinh tế Mỹ năm 2017 là 19.400 tỷ USD trong khi của Trung Quốc là 12.000 tỷ USD. Như vậy, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm 0,1-0,2% sẽ tương ứng với mức giảm là 30-60 tỷ USD.

Còn nhìn từ cấp độ kinh tế vi mô, với Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc xuất khẩu hàng sang Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại giữa hai nước. Trong khi với Mỹ, thuế quan của Mỹ cũng sẽ làm giảm số hàng hóa của nước này sang một thị trường xuất khẩu lớn đang phát triển. Việc Tổng thống Mỹ Trump mở rộng thuế quan đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng khiến nhiều công ty của Mỹ, trong đó có hãng công nghệ Apple bị thiệt hại.

Theo kết quả một cuộc thăm dò của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, đa số các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc đã bị tác động mạnh sau những căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn trên thế giới. Cuộc thăm dò này được tiến hành từ ngày 29/8 đến 5/9 đối với hơn 430 công ty Mỹ hoạt động tại cường quốc châu Á này. Theo đó, hơn 60% các công ty cho biết lợi nhuận và nhu cầu của khách hàng sụt giảm do hai nước áp thuế trả đũa lẫn nhau. Bên cạnh đó, khoảng 74,3% các công ty nói rằng sẽ bị ảnh hưởng nếu Mỹ tiếp tục áp thuế bổ sung đối với lượng hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, trong khi khoảng 67,6% số ý kiến bày tỏ tâm lý bi quan tương tự nếu Trung Quốc áp thuế trả đũa đối với lượng hàng hóa của Mỹ trị giá 60 tỷ USD. Ngoài ra, hơn 52% các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc cho rằng chính quyền Bắc Kinh đang “gây khó dễ” cho họ bằng nhiều biện pháp như thủ tục thông quan chậm, thanh tra gắt gao, hành chính quan liêu.

Trước tình hình này, các công ty Mỹ tại Trung Quốc đã cân nhắc phương án rời khỏi nước này và chuyển sang các nước khác ở châu Á. Cụ thể, có khoảng 30% số hãng đang xúc tiến chuyển chuỗi cung ứng của mình khỏi Trung Quốc và một tỷ lệ tương ứng các hãng đã hủy các dự án đầu tư. Tương tự, theo khảo sát của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc đối với gần 200 hãng châu Âu tại nước này, 17% số các công ty đã hủy dự định đầu tư thêm và mở rộng hoạt động.

Viện Kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở ở Washington thì đưa ra kết luận, không chỉ tác động tới Mỹ và Trung Quốc, căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này còn ảnh hưởng tới nhiều nền kinh tế khác trong bối cảnh các nền kinh tế có mối liên kết ngày càng chặt chẽ trong một nền kinh tế thế giới “mở” như hiện nay. Tăng trưởng kinh tế của Singapore dự kiến sẽ giảm 0,8%, cùng lúc số liệu biểu thị của Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia cũng sẽ ghi nhận mức giảm 0,6% xuống còn 2,8%/năm và 5%/năm. Ngoài ra, thị trường kinh tế Hàn Quốc cũng chung số phận, với mức tăng trưởng trong năm 2018 sẽ thấp hơn 0,4% so với mức dự kiến 2,9% đã được lập ra vào cuối năm 2017.

Nhiều nước châu Á đang triển khai xuất khẩu các sản phẩm trung gian như chíp bán dẫn, màn hình... Cơ chế sản xuất được thực hiện khi các linh kiện sẽ chuyển đến lắp ghép tại Trung Quốc, trước khi xuất khẩu sản phẩm cuối cùng sang Mỹ. Trong trường hợp mức thuế cao bị áp đặt lên các sản phẩm này, có thể sản lượng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ trong thời gian tới sẽ giảm mạnh, cùng lúc gây nên áp lực nặng nền cho các quốc gia châu Á trong chuỗi cung ứng liên quan.

Nhiều mặt hàng xuất xứ từ các nước Châu Á-Thái Bình Dương đều phụ thuộc vào việc bán phụ tùng và nguyên liệu cũng sẽ chịu tác động không nhỏ. Ví dụ, 30% hàng xuất khẩu của Australia là bán sang Trung Quốc, trong đó có khoảng 700 triệu tấn quặng sắt và than cốc, hai nguyên liệu chính để sản xuất thép. Khi mặt hàng thép từ Trung Quốc nhập vào Mỹ bị áp thuế nặng, việc mua nguyên liệu từ Australia cũng sẽ bị tác động.

Vì vậy, khi căng thẳng thương mại bị đẩy lên thành cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, các quốc gia trong khu vực đều lo ngại nền kinh tế của họ sẽ bị ảnh hưởng. Giáo sư Shujiro Urata của Đại học Waseda, Tokyo và cựu kinh tế gia tại Ngân hàng Thế giới đã nhận định, không chỉ Mỹ và Trung Quốc bị thiệt hại trong cuộc chiến này mà các nước khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề không kém.

Mục tiêu chiến lược phía sau là gì?

Giới phân tích nhận định, với thâm hụt thương mại song phương của Mỹ đối với Trung Quốc ở mức hàng trăm tỷ USD trong nhiều năm qua, riêng trong năm 2017 là khoảng 336 tỷ USD, Tổng thống Trump kỳ vọng việc áp mức thuế cao sẽ giúp giảm mạnh mức thâm hụt thương mại này, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm và tăng cường an ninh quốc gia cho nước Mỹ.

Trong bối cảnh các quan chức Mỹ và Trung Quốc đang gấp rút chuẩn bị quay trở lại các cuộc đàm phán nhằm giảm thiểu căng thẳng thương mại giữa hai nước, quyết định áp thuế lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Trump có thể sẽ có tác động tiêu cực tới tiến trình thảo luận và khiến Bắc Kinh đồng thời sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, có thể thấy, Trung Quốc là nước đã và đang phát triển mạnh ngành công nghiệp chế tạo trong thời gian gần đây, cạnh tranh rất lớn với hàng hóa Mỹ. Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh sự phát triển của những ngành công nghiệp mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao với khẩu hiệu “Sản xuất tại Trung Quốc (Made in China)” đang đe dọa vị thế cường quốc công nghệ của Mỹ. Vì thế, rất dễ hiểu khi chính sách thương mại của Mỹ với Trung Quốc khác với chính sách thương mại của Mỹ với các quốc gia khác. Đối với các nước khác, ông Trump coi nhiệm vụ căn bản là cân bằng thương mại và củng cố các ngành công nghiệp chế tạo. Với Trung Quốc, đó không chỉ là một cuộc cạnh tranh về kinh tế.

Mỹ thấy Trung Quốc có tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu về công nghiệp chế tạo, có ý vượt qua Mỹ. Chuyện đó trở thành một áp lực rất lớn với những người làm chính sách của Mỹ, là làm sao để duy trì vị thế hàng đầu của Mỹ về kinh tế.

Điều lo ngại tiếp theo chính là việc Trung Quốc sử dụng công nghệ Mỹ không chỉ nhằm phục vụ cho các ngành kinh tế, mà còn cho ngành quốc phòng của Trung Quốc. Sản phẩm quân sự của Trung Quốc trong giai đoạn gần đây phát triển rất nhanh và có những vũ khí tiên tiến dựa trên công nghệ nước ngoài, trong đó có Mỹ.

Theo PGS.TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ (VIAS): “Mỹ đã thực hiện chính sách thương mại rất mạnh mẽ với Trung Quốc nhằm cả mục tiêu kinh tế và mục tiêu cạnh tranh chiến lược”./.

Nhữ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực