Số lượng người hút thuốc lá giảm song vẫn quá chậm

Thứ năm, 31/05/2018 17:37
(ĐCSVN) – Trong khi thế giới hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt nhấn mạnh bảo đảm sức khỏe tốt nhất cho người dân, thì sử dụng thuốc lá được chứng minh là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu có thể phòng tránh được. Giảm thiểu tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, xã hội và môi trường, vì vậy, là việc làm không thể thiếu đối với mọi quốc gia.
Thuốc lá là mối đe dọa đối với tất cả mọi người. (Ảnh minh họa: Khánh Linh)

Hiện nay, sử dụng các sản phẩm thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật, tử vong và nghèo đói trên thế giới. Trước thực tế ngày càng trở nên đáng lo ngại, WHO và các bên đối tác đã chọn ngày 31/5 hằng năm để kỷ niệm Ngày Thế giới không thuốc lá nhằm cảnh báo cho công chúng về các mối nguy hiểm đối với sức khỏe có liên quan tới việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá và thuyết phục công chúng nhằm giảm thiểu một cách hiệu quả việc tiêu thụ thuốc lá. Mục tiêu cuối cùng của Ngày Thế giới không thuốc lá là góp phần bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai khỏi những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ đối với sức khỏe mà còn đối với xã hội, môi trường và kinh tế do việc sử dụng thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động gây ra.

Nhân Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay (31/5/2018), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố báo cáo cho thấy một sự suy giảm đáng kể về số lượng người hút thuốc lá được quan sát từ năm 2000, song tốc độ suy giảm quá chậm.

Tài liệu của WHO và Liên đoàn Tim mạch Thế giới cũng nhấn mạnh mối liên hệ giữa thuốc lá và bệnh tim mạch nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Bệnh tim mạch gây ra 17,9 triệu ca tử vong mỗi năm hay 44% tổng số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Theo cả hai tổ chức này, hút thuốc lá, kể cả hút thuốc lá thụ động, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, bao gồm nhồi máu cơ tim và đột quỵ, dẫn đến khoảng 3 triệu ca tử vong mỗi năm.

Tuy nhiên, cũng tồn tại nhiều rủi ro liên quan đến thuốc lá vẫn chưa được hiểu rõ. Trong khi chúng ta thường biết rằng hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư thì đáng lo ngại là kiến thức về nguy cơ bệnh tim mạch vẫn còn rất hạn chế. "Hầu hết mọi người đều biết rằng thuốc lá gây ra ung thư và bệnh phổi, nhưng trách nhiệm trong nhồi máu cơ tim và đột quỵ vẫn chưa được làm rõ, đó là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới" – Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh.

Ông Tedros và WHO lưu ý rằng "thuốc lá không chỉ gây ung thư, mà còn phá vỡ trái tim", đặc biệt là do nhận thức thấp về vấn đề này ở một số nước. Ví dụ, ở Trung Quốc, theo Khảo sát toàn cầu về tiêu thụ thuốc lá dành cho người lớn, hơn 60% dân số không biết rằng những người hút thuốc có nguy cơ cao bị đau tim. Ở Ấn Độ và Indonesia, hơn một nửa số người trưởng thành không biết rằng người hút thuốc có nguy cơ đột quỵ.

Tuy nhiên, báo cáo nhắc lại rằng vẫn còn hơn 7 triệu ca tử vong mỗi năm do thuốc lá. Trong khi tỷ lệ người hút thuốc trên toàn cầu đã giảm từ 27% năm 2000 xuống còn 20% trong năm 2016 thì tốc độ suy giảm lượng cầu thuốc lá, tỷ lệ tử vong và bệnh tật do thuốc lá lại gia tăng với tốc độ mà theo đó sẽ không thể đạt được mục tiêu giảm 30% vào năm 2025 trong số những người từ 15 tuổi trở lên. Với tốc độ hiện tại, vào năm 2025, tỷ lệ suy giảm sẽ không vượt quá 22%.

Ngoài ra, tài liệu của WHO và Liên đoàn Tim mạch Thế giới cũng cho thấy có 1,1 tỷ người lớn hút thuốc trên toàn thế giới hiện nay và ít nhất 367 triệu người dùng thuốc lá không khói. Khoảng 7% thanh niên, hơn 24 triệu trẻ em từ 13 đến 15 tuổi hút thuốc lá (17 triệu trẻ em trai và 7 triệu trẻ em gái). Khoảng 4% trẻ em từ 13 đến 15 tuổi (13 triệu) tiêu thụ sản phẩm thuốc lá không khói.

Thiệt hại của việc hút thuốc lá cho thấy hơn 80% người hút thuốc lá sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Nhưng tỷ lệ hút thuốc lá đang giảm dần ở những nước này hơn là ở các nước thu nhập cao, và số người hút thuốc đang tăng ở các nước có thu nhập thấp.

Tiến sĩ Douglas Bettcher, Giám đốc phụ trách các bệnh không lây nhiễm của WHO, khẳng định rằng "các chính phủ có quyền hạn cần thiết để bảo vệ con người chống lại bệnh tim có thể phòng ngừa". Trong số các biện pháp làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch liên quan đến hút thuốc lá, Tiến sĩ Douglas Bettcher nhấn mạnh "việc cấm hoàn toàn hút thuốc lá ở tất cả những nơi công cộng và nơi làm việc trong nhà và việc sử dụng các cảnh báo trên bao bì cho thấy những rủi ro về sức khỏe liên quan tới sử dụng thuốc lá"./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực