Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

Thứ bảy, 29/07/2017 16:21
(ĐCSVN) – Kỷ niệm 22 năm Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN; cộng đồng quốc tế lo ngại về xung đột leo thang giữa Israel và Palestin; Quốc hội Mỹ thông qua Dự luật trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên; Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm ba nước Trung Đông; Venezuela khẳng định bầu cử Quốc hội đúng dự kiến… là một số tin tức nổi bật trong tuần qua.
Lễ thượng cờ Việt Nam ngày 28/7/1995 - Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN.
(Ảnh: mofa.vn)

Kỷ niệm 22 năm Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN

Ngày 28/7/1995, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Brunei trong buổi lễ kết nạp Việt Nam vào Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN). Sự kiện ghi dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập khu vực và thế giới của Việt Nam cũng như quá trình phát triển của Hiệp hội.

Việc Việt Nam gia nhập ASEAN đánh dấu một bước ngoặt quan trọng ở Đông Nam Á. Sự kiện chấm dứt thời kỳ căng thẳng, không ổn định và đầy nghi ngại giữa các nước trong khu vực, tạo nên khung cảnh hòa bình, an ninh và ổn định, mở ra thời kỳ phát triển mới của khu vực. Đó chính là kết quả cơ bản và bền vững của quá trình hội nhập khu vực, một bước tiến ban đầu tiến tới hội nhập quốc tế.

Chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (ASC) (nhiệm kỳ 2000 - 2001), đóng góp tích cực vào việc mở rộng thành viên của ASEAN (kết nạp các nước Lào, Myanmar, Campuchia), phát huy vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại của ASEAN với các đối tác quan trọng, như: Nga, Mỹ, Australia, Canada, Trung Quốc.

Việt Nam có nhiều đóng góp cụ thể quan trọng trong 4 lĩnh vực hợp tác chính của ASEAN về chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và quan hệ đối ngoại.

Việt Nam cùng các nước ASEAN tiếp tục thúc đẩy 14 lĩnh vực ưu tiên, triển khai các mục tiêu còn lại của Kế hoạch tổng thể APSC; tích cực triển khai sáng kiến của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM); chủ trì tổ chức thành công Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF) và tham gia các hoạt động cụ thể của ASEAN về phòng, chống khủng bố và các loại tội phạm.

Là một trong 3 nước đạt tỷ lệ cao nhất trong việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch tổng thể Xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (84,5%), Việt Nam đã và đang tích cực đàm phán về các biện pháp thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ và nỗ lực hoàn thành cam kết về xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm trong các ngành ưu tiên hội nhập, mở rộng hợp tác và liên kết kinh tế giữa ASEAN với các đối tác.

Việt Nam đã chủ động đề xuất sáng kiến, ủng hộ hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên của ASEAN hiện nay, như an sinh xã hội, môi trường, quản lý thiên tai, biến đổi khí hậu và thúc đẩy, bảo vệ quyền của lực lượng lao động di cư.

Qua 22 năm là thành viên của ASEAN, từ những bước đi bỡ ngỡ ban đầu, Việt Nam ngày càng trưởng thành, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của ASEAN với tinh thần trách nhiệm cao. Việt Nam là một trong số những nước đạt tỷ lệ thực thi cao các chương trình, biện pháp liên kết kinh tế của ASEAN.

Cộng đồng quốc tế lo ngại bạo lực leo thang giữa Israel và Palestine

Làn sóng bạo lực giữa người Palestine và Israel xung quanh việc các tín đồ Hồi giáo Palestine phản đối các biện pháp an ninh của Israel ở khu vực đền thờ Al-Aqsa đã lên đến đỉnh điểm trong tuần qua. Đụng độ đã lan khắp khu vực Bờ Tây và Dải Gaza khiến 6 người chết và hàng trăm người bị thương. Tâm lý chống Israel còn lan tới Jordan khiến Đại sứ quán Israel ở Jordan bị tiến công, nhân viên ngoại giao của Israel đã phải về nước.

Trước nguy cơ đụng độ ở Jerusalem như một “mồi lửa mới” châm ngòi bạo lực lan rộng với hậu quả vượt ra ngoài khu vực Trung Đông, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Liên đoàn Arab đã phải họp khẩn, yêu cầu các bên kiềm chế, tìm giải pháp chấm dứt xung đột.

Ngày 25/7/2017, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA Liên hợp quốc) tổ chức cuộc thảo luận mở với chủ đề “Tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine” dưới sự chủ trì của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Trung Quốc tại Liên hợp quốc, Chủ tịch HĐBA tháng 7/2017. Đại diện của gần 50 quốc gia và tổ chức quốc tế đã tham dự và phát biểu tại cuộc thảo luận.

Nhiều nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng, bạo lực leo thang và nguy cơ khủng hoảng nhân đạo tại khu vực; yêu cầu Israel ngừng ngay các hoạt động vi phạm luật nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế, thực thi đầy đủ Nghị quyết 2334 (2016) của HĐBA; hai bên sớm nối lại các cuộc thương lượng hòa bình trên cơ sở giải pháp hai nhà nước, trong đó thành lập Nhà nước Palestine với đường biên giới năm 1967 và thủ đô là Đông Jerusalem.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc chia sẻ quan ngại của cộng đồng quốc tế về tình hình Trung Đông, đặc biệt là căng thẳng leo thang giữa Israel và Palestine. Đại sứ nhấn mạnh Việt Nam lên án mọi hoạt động khủng bố, bạo lực, gây đau khổ, mất mát lớn cho thường dân, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế. Đại sứ kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, có các hành động làm giảm căng thẳng và sớm nối lại đàm phán; Israel cần chấm dứt các hành động chiếm đóng, xây dựng các khu tái định cư trái phép, tôn trọng và khôi phục nguyên trạng các thánh đường tôn giáo lịch sử, cải thiện đời sống cho người dân Palestine trong vùng chiếm đóng.

Đại sứ khẳng định lập trường của Việt Nam ủng hộ giải pháp hai nhà nước, Israel và Palestine, cùng chung sống trong hòa bình, an ninh, công nhận lẫn nhau và ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine vì những quyền cơ bản, đặc biệt là quyền tự quyết và quyền thành lập một quốc gia độc lập, có chủ quyền, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy một giải pháp hòa bình bền vững cho cuộc xung đột Israel-Palestine.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm ba nước Vùng Vịnh

Trong hai ngày 23 và 24/7/2017, với nỗ lực làm dịu cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất tại vùng Vịnh trong nhiều năm qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã thực hiện chuyến công du các nước vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, Kuwait và Qatar. Chuyến thăm được dư luận theo dõi sát sao bởi Ankara là một đồng minh đáng tin cậy của Qatar trong cuộc tranh cãi ngoại giao với các nước Arab láng giềng.

Trong chặng dừng chân đầu tiên tới Saudi Arabia, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã có cuộc gặp với Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al-Saud và thảo luận về cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh cũng như các nỗ lực chống khủng bố và các nguồn tài trợ khủng bố.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho rằng là một nước lớn trong khu vực, Saudi Arabia có vai trò quan trọng trong việc giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay giữa 4 nước vùng Vịnh với Qatar và kéo dài cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ nước nào. Còn Quốc vương Saudi Arabia Salman đã đánh giá cao những nỗ lực của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như chống tài trợ khủng bố.

Trong chuyến thăm tới Kuwait, Tổng thống Erdogan đã thảo luận với giới chức Kuwait, nước đang dẫn đầu các nỗ lực trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh. Tại cuộc gặp, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ủng hộ các nỗ lực trung gian hòa giải của Kuwait. Trong khi đó, giới chức Kuwait cũng ghi nhận những nỗ lực ngoại giao của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh.

Tại Qatar, chặng cuối trong chuyến công du tới các nước vùng Vịnh, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al-Thani đã thảo luận về các diễn biến tại khu vực như tình hình Syria và Iraq, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh hiện nay và các nỗ lực ngăn chặn, giải quyết khủng hoảng thông qua biện pháp ngoại giao, các nỗ lực chung chống khủng bố, tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, hợp tác quốc phòng và kinh tế.

Chuyến thăm được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm với kỳ vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có một vai trò đặc biệt, giúp giải quyết tình trạng căng thẳng hiện nay.

Với vai trò là một thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang có quan hệ chặt chẽ với các quốc gia tại vùng Vịnh, đặc biệt là mối quan hệ đồng minh thân thiết với Qatar.

Ngay từ khi cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh bắt đầu bùng phát, Thổ Nhĩ Kỳ đã lựa chọn chỗ đứng cho mình trong cuộc khủng hoảng ngoại giao này, đó là đứng về phía đồng minh Qatar.

Các nhà phân tích cho rằng, chuyến thăm ba nước Arab lần này của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan không chỉ nhằm “thăm dò” quan điểm của các nước Arab về cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh mà còn xoa dịu các nước cô lập Qatar nhằm tránh những đối đầu song phương.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn xây dựng hình ảnh thông qua việc tiếp cận với tất cả các bên ở vùng Vịnh. Tuy vậy sứ mệnh làm trung gian có thành công hay không còn phụ thuộc vào thiện chí và nhượng bộ của các bên.

Quốc hội Mỹ thông qua Dự luật tiếp tục trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên

Ngày 25/7, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên.

Với 419 phiếu thuận và 3 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nhằm ngăn chặn kịch bản Tổng thống D.Trump sẽ đơn phương gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga. Ngoài ra, dự luật còn kêu gọi áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm gia tăng sức ép lên Nga trước cáo buộc cho rằng nước này đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Ngày 27-7-2017, với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối (98 phiếu thuận, 2 phiếu chống), Thượng viện Mỹ đã nhất trí áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên, bất chấp việc Tổng thống Donald Trump phản đối dự luật này.

Tổng thống D.Trump đã tỏ quan điểm phản đối bản dự luật này vì cho rằng, ông không hề nhận được sự trợ giúp nào từ phía Moscow để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016, đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác Nga-Mỹ trong nhiều vấn đề như cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cuộc chiến Syria.

Liên quan với vấn đề Triều Tiên, bản dự luật đã đề cập tới một loạt các biện pháp trừng phạt được đệ trình lên Hạ viện vào tháng 5/2017 nhằm chặn đứng các nguồn hỗ trợ tài chính cho các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Đáng chú ý là bản dự luật còn cấm nhập khẩu vào Mỹ các mặt hàng được sản xuất “toàn bộ hay từng phần bởi lao động cưỡng bức của triều Tiên”, đồng thời trừng phạt các cá nhân nước ngoài có hành vi tuyển dụng lao động Triều Tiên và buộc họ làm việc trong những điều kiện vô nhân đạo. Ngoài ra, dự luật cũng đề cập tới việc áp đặt trừng phạt các hành vi cung cấp dầu thô và các sản phẩm liên quan cho Triều Tiên, đồng thời yêu cầu chính quyền Mỹ xác định rõ về việc có liệt Triều Tiên vào danh sách các nước tài trợ chủ nghĩa khủng bố hay không.

Về vấn đề Iran, bản dự luật kêu gọi áp đặt trừng phạt nhằm vào các thực thể và cá nhân của Iran có liên quan tới các hoạt động phát triển tên lửa đạn đạo mà nước này đang theo đuổi.

Hiện giới chức Nga và một vài nước châu Âu đã cảnh báo quan hệ giữa Washington với Moscow và các nước đồng minh sẽ xấu đi nếu Tổng thống D.Trump ký ban hành dự luật này. Trong tuyên bố đưa ra ngày 24/7, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Moscow đang chờ đợi lập trường cuối cùng và rõ ràng của Tổng thống D.Trump về các lệnh gia tăng trừng phạt, bởi vấn đề này không chỉ làm tổn hại đến các lợi ích của Nga và Mỹ mà còn tác động đến các nước thứ 3. Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cũng cảnh báo rằng, nước này đang giám sát chặt chẽ các động thái của Mỹ, đặc biệt liên quan tới việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga và Iran, để có thể đưa ra những phản ứng tương xứng một cách nhanh chóng.

Venezuela khẳng định tiến hành bầu cử Quốc hội lập hiến đúng dự kiến

Ngay trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến, những căng thẳng chính trị tại Venezuela vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, bất chấp việc phe đối lập tuyên bố tẩy chay cuộc bỏ phiếu và ráo riết lên kế hoạch tổ chức biểu tình và đình công phản đối, ngày 23-7, Tổng thống Nicolas Maduro vẫn khẳng định, cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến ở nước này sẽ được tiến hành đúng dự kiến vào ngày 30-7-2017.

Tổng thống Maduro kêu gọi phe đối lập kiềm chế bạo lực, đồng thời bác bỏ mọi đe dọa từ bên ngoài, nhất là Mỹ. Trước đe dọa của Mỹ áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Venezuela nếu Caracas không hủy bỏ cuộc bầu cử, Tổng thống Maduro nhấn mạnh: "Người duy nhất có quyền ra lệnh ở Venezuela là nhân dân".

Trong cuộc bầu cử sắp tới, đã có hơn 6.200 ứng cử viên đăng ký tranh cử vào Quốc hội lập hiến Venezuela gồm 545 ghế, cơ quan có nhiệm vụ sửa đổi bản Hiến pháp năm 1999, nhằm đưa Venezuela vượt qua khủng hoảng chính trị hiện nay. Hội đồng bầu cử quốc gia (CNE) bảo đảm mọi điều kiện thuận lợi, trong khi quân đội khẳng định tuân thủ hiến pháp và triển khai khoảng 232.000 binh sỹ tham gia bảo đảm an ninh cho cuộc bỏ phiếu.

Cuộc họp các quan chức Liên minh châu Âu-Thổ Nhĩ Kỳ không đạt được đột phá

Ngày 25-7-2017, các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu đã có cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik tại thủ đô Brussels (Bỉ). Tuy nhiên cuộc gặp gỡ lần này chưa thể làm giảm căng thẳng giữa các thành viên Liên minh châu Âu và Ankara sau một loạt vụ bắt giữ các nhà báo và nhiều nhân vật đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Các cuộc thảo luận tại Brussels giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đã đề cập đến nhiều nội dung quan trọng như khả năng gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu, việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào Liên minh châu Âu, vấn đề chống khủng bố, an ninh năng lượng và quan hệ thương mại giữa hai bên.

Phát biểu sau cuộc gặp, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách an ninh và đối ngoại Mogherini cảnh báo phía Thổ Nhĩ Kỳ cần có những bước đi cụ thể trước khi có thể đạt được bất cứ tiến bộ nào đối với Liên minh châu Âu. Liên minh châu Âu cũng bày tỏ “mối quan ngại to lớn" về các vụ bắt giữ diễn ra mới đây tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, phía Thổ Nhĩ Kỳ thì vẫn bảo vệ những hành động của chính phủ nước này với lý do chống khủng bố và nhất là sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm 2016.

Các nhà phân tích nhận định, những tranh cãi và bất đồng giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến mối quan hệ hai bên sụp đổ.

Yemen đối mặt thảm họa dịch tả lớn chưa từng có

Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) ngày 23/7 cảnh báo, hơn 600.000 người có thể mắc dịch tả ở Yemen trong năm nay. Đợt bùng phát dịch tả ở quốc gia này được coi là lớn nhất trên thế giới, hiện vẫn chưa được kiểm soát.

Theo ICRC, cứ 45 người Yemen sẽ có một người mắc bệnh tả vào tháng 12/2017 do hậu quả trực tiếp từ xung đột – vốn đã tàn phá hệ thống hạ tầng dân sự cũng như hệ thống y tế của nước này.

Số liệu từ ICRC và Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, hơn 370.000 người đã mắc dịch tả và 1.800 người tử vong kể từ khi dịch tả bùng phát lần thứ hai trong vòng gần một năm qua ở Yemen vào cuối tháng 4/2017.

Liên hợp quốc ngày 23/7 cho biết, trong tổng dân số 27 triệu người của Yemen, có 20 triệu người cần được hỗ trợ nhân đạo, trong đó bao gồm gần 10 triệu người có nhu cầu bức thiết về lương thực, nước uống và thuốc men.

Nhằm đối phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, các cơ quan Liên hợp quốc, bao gồm WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đang mở rộng quy mô hỗ trợ để giúp người dân Yemen được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh an toàn, thành lập các trung tâm điều trị cho những người nghi nhiễm dịch tả.

Yemen rơi vào cuộc khủng hoảng an ninh và chính trị nghiêm trọng kể từ tháng 3/2015 với các cuộc xung đột đẫm máu triền miên giữa quân chính phủ và lực lượng Houthi cùng các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh./.

Tô Chu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực