Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

Thứ hai, 21/05/2018 09:40
(ĐCSVN) - Diễn đàn chính trị Á - Âu lần thứ 2 giữa các đảng chính trị châu Á và châu Âu; Mỹ chuyển Đại sứ quán về Jerusalem; Triều Tiên hủy hội đàm cấp cao với Hàn Quốc; Liên minh châu Âu nỗ lực duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran; Venezuela bắt đầu cuộc bầu cử Tổng thống; Cử hành hôn lễ Hoàng gia Anh…là một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Diễn đàn chính trị Á - Âu lần thứ 2 giữa các đảng chính trị châu Á và châu Âu

Từ ngày 17 - 19/5/2018, tại thủ đô London, Vương quốc Anh đã diễn ra Cuộc họp lần thứ 30 Ủy ban Thường trực Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP) và Diễn đàn chính trị Á - Âu (AEPF) lần thứ 2 giữa các đảng chính trị châu Á và châu Âu.

Diễn đàn chính trị Á - Âu lần thứ 2 giữa các đảng chính trị châu Á và châu Âu. (Ảnh: VPTW)

Đại diện các đảng chính trị tham dự Diễn đàn Chính trị Á - Âu tập trung thảo luận về quan hệ đối tác Á - Âu và vai trò của các đảng chính trị trong hợp tác và kết nối khu vực; về hợp tác phát triển nguồn năng lượng sạch giá rẻ, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và ngăn ngừa suy thoái môi trường và về cứu trợ thiên tai, đấu tranh chống các bệnh dịch lớn và phản ứng nhân đạo. Các phát biểu khẳng định vai trò quan trọng của các đảng chính trị trong việc xây dựng nền tảng chính trị vững chắc và đồng thuận về hợp tác giữa các quốc gia cũng như vai trò của Diễn đàn chính trị Á - Âu trong việc tạo dựng cơ chế thảo luận những vấn đề mà các chính đảng ở hai châu lục cùng quan tâm, tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy an ninh và thịnh vượng ở cả hai châu lục; nhấn mạnh hợp tác giữa các đảng chính trị ở hai châu lục góp phần thúc đẩy cơ hội cùng nhau giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu, trong đó có các thách thức về an ninh, phát triển và biến đổi khí hậu.

Đồng thời, các đảng khẳng định cách tiếp cận linh hoạt trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung, có tính tới lợi ích và các ưu tiên của từng quốc gia và khu vực và phù hợp với diễn biến tình hình thực tế.

Diễn đàn Chính trị Á - Âu đã thông qua Thông cáo London và Ủy ban Thường trực ICAPP đã thông qua chương trình hoạt động của ICAPP trong thời gian tới.

Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương làm Trưởng đoàn, đã tham dự và tích cực đóng góp vào các thảo luận tại Diễn đàn Chính trị Á - Âu cũng như các nội dung của Cuộc họp Uỷ ban Thường trực ICAPP.

Mỹ chuyển Đại sứ quán về Jerusalem, bạo lực tái bùng phát tại Dải Gaza

Ngày 14/5/2018, trong một động thái nhằm thực hiện cam kết tranh cử, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, bất chấp sự phản đối của nhiều nước trên thế giới.

Mặc dù khánh thành Đại sứ quán tại Jerusalem, song thực chất, Mỹ chỉ tạm thời chuyển đại sứ quán mới với một nhóm nhỏ nhân viên tới lãnh sự quán hiện có ở khu vực Arnona, thuộc Jerusalem cho tới khi tìm được khu vực mới để xây thêm khu phức hợp văn phòng trước cuối năm 2019, cho phép đại sứ và các nhân viên ngoại giao có thể sống và làm việc.

Việc mở Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem được xem là bước đi “hiện thực hoá” tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi cuối năm 2017 khi công nhận vùng đất linh thiêng này là thủ đô của Israel. Tuy nhiên, động thái này được xem là đã đảo ngược chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập niên qua đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, đặc biệt khi Mỹ đang giữ vai trò trung gian nhằm thúc đẩy một giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài cho cuộc xung đột giữa Palestine và Israel. Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình và xung đột đẫm máu trong những ngày qua.

Từ Jerusalem, Bờ Tây, đặc biệt là Dải Gaza, không khí đã được “hun nóng” bởi cơn giận dữ của người Palestine. Khoảng 40.000 người Palestine đã kéo về biên giới với Israel để biểu tình phản đối Mỹ mở Đại sứ quán tại Jerusalem. Đụng độ đã xảy ra giữa những người biểu tình Palestine với binh lính Israel. Ngày 15/5 được ghi nhận là ngày đẫm máu nhất tại Dải Gaza trong vòng 4 năm qua khi đã có ít nhất 59 người thiệt mạng và 2.700 người bị thương trong các vụ đụng độ. Trước tình hình bạo lực đẫm máu, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 15/5 đã tuyên bố ba ngày quốc tang tưởng niệm các nạn nhân, đồng thời lên án mạnh mẽ hành động của Israel đối với người Palestine và khẳng định Mỹ không còn là "một bên trung gian ở Trung Ðông". Tuy nhiên, phía Israel lại cho rằng hành động của nước này là để tự vệ.

Trước tình trạng bạo lực đẫm máu giữa Israel và Palestine, cộng đồng quốc tế đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, kêu gọi các bên hết sức kiềm chế để tránh gây thương vong, đồng thời nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước là phương án duy nhất cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Triều Tiên hủy hội đàm cấp cao với Hàn Quốc

Ngày 16/5, Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ cuộc hội đàm cấp cao với Hàn Quốc và cảnh báo sẽ rút khỏi Hội nghị thượng đỉnh với Mỹ do các cuộc tập trận đang diễn ra giữa Hàn Quốc và Mỹ. Ngay lập tức, Hàn Quốc và Mỹ đã đưa ra những phản ứng đầu tiên

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) nêu rõ, cuộc tập trận Max Thunder (Thần Sấm) giữa các lực lượng không quân Hàn Quốc và Mỹ là màn tập dượt cho một cuộc xâm lược Triều Tiên và là một hành động khiêu khích giữa lúc quan hệ Triều Tiên đang ấm dần lên.

“Cuộc tập trận này đang nhằm mục tiêu vào chúng tôi, đang diễn ra dọc lãnh thổ Hàn Quốc, đã thách thức nghiêm trọng Tuyên bố chung Panmunjom và là một hành vi khiêu khích quân sự có chủ đích đi ngược lại những diễn biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên…Chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc hủy bỏ các cuộc hội đàm cấp cao liên Triều diễn ra vào ngày 16/5 trong bối cảnh phải đối mặt với sự hăm dọa …” – thông điệp trên tờ KCNA viết.

Ngoài đề cập tới mối quan hệ với Hàn Quốc, thông điệp trên tờ KCNA cũng đặt câu hỏi về khả năng liệu Hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể diễn ra vào tháng tới như dự kiến hay không. Trong thông điệp gửi tới Mỹ, Triều Tiên kêu gọi chính quyền Washington cân nhắc thận trọng về tương lai của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên trong bối cảnh các lực lượng của Mỹ và Hàn Quốc đang theo đuổi các hành vi khiêu khích về mặt quân sự.

Ngày 11/5, các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc đã khởi động cuộc tập trận thường niên mang tên Thần Sấm với sự tham gia của khoảng 100 máy bay chiến đấu, trong đó gồm 7 chiếc máy bay tàng hình F-22, cùng một số máy bay ném bom B-52 và máy bay F-15K. Cuộc tập trận này diễn ra trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên đang đón nhận những tín hiệu hòa giải tích cực sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều với kết quả thông qua Tuyên bố chung Panmunjom chấm dứt chiến tranh Triều Tiên cùng với việc Mỹ và Triều Tiên chuẩn bị tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore vào ngày 12/6 tới.

Đề cập tới diễn biến này, KCNA cáo buộc Hàn Quốc và Mỹ đang tiến hành các cuộc tập trận không quân quy mô lớn nhằm chống lại Bình Nhưỡng khi bản Tuyên bố chung Panmunjom vừa được ký kết vẫn còn chưa ráo mực. Triều Tiên cảnh báo Mỹ và Hàn Quốc sẽ phạm phải một sai lầm lớn nếu như tin tưởng rằng, hai nước này vẫn có thể tiến hành những “cuộc tập dượt chiến tranh” trước những nỗ lực gần đây của Triều Tiên nhằm cải thiện mối quan hệ với Hàn Quốc và đối thoại với Mỹ.

“Thiện chí và những cơ hội mà chúng tôi có thể mở ra chỉ có một giới hạn nhất định… Chúng tôi sẽ theo sát cách thức hành xử trong tương lai của các nhà chức trách Mỹ và Hàn Quốc” – thông điệp trên tờ KCNA nêu rõ.

Liên minh châu Âu nỗ lực duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran

Trong bối cảnh Mỹ đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Nhóm P5+1 với Iran (còn gọi là JCPOA), các nước tham gia còn lại vẫn đang tiếp tục những nỗ lực nhằm duy trì thỏa thuận này.

Hiện Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu  cũng như Iran đều thể hiện quyết tâm bằng mọi biện pháp để duy trì thỏa thuận mang tính lịch sử này sau khi đã bỏ ra 12 năm đàm phán cam go, phức tạp, bất chấp những áp lực từ phía Mỹ.

Về phía Iran, kể từ sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi JCPOA (ngày 8/5), Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã liên tục có các chuyến đi tới Nga, Trung Quốc, Bỉ, gặp Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Đức và Đại diện ngoại giao của Liên minh châu Âu Federica Mogherini nhằm thảo luận các biện pháp duy trì thỏa thuận hạt nhân JCPOA.

Kết quả là, đến nay, Liên minh châu Âu và Iran đã cam kết duy trì các tuyến giao thương, tiếp tục việc xuất khẩu dầu mỏ của Iran, hay bảo đảm cho đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài tại Iran và hậu thuẫn cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp này. Một số biện pháp khác cũng được nêu ra như bảo đảm đối với các giao dịch ngân hàng, hay việc cung cấp tín dụng cho hoạt động xuất khẩu. Tất cả các biện pháp đều nhằm hướng đến việc tạo ra một môi trường kinh tế ổn định. Ngoài ra, Liên minh châu Âu cũng sẽ thảo luận với Iran về tất cả những vấn đề khác, cụ thể như vấn đề tên lửa hay tình hình an ninh khu vực để tìm kiếm các giải pháp thích hợp.

Ngày 16/5, trong cuộc thảo luận tại thủ đô Sofia (Bulgaria), các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đều thể hiện tinh thần đoàn kết về việc duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran. Đây là nhân tố quyết định để Liên minh châu Âu cùng với Nga và Trung Quốc duy trì thỏa thuận JCPOA mà không có Mỹ.

Với những động thái trên, có thể thấy rõ cả Iran và Liên minh châu Âu đều tỏ rõ quyết tâm cứu vãn tình hình. Giới quan sát cho rằng, đối với châu Âu, việc Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran năm 2015 đã đẩy khối này vào thế bị kẹt giữa hai bên. Bởi, trước mắt,  Liên minh châu Âu vẫn phải cố gắng bảo vệ được quyền lợi của các tập đoàn châu Âu đã đầu tư tới 2,5 tỷ Euro vào Iran trong những năm qua. Nhưng một mặt, Liên minh châu Âu cũng không muốn hy sinh lợi ích có được với Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của châu Âu và là cường quốc số 1 thế giới.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, mối bận tâm lớn nhất của châu Âu trước hết chính là khía cạnh kinh tế. Cụ thể là làm sao vừa đảm bảo được lợi ích kinh tế của chính mình, vừa bù đắp được cho thiệt hại kinh tế của Iran. Bởi, Iran đã tuyên bố là nước này sẽ chỉ tiếp tục tuân thủ thoả thuận hạt nhân 2015 nếu châu Âu đảm bảo bù đắp được các thiệt hại kinh tế mà Iran sẽ phải chịu khi Mỹ nối lại các lệnh trừng phạt kinh tế. Nhưng về lâu về dài, chắc chắn châu Âu sẽ vẫn phải tìm kiếm một giải pháp được Mỹ chấp nhận. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đang rất tích cực thực hiện những nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được mục đích đó.

Venezuela bắt đầu cuộc bầu cử Tổng thống

Ngày 20/5, cử tri Venezuela đã bắt đầu tới các điểm bỏ phiếu trên cả nước để thực hiện quyền công dân, bầu ra tổng thống mới nhiệm kỳ 2019 - 2025 và hội đồng lập pháp địa phương tại quốc gia Nam Mỹ này.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia Venezuela (CNE) cho biết khoảng trên 20 triệu công dân nước này đủ điều kiện được kêu gọi tham gia bỏ phiếu. Trong khi đó, hơn 150 quan sát viên quốc tế đã có mặt tại Venezuela để theo dõi sự kiện này, trong đó có cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Zapatero và cựu Tổng thống Ecuador Rafael Correa.

Phát biểu ngay trước thềm cuộc bầu cử, ông Zapatero khẳng định hoàn toàn tin tưởng vào việc nhân dân Venezuela tự do thực hiện quyền công dân của mình và phái đoàn quốc tế sẽ là những nhân chứng cho sự kiện quan trọng này của Venezuela.

Chính phủ Venezuela đã quyết định đóng cửa biên giới từ ngày 19 đến 21/5, đồng thời huy động khoảng 300.000 binh sỹ tham gia bảo đảm an ninh tại các điểm bỏ phiếu và các khu vực nhạy cảm.  Cuộc bầu cử tại Venezuela diễn ra trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức cả về chính trị, kinh tế và xã hội do những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong nước, cũng như sức ép từ bên ngoài. Phe đối lập liên tục tổ chức các cuộc biểu tình phản đối việc tổ chức tổng tuyển cử vào thời điểm hiện tại vì cho rằng không bảo đảm các điều kiện bảo đảm công bằng và minh bạch. Cùng với đó, một cuộc chiến kinh tế cũng được ráo riết phát động trong thời gian qua nhằm gây hỗn loạn tình hình kinh tế xã hội tại quốc gia Nam Mỹ này.

Mặt khác, Venezuela cũng phải đối mặt với những sức ép từ bên ngoài khi Mỹ đã liên tục đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các cá nhân và tổ chức quốc gia Nam Mỹ này. Mỹ cũng đã cùng với liên minh châu Âu và một số nước ở Mỹ Latinh đã tuyên bố sẽ không công nhận kết quả cuộc bầu cử lần này.

Tham gia tranh cử chức tổng thống Venezuela có đương kim Tổng thống Nicolas Maduro, đại diện cho liên minh cánh tả Mặt trận Tổ quốc Mở rộng, và 3 ứng cử viên của các đảng cánh hữu đối lập là Henri Falcon, Javier Bertucci và kỹ sư Reinaldo Quijada. Theo đánh giá của giới quan sát, Tổng thống Maduro đang có lợi thế lớn với sự ủng hộ của gần 6 triệu thành viên đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) cầm quyền, cùng với sự liên minh của các đảng cánh tả.

Trong khi đó, phe đối lập chưa tạo được sự thống nhất trong nội bộ và tỏ ra chia rẽ khi Liên minh đối lập lớn nhất là Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) đã tẩy chay không tham gia cuộc bầu cử. Ba ứng cử viên tham gia lần này thì không đạt được thỏa thuận để đưa ra một ứng cử viên duy nhất tranh cử và điều này khiến lá phiếu của phe đối lập sẽ bị phân tán. 

Đại dịch Ebola quay trở lại châu Phi

Ngày 17/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng, việc dập tắt dịch Ebola tại CHDC Congo có thể sẽ khó khăn hơn khi virus nguy hiểm này đã lan đến một thành phố ở miền Tây Bắc nước này.

Trước đó, WHO đã xác nhận một trường hợp nhiễm virus Ebola tại khu vực Wangata, thành phố Mbandaka, thuộc tỉnh Equateur, CHDC Congo. Đáng lo ngại hơn, Mbandaka là cửa ngõ giao thông lớn có các tuyến đường nối đến thủ đô Kinshasa. Sự di chuyển, tiếp xúc giữa người với người có thể khiến dịch bệnh này lan rộng thêm.

Đây được xem là một diễn biến đáng lo ngại, bởi do hạ tầng y tế ở các nước châu Phi còn lạc hậu, thiếu thuốc men và phương tiện y tế nên tỷ lệ chết do dịch bệnh này ngày càng cao. WHO cho biết sẽ triển khai khoảng 30 chuyên gia tới Mbandaka để theo dõi tình hình dịch bệnh tại đây. Đến nay, WHO đã chuyển 4.000 liều vắc xin chống bệnh Ebola đến Congo để phục vụ tiêm chủng. Tuy nhiên một vấn đề khó khăn là mạng lưới điện ở Congo chưa phủ khắp trong khi vắc xin cần trữ ở nhiệt độ cấp đông ở -60 đến -80 độ C.

Ebola là loại virus lây bệnh sốt xuất huyết ở người và các loài linh trưởng. Theo WHO, tỷ lệ tử vong ở những người nhiễm bệnh rất cao, từ 25% lên đến 90%, tùy thuộc vào chủng virus. Trong đợt bùng phát  Ebola hồi năm 2014 - 2016, đã có 11.300 người thiệt mạng ở Guinea, Liberia và Sierra Leone./.

Lê Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực