Tân Tổng thư ký Liên hợp quốc: Cuộc khủng hoảng Syria đã trở thành một căn bệnh ung thư trên phạm vi toàn cầu

Thứ năm, 29/12/2016 18:50
(ĐCSVN) – Cuộc khủng hoảng tại Syria đã trở thành “một căn bệnh ung thư trên phạm vi toàn cầu”. Đây là nhận định đáng quan ngại mà tân Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đưa ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình SIC của Bồ Đào Nha, ngày 28/12.

Tân Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: AFP)

Qua đó, ông Guterres kêu gọi hai cường quốc Nga và Mỹ thu hẹp bất đồng để có thể tìm kiếm tiếng nói chung về cách thức chấm dứt cuộc xung đột kéo dài dai dẳng tại Syria. Bên cạnh đó, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha cũng lưu ý tới một thực tế rằng, cuộc xung đột Syria đã để lại những hậu quả không chỉ đối với người dân nước này mà còn châm ngòi cho những “phản ứng bạo lực mà trong một số trường hợp đã leo thang thành hành vi khủng bố”. Ông Guterres cho rằng, cuộc chiến tại Syria đã trở thành “một mối đe dọa toàn cầu” và sẽ không thể đi tới hồi kết nếu thiếu vắng những nỗ lực chung tay của cộng đồng thế giới cùng quyết tâm từ các cường quốc.

Tuyên bố trên được ông Guterres đưa ra vào thời điểm Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vừa nhất trí về một kế hoạch ngừng bắn trên phạm vi toàn quốc tại Syria giữa lực lượng chính phủ và các nhóm vũ trang đối lập. Nội dung trên đã được Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu xác nhận trước báo giới, với một thông tin tiết lộ thêm rằng “hiện có hai văn bản đề cập tới giải pháp cho vấn đề Syria. Một là về giải pháp chính trị và văn bản khác đề cập tới một lệnh ngừng bắn. Hai văn bản này đã sẵn sàng có thể được thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào”.

Trong khi đó, hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, lệnh ngừng bắn này đã được công bố tới các lực lượng đối lập tại Syria và dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ đêm 28/12 (theo giờ địa phương tức 22:00 GMT). Hãng tin này cho biết, lệnh ngừng bắn này không đề cập tới “các tổ chức khủng bố”, trong đó gồm lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhóm Jabhat Fateh al-Sham – thường được biết đến với tên gọi Mặt trận al-Nusra. Dư luận đang kỳ vọng, việc thực hiện thành công lệnh ngừng bắn này sẽ mở ra cơ hội để khởi động các vòng đàm phán chính trị tại thủ đô Astana (Kazakhstan) về cuộc khủng hoảng Syria, dưới vai trò điều phối của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cho tới nay, một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng xác nhận thông tin về lệnh ngừng bắn tại Syria. Tuy nhiên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov lại tỏ ra thận trọng trước những bình luận liên quan tới việc thực thi đầy đủ lệnh ngừng bắn. “Tôi không thể trả lời câu hỏi này. Vào thời điểm hiện tại thì thôi không có đủ thông tin” – ông Peskov nói, dù trước đó đã nhấn mạnh rằng Moscow và Ankara đang “thảo luận không ngừng nghỉ” về vấn đề này.

Tuần trước, Ngoại trưởng ba nước: Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran đã nhóm họp tại thủ đô Moscow (Nga) và nhất trí sẽ hành động để bảo đảm việc thực thi bản kế hoạch hòa bình giữa chính phủ Syria và phe đối lập.

Trong bối cảnh các bên đang theo đuổi nỗ lực ngoại giao để chấm dứt cuộc khủng hoảng đã bước sang năm thứ 6 liên tiếp tại Syria thì tình hình an ninh tại quốc gia Trung Đông này vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. Tổ chức giám sát nhân quyền Syria cho biết, ngày 28/12, các cuộc tấn công bất ngờ tại làng Hajna thuộc tỉnh Deir Az Zor nằm ở phía Đông Syria đã khiến ít nhất 22 người thiệt mạng, trong đó có 10 trẻ em. Các vụ đụng độ vẫn có nguy cơ xảy ra tại nhiều khu vực khác trên khắp đất nước Syria nếu như ổn định không được sớm thiết lập trở lại.

Cuộc khủng hoảng tại Syria đã bước sang năm thứ 6 liên tiếp và đã lan rộng từ một cuộc nội chiến thành một chiến trường quốc tế, với sự can dự của các cường quốc. Cuộc khủng hoảng này không chỉ trở thành một điểm nóng bất ổn nhất trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, mà còn để lại những hậu quả thảm khốc cho đất nước, nhân dân Syria và các khu vực chung quanh. Theo số liệu thống kê lần lượt do Tổ chức giám sát nhân quyền Syria và Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura đưa ra, thì tình trạng bất ổn kéo dài tại Syria đã khiến khoảng từ 300.000 – 400.000 người Syria thiệt mạng. Trong khi đó, Liên hợp quốc đã ngừng việc thống kê chính thức số người thương vong tại Syria với lý do rằng “tổ chức này không thể xác minh các số liệu thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau”./.

Thu Lan (theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực