Tăng trưởng quý 3 của Trung Quốc đạt 6.7%

Thứ năm, 20/10/2016 09:15
(ĐCSVN) - Ngày 19/8, Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế của nước này. GDP tăng 6,7% trong quý thứ III năm 2016 cho thấy bức tranh của nền kinh tế đang dần ổn định nhưng càng phụ thuộc vào chi tiêu của chính phủ, thị trường nhà đất, trong khi đó đầu tư tư nhân và xuất khẩu vẫn còn yếu.

Một số nhà kinh tế tin rằng Trung Quốc đã phải giảm một nửa gói kích cầu trong năm nay để đáp ứng phạm vi tăng trưởng đề ra là 6,5 - 7%. Họ cũng cho rằng việc chính phủ can thiệp quá nhiều vào nền kinh tế có thể khiến cả chính sách cải cách quy hoạch hay sức tăng trưởng lâu dài của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị tổn thương.

"Sự sôi động bất ngờ của thị trường nhà ở đã góp phần giúp Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng GDP trong năm nay," Louis Kuijs - người đứng đầu của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế châu Á tại Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết. 

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng, rủi ro trong ngắn hạn lớn nhất của kinh tế Trung Quốc lúc này là thị trường bất động sản, chiếm tới 15% tổng GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Đầu tư bất động sản tăng nhanh trong tháng 9 và doanh số bán nhà tăng vọt, cho thấy nhu cầu đầu tư liên tục tăng cao ngay cả khi có nhiều thành phố thắt chặt các biện pháp để kiềm chế giá cả.

Tăng trưởng quý 3 của Trung Quốc đạt 6.7%. (Ảnh minh họa. Nguồn: THX)

Đầu tư bất động sản đã tăng lên đến 7,8% trong tháng 9 so với tháng trước, và giá bán bất động sản đã tăng 34%, mặc dù các công trình xây dựng mới đã giảm 19,4% cho thấy sức nóng của thị trường này bất chấp chính phủ tìm mọi cách để hạ nhiệt. Hàng loạt các chính sách hạn chế đối với người mua nhà đất ở các thành phố lớn kể từ đầu tháng 10 vừa qua đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh về doanh số và nhà chức trách đang gây áp lực lên các nhà đầu cơ.

Chính quyền Thượng Hải ngày 18/10 cho biết, thành phố này đã trừng phạt một số cơ quan bất động sản do phát hiện sai lệch hợp đồng và đã điều tra một số công ty có tốc độ phát triển cao do nghi ngờ tăng giá mà không có  sự cho phép.

Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng giá nhà sẽ không tuột dốc, họ lập luận rằng thị trường nhà đất đang được hỗ trợ bởi lượng di cư ổn định đến các thành phố lớn. Tuy nhiên, người ta cũng không quên được những nỗ lực có phần nặng tay của chính quyền "để làm mát các thị trường chứng khoán tăng mạnh" trong năm ngoái.

Cơn sốt bất động sản cũng đã đề cao mối quan ngại về nợ ngày càng tăng của Trung Quốc và những rủi ro đối với hệ thống tài chính của mình."Các biện pháp hạ nhiệt  thị trường bất động sản sẽ đè nặng lên nền kinh tế của Trung Quốc trong quý tới" – nhà kinh tế Chu Hảo cho biết.

Nhưng phát ngôn viên của Cục Thống kê Sheng Laiyun cho biết "tác động (của các biện pháp điều chỉnh bất động sản) vào nền kinh tế sẽ không lớn" trong ngắn hạn.

Các chỉ số trong tháng 9 đều cho thấy tăng trưởng khiêm tốn

Tiêu thụ đóng góp 71% tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong 3 quý đầu năm nay, so với 66,4% của năm 2015. Sự gia tăng này một phần là do ký kết hợp đồng xuất khẩu ròng nhưng cũng chỉ ra một số thành công trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cân bằng lại nền kinh tế đang phụ thuộc vào đầu tư tăng trưởng.

Chỉ số trong tháng 9 chủ yếu vẫn đạt được kì vọng và có xu hướng cải thiện nhẹ so với tháng 8, nhưng tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp bất ngờ chỉ tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, so với kì vọng 6,4%.

Đầu tư bất động sản tăng 8,2% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kì năm ngoái. Điều này hoàn toàn nằm trong tính toán, khi chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy chi tiêu cơ sở hạ tầng để hỗ trợ nền kinh tế. Chi tiêu tài chính trong thời gian 9 tháng đã tăng 12,5%

Tăng trưởng đầu tư tư nhân đạt 4,5% trong tháng 9 sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục trong những tháng gần đây, nhưng vẫn còn kém đáng kể so với đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước. Trong 9 tháng đầu năm, đầu tư tư nhân của Trung Quốc chỉ tăng 2,5%. Doanh số bán lẻ tăng 10,7% trong tháng 9 so với cùng kì năm ngoái, vượt chỉ tiêu đề ra là 10,6%.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng 6,9% GDP trong năm 2015, tốc độ chậm nhất trong 25 năm trở lại đây.

Trong khi các nhà phân tích mong đợi Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, vẫn còn nhiều người hoài nghi về điều này, đặc biệt là khi tăng trưởng  không thay đổi trong 3 quý liên tiếp, ngay cả khi nước này cố gắng chuyển đổi kinh tế.

"Các số liệu GDP chính thức vẫn còn quá ổn định để cho chúng tôi biết nhiều về hiệu suất của nền kinh tế của Trung Quốc. Chúng tôi cho rằng tăng trưởng sẽ tăng mạnh quý cuối cùng, mặc dù sự cải thiện sẽ không kéo dài", Julian Evans-Pritchard, chuyên gia nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics ở Singapore đã viết trong một báo cáo./.

Thu Thủy (Theo Reuters)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực