Thấy gì từ quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ?

Thứ hai, 20/08/2018 12:33
(ĐCSVN) - Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ lời đe dọa nào và sẽ đáp trả mọi lệnh trừng phạt của Washington. Những động thái này đã đẩy quan hệ ngoại giao của hai nước lâm vào vòng xoáy khủng hoảng mới.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 16/8 cho biết Mỹ sẵn sàng tăng mức trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu mục sư Andrew Brunson không được trả tự do. Trước đó, ngày 1/8 Bộ Tài chính Mỹ đã bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nội vụ của nước này. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. (Ảnh: AP)

Từ lệnh trừng phạt của Mỹ...

A.Brunson, linh mục người Mỹ đã làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ hơn 20 năm, bị bắt giữ hồi tháng 10/2016 tại một nhà thờ ở miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ và bị đưa ra xét xử vì bị cáo buộc giúp đỡ tổ chức của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người mà Ankara cho là đứng sau vụ đảo chính bất thành năm 2016 và đảng Công nhân người Kurd PKK hiện sống lưu vong ở Mỹ. Mục sư Brunson bác bỏ tất cả những cáo buộc chống lại ông, trong khi các quan chức Mỹ nói rằng Brunson vô tội và muốn Thổ Nhĩ Kỳ thả ông ngay lập tức.

Ngày 31/7, một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã bác đơn kiến nghị đòi thả tự do cho Brunson do luật sư của ông trình lên. Phiên xử mục sư người Mỹ tiếp theo sẽ được thực hiện vào ngày 12/10. Ông Brunson đã được tại ngoại, nhưng bị quản thúc tại gia và không được cho phép rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này làm gia tăng căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo phía Mỹ, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ A.Gul và Bộ trưởng Nội vụ S.Soylu là hai người đóng vai trò chính trong vụ bắt giữ mục sư Brunson. Vì vậy, Bộ Tài chính Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm thẳng vào hai ông này.

Tổng thống Mỹ Donal Trump cảnh báo sẽ áp đặt “các biện pháp trừng phạt lớn” nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thả linh mục Brunson. Ông Trump thậm chí còn nhấn mạnh, chính quyền Mỹ sẵn sàng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo lệnh trừng phạt, tất cả tài sản của Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ A.Gul và Bộ trưởng Nội vụ S.Soylu trong phạm vi thẩm quyền của Mỹ đã bị chặn và công dân Mỹ cũng bị cấm tham gia các giao dịch với hai quan chức này.

Ngày 16/8, Bộ trưởng Tài chính Mỹ S.Mnuchin cho biết Mỹ sẵn sàng tăng mức trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu mục sư Brunson không được trả tự do. Ông Mnuchin nói: “Như mọi người đều biết, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và bản thân tôi rất rõ ràng với các đối tác, trong vấn đề trả tự do cho mục sư Brunson. Chúng tôi đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với một số thành viên nội các của Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi đang lên kế hoạch sẽ trừng phạt thêm nếu Thổ Nhĩ Kỳ không nhanh chóng trả tự do cho ông ấy”.

Trước đó, ngày 10/8, Mỹ đã tăng gấp đôi mức thuế nhập khẩu nhôm và thép từ Thổ Nhĩ Kỳ, một động thái khiến đồng lira “rơi tự do”. Trong các phiên giao dịch ngày 10-13/8, đồng nội tệ lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất gần 1/4 giá trị. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan đã gọi đây là “đòn tấn công có chủ đích vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ”, đồng thời kêu gọi tẩy chay hàng điện tử Mỹ như iPhone, tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng ô tô khách, đồ uống có cồn và thuốc lá.

... Đến căng thẳng ngoại giao

Trước lệnh trừng phạt của Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã lập tức chỉ trích: “Mỹ là đối tác chiến lược của chúng tôi trong NATO, vậy mà họ lại đâm đồng minh của mình từ phía sau”. Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ I.Kalin tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chấp nhận bất kỳ lời đe dọa nào liên quan phiên tòa xét xử linh mục Brunson và sẽ đáp trả mọi lệnh trừng phạt của Washington.

Ankara cho rằng quyết định của Washington đi ngược lại mối quan hệ song phương, làm tổn hại những nỗ lực mang tính xây dựng nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại giữa hai bên và kêu gọi Washington hủy quyết định trừng phạt này.

Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không mong muốn có vấn đề với Mỹ. Hai nước đồng minh tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể dễ dàng giải quyết bất đồng song không phải theo cách mà Mỹ đang làm.

Hai quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chỉ trích việc Mỹ áp đặt trừng phạt đối với họ. Bộ trưởng Tư pháp A.Gul tuyên bố ông “thậm chí không có một xu nào” tại Mỹ, và ông “không có ước mơ nào ngoài việc được sống tại đất nước của mình”. Còn Bộ trưởng Nội vụ S.Soylu cho rằng “tài sản duy nhất mà chúng tôi có ở Mỹ là FETO” (ám chỉ tổ chức của những người ủng hộ giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen).

Trong quá khứ, quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng căng thẳng liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm đóng miền Bắc đảo Cyprus hồi năm 1974 và cuộc chiến tranh tại Iraq do Mỹ đứng đầu hồi năm 2003. Mâu thuẫn tiếp tục bùng phát trong những năm gần đây liên quan đến cáo buộc Mỹ đứng đằng sau vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, ngăn cản hợp đồng mua S400 của Nga, ngăn cản việc bàn giao các máy bay F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo giới quan sát, cho đến nay, hai nước vẫn bất đồng quan điểm về hoạt động quân sự tại Syria, trong đó có việc Mỹ hỗ trợ Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) - lực lượng mà Ankara coi là khủng bố và mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

...Và sự cọ sát lợi ích chiến lược

Mặc dù là đồng minh của Mỹ, là thành viên của NATO, nhưng với tham vọng trở thành cường quốc có ảnh hưởng trong khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng có quan điểm độc lập, quan hệ mật thiết với Nga và Iran, hình thành liên minh mới giải quyết các vấn đề ở khu vực Trung Đông, nhằm hiện thực hóa những lợi ích do mối quan hệ này mang lại.

Mỹ đã từng cáo buộc Ankara đang có những hoạt động “làm phương hại đến lợi ích của Mỹ trên khắp thế giới” và đe dọa không tha cho quốc gia đồng minh này chạy theo Nga. Sự kiện mới nảy sinh càng làm cho Mỹ thêm tức tối.

Theo giới phân tích, liên quan đến ý tưởng “NATO Arab” của Mỹ, Washington muốn Thổ Nhĩ Kỳ cùng với các đồng minh cắt đứt quan hệ thương mại với Iran. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại khẳng định Iran là láng giềng tốt và nước này sẽ không cắt đứt quan hệ thương mại với Teheran bất chấp sức ép đến từ đâu.

Tờ báo Die Welt của Đức cho rằng, không phải đến bây giờ, nước này mới công khai phản đối Mỹ trong vấn đề cắt đứt quan hệ với Iran, mà trước đó, đích thân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã kêu gọi Lực lượng Hồi giáo trên thế giới chống lại Mỹ và Israel.

Giờ đây, để khẳng định vai trò của nước này trong khu vực, họ (tức Thổ Nhĩ Kỳ) đã công khai hợp tác với Nga và Iran để chống lại Mỹ trong nhiều vấn đề. Tờ Die Welt viết: “Mỹ đã trở thành một kẻ thù mới của R.T.Erdogan”.

Những căng thẳng ngoại giao trước đó chưa lắng dịu thì việc áp đặt lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ đã đẩy hai nước thành viên của NATO rơi vào vòng xoáy cuộc khủng hoảng ngoại giao, tới mức Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố “sẵn sàng đi tìm đồng minh khác thay thế”.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, các đòn trừng phạt - trả đũa nhau giữa hai nước đã khiến cho quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ chạm đáy kể từ khi thành lập NATO. Tuy nhiên, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh và đối tác không dễ cắt đứt bởi những ràng buộc lợi ích chiến lược, dù hai bên đang trải qua giai đoạn lạnh nhạt và thiếu niềm tin nghiêm trọng như hiện nay.

Như vậy, sớm hay muộn Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải giải quyết bất đồng thông qua đối thoại, không thể để quan hệ ngoại giao tiếp tục làm tổn hại đến quan hệ kinh tế và các mối quan hệ khác giữa hai nước. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cần Mỹ cũng như Mỹ cần Thổ Nhĩ Kỳ - một trong những đồng minh quan trọng nhất của Washington ở khu vực Trung Đông./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực