Thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng

Cảnh báo nguy cơ bùng phát chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc
Thứ tư, 23/09/2020 15:21
(ĐCSVN) – Thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng, một thảm họa kinh tế lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái và nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Chúng ta cần làm mọi điều có thể để tránh kịch bản này.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng. (Ảnh: TASS) 

Đây là lời cảnh báo do Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra trong bài phát biểu tại phiên tranh luận toàn thể trong kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75, ngày 22/9.

Thế giới đang một lần nữa đối mặt với "thời điểm năm 1945"

Trong thông điệp phát đi cùng ngày, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng lên tiếng kêu gọi tinh thần đoàn kết và áp dụng một lệnh ngừng bắn toàn cầu để đối phó với đại dịch COVID-19. Ông Guterres nhấn mạnh đại dịch COVID-19 không chỉ là một “hồi chuông cảnh tỉnh” mà còn là một “cuộc tập dượt” cho những thử thách trong tương lai.

Tổng thư ký Liên hợp quốc chỉ ra rằng, đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ “sự mong manh” của thế giới, gồm: sự bất bình đẳng gia tăng, thảm họa khí hậu, chia rẽ xã hội đang bị nới rộng và nạn tham nhũng tràn lan. Điều này sẽ mang lại nhiều nguy cơ cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và xóa sạch sự tiến bộ mà nhân loại đã đạt được trong nhiều thập kỷ.

Trong bài phát biểu mở đầu phiên họp, ông Guterres khẳng định Liên hợp quốc đang ở thời điểm “nền tảng”, khi phải đối mặt với những thách thức tương tự như thời điểm được thành lập vào 75 năm trước.

“Những người gây dựng nên Liên hợp quốc từ 75 năm về trước đã trải qua một trận đại dịch, suy thoái toàn cầu, nạn diệt chủng và chiến tranh thế giới… Ngày hôm nay, chúng ta lại đối mặt với thời điểm năm 1945 của chính mình” – ông Guterres nói.

Cảnh báo về sự gia tăng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc

Ít lâu sau khi đại dịch COVID-19 có dấu hiệu lan rộng ra hầu hết các nước, vào tháng 3/2020, ông Guterres đã lên tiếng kêu gọi thực hiện một lệnh ngừng bắn toàn cầu để tập trung đối phó với thách thức này. Trong phiên họp toàn thể của kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày 22/9, ông Guterres một lần nữa nhắc lại lời kêu gọi cộng đồng quốc tế, dưới vai trò dẫn đầu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thúc đẩy chiến dịch 100 ngày để hiện thực hóa mục tiêu trên vào cuối năm 2020.

Tuy nhiên, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh rằng, song song với những nỗ lực đẩy lùi đại dịch COVID-19, chúng ta cần “làm mọi điều có thể” để tránh kịch bản bùng phát một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Nhắc lại lời cảnh báo đã đưa ra từ 1 năm về trước về sự gia tăng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Guterres nói: “Thế giới của chúng ta không thể đi đến một tương lai mà ở đó hai nền kinh tế hàng đầu lại chia cắt toàn cầu bằng một “vết nứt lớn”, trong khi mỗi nền kinh tế đó đều có những quy tắc thương mại, tài chính, năng lực internet và trí tuệ nhân tạo riêng… Sự chia rẽ về công nghệ và kinh tế chắc chắn có nguy cơ biến thành sự chia cắt địa chiến lược và quân sự. Chúng ta phải tránh kịch bản này bằng mọi giá”.

Trong bài phát biểu trực tuyến, ngày 22/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định nước này không tìm kiếm chiến tranh dù lạnh hay nóng với bất kỳ nước nào trên thế giới. (Ảnh: dw.com) 

Những thông điệp trên được người đứng đầu Liên hợp quốc đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ vốn đã nhiều lạnh nhạt trong nhiều năm qua giữa Mỹ và Trung Quốc đang tiếp tục có dấu hiệu đi xuống và bị cuốn vào một cuộc tranh cãi chưa có hồi kết về COVID-19. Đây cũng là nội dung chi phối các bài phát biểu trực tuyến của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại diễn đàn Liên hợp quốc.

Ngay sau bài phát biểu của Tổng thống D.Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng bày tỏ lập trường rằng Trung Quốc không có ý định bước vào một cuộc chiến tranh dù nóng hay lạnh với bất kỳ nước nào trên thế giới.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thu hẹp các bất đồng và giải quyết tranh chấp với các nước khác thông qua đối thoại và đàm phán. Chúng tôi sẽ không tìm kiếm sự phát triển cho riêng mình hoặc tham gia vào các trò chơi không mang lại kết quả” – ông Tập Cận Bình nói.

Trong các ngày từ 22-26/9, hơn 100 nguyên thủ các nước trên thế giới cùng các nhà ngoại giao và các học giả sẽ cùng tham dự và có bài phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75. Các bài phát biểu sẽ xoay quanh chủ đề: “Một tương lai chúng ta mong muốn, Liên hợp quốc chúng ta cần: tái khẳng định cam kết tập thể của chúng ta với chủ nghĩa đa phương – đương đầu với COVID-19 thông qua hành động đa phương hiệu quả”. Do tác động của đại dịch COVID-19, kỳ họp năm nay lần đầu tiên diễn ra theo hình thức trực tuyến./.

Thu Lan (Theo euronews, DW, TASS, NHK)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực