Thế giới sắp cán mốc 4 triệu ca nhiễm, hơn 270.000 ca tử vong vì COVID-19

Thứ sáu, 08/05/2020 07:50
(ĐCSVN) – Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến 7 giờ 30 phút sáng ngày 8/5 (giờ Việt Nam), cả thế giới đã có 3.913.486 ca nhiễm đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong đó 270.421 ca tử vong và hơn 1.340.965 ca hồi phục.

Đại dịch COVID-19: WHO kêu gọi thế giới tập trung “chống lửa”

leftcenterrightdel
Nga hiện đang là điểm nóng dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu. (Ảnh: TASS) 

Đứng đầu thế giới về cả hai chỉ số ca nhiễm và số ca tử vong vẫn là Mỹ, với 1.290.661 ca nhiễm và 76.868 ca tử vong. Dịch bệnh tại Mỹ vẫn được cho là còn nhiều nguy cơ lây lan trong bối cảnh quốc gia này dần nới lỏng các biện pháp giãn cách để nối lại các hoạt động kinh tế. 

Tại châu Âu, điểm nóng dịch bệnh hiện nay là Nga. Ngày 7/5, sau khi thông báo số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ trước tới nay là 11.231 ca, quốc gia này chính thức vượt Đức và Pháp về tổng số ca nhiễm và là quốc gia có số ca nhiễm bệnh cao thứ 5 châu lục và thứ 4 thế giới với 177.160 ca. 

Theo cơ quan y tế của Nga, có 88 ca tử vong mới được ghi nhận trong 24 giờ qua vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này lên 1.625 ca. Thủ đô Moskva, khu vực bị ảnh hưởng nhất bởi dịch COVID-19, cũng báo cáo số ca nhiễm tăng kỷ lục trong ngày là 6.703 ca.

Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin ngày 7/5 thông báo lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan sẽ được kéo dài đến ngày 31/5. Ông cũng cho hay, việc đeo khẩu trang, găng tay là các yêu cầu bắt buộc khi làm việc, ra ngoài mua sắm hay trên các phương tiện giao thông trong thành phố.

Kể ca khi dịch bệnh tại thủ đô Moskva đã “ổn định” thì lệnh giãn cách xã hội và các biện pháp khác vẫn sẽ được duy trì. Thị trưởng Sergeu Sobyanin cho biết, số ca nhiễm mới trong ngày vẫn “khá lớn” do việc tăng cường xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại thành phố. Hiện thủ đô Moskva ghi nhận có 92.676 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. 

Trong khi đó, Anh đứng đầu châu Âu về số ca tử vong với 30.615 ca, tiếp đến lần lượt là Italy với 29.958 ca, Tây Ban Nha với 26.070 ca và Pháp với 25.987 ca. Trong một diễn biến tích cực, Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 7/5 thông báo số ca tử vong trong ngày tiếp tục giảm sau khi ghi nhận 213 ca, giảm hơn 30 ca so với mức 244 ca được ghi nhận một ngày trước đó. Tính đến nay, Tây Ban Nha ghi nhận tổng cộng 256.855 ca nhiễm.

Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron ngày 7/5 cho biết, Pháp sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa kể từ ngày 11/5. Ông Emmanuel Macron cũng cảnh báo, sẽ tiếp tục thực thi các biện pháp này nếu người dân không tuân thù theo quy định giãn cách xã hội.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran khẳng định, Pháp đã sẵn sàng triển khai công tác xét nghiệm trên diện rộng. Đối tượng được xét nghiệm trong thời gian trước mắt sẽ là những người có nhiều nguy cơ mắc bệnh, có triệu chứng và đã tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19.

Tại châu Á, Iran hiện đứng đầu châu Á về tổng số ca tử vong với 6.486 ca vì COVID-19, trong đó 103.135 ca mắc bệnh. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia ghi nhận số ca lây nhiễm cao nhất châu lục với 133.721 ca, trong đó 3.641 ca tử vong.

Tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Lào cho biết nước này không có bệnh nhân mới trong 25 ngày liên tiếp và hiện vẫn chỉ có 19 ca nhiễm, trong đó 10 bệnh nhân đã được chữa khỏi. Hiện giới chức Lào vẫn hết sức cẩn trọng và tiếp tục duy trì các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ, trong đó đặc biệt chú trọng tới công tác kiểm soát nhập cảnh.

Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan ngày 7/5 cho biết nước này ghi nhận thêm 3 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 toàn quốc lên 2.992 ca và vẫn duy trì 55 ca tử vong. Trung tâm này cho biết, hiện Thái Lan đã có đến 39 tỉnh không ghi nhận ca nhiễm mới suốt 28 ngày. Thái Lan đã đặt lộ trình bước vào giai đoạn 2 của tiến trình nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt vốn được áp đặt trong thời gian qua. CCSA  cho biết, giai đoạn 2 này sẽ bắt đầu từ ngày 17/5 nếu số lượng các ca nhiễm mới không tăng. Chính phủ Thái Lan hiện cũng đã cho phép một số doanh nghiệp mở cửa lại trong tuần này sau nhiều tuần phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Bộ Y tế Singapore ngày 7/5 cho biết nước này ghi nhận thêm 741 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 cả nước lên 20.939 người. Hầu hết các ca nhiễm mới đều là người lao động nhập cư sống tại các khu nhà ở tập thể.

Malaysia, Indonesia và Philippines ngày 7/5 tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới. Bộ Y tế Malaysia cho biết nước này có thêm 39 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 6.467 ca trong khi số ca tử vong tại nước này vẫn là 107 người.

Trong 24 giờ qua, Indonesia thông báo 338 ca nhiễm mới và thêm 35 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và ca tử vong tại nước này lần lượt lên 12.776 ca nhiễm, trong đó 930 trường hợp tử vong.

Philippines cũng thông báo thêm 339 ca nhiễm và 27 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tăng lên 10.343 người và 685 ca tử vong.

Tính đến sáng ngày 8/5, Việt Nam ghi nhận bước sang ngày thứ 22 không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Như vậy, tính đến nay, Việt Nam vẫn duy trì số ca mắc bệnh vẫn là 288 trường hợp, trong đó hiện chỉ còn 34 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và chưa ghi nhận có trường hợp nào tử vong.

Myanmar, Campuchia và Timor-Leste trong 24 giờ qua cũng ghi nhận không có thêm ca nhiễm mới nào. Riêng Campuchia, Timor-Lestey ghi nhận đến nay chưa có bất kỳ ca tử vong nào vì COVID-19.

Tính đến nay, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 54.287 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 1.804 người tử vong trong khu vực, tăng 62 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 13.834 trường hợp.

Tại châu Phi, Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có gần 1.000 nhân viên y tế trên khắp châu lục đã bị lây nhiễm COVID-19.

Theo Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc phụ trách Khu vực châu Phi của Who cho biết: “Chúng ta rất lo ngại khi có gần 1.000 nhân viên y tế tại châu Phi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Chúng tôi biết rằng, hầu hết các quốc gia châu Phi đều đang thiết hụt trầm trọng đội ngũ nhân viên y tế. Khi đội ngũ y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch  bị ốm hoặc vắng mặt tại nơi làm việc thì cộng đồng sẽ không được tiếp cận với các dịch vụ ty tế thiết yếu".

Tính đến nay, đã có hơn 51.000 ca lây nhiễm và 2.000 người thiệt mạng vì COVID-19 trên khắp châu Phi./.

Hoài Hà (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực