Thế giới tuần qua: ASEAN tiếp tục phát huy tinh thần tự cường và sáng tạo

Chủ nhật, 18/11/2018 12:42
(ĐCSVN) – ASEAN tiếp tục phát huy tinh thần tự cường và sáng tạo, cháy rừng gây thiệt hại nghiêm trọng ở bang California (Mỹ), cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, hai miền Triều Tiên bắt đầu tháo dỡ các trạm gác biên phòng… là những sự kiện đáng chú ý của thế giới trong tuần qua.

Nổi bật hình ảnh đất nước Việt Nam đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế

"Bão lửa" thảm khốc do cháy rừng tại bang California (Mỹ)

Hai miền Triều Tiên bắt đầu tháo dỡ các trạm gác biên phòng

Kháng thuốc có thể khiến 5 triệu người tử vong mỗi năm ở châu Á

"Sóng cồn" trên chính trường Anh

ASEAN tiếp tục phát huy tinh thần tự cường và sáng tạo

Từ ngày 13 – 15/11/2018, tại Singapore đã diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị cấp cao liên quan. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các Hội nghị. 

Trả lời phỏng vấn báo chí sau khi kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng đánh giá: Có thể nói ASEAN đã có một kỳ hội nghị rất thành công. Các nhà lãnh đạo đánh giá công tác triển khai năm 2018 với chủ đề “ASEAN tự cường và sáng tạo” đạt nhiều kết quả và thống nhất tiếp tục phát huy tinh thần này trong các năm tới. 


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ tư từ trái sang) và các nhà lãnh đạo
dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ 6.

Tại các hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến môi trường phát triển và an ninh của khối. Đó là sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, sự căng thẳng thương mại giữa một số nước tác động đến khu vực; những thách thức và cơ hội đặt ra bởi cách mạng công nghiệp 4.0; một số điểm nóng ở khu vực như: Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên, tình hình bang Rakhai của Mi-an-ma; các vấn đề về chống khủng bố, chống thiên tai, an ninh mạng…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự tất cả các hoạt động cấp cao. Tại các phiên họp, Thủ tướng đều đóng góp ý kiến về các vấn đề được quan tâm chung, nêu các đề xuất cụ thể, thúc đẩy ASEAN tiếp tục xây dựng một khu vực hòa bình, an ninh, dựa trên luật lệ và hướng tới người dân; đề cao đoàn kết ASEAN và xây dựng quan hệ láng giềng của ASEAN với các đối tác bằng lòng tin, giảm thiểu các nguy cơ xung đột, bất đồng. Thủ tướng cũng làm rõ quan điểm lập trường của Việt Nam về Biển Đông và các vấn đề của khu vực và quốc tế. 

Kết thúc các hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo đã thông qua 63 văn kiện làm nền tảng cho hợp tác của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trong các năm tiếp theo trên tất cả các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế và văn hoá-xã hội. 

Cháy rừng gây thiệt hại nghiêm trọng tại bang California (Mỹ)


Cháy rừng ở bang California (Mỹ) (Ảnh: Gettty Images)

Thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử bang California (Mỹ) bắt đầu xảy ra từ ngày 8/11 (giờ địa phương). Ngọn lửa dữ dội đã tàn phá hàng chục nghìn ha rừng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của ở bang California.

Cảnh sát địa phương cho biết số người thiệt mạng do cháy rừng tính đến ngày 16/11 đã tăng lên con số 71 người, số người mất tích đã lên tới con số 1.011 người, sau khi giới chức nhận thêm nhiều đơn trình báo mất tích và rà soát lại các cuộc gọi khẩn cấp. Tuy nhiên những con số này có thể biến động và không phải những người trong danh sách mất tích đều được cho là đã tử vong.

Cuộc tìm kiếm các nạn nhân vẫn đang diễn ra. Chính quyền bang California phải thành lập một phòng thí nghiệm khẩn cấp để nhận dạng ADN các nạn nhân.

Hai miền Triều Tiên bắt đầu tháo dỡ các trạm gác biên phòng

Ngày 11/11 (theo giờ địa phương), Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận việc quân đội hai miền Triều Tiên đã bắt đầu tháo dỡ 20 trạm gác biên phòng sau khi rút hết binh sỹ và khí tài khỏi khu vực này.

Việc tháo dỡ và giải trừ quân bị các trạm gác biên phòng được Triều Tiên và Hàn Quốc thực hiện trong bối cảnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang đón nhận những tín hiệu hòa giải sau một loạt các nỗ lực ngoại giao cùng các động thái mang tính thiện chí giữa hai miền.


Báo chí Hàn Quốc đưa tin về việc quân đội hai miền Triều Tiên bắt đầu tháo dỡ 20 trạm gác biên giới. (Ảnh cắt từ bản tin Yonhap)

Đây được xem là một phần nỗ lực nhằm thực thi bản thỏa thuận quân sự toàn diện hướng tới mục tiêu giảm căng thẳng biên giới liên Triều; đồng thời là một bước đi quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu thiết lập nền tảng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Đợt sóng gió mới trên chính trường Anh

Ngày 14/11, Thủ tướng Anh Theresa May thông báo, chính phủ của bà đã nhất trí với bản dự thảo thỏa thuận Brexit. Bản dự thảo thỏa thuận này dài 585 trang, là kết quả của hàng nghìn giờ đàm phán đầy cam go giữa các nhà chức trách Anh và các đối tác Liên minh châu Âu.

 


Thủ tướng Anh Theresa May (Ảnh: RTE)

 

Bản dự thảo mới vừa đạt được bao gồm ý tưởng thiết lập một "lưới an ninh" nhằm tránh khả năng tái lập đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh với Cộng hòa Ireland; toàn bộ Vương quốc Anh sẽ ở lại trong liên minh thuế quan với Liên minh châu Âu và một liên kết đặc biệt cũng sẽ được quy định thêm cho Bắc Ireland trong giai đoạn chuyển tiếp dự kiến kéo dài đến khi các cuộc thảo luận về mối quan hệ thương mại trong tương lai giữa hai bên được hoàn tất.

 

 Những tưởng điều này đã mở ra lối thoát cho quá trình đàm phán kéo dài suốt gần 2 năm qua giữa Anh và Liên minh châu Âu, song thực tế nó lại ngay lập tức tạo ra một đợt sóng gió mới trên chính trường Anh.

 

Bà Theresa May kiên quyết bảo vệ bản dự thảo này bất chấp việc chỉ hơn 12 giờ đồng hồ sau khi đạt được nó, đã có 5 quan chức cấp cao trong nội các từ chức để bày tỏ phản đối. Hiện đã có khoảng 40 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền tuyên bố sẵn sàng bỏ phiếu chống bản dự thảo thỏa thuận. Trong khi đó, để thông qua được thỏa thuận, Thủ tướng May cần phải có được sự ủng hộ của ít nhất 320 trong số 650 nghị sĩ tại Hạ viện.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. (Ảnh: India Today)

Ngày 14/11, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo nước này sẽ không lùi bước trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Trung Quốc và Bắc Kinh có nguy cơ sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh lạnh toàn diện với Washington cùng các đối tác của Mỹ nếu không “thay đổi cơ bản hành vi của mình”.

Tuyên bố trên được Phó Tổng thống Pence đưa ra vào thời điểm ông đang dẫn đầu đoàn đại biểu Mỹ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Singapore.

Điều này cho thấy quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện, ngay cả trước thời điểm diễn ra cuộc gặp gỡ được trông đợi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Argentina vào ngày 30/11.

Tại cuộc họp báo ngày 15/11, nhằm giải đáp những câu hỏi của phóng viên xung quanh tuyên bố mới đây của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng, các mối quan hệ Mỹ - Trung đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng. Theo bà Hoa Xuân Oánh, hai nước cần đưa ra những sự lựa chọn đúng đắn và theo đuổi những nỗ lực thiết thực nhằm bảo đảm sự phát triển đúng phương hướng, bền vững, lành mạnh của các mối quan hệ song phương. Điều này không chỉ đáp ứng những lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước mà còn thỏa mãn sự mong đợi từ cộng đồng thế giới.

Kháng thuốc có thể khiến 5 triệu người tử vong mỗi năm ở châu Á

Liên hợp quốc cho biết vào năm 2050, khoảng 5 triệu người ở châu Á có thể tử vong mỗi năm do kháng thuốc kháng sinh

Theo các cơ quan này, nhiều loại thuốc kháng sinh đã không hiệu quả trong việc chống nhiễm trùng. Số trường hợp tử vong do kháng kháng sinh có thể vượt quá cả số người tử vong vì các bệnh ung thư hàng năm. Đây có thể coi là một tình huống khẩn cấp của y tế toàn cầu.


Liên hợp quốc kêu gọi sử dụng thuốc kháng sinh một cách thận trọng (Ảnh minh họa: WHO)

Với thông điệp chính là “sử dụng thuốc kháng sinh một cách thận trọng”, Tuần lễ Nhận thức kháng sinh thế giới (WAAW) diễn ra từ 12 đến 18/11 tập trung vào các kế hoạch hành động nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt trong khi thúc đẩy canh tác tốt và an toàn thực phẩm.

Liên hợp quốc cho rằng, tử vong do kháng kháng sinh được coi là vấn đề y tế ưu tiên cần được giải quyết như các vấn đề khẩn cấp như dịch Ebola và HIV. 

Argentina thừa nhận không có khả năng trục vớt tàu ngầm ARA San Juan
 
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, ngày 17/11, Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Oscar Aguad thừa nhận nước này không có phương tiện kỹ thuật đủ khả năng để trục vớt tàu ngầm ARA San Juan bị mất tích cách đây đúng một năm và vừa được phát hiện nằm tại độ sâu 907m ở vùng biển Đại Tây Dương phía Nam nước này.

Hình ảnh về tàu ngầm ARA San Juan ở ngoài khơi Bán đảo Valdes

của vùng Patagonia trên Đại Tây Dương, ngày 17/11/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại họp báo, ông Aguad cho biết Argentina không có phương tiện và công nghệ để có thể xuống được độ sâu nơi con tàu được phát hiện, cũng như không có trang thiết bị để có thể trục vớt một tàu ngầm lớn như vậy. Các bước tiếp theo mà Argentina sẽ tiến hành là thu thập thông tin và nghiên cứu xem có thể làm gì với con tàu này.

Trước đó, Hải quân Argentina thông báo đã xác định được vị trí của tàu ngầm ARA San Juan mất tích từ cách đây một năm, sau khi công ty Ocean Infinity của Mỹ được Argentina thuê để thực hiện chiến dịch tìm kiếm đã phát hiện được một vật thể lạ qua phân tích những hình ảnh thu thập được./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực