Thế giới tuần qua: Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang

Chủ nhật, 12/05/2019 15:54
(ĐCSVN) - Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, lo ngại về nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận hạt nhân Iran, Triều Tiên diễn tập tấn công tầm xa, Nga tổ chức diễu binh kỷ niệm 74 năm Chiến thắng phát xít... Đó là một số tin tức quốc tế được dư luận quan tâm trong tuần qua.

Mỹ chính thức tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc

Triều Tiên diễn tập tấn công tầm xa

Nga tổ chức diễu binh kỷ niệm 74 năm Chiến thắng phát xít

Anh, Đức, Pháp bác bỏ tối hậu thư của Iran về thỏa thuận hạt nhân

Nga: Máy bay bốc cháy dữ dội khi hạ cánh, 41 người thiệt mạng

Thế giới tuần qua: Đảo chính bất thành tại Venezuela

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang

Vòng đàm phán thương mại thứ 11 giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong hai ngày 9 - 10/5 tại Washington đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận. Ngay trong khi đang diễn ra đàm phán, căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới tiếp tục được đẩy lên một nấc thang mới với việc ngày 10/5, Mỹ chính thức tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tiếp đó, ngày 11/5, Tổng thống Donald Trump lại ra lệnh áp một đợt thuế mới đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 300 tỷ USD. 

Hàng hóa được xếp tại cảng Dương Sơn, miền Đông Trung Quốc chuẩn bị xuất khẩu. 
(Ảnh: THX/TTXVN)

Theo đánh giá của giới quan sát, các biện pháp gia tăng sức ép về thuế của Mỹ sẽ kéo theo việc tăng giá của nhiều mặt hàng gia dụng nhập khẩu từ Trung Quốc, từ các mặt hàng điện tử cho tới may mặc. Trong khi Tổng thống Mỹ D.Trump khẳng định, các khoản chi phí này sẽ đổ lên vai các doanh nghiệp Trung Quốc thì một số kết quả nghiên cứu lại cho thấy chính các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ sẽ phải gánh chịu khoản chi phí gia tăng từ các chính sách mới về thuế.

Bộ Thương mại Trung Quốc đã tỏ rõ sự tiếc nuối sâu sắc trước động thái trên của Mỹ và tuyên bố Bắc Kinh sẽ không đầu hàng trước bất kỳ áp lực nào.Trung Quốc cảnh báo sẽ đưa ra các biện pháp cần thiết.

Ngày 10/5, kết thúc 2 ngày đàm phán tại Washington, Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí tiến hành thêm các cuộc đàm phán tại Bắc Kinh. 

Triển vọng tăng trưởng mong manh của kinh tế toàn cầu luôn dễ bị tổn thương nếu như mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới gặp "sóng gió". Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã coi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là “ mối đe dọa chính đối với kinh tế thế giới”.

Lo ngại về nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận hạt nhân Iran

Tuần qua, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã bày tỏ sự tiếc nuối và lo ngại trước nguy cơ căng thẳng leo thang sau khi Iran, ngày 8/5 tuyên bố sẽ ngừng tuân thủ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo về việc chấm dứt thực hiện
một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân. (Ảnh: NHK)

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ hy vọng có thể cứu vãn thỏa thuận hạt nhân này. Ông cho rằng bản thỏa thuận hạt nhân Iran – còn được biết đến với tên gọi bản Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), là một thành tựu lớn trong mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân và lĩnh vực ngoại giao, có đóng góp cho hòa bình, an ninh của khu vực cũng như thế giới.

Tại vòng đàm phán ở Vienna (Áo) năm 2015, Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) đã ký kết thỏa thuận hạt nhân, đề cập tới những biện pháp giới hạn nghiêm ngặt trong các hoạt động phát triển hạt nhân của Iran để đổi lấy việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt kéo dài từ Mỹ.

Ngày 8/5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã cảnh báo nguy cơ rút khỏi thỏa thuận này trong vòng 60 ngày nếu như các lợi ích của Tehran không được bảo đảm. Động thái này được Iran đưa ra tròn 1 năm sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA.

Ngay trong ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có phản ứng tức thời bằng việc ra sắc lệnh áp đặt trừng phạt đối với hai ngành công nghiệp chủ chốt của Iran gồm lĩnh vực mỏ và kim loại, hai nguồn thu lớn nhất của Iran sau dầu mỏ. Nhà Trắng cảnh báo Tehran sẽ phải “hứng chịu nhiều hành động hơn nữa” trừ khi thay đổi hành vi của mình. Tuy nhiên, đến ngày 9/5, ông Donald Trump đã tuyên bố sẵn sàng đối thoại với các nhà lãnh đạo Iran về chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này. 

Triều Tiên diễn tập tấn công tầm xa

Ngày 10/5, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA xác nhận, quân đội nước này đã tiến hành các cuộc diễn tập tấn công tầm xa. Động thái này được cảnh báo là sẽ tạo thêm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khi Mỹ và Hàn Quốc đều phát đi những thông điệp cứng rắn.

Hãng thông tấn NHK đăng tải hình ảnh về cuộc diễn tập do Triều Tiên thực hiện ngày 9/5.

KCNA không nêu cụ thể thiết bị được sử dụng trong cuộc diễn tập tấn công tầm xa nói trên là gì. Tuy nhiên, quân đội Hàn Quốc nhận định có khả năng Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa tầm ngắn từ khu vực Tây Bắc nước này về hướng vùng biển phía Đông. Hai quả tên lửa đã lần lượt bay được khoảng 420 km và 270 km trước khi rơi xuống biển.
 
Trong khi đó, Mỹ nhận định Triều Tiên đã thực hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo ngày 9/5 và các thiết bị này đã bay được một quãng đường dài hơn 400 km. Thông tin này nếu được xác minh là chính xác sẽ khiến Triều Tiên phải đối mặt với những nguy cơ mới bởi các bản nghị quyết của Liên hợp quốc cấm nước này thực hiện các vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
 
Vụ phóng ngày 9/5 của Triều Tiên là vụ thử vũ khí thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần, sau khi Triều Tiên phóng hơn 20 vật thể từ bờ biển phía Đông thuộc thành phố Wosan vào cuối tuần trước. 
 
Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố nước này đang giám sát chặt chẽ những động thái trên bán đảo Triều Tiên và cho rằng, những diễn biến gần đây đã thể hiện thái độ “chưa sẵn sàng đàm phán” từ chính quyền Bình Nhưỡng.  

Phát biểu trên truyền hình, ngày 9/5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cảnh báo, các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, ngay cả khi là tên lửa tầm ngắn, cũng là hành vi vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nếu được trang bị công nghệ tên lửa đạn đạo.

Nga tổ chức diễu binh kỷ niệm 74 năm Chiến thắng phát xít

Ngày 9/5, nước Nga tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng với màn diễu binh truyền thống trên Quảng trường Đỏ tại Moscow nhằm vinh danh chiến thắng của nhân dân Xô Viết trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945). 

Đội tiêu binh mang Quốc kỳ Liên bang Nga và cờ chiến thắng diễu hành trên Quảng trường Đỏ (Ảnh: Ria Novosti)

Ngày 9/5/1945 mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại với chiến thắng vĩ đại của Hồng quân và nhân dân Liên Xô trước phát xít Đức, chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai, đem lại hòa bình cho toàn thế giới. Kỷ niệm Ngày Chiến thắng là ngày lễ để tưởng nhớ đến những người đã làm nên chiến thắng vĩ đại trong Chiến tranh Vệ quốc và là dịp để thể hiện sức mạnh quân sự của Nga. Cuộc diễu binh ở Quảng trường Đỏ tại Moscow là hoạt động lớn nhất trong số những hoạt động kỷ niệm sự kiện này diễn ra trên khắp cả nước.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, tham gia diễu binh năm nay trên Quảng trường Đỏ có hơn 13.000 quân nhân, 132 đơn vị xe máy quân sự các loại, 74 máy bay và trực thăng. 

Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bao trùm lên hơn 60 nước trên thế giới, song Liên Xô chịu thiệt hại lớn nhất về người và vật chất. Khoảng một phần ba dân số Liên Xô phải sống trong sự tạm chiếm của quân đội phát xít Đức và các đồng minh châu Âu, 27 triệu người Liên Xô đã chết trong những năm Chiến tranh Vệ quốc và Chiến tranh thế giới thứ hai. Vì vậy, Ngày Chiến thắng luôn là ngày lễ thiêng liêng đối với các thế hệ người dân Nga.

Venezuela bắt giữ nhiều đối tượng sau cuộc đảo chính bất thành

Ngày 6/5, Bộ trưởng Tư pháp Venezuela Tarek Saab thông báo cuộc đảo chính bất thành và các cuộc biểu tình bạo loạn do thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido phát động cách đây 1 tuần đã khiến 5 người thiệt mạng. Các lực lượng bảo vệ pháp luật đã bắt giữ 233 đối tượng tình nghi liên quan. 

Thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido nói chuyện với người biểu tình ngày 30/4 tại Caracas. (Ảnh: AP)

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Venevision, Bộ trưởng Saab cho biết hiện nay Bộ Tư pháp Venezuela đang tiến hành điều tra tất cả các vụ việc liên quan và sẽ sớm có những kết luận cuối cùng. Theo ông, cơ quan chức năng đã phát ra 18 lệnh bắt giữ đối với các đối tượng dân sự và trong quân đội có liên quan tới vụ đảo chính, trong đó có chính trị gia đối lập Leopoldo Lopez, người đã được phe đối lập và một nhóm binh sĩ phản bội giải cứu khi đang thụ án quản thúc tại gia và hiện đang trú tại nhà riêng Đại sứ Tây Ban Nha ở Caracas.

Bộ trưởng Tư pháp Venezuela khẳng định có bằng chứng cho thấy một số nghị sĩ và sĩ quan có những hành động “vượt khuôn khổ pháp luật”, trong đó có một chỉ huy của Lực lượng Phòng vệ quốc gia Bolivar (GNB), bị cáo buộc lừa các binh sĩ dưới quyền để đưa họ đến điểm tập trung của phe đối lập tham gia vào cuộc đảo chính.

Ngày 7/5, Tòa án Công lý Tối cao Venezuela (TSJ) đã thông qua kiến nghị Quốc hội lập hiến (ANC) nước này tước bỏ quyền miễn trừ đối với 7 nghị sỹ tham gia âm mưu đảo chính bất thành. Dự kiến, sau khi ANC hoàn tất thủ tục tước quyền miễn trừ, cơ quan chức năng Venezuela có thể sẽ tiến hành truy tố và bắt giữ các nghị sỹ có liên quan để xét xử.

Máy bay Nga bốc cháy dữ dội khi hạ cánh, 41 người thiệt mạng

 Chiều 5/5 (giờ địa phương), một chiếc máy bay của hãng hàng không Aeroflot đang trên hành trình Moscow - Murmansk đã hạ cánh khẩn cấp trở lại sân bay Sheremetyevo, ngoại ô Moscow (Nga) và bốc cháy dữ dội. 37 người đã may mắn sống sót, trong khi 41 người thiệt mạng.

Chiếc máy bay Sukhoi Superjet 100 bốc cháy dữ dội sau khi hạ cánh. (Ảnh: Reuters)

Ngày 7/5, Văn phòng Báo chí sân bay Sheremetyevo đã có thông báo về vụ việc này. Thông báo cho biết máy bay Sukhoi Superjet 100 mang số hiệu SU1492 của hãng Aeroflot đã quay trở lại đường băng trước khi mất liên lạc và mất điều khiển lái tự động. Máy bay đã cất cánh lúc 18h02 (theo giờ địa phương). Ít phút sau đó, cơ trưởng thông báo cho bộ phận điều phối không lưu về việc hạ cánh xuống sân bay vì lý do mất liên lạc radio. Tiếp đó, cơ trưởng báo cáo sự cố lần thứ hai và hệ thống bay tự động của máy bay cũng bị hỏng. Lúc 18h30, máy bay hạ cánh xuống đường băng sân bay Sheremetyevo và bốc cháy ngay sau đó.  

Phát biểu với truyền thông Nga, phi công Denis Yevdokimov cho biết máy bay đang trên đường tới tỉnh Murmansk đã mất liên lạc và cần phải chuyển sang chế độ kiểm soát khẩn cấp "do sét". Các phi công đã cố gắng khôi phục liên lạc thông qua tần số khẩn cấp trên kết nối vô tuyến, song kết nối này chỉ được duy trì trong một thời gian ngắn và tiếp tục bị gián đoạn.

Uỷ ban Điều tra Nga đã khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc này, xem xét 3 yếu tố được xem là nguyên nhân có thể gây ra vụ cháy là phi công có kỹ năng chuyên môn kém, thiết bị điện trên máy bay gặp trục trặc và thời tiết xấu.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực