Thế giới tuần qua: Nguy cơ và thời cơ

Chủ nhật, 19/04/2020 10:27
(ĐCSVN) – Tuần qua (13-19/4), thế giới tiếp tục chao đảo vì COVID-19. Tuy nhiên, chúng ta cũng đón nhận những thông tin khích lệ liên quan tới sáng kiến thiết lập một lệnh ngừng bắn toàn cầu cùng sự chung tay của nhóm G20 và các thể chế tài chính lớn nhằm hỗ trợ các nước nghèo. Điều đó thể hiện rõ tinh thần đoàn kết và quyết tâm của thế giới cùng nhau vượt qua đại dịch.

Đại dịch COVID-19: Số ca nhiễm trên thế giới vượt xa ngưỡng 2 triệu người

Thế giới phản ứng thế nào sau khi Mỹ thông báo ngừng tài trợ cho WHO?

Giá dầu thế giới tăng vọt sau thỏa thuận của OPEC+

Nga cân nhắc hoãn kỷ niệm Ngày Chiến thắng do đại dịch COVID-19

Cơ hội thực sự cho một lệnh ngừng bắn toàn cầu

Theo số liệu thống kê do worldometers.info đưa ra sáng 19/4, thế giới ghi nhận 2.330.945 ca nhiễm và 160.757 ca tử vong vì COVID-19. (Ảnh: EPA/EFE)

Tuần qua, cơ hội thực sự cho một lệnh ngừng bắn toàn cầu đã hé lộ, sau khi ý tưởng này nhận được sự đồng thuận của 4/5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong thông báo phát đi ngày 15/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nước này đã có được sự đồng ý của các nhà lãnh đạo 3 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khác (gồm: Mỹ, Anh và Trung Quốc) về một lệnh ngừng bắn toàn cầu để giúp thế giới cùng vượt qua đại dịch COVID-19.

Đây được xem là một dấu hiệu hiếm hoi của sự đoàn kết toàn cầu, sau tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống D.Trump về ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Về phía Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã 2 lần lên tiếng kêu gọi thực thi một lệnh ngừng bắn toàn cầu để các nước đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh có thể chiến đấu chống đại dịch. Điều đáng nói, đây lần đầu tiên trong lịch sử 75 năm của Liên hợp quốc, một yêu cầu ngừng bắn trên toàn thế giới được đưa ra.

Tuy chưa đưa ra phản ứng chính thức, song Nga trên tinh thần là ủng hộ đề xuất của Pháp cũng như của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về kêu gọi ngừng bắn toàn cầu để tập trung chống dịch COVID-19. Theo Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov thì Điện Kremlin sẽ đưa ra tuyên bố chính thức sau khi các nhà ngoại giao Nga xem xét và giải quyết những vấn đề kỹ thuật. Điều này có nghĩa khi Nga chính thức gật đầu, các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ có một cuộc họp chung về vấn đề này và phát đi lời kêu gọi theo cách "trang nghiêm, mạnh mẽ, hiệu quả nhất" như lời ông Macron từng nói.

Để xây dựng và duy trì một lệnh ngừng bắn vào thời điểm đầy thử thách này đòi hỏi sự thống nhất chi tiết cũng như lòng tin của tất cả các bên. Nhưng mục tiêu này, một khi đã đạt được, sẽ không chỉ giúp tháo gỡ được nhiều nút thắt về nhân đạo mà còn có thể tạo đà để hướng tới hòa bình lâu dài ở các điểm nóng chiến sự trên thế giới.

Một thông tin tích cực khác mà thế giới đón nhận trong tuần qua đó là trong thông cáo chung sau cuộc họp trực tuyến ngày 15/4. Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khẳng định ủng hộ sáng kiến "giãn nợ" cho những nước nghèo nhất, nhằm hỗ trợ các nỗ lực ứng phó dịch COVID-19. G20 cũng đồng ý chi hơn 7.000 tỷ USD nhằm bảo vệ người lao động, doanh nghiệp và duy trì ổn định kinh tế, tài chính toàn cầu.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng kêu gọi lùi thời hạn trả nợ thêm sáu tháng cho các nước nghèo đang cần hỗ trợ nhất. IMF và WB hoan nghênh thỏa thuận giãn nợ của G20, giúp bảo vệ tính mạng và sinh kế của hàng triệu người dễ bị tổn thương. IMF cũng cân nhắc tăng gấp ba lần khoản hỗ trợ các nước nghèo. Sự chung tay vào cuộc của các nước cùng các thể chế tài chính trên thế giới dù không được kỳ vọng mang lại giải pháp triệt để cho các khoản nợ đăng đặt lên vai các nước nghèo, song chí ít thì có thể giúp tạm thời nới lỏng được một số gánh nặng về tài chính để các nước này có thể tập trung ứng phó với dịch bệnh.

 OPEC tiếp tục hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sau thỏa thuận “khủng” về cắt giảm sản lượng

 Ảnh: TASS

Một thông tin đáng chú ý đối với thị trường dầu mỏ thế giới trong tuần qua là Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã tiếp tục cắt giảm dự báo nhu cầu “vàng đen” trong năm 2020 do "cú sốc lịch sử" mà dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, đồng thời cho biết thỏa thuận cắt giảm sản lượng vừa qua chưa phải là lần cuối.

Trong báo cáo hằng tháng, OPEC dự báo nhu cầu dầu sẽ giảm khoảng 6,9 triệu thùng/ngày, tức là 6,9% trong năm 2020, trong khi tháng trước, OPEC dự báo nhu cầu tăng nhẹ khoảng 60.000 thùng/ngày. Tính riêng trong tháng 4, OPEC dự báo nhu cầu sẽ giảm mạnh nhất, là 20 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, dự báo này vẫn chưa nghiêm trọng bằng dự báo mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra, theo đó nhu cầu trong tháng 4 sẽ giảm 29 triệu thùng/ngày và trong cả năm giảm 9,3 triệu thùng/ngày.

Báo cáo mới nhất nêu rõ: "Thị trường dầu mỏ hiện đang trải qua cú sốc lịch sử đột ngột, khắc nghiệt và trên quy mô toàn cầu". Theo OPEC, nguy cơ giảm vẫn rất lớn, vì vậy "có thể tiếp tục phải giảm sản lượng, nhất là trong quý II".

Trước đó, do nhu cầu sụt giảm, giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 18 năm qua, là 21,65 USD/thùng ngày 30/3. Để vực dậy thị trường, OPEC, Nga và các nước sản xuất dầu khác đã nhất trí thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục, tương đương khoảng 10% nguồn cung toàn cầu. Cụ thể, OPEC+ nhất trí cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày trong thời gian 2 tháng, từ tháng 5-6. Đây được coi là đợt cắt giảm sản lượng lớn nhất từ trước đến nay và các nước OPEC+ cũng sẽ tiếp tục từng bước cắt giảm sản lượng trong vòng 2 năm, cho đến tháng 4/2022.

Nga hoãn duyệt binh kỷ niệm ngày chiến thắng 9/5

 Lễ diễu binh nhân kỉ niệm Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow, Nga ngày 9/5/2019. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Trong cuộc họp trực tuyến với các thành viên thường trực của Hội đồng An ninh quốc gia, ngày 16/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức thông báo tạm hoãn cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ nhân kỷ niệm 75 năm ngày Chiến thắng cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại năm nay.

Phát biểu tại buổi họp, ông Putin cho biết cả nước Nga, từ cấp liên bang cho tới các địa phương, đã có những sự chuẩn bị cho ngày lễ quan trọng này từ trước. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh mẽ trên khắp nước Nga đã khiến ông phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn.

"Để chuẩn bị cho ngày 9/5, việc chuẩn bị sẽ phải bắt đầu từ hôm nay. Nhưng hiện đại dịch COVID-19 vẫn chưa tới đỉnh điểm và mang lại những nguy cơ rất lớn. Và điều đó không cho phép tôi bắt đầu các công việc chuẩn bị cho cuộc diễu binh và các sự kiện đông người khác. Bởi vậy, tôi yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng, người đứng đầu các cơ quan thực thi luật pháp, và các cấp chính quyền thay đổi chương trình và hoãn việc chuẩn bị cho cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ, các cuộc diễu binh tại các khu vực, hoãn tất cả các sự kiện công cộng có đông người dự kiến sẽ được tổ chức để kỷ niệm 75 năm Chiến thắng vĩ đại" - ông Putin nói.

Tổng thống Nga Putin cũng khẳng định, bất chấp việc tạm hoãn các hoạt động kỷ niệm, Ngày Chiến thắng vẫn diễn ra vào ngày 9/5 và ngày lễ quan trọng này không thể bị hủy bỏ. Ông Putin nhấn mạnh: "Trong Ngày Chiến thắng, chúng ta vinh danh, bày tỏ lòng kính trọng đối với những anh hùng đã bảo vệ đất nước và cả thế giới, hy sinh cuộc sống của họ để cứu mạng sống của những người khác. Những người chiến thắng, các cựu chiến binh đã đặt ra tiêu chuẩn đạo đức cao nhất cho chúng ta, truyền lại cho chúng ta niềm tin của họ. Chúng ta phải gìn giữ cẩn thận, giáo dục cho những thế hệ tương lai về những giá trị này".

Ông Putin nói thêm: "Mỗi gia đình sẽ tưởng nhớ và vinh danh những người anh hùng của họ trong ngày này. Chúng ta sẽ tận dụng mọi cơ hội, làm tất cả những gì cần thiết để các cựu chiến binh cảm nhận được sự quan tâm và lòng biết ơn của chúng ta". Theo Tổng thống Putin, tất cả các hoạt động kỷ niệm, bao gồm cả cuộc diễu binh Ngày Chiến thắng và lễ diễu hành "Trung đoàn Bất tử" vẫn sẽ được tổ chức sau một thời gian, trong năm 2020, năm Ký ức và Vinh quang của nước Nga.

 Tổng thống Mỹ chính thức công bố kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế

 Tổng thống Donald Trump chính thức công bố kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế. (Nguồn: Fox Business)

Ngày 16/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, việc mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ diễn ra theo từng giai đoạn, với điều kiện tiên quyết là các bang cho thấy sự suy giảm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu tại họp báo, ông D.Trump cho biết: "Căn cứ vào dữ liệu mới nhất, đội ngũ chuyên gia của chúng tôi hiện nay thống nhất rằng chúng ta có thể bắt đầu bước vào mặt trận mới trong cuộc chiến của chúng ta... Chúng ta sẽ mở cửa trở lại đất nước".

Theo đó, "cách tiếp cận của chúng tôi sẽ vạch ra 3 giai đoạn trong việc khôi phục kinh tế. Chúng tôi sẽ không mở cửa đồng thời tất cả, mà sẽ triển khai thận trọng từng bước tại từng thời điểm và một số bang sẽ có thể mở cửa sớm hơn các bang khác".

Không phải Nhà Trắng, mà chính thống đốc các bang sẽ đảm nhiệm tiến trình này. "Nếu họ cần duy trì tình trạng đóng cửa, chúng tôi sẽ cho phép họ làm điều đó. Nếu họ cho rằng đã đến lúc mở cửa trở lại, chúng tôi sẽ chỉ dẫn cho họ và để họ tự quyết nhằm hoàn tất nhanh chóng nhiệm vụ, quyết định của họ phụ thuộc vào điều họ muốn", ông D.Trump nhấn mạnh.

Truyền thông Mỹ cho hay, đường lối chỉ đạo của Tổng thống D.Trump về mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ sẽ được chia làm 3 giai đoạn, trong đó có thể cho phép một số bang bắt đầu dỡ bỏ các quy định hạn chế ngay trong tháng này. Trong giai đoạn đầu, các địa điểm như nhà hàng và rạp chiếu phim có thể hoạt động trở lại cùng với quy định giãn cách xã hội chặt chẽ. Trong giai đoạn 2, việc hạn chế đi lại không thiết yếu có thể được dỡ bỏ và các trường học có thể mở cửa trở lại. Trong giai đoạn 3, những người dễ bị tổn hại sức khỏe có thể tái tương tác cộng đồng.

Theo nhận định của giới chuyên gia thì Tổng thống D.Trump tỏ ra "sốt sắng" trong việc mở của nền kinh tế là bởi ông đang  chịu áp lực phải xốc lại nền kinh tế sau khi hàng triệu người lao động Mỹ bị mất việc vì lệnh hạn chế để ngăn chặn COVID-19. Đây được kỳ vọng là một bước đi để ông D.Trump có thể khôi phục lại niềm tin của cử tri trước thềm bước vào cuộc tranh cử lần 2 trong tháng 11 tới. 

Theo số liệu của worldometers.info công bố sáng 19/4, hiện Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới, với 738.830 ca nhiễm và 39.014 ca tử vong vì COVID-19. Trong ngày 18/4, tình hình dịch bệnh tại bang New York - "một điểm nóng" về COVID-19 tại Mỹ đã có chuyển biến khi ghi nhận số ca tử vong thấp nhất trong 2 tuần qua, với 540 người./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực