Thế giới tuần qua: Những thay đổi lớn trên chính trường Nga

Chủ nhật, 19/01/2020 14:36
(ĐCSVN) – Thế giới tuần qua (13-19/1) đã trải qua những sự kiện đáng chú ý: những sự thay đổi quan trọng trên chính trường Nga; Mỹ-Trung ký thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” sau thời gian dài chờ đợi và những dấu hiệu hạ nhiệt trong quan hệ căng thẳng quân sự Mỹ-Iran…

Tổng thống Nga đề cử ông Mikhail Mishustin làm Thủ tướng mới

Mỹ, Trung ký kết thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1”

Trung Quốc kêu gọi Mỹ chấm dứt trừng phạt các công ty hợp tác với Iran

Iran phát tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng với Mỹ

Nước Nga có Thủ tướng mới

leftcenterrightdel
Tân Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin . (Ảnh: TASS)

Ngay sau khi được Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga thông qua, chiều 16/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh bổ nhiệm người đứng đầu Cơ quan Thuế Liên bang Nga Mikhail Mishustin trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev - người vừa quyết định từ chức nhằm mở đường cho ông Putin triển khai các đề xuất cải tổ Hiến pháp.

Việc bổ nhiệm ông Mikhail Mishustin làm người đứng đầu Chính phủ Nga được coi là một phần trong kế hoạch cải tổ hệ thống chính trị được Tổng thống Putin thông báo trong diễn văn Thông điệp Liên bang ngày 15/1. Ông Mishustin cam kết sẽ tập trung vào các vấn đề xã hội và cải thiện điều kiện sống của người dân. Ông nói: "Chúng tôi có tất cả các nguồn lực cần  thiết để hoàn thành các mục tiêu do Tổng thống đặt ra". Theo ông Mishustin, Tổng thống Putin muốn nội các mới tập trung vào tăng trưởng kinh tế và giúp tạo ra nhiều việc làm mới, trong đó tăng thu nhập được coi là ưu tiên hàng đầu của chính phủ.

Tổng thống Putin đã nêu đề xuất thay đổi Hiến pháp, theo đó đề nghị thay đổi phương thức bổ nhiệm chính phủ theo cách Quốc hội đề xuất các ứng cử viên, và tổng thống không có quyền từ chối đề cử của Quốc hội vào các cương vị Thủ tướng, Phó Thủ tướng và bộ trưởng thay cho việc Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng. Tuy nhiên, Tổng thống vẫn giữ quyền xác định các ưu tiên của chính phủ và quyền bãi nhiệm các thành viên chính phủ. Tổng thống vẫn kiểm soát trực tiếp hệ thống phòng thủ. Đồng thời, việc bổ nhiệm người đứng đầu các bộ sức mạnh sau khi tham khảo ý kiến với Hội đồng Liên bang (Thượng viện).

Mỹ thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong năm ASEAN

leftcenterrightdel
Ảnh: vtv.vn 

Ngày 15/1, Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đã phát đi thông báo về tuyên bố của 4 Thượng nghị sĩ của Ủy ban này hoan nghênh Việt Nam nắm giữ vị trí Chủ tịch ASEAN.

Trong tuyên bố, Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Risch (đảng Cộng hòa - bang Idaho) và Bob Menendez (đảng Dân chủ - bang New Jersey), Chủ tịch và thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cùng với Thượng nghị sĩ Cory Gardner (đảng Cộng hòa - bang Colorado) và Ed Markey (đảng Dân chủ -bang Massachusetts), Chủ tịch và thành viên cấp cao của Tiểu ban về Đông Á, Thái Bình Dương và Chính sách An ninh mạng Quốc tế đã chúc mừng Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN trong việc thúc đẩy khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa, các thượng nghị sĩ mong muốn tiếp tục hợp tác hiệu quả với ASEAN trong năm Việt Nam đảm trách vai trò Chủ tịch để giải quyết các vấn đề quan trọng với các thành viên ASEAN cũng như toàn bộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Đánh giá cao vai trò của ASEAN, trong đó có Việt Nam, trong giải quyết các vấn đề liên quan đến tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Các thượng nghị sĩ Mỹ mong muốn Việt Nam phát huy vai trò lãnh đạo cùng các nước ASEAN tiếp tục đàm phán với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC); khẳng định ASEAN luôn là đối tác quan trọng với Mỹ và cam kết tiếp tục làm sâu sắc mối quan hệ Mỹ - ASEAN, bắt đầu từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN, dự kiến sẽ diễn ra trong Quý I năm nay.

Mỹ-Trung ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1

leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) và Tổng thống Mỹ D.Trump ký kết bản thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" tại Nhà Trắng, ngày 16/1. (Ảnh: Xinhua) 

 Sau nhiều chờ đợi, ngày 16/1 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ D.Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã ký kết thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” tại Nhà Trắng, mở ra một sự khởi đầu mới trong giải quyết mối quan hệ tranh chấp thương mại kéo dài gần 2 năm qua giữa hai nền kinh tế nhất, nhì thế giới.

Theo một bản tài liệu do phía Mỹ công bố ngay sau lễ ký kết, Trung Quốc được yêu cầu tăng cường mua nông sản cùng các hàng hóa khác của Mỹ, với tổng trị giá lên tới 200 tỷ USD trong năm nay và năm tiếp theo. Bên cạnh đó, bản thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” cũng được coi là cơ sở để giải quyết những bất đồng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, liên quan tới một số vấn đề như quyền sở hữu trí tuệ và kiềm chế các hành vi thao túng tỷ giá hối đoái.

Chỉ vài giờ sau khi bản thỏa thuận “giai đoạn 1” được ký kết, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu thảo luận về giai đoạn 2 của thỏa thuận thương mại. Việc Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại bước đầu đã phần nào cởi bỏ được tâm lý lo ngại, từ đó mở ra triển vọng cải thiện tăng trưởng kinh tế toàn cầu vốn đang ở mức thấp nhất trong một thập kỷ trở lại đây.

Iran phát tín hiệu hòa giải căng thẳng với Mỹ

leftcenterrightdel
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Ảnh:  AP)

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 16/1 cho biết đối thoại với thế giới vẫn "có thể được" bất chấp căng thẳng với Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng Tehran đang nỗ lực hằng ngày "nhằm ngăn chặn đối đầu quân sự hoặc chiến tranh”.

Trước đó, trong cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Quốc vương Qatar Sheikh Al-Thani, hai bên đã đi đến nhất trí chung rằng “hạ nhiệt căng thẳng chính là giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng khu vực”.

Phát biểu sau cuộc gặp gỡ, Quốc vương Al-Thani cho biết: "Chúng tôi đã nhất trí rằng giải pháp duy nhất cho các cuộc khủng hoảng hiện nay là các bên giảm leo thang căng thẳng và tiến tới đối thoại". 

Về phần mình, Tổng thống Rouhani nói: "Chúng tôi đã nhất trí tiến hành thêm các cuộc tham vấn và hợp tác vì an ninh toàn khu vực". Thông điệp này của nhà lãnh đạo Iran được đánh giá là nhằm phát đi tín hiệu ủng hộ hạ nhiệt căng thẳng sau khi mối quan hệ giữa nước này và Mỹ bị đẩy lên cao sau các màn trả đũa quân sự tại Iraq.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, Tổng thống D.Trump vẫn sẵn sàng ngồi vào bàn thảo luận mà không đi kèm theo điều kiện tiên quyết với Iran, ngay cả khi Tehran đã từng tỏ ra kiên quyết từ chối đối thoại với Washington trừ khi Mỹ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo này. 

Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ cháy rừng trên toàn cầu

leftcenterrightdel
Kanguru chạy qua ngôi nhà đang cháy tại bang New South Wales, Australia. (Ảnh: New York Times)

 Ngày 14/1, một nhóm các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu tại Anh đã đánh giá 57 nghiên cứu khoa học và rút ra kết luận là hiện tượng nóng lên toàn cầu đang khiến thời tiết trở nên khô, nóng hơn trên toàn thế giới và tạo điều kiện thuận lợi cho các đám cháy rừng xảy ra.

Ông Iain Colin Prentice - một trong các tác giả của bản đánh giá trên và là giám đốc Trung tâm Leverhulme về cháy rừng, môi trường và xã hội tại Cao đẳng Hoàng gia London (Imperial College London) - cho biết "không còn nghi ngờ gì" về mối liên hệ giữa khí hậu và nguy cơ hỏa hoạn.

"Australia đã nóng lên hơn 1 độ C. Hỏa hoạn thì cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ cao" – ông Prentice nói

Australia đang phải chống chọi mùa cháy rừng gây thiệt hại lớn nhất từ trước tới nay. Các vụ cháy rừng hoành hành dọc bờ biển phía đông Australia đã phát thải khoảng 400 triệu tấn carbon dioxide vào khí quyển, đẩy nhanh biến đổi khí hậu - vốn là nguyên nhân làm cho đám cháy trầm trọng hơn. Khói mù do cháy rừng đã khiến thủ đô Canberra và thành phố Melbourne nằm trong danh sách 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực