Thế giới tuần qua: Nỗ lực đẩy lùi đại dịch

Chủ nhật, 12/04/2020 09:43
(ĐCSVN) – Tuần qua (6-12/4), thế giới bước qua 100 ngày đầy biến động vì đại dịch COVID-19, với những thông tin bi thương về số ca mắc mới và tử vong liên tiếp được công bố. Song những nỗ lực không ngừng nghỉ của con người vẫn tiếp tục thắp sáng lên hy vọng về tương lai đại dịch sẽ bị đẩy lùi.

Dịch COVID-19: Số ca tử vong trên toàn thế giới lên hơn 100.000 người

OPEC+ thỏa thuận cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng dầu/ngày

WHO kêu gọi cách ly COVID-19 khỏi chính trị

Bầu cử Mỹ 2020: Ứng cử viên Bernie Sanders rút lui khỏi cuộc đua

Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 1,5 triệu người

Mỹ thử nghiệm lâm sàng vắc-xin chống COVID-19

COVID-19 giảm nhiệt tại các nước châu Âu, Mỹ đạt đỉnh dịch trong hôm nay (12/4)

 Bác sĩ xét nghiệm cho bệnh nhân tại bệnh viện ở Brescia, Italia. (Ảnh: AFP)

Tuần qua, diễn biến của dịch bệnh COVID-19 đã giảm nhiệt tại một số nước châu Âu khi đà lây lan của virus SARS-CoV-2 có dấu hiệu chậm lại vì số người mới được xác nhận nhiễm thấp hơn hẳn so với những tuần trước đó.

Trong bối cảnh số ca mắc bệnh có chiều hướng giảm, nhiều nước ở châu Âu thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế hay xem xét nới lỏng các biện pháp cách ly vốn được triển khai nhằm làm giảm sự lây lan của dịch COVID-19. Tuy nhiên, công việc này sẽ được  thực hiện một cách thận trọng và các nước vẫn cảnh giác trước nguy cơ dịch COVID-19 lây lan vào dịp Lễ Phục sinh.

Ngày 10/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo các nước nên thận trọng về việc gỡ bỏ lệnh phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19 khi điều này có thể dẫn tới số người tử vong vì dịch bệnh tăng trở lại.

Tại một “điểm nóng” COVID-19 khác trên thế giới là Mỹ, Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc đại học Washington cũng vừa đưa ra dự báo, đỉnh dịch COVID-19 ở Mỹ sẽ diễn ra vào ngày hôm nay (12/4) và sau thời điểm này, số ca tử vong sẽ giảm dần.

Từ 0h đêm 8/4 theo giờ địa phương, thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc, từng là tâm dịch COVID-19 của Trung Quốc, đã chính thức được dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau 77 ngày. Tuy nhiên, người dân vẫn được khuyến cáo tránh rời khu vực mình sống cũng như thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc, trừ trường hợp cần thiết.  

Cũng trong tuần trước, WHO cho biết, hiện có hơn 60 loại vắc-xin chống lại virus Corona chủng mới đang được phát triển tại nhiều nước trên thế giới. Hiện có 130 nhà khoa học, các nhà gây quỹ và nhà sản xuất trên thế giới ký vào một tuyên bố cam kết hợp tác với WHO để đẩy nhanh việc phát triển vắc-xin chống COVID-19.

Tính đến sáng 12/4, trang thống kê worldometers.info cho thấy, số ca nhiễm COVID-19 đã lên tới 1.779.842, trong khi số ca tử vong vì dịch bệnh này là 108.779 trường hợp.

Các nước quan ngại vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam

 

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ đích danh tàu công vụ Trung Quốc là thủ phạm đâm chìm tàu cá Việt Nam - Ảnh chụp màn hình.

* Ngày 9/4, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra thông cáo báo chí bày tỏ quan ngại sâu sắc về thông tin một tàu hải cảnh Trung Quốc đã va chạm và làm đắm một tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông.

Thông cáo nêu rõ cách hành xử của Trung Quốc đi ngược lại tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, trong đó, tất cả các quốc gia, lớn hay nhỏ, đều an toàn trong chủ quyền của mình, không bị cưỡng ép, và được phát triển kinh tế theo các quy định và quy tắc quốc tế được chấp nhận. Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của các đồng minh và đối tác của mình nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế ở toàn bộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Đại dịch COVID-19 nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, qua đó tạo điều kiện giúp giải quyết mối đe dọa chung này một cách minh bạch, tập trung và hiệu quả. Thông cáo kêu gọi tất cả các bên kiềm chế các hành động có thể khiến khu vực bất ổn, sao nhãng các nỗ lực toàn cầu đối phó với đại dịch, hoặc gây ra rủi ro không cần thiết dẫn tới các thiệt hại về người và của.

Trước đó, hôm 6/4, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phát đi một tuyên bố nhấn mạnh Trung Quốc nên tập trung hỗ trợ các nỗ lực đối phó đại dịch toàn cầu, thay vì lợi dụng tình hình dịch bệnh có thể dẫn tới sự lơ là của các nước khác để "bành trướng các yêu sách bất hợp pháp trên Biển Đông".

* Ngày 8/4, Bộ Ngoại giao Philipines (DFA) lên tiếng “quan ngại sâu sắc” trước thông tin tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam tại Biển Đông, gọi đây là hành động làm tổn hại quan hệ giữa ASEAN và Bắc Kinh.

Tuyên bố của DFA nêu rõ: “Trong lúc các cuộc thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông đang có đà tiến triển tích cực, điều quan trọng là phải tránh những vụ việc tương tự và cần phải dàn xếp bất đồng trên tinh thần tăng cường đối thoại và tin tưởng lẫn nhau”. DFA nhấn mạnh các bên cần phải tránh những hành vi khiêu khích tại Biển Đông, nhất là trong bối cảnh thế giới đang phải chống chọi với COVID-19.

* Ngày 3/4, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm phản đối cho Đại sứ quán Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam. Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin tàu cá QNg 90617 TS cùng 8 ngư dân Việt Nam gặp nạn tại khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm. Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ bị bỏ lửng

Bảng giá tại một trạm xăng ở Louisville, Kentucky (Mỹ) ngày 2/4 khi giá xăng trung bình tại Mỹ giảm dưới 2 USD/gallon - Ảnh: AFP

Cuộc họp trực tuyến kéo dài 9 tiếng diễn ra ngày 9/4 giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đã khép lại bằng thỏa thuận cắt giảm khoảng 10% sản lượng. Như vậy, dưới vai trò can thiệp của Mỹ, Ả rập Xê út và Nga cuối cùng đã gạt bỏ bất đồng kéo dài trong nhiều tuần để chấm dứt cuộc chiến giá dầu cũng như tìm kiếm giải pháp ổn định thị trường “vàng đen” thế giới.

Thỏa thuận mới đề ra cam kết cắt giảm 10 triệu thùng/ngày từ tháng 5 đến tháng 6/2020 cho toàn OPEC+. Ả rập Xê út và Nga, hai nhà sản xuất lớn nhất của OPEC+, mỗi bên sẽ cắt giảm khoảng 2,5 triệu thùng/ngày, trong khi Iraq cắt giảm hơn 1 triệu thùng/ngày. Các thành viên còn lại đồng ý giảm 23% sản lượng. Sau đó, mức cắt giảm sẽ được hạ xuống còn 8 triệu thùng/ngày từ tháng 7 đến tháng 12/2020 và 6 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022.

Thỏa thuận mới của OPEC+ được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ sụt giảm do tác động của hàng loạt giới hạn đi lại, nhằm hạn chế dịch bệnh COVID-19 lây lan. Tuy nhiên, thỏa thuận lịch sử này đang đối mặt với nguy cơ đổ vỡ khi vấp phải sự phản đối từ Mexico, sau khi nước này từ chối mức cắt giảm theo khuyến nghị của OPEC+ là 400.000 thùng/ngày và chỉ đồng ý thực hiện mức cắt giảm 100.000 thùng/ngày, bắt đầu từ tháng tới.

Ngay trong ngày 9/4, thị trường dầu mỏ thế giới đã phản ứng tích cực sau những thông tin về quyết định cắt giảm sản lượng lịch sử của OPEC+. Tuy nhiên, đến ngày 10/4, giá dầu lại tiếp tục giảm mạnh trong khi chờ đợi một thỏa thuận chính thức. 

Giới quan sát cho rằng, chỉ từ đầu năm cho tới nay, giá dầu đã mất đi một nửa giá trị trong khi nhu cầu tiêu thụ lại dự báo sẽ giảm mạnh tới 30%, chưa kể tới “sự thiếu hợp tác” từ phía Mexico đang khiến cho thỏa thuận cắt giảm sản lượng bị bỏ lửng. Các biện pháp của OPEC+ vừa đưa ra được cho là sẽ chỉ “như muối bỏ bể” và khó có thể phát huy hiệu quả như kỳ vọng nhằm cải thiện giá dầu vốn đang ở mức thấp kỷ lục.

Ông Bernie Sanders của đảng Dân chủ rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng

Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders. (Ảnh: AFP)

Ngày 8/4, Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua giành đề cử của đảng Dân chủ tham gia bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 3/11 tới đây.

Ông Bernie Sanders, một nhà xã hội dân chủ tuyên bố quyết định rút khỏi cuộc đua tại cuộc họp trực tuyến cùng các cố vấn đồng hành trong chiến dịch tranh cử.

Giải thích về lý do dừng cuộc đua, ông Bernie Sanders cho biết: “Con đường dẫn tới chiến thắng là gần như không thể”. Ông Sanders, người từng hứa hẹn mang lại một cuộc cách mạng chính trị, đã thừa nhận không còn cơ hội chiến thắng sau một loạt thất bại mang tính quyết định trước cựu Phó Tổng thống, ông Joe Biden tại các cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra vào cuối tháng 2 vừa qua.

Thượng nghị sĩ Sanders cho biết, đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Mỹ đã đẩy ông ra khỏi cuộc đua khi hạn chế khả năng đưa thông điệp của ông ra ngoài. Tuy nhiên, ông cam kết sẽ ủng hộ ứng cử viên còn lại duy nhất của đảng Dân chủ là ông Joe Biden trong việc thúc đẩy những ý tưởng tiến bộ.

Như vậy, với quyết định rút lui của ông Sanders, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hiện nay chỉ còn lại giữa ứng cử viên Joe Biden, 77 tuổi đại diện đảng Dân chủ và đương kim Tổng thống Donald Trump, 73 tuổi đại diện của đảng Cộng hòa.

Theo kế hoạch, Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ dự kiến sẽ diễn ra tại thành phố Milwaukee, bang Wisconsin, Mỹ từ ngày 13 – 16/7. Tuy nhiên do tình hình dịch COVID-19 nên đại hội sẽ được lùi lại tới ngày 17/8 và diễn ra một tuần trước khi Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa được tổ chức tại Charlotte, bang North Carolina./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực