Thế giới tuần qua: quan hệ Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng

Chủ nhật, 16/08/2020 10:04
(ĐCSVN) – Trong bối cảnh COVID-19 vẫn chưa thôi hoành hành thì việc Nga tuyên bố phát triển thành công vaccine ngừa COVID-19 cùng tiến độ tăng tốc thử nghiệm vaccine ở nhiều nước, Israel nhất trí hoãn sáp nhập Bờ Tây sau khi bình thường hóa quan hệ với UAE, được xem là một số tín hiệu tích cực, làm sáng lên bầu trời vốn đang ảm đạm do đại dịch trên thế giới trong tuần qua (10 – 16/8).

 

1.  Nga trở thành nước đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine ngừa COVID-19

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/8  thông báo Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine ngăn ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau chưa đầy 2 tháng thử nghiệm trên người. Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Putin khẳng định vaccine do Viện Gamaleya sản xuất này an toàn. Nhà lãnh đạo Nga hy vọng vaccine phòng COVID-19 Sputnik V sẽ sớm được sản xuất hàng loạt.

Đến sáng 16/8, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn thế giới là trên 21.592.599 ca (Ảnh: UN) 

Theo thông cáo của Bộ Y tế Nga, với phác đồ tiêm 2 lần, vaccine Sputnik V cho phép phòng ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 trong 2 năm.

Ông Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), ngày 12/8 cho biết Nga đã nhận được đơn đặt hàng 1 tỷ liều vaccine Sputnik V từ 20 quốc gia, phần lớn là từ các nước Mỹ Latin, Trung Đông và châu Á. Nga cũng đã đàm phán về việc sản xuất vaccine tại 5 nước với khả năng sản xuất 500 triệu liều mỗi năm, trong đó có Philippines, Brazil và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cùng ngày cho biết vaccine Sputnik-V đã bắt đầu đưa vào sản xuất đại trà tại nhà máy dược phẩm Binnopharm của tập đoàn AFK Sistema. Dự kiến sẽ có khoảng 599 triệu liều vaccine được sản xuất trong 12 tháng đầu tiên. Theo ông Murashko, tất cả người dân Nga sẽ được tiêm miễn phí vaccine này một cách tự nguyện.

Trong khi Nga đã có vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới, các phòng thí nghiệm khác cũng đang tăng tốc không ngừng.

Đại học Oxford, đang phối hợp cùng tập đoàn dược AstraZeneca, hy vọng đến tháng 9 phát triển thành công vaccine. Trong khi đó, công ty sinh học Mỹ Moderna đã bắt tay cùng Viện Y tế Quốc gia (NIH) hướng tới mục tiêu đến cuối tháng 11 sẽ có vaccine đạt tiêu chuẩn.

Hai nhà sản xuất Oxford/AztraZeneca và Sanofi/GSK đã ký hoặc đàm phán với Ủy ban châu Âu để cung cấp tổng cộng 700 triệu liều vaccine.

Viện Paul Ehrlich (PEI) - đơn vị chịu trách nhiệm cấp phép vaccine ở Đức, cho biết chỉ có thể có vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2 sớm nhất vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Chủ tịch PEI Klaus Cichutek nêu rõ: "Tôi cho rằng việc cấp phép (tiêm vaccine) sẽ vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm tới với điều kiện giai đoạn 3 trong tiến trình điều chế có kết quả tích cực".

Nhật Bản đang đặt kỳ vọng vào 490 triệu liều vaccine từ 3 nhà sản xuất, trong gồm 250 triệu liều từ Novavax của Mỹ.

Hai nhà sản xuất của Trung Quốc cũng đang đi đến giai đoạn thử nghiệm cuối là Sinovac và Sinopharm đã đàm phán với Brazil và Indonesia. Brazil đặt hàng 100 triệu liều từ AstraZeneca đồng thời hợp tác cùng Sinovac để trong thời gian tới có thể sản xuất 120 triệu liều CoronaVac đang được thử nghiệm tại nước này.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, đến sáng 16/8, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn thế giới là trên 21.592.599 trường hợp, trong đó có 767.956 người tử vong.

2. Quan hệ Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng

Ngày 11/8, Bộ Ngoại giao Iraq đã hủy chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tới Baghdad, đồng thời thông báo về việc triệu đại sứ Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq nhằm phản đối vụ không kích do Thổ Nhĩ Kỳ vừa thực hiện tại khu bán tự trị của người Kurd tại miền Bắc Iraq.

Bên cạnh đó, Iraq cũng cảnh báo sẽ “xem xét lại” vấn đề hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi nước láng giềng không đáp lại những yêu cầu của Iraq liên quan tới việc ngừng các hành động vi phạm chủ quyền và rút các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ khỏi các căn cứ thuộc khu vực của người Kurd.

Binh sỹ Iraq làm nhiệm vụ tại khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AFP)  

Trước đó, Bộ Chỉ huy các chiến dịch chung của Iraq (IJOC) cho biết, một máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công một chiếc xe quân sự của lực lượng biên phòng Iraq tại khu vực Sidekan thuộc khu vực bán tự trị của người Kurd. Vụ tấn công đã khiến chỉ huy lữ đoàn biên phòng số 2, chỉ huy trung đoàn 3 và 1 lái xe thiệt mạng.

Ngay lập tức, quân đội Iraq đã tỏ rõ quan điểm lên án vụ không kích mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, coi hành động trên là “sự khiêu khích trắng trợn”.  Phủ Tổng thống Iraq cũng lên án vụ không kích, cho đó là "hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Iraq" và kêu gọi Ankara chấm dứt mọi chiến dịch quân sự ở miền Bắc Iraq. Phủ Tổng thống Iraq kêu gọi hai bên cần ngồi vào bàn đối thoại để giải quyết các vấn đề biên giới bằng các biện pháp hòa bình, qua đó duy trì an ninh và ổn định trong khu vực.

3. Israel nhất trí ngừng sáp nhập Bờ Tây sau thỏa thuận lịch sử với UAE

Ngày 13/8, Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã đạt thỏa thuận bình thường hóa quan hệ được đánh giá là lịch sử do Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian. Một nội dung quan trọng của thỏa thuận được các quan chức Nhà Trắng đưa ra là Israel nhất trí ngừng áp đặt chủ quyền đối với các khu vực thuộc Bờ Tây.

Tổng thống Trump tuyên bố bình thường hóa quan hệ Israel - UAE tại Nhà Trắng ngày 13/8 (Ảnh: Whitehouse.gov )

Người phát ngôn của Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh thỏa thuận này và cho rằng, thỏa thuận có thể thúc đẩy hòa bình và an ninh tại Trung Đông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi thỏa thuận này là "bước đột phá lớn" và là "thỏa thuận hòa bình lịch sử" giữa Israel và UAE; trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE là một bước tiến lớn trên một "lộ trình đúng đắn".

Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Vladimir Dzhabarov cho hay Nga hoan nghênh quyết định của Israel khi từ bỏ kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ Palestine, điều này chắc chắn sẽ giúp bình thường hóa tình hình tại khu vực.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đánh giá cao thỏa thuận giữa Israel và UAE hướng tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa hai nước Trung Đông. Ông bày tỏ hy vọng kế hoạch sáp nhập sẽ không được xúc tiến tại Bờ Tây và thỏa thuận là một bước đi đáng hoan nghênh trong lộ trình hướng tới một khu vực Trung Đông hòa bình hơn.

Tuy nhiên, ngược lại với quan điểm này, Bộ Ngoại giao Iran đánh giá thỏa thuận trên là "nguy hiểm và bất hợp pháp" và cho rằng bước đi trên làm phương hại tới người Palestine.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích thỏa thuận lịch sử giữa Israel và UAE là nhằm viết lại trật tự chính trị Trung Đông, từ vấn đề Palestine cho tới cuộc chiến chống Iran; đồng thời bày tỏ "vô cùng lo ngại rằng UAE, thông qua hành động đơn phương, sẽ đặt dấu chấm hết cho Sáng kiến Hòa bình Arab do Liên đoàn Arab đề xuất và được Tổ chức Hợp tác Hồi giáo ủng hộ".

Về phía Palestine, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã bác bỏ thỏa thuận nói trên. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lên án thỏa thuận. Cố vấn cấp cao của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ông Nabil Abu Rudeineh tuyên bố "giới lãnh đạo Palestine bác bỏ và lên án thông báo 3 bên và bất ngờ của UAE, Israel và Mỹ". Ông Abu Rudeineh cho hay thỏa thuận trên là một "sự phản bội đối với Jerusalem, Al-Aqsa và sự nghiệp của Palestine".

4. Triều Tiên thay Thủ tướng, gỡ phong tỏa ở Kaesong

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, ngày 14/8, công bố ông Kim Tok Hun sẽ đảm nhiệm cương vị Thủ tướng thay cho ông Kim Jae Ryong, người chỉ mới được bổ nhiệm một năm trước. Ông Kim Tok Hun sinh năm 1962 là quan chức cao cấp đang hiện đang là Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách Quốc hội.

 Ông Kim Jae Ryong vừa bị bãi nhiệm khỏi cương vị Thủ tướng Triều Tiên  (Ảnh: YONHAP)

Quyết định bổ nhiệm ông Kim Tok-hun làm người đứng đầu chính phủ được công bố trong sắc lệnh đưa ra tại một phiên họp Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên do nhà lãnh đạo Kim Jong-un chủ trì. Sắc lệnh không nêu lý do của việc thay thế nhân sự này. Tuy nhiên, KCNA cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đưa ra quyết định thay thế Thủ tướng Kim Jae Ryong sau khi đánh giá kết quả điều hành kinh tế của chính phủ và bổ nhiệm ông Kim Tok-hun làm người kế nhiệm.

Triều Tiên đang đối mặt với tình trạng lũ lụt làm ngập nhiều cánh đồng, khiến kinh tế Triều Tiên càng thêm khó khăn. Hãng tin KCNA dẫn lời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên, cho biết lũ lụt đã gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng Triều Tiên sẽ không tiếp nhận hỗ trợ từ nước ngoài vì lo ngại nguy cơ dịch bệnh COVID-19.

Cho tới nay, Triều Tiên vẫn khẳng định không có ca bệnh COVID-19 nào. Tháng trước, Bình Nhưỡng áp đặt lệnh phong tỏa tại thành phố biên giới Kaesong sau khi phát hiện một người từng đào tẩu từ Triều Tiên sang Hàn Quốc nay quay trở lại và đã nhiễm virus Corona. Tuy nhiên, ông Kim Jong Un đã quyết định gỡ bỏ phong tỏa tại thành phố Kaesong dựa trên các căn cứ khoa học. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng nói đã ra lệnh triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng lũ lụt.

5. Mỹ, Trung Quốc hoãn thảo luận trực tuyến về thỏa thuận thương mại

Cuộc thảo luận trực tuyến về thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến diễn ra vào ngày 15/8 đã bị trì hoãn và hai bên vẫn chưa thống nhất về thời điểm tổ chức cuộc thảo luận này.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trước vòng đàm phán thương mại ở Bắc Kinh (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước đó, hai bên dự kiến sẽ tiến hành cuộc thảo luận trực tuyến giữa Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc để đánh giá về việc thực hiện Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1. Đây là hoạt động nằm trong quy định của thỏa thuận và được lên lịch vào đúng ngày đánh dấu 6 tháng thỏa thuận có hiệu lực. Tuy nhiên, hiện chưa rõ lý do khiến hoạt động này bị hoãn.

Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi tháng 1 năm nay. Đây là một phần động thái nhằm giảm căng thẳng trong cuộc chiến thương mại kéo dài giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Thỏa thuận buộc Bắc Kinh nhập khẩu thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ, từ ô tô, máy móc cho tới nông sản, trong 2 năm.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến hoạt động giao thương bị đình trệ và trong một tuyên bố cách đây vài tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát đi tín hiệu cứng rắn về số phận của thỏa thuận giai đoạn 1 cũng như khả năng hai bên có thể đạt được thỏa thuận giai đoạn 2./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực