Thế giới tuần qua: Triển vọng Brexit đúng thời hạn

Chủ nhật, 22/12/2019 09:18
(ĐCSVN) – Thế giới tuần qua (16 – 22/12) đã ghi nhận nhiều diễn biến mới như triển vọng thỏa thuận Anh có thể rời Liên minh châu Âu (EU) đúng thời hạn, Mỹ - Trung sắp ký thỏa thuận "giai đoạn 1", Tổng thống Putin tổ chức họp báo thường niên, Nhà Trắng chỉ trích cuộc bỏ phiếu luận tội của Đảng Dân chủ, hay Cuba có Thủ tướng mới....

Hạ viện Anh thông qua thỏa thuận Brexit

Tổng thống Mỹ phê chuẩn lệnh trừng phạt nhằm vào dự án "Dòng chảy phương Bắc 2"

Liên hợp quốc kêu gọi chia sẻ tình đoàn kết với người tị nạn

Hạ viện Anh thông qua thỏa thuận Brexit

Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại Hạ viện Anh. (Ảnh: AFP) 

Ngày 20/12, Hạ viện Anh khóa mới đã ủng hộ kế hoạch Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit mà Thủ tướng Boris Johnson đã ký kết với EU hồi tháng 10 vừa qua.

Với 358 phiếu thuận và 234 phiếu chống, cuối cùng Hạ viện Anh đã thông qua lần thứ nhất thỏa thuận Brexit, qua đó cho phép tiến hành phiên họp về đại cương dự luật, điều kiện cần thiết để thỏa thuận này chính thức được phê chuẩn.

Hạ viện Anh tiến hành bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit chỉ tám ngày sau khi đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử trước thời hạn với khẩu hiệu “hoàn tất Brexit”.

Đây là bước đi đầu tiên hướng tới hiện thực hóa cam kết hoàn tất Brexit bằng bất cứ giá nào vào ngày 31/1/2020 mà ông Johnson đưa ra kể từ khi kế nhiệm cựu Thủ tướng Theresa May hồi tháng 7 vừa qua.

Theo dự kiến, sau khi chính thức rời EU, nước Anh sẽ bước vào giai đoạn đàm phán thỏa thuận thương mại với EU trong giai đoạn chuyển tiếp. Dự kiến, giai đoạn này sẽ kết thúc vào cuối năm 2020. Thủ tướng Johnson cũng cho biết ông không đồng ý bất kỳ cuộc đàm phán nào bị gia hạn thêm nữa.

Thỏa thuận Brexit dự kiến sẽ được Hạ viện Anh tiếp tục thông qua vào tháng 1/2020 trước khi được Nghị viện EU phê chuẩn.

Phát biểu trong sáng 20/12, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Pedro Silva Pereira cũng cho biết Nghị viện châu Âu sẽ hoàn tất thủ tục phê chuẩn thoả thuận Brexit trước ngày 29/1/2020.

Tổng thống Nga chủ trì họp báo lớn thường niên

leftcenterrightdel
Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời các câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo.
(Ảnh: AFP) 

Đến hẹn lại lên, cuộc họp báo lớn thường niên cuối năm lần thứ 15 của Tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra ngày 19/12 tại Trung tâm Thương mại Quốc tế ở thủ đô Moskva kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ.

Theo số liệu được công bố, cuộc họp báo lần thứ 15 của Tổng thống Putin đã lập kỷ lục khi có tới 1.895 phóng viên đã đăng ký tham gia, nhiều hơn số phóng viên tham dự cuộc họp báo năm 2018 khoảng gần 200 phóng viên, trong khi hội trường họp báo chỉ đủ chỗ cho 900 người.

Tại cuộc họp báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trả lời hơn 60 câu hỏi từ các nhà báo với các chủ đề của hầu hết các lĩnh vực đối nội và đối ngoại của nước Nga, và theo đánh giá, đã giải tỏa mọi khúc mắc trong cuộc họp báo lớn cuối năm nay.

Trước những câu hỏi về tình hình kinh tế Nga trước sức ép của các lệnh trừng phạt, ông Putin cho rằng nền kinh tế Nga đã thích nghi và đứng vững được trước những cú sốc từ bên ngoài. Đồng rúp đã trở nên ổn định hơn, điều này góp phần giúp nền kinh tế Nga không quá phụ thuộc vào thị trường dầu. Các Quỹ dự trữ và Quỹ phúc lợi quốc gia đều tăng trưởng và 20% tiền trong Quỹ phúc lợi xã hội được đưa vào nền kinh tế. Trong số này, 8% được dành cho các dự án cơ sở hạ tầng trực tiếp quy mô lớn.

Đặc biệt, khi trả lời câu hỏi liên quan tới Liên bang Xô-Viết, Tổng thống Putin nêu rõ theo quan điểm của ông, Nga có quyền tự hào về quá khứ Xô-Viết và những thành tựu vẻ vang của Liên Xô.

Liên quan tới đối ngoại, nhà lãnh đạo Nga tuyên bố thế giới đơn cực không tồn tại, và thế giới không thể bị kiểm soát một cách đơn cực. Tổng thống Putin cho biết Nga quan tâm tới việc phát triển quan hệ với Mỹ và sẽ làm điều này bất kể những gì đang diễn ra tại Nhà Trắng hoặc Quốc hội Mỹ.

Cuộc họp báo được đánh giá là đã chuyển một thông điệp rõ ràng về tình hình nước Nga năm 2019 cũng như chính sách đối ngoại của nhà lãnh đạo Nga, như ông Putin khẳng định: “Dù ai nói gì chăng nữa, tôi luôn biết chính xác là nước Nga cần gì và lợi ích của đất nước tôi là ở đâu”.

Thỏa thuận “giai đoạn 1” Mỹ - Trung sẽ được ký vào tháng 1/2020

leftcenterrightdel

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (trái) và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
(Ảnh: Reuters) 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 19/12 cho biết Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến hành ký kết thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” vào tháng 1/2020.

Phát biểu trên kênh tin tức CNBC, ông Mnuchin cho hay, thỏa thuận thương mại đã được thể hiện bằng văn bản và được biên dịch. Thỏa thuận này sẽ không còn phải trải qua bất cứ cuộc đàm phán lại nào.

Trước đó, cùng ngày 19/12, phía Trung Quốc cũng đưa ra những phát biểu tích cực về thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Trong một cuộc họp báo định kỳ ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói hai đoàn đàm phán thương mại Trung-Mỹ tiếp tục giữ liên lạc chặt chẽ. "Sau lễ ký chính thức, nội dung của thỏa thuận sẽ được công bố", hãng tin Reuters dẫn lời ông Phong.

Trước đó, ngày 14/12, Mỹ và Trung Quốc thông báo đã đạt thỏa thuận thương mại song phương “giai đoạn một”. Trên trang Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận thông tin và cho biết, Bắc Kinh đồng ý mua một lượng lớn nông sản, các mặt hàng công nghiệp và năng lượng cũng như nhiều mặt hàng khác của Mỹ. Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ không thực hiện kế hoạch áp thuế với lượng hàng hóa của Trung Quốc trị giá 160 tỷ USD, như dự kiến vào ngày 15/12, đồng thời giảm bớt một số loại thuế với hàng hóa Trung Quốc. Washington sẽ đàm phán về giai đoạn hai của thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng thông báo đã đạt được tiến bộ quan trọng về thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” với Mỹ. Theo đó, Trung Quốc hủy kế hoạch áp thuế với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, dự kiến có hiệu lực ngày 15/12, đồng thời tăng nhập khẩu lúa mì và ngô của Mỹ. Theo Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn, giới chức hai nước đang thảo luận thời điểm và địa điểm ký kết thỏa thuận “giai đoạn 1”.

Nhà Trắng chỉ trích cuộc bỏ phiếu luận tội của Đảng Dân chủ

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ, Washington DC, ngày 18/12/2019.
(Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 19/12, ngay sau khi Hạ viện Mỹ thông qua hai điều khoản luận tội đối với Tổng thống Donald Trump, Nhà Trắng lên tiếng chỉ trích động thái trên của đảng Dân chủ, gọi đây là “đỉnh điểm của một trong những tập phim chính trị đáng xấu hổ nhất trong lịch sử nước Mỹ”.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham tuyên bố cuộc bỏ phiếu của Hạ viện mang tính đảng phái, thiếu quy trình, đồng thời khẳng định quá trình vi hiến của Hạ viện dẫn đã đến hai điều khoản luận tội vô căn cứ mà không đưa bằng chứng nào về hành vi sai trái của Tổng thống Trump. Tuyên bố cũng nêu rõ Tổng thống Trump tin tưởng Thượng viện Mỹ sẽ khôi phục lại quá trình đúng đắn, công bằng, theo quy tắc thông thường, vốn bị Hạ viện Mỹ bỏ qua.

Trước đó, ngày 18/12, Tổng thống Donald Trump đã chính thức trở thành Tổng thống Mỹ thứ 3 trong lịch sử bị luận tội trong phiên bỏ phiếu của Hạ viện ở Washington DC. Hạ viện đã thông qua hai điều khoản luận tội lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội đối với Tổng thống Donald Trump với tỷ lệ bỏ phiếu lần lượt là 230-197 và 229-198.

Kết quả của cuộc bỏ phiếu lịch sử này tại Hạ viện sẽ mở đường cho một phiên xét xử tại Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát để đưa ra phán quyết liệu có kết tội và phế truất vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ nữa hay không.

Trong lịch sử, chưa từng có Tổng thống Mỹ nào bị bãi nhiệm thông qua tiến trình luận tội được tiến hành theo Hiến pháp Mỹ, và đến nay cũng có rất ít dấu hiệu cho thấy các thượng nghị sĩ Mỹ sẽ thay đổi điều này.

Cuba lần đầu có Thủ tướng sau 43 năm

leftcenterrightdel
Ông Manuel Marrero Cruz được bầu làm Thủ tướng Chính phủ Cuba. (Ảnh: AFP)

Ngày 21/12, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đã đề cử ông Manuel Marrero Cruz đảm nhận cương vị Thủ tướng Chính phủ trong trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa IX, chức vụ đã không xuất hiện trên chính trường nước này trong vòng hơn 4 thập kỷ qua. Tại cuộc họp, 594 đại biểu quốc hội Cuba đã nhất trí thông qua việc bổ nhiệm ông Marrero làm Thủ tướng Chính phủ.

Ông Manuel Marrero Cruz giữ chức Bộ trưởng Du lịch từ năm 2004 tới nay trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Thủ tướng với nhiệm kỳ 5 năm.

Thủ tướng Chính phủ là chức danh mới được Hiến pháp 2019 khôi phục. Người gần nhất từng nắm giữ cương vị này tại Cuba chính là lãnh tụ cách mạng lịch sử Fidel Castro Ruz, từ năm 1959 tới năm 1976, khi ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng theo quy định của Hiến pháp 1976.

Thủ tướng Cuba sẽ nắm quyền điều hành Hội đồng Bộ trưởng, cơ quan hành pháp tối cao trong hệ thống Nhà nước Cuba, và Ủy ban thường vụ của hội đồng này, đồng thời phải báo cáo và chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chủ tịch nước về công tác của mình.

Người đứng đầu Chính phủ Cuba cũng có nhiệm vụ kiểm soát hoạt động của các tổ chức hành chính trung ương, các cơ quan cấp quốc gia và các cấp chính quyền địa phương. Ông cũng có quyền đề nghị Chủ tịch nước thay thế các thành viên của Hội đồng Bộ trưởng và giới thiệu ứng viên thay thế.

Tương tự, Thủ tướng Cuba cũng có quyền đưa ra các chỉ đạo và kiểm soát việc thực hiện các chỉ đạo này đối với các Thủ hiến tỉnh – một chức danh khác cũng mới được Hiến pháp mới khôi phục và sẽ được bầu chọn vào tháng 1 tới.

Liên hợp quốc kêu gọi chia sẻ tình đoàn kết với người tị nạn

leftcenterrightdel
Diễn đàn toàn cầu về Người tị nạn lần thứ nhất đã diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ .
(Ảnh: dangcongsan.vn) 

Tại Diễn đàn ngày 18/12, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã triển khai một cuộc vận động ủng hộ cho người tị nạn mà theo ông là "một trong những trách nhiệm lớn của thời đại chúng ta và mãi mãi".

Ông kêu gọi các đại biểu có mặt tại Diễn đàn có những hành động cụ thể và rõ nét hơn nữa. Ông kêu gọi "từ bỏ một mô hình hỗ trợ", vốn được đưa ra quá thường xuyên khiến cuộc sống của những người tị nạn bị trì trệ trong nhiều thập kỷ. Họ bị giam cầm trong các trại tị nạn, sống qua ngày, mà không thể phát triển hay đóng góp cho xã hội.

Do đó, vấn đề đặt ra là cộng đồng quốc tế phải hành động để thực sự nâng cao khả năng tiếp cận với giáo dục, sinh kế và năng lượng, để tăng cường khả năng phục hồi của người tị nạn và cộng đồng chủ nhà tiếp nhận họ, để bảo vệ không gian nhân đạo và tiếp cận cho những người có nhu cầu và tăng cường các dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ cho nạn nhân của bạo lực tình dục hoặc giới tính.

Diễn đàn toàn cầu về Người tị nạn lần thứ nhất đã diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ từ ngày 17-18/12/2019, đúng một năm sau khi Thỏa thuận toàn cầu về Người tị nạn (Global Compact on Refugees - GCR) được thông qua.

Diễn đàn tập trung thảo luận sáu lĩnh vực chính, bao gồm: chia sẻ gánh nặng và trách nhiệm; giáo dục; việc làm và kế sinh nhai; năng lượng và cơ sở hạ tầng, các giải pháp; năng lực bảo vệ người tị nạn; chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm thực tiễn và đưa ra các cam kết, đóng góp cụ thể về hỗ trợ, bảo vệ người tị nạn. Diễn đàn là cơ hội để các bên liên quan cùng nhau tăng cường nỗ lực thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận GCR theo tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực