Thế giới tuần qua: Việt Nam sẵn sàng cho Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên

Chủ nhật, 24/02/2019 15:52
(ĐCSVN) – Tuần qua, Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2 dự kiến được tổ chức vào ngày 27-28/2 tại Hà Nội thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và truyền thông thế giới. Bên cạnh đó là một số tin tức quốc tế đáng chú ý khác như: Thông điệp Liên bang 2019 của Tổng thống Nga, Mỹ tuyên bố vẫn duy trì lực lượng quân đội tại Syria...

Việt Nam sẵn sàng cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai

Những nét chính trong Thông điệp liên bang của Tổng thống Nga V.Putin

Mỹ tuyên bố vẫn duy trì lực lượng quân đội tại Syria

Tổng thống Donald Trump nhận định đàm phán thương mại với Trung Quốc đang tiến triển tốt

Vấn đề Brexit: Anh không kịp đạt thỏa thuận tiếp nối thương mại với nhiều đối tác

Ít nhất 81 người thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại Bangladesh

Việt Nam sẵn sàng cho Hội nghị thượng đỉnh  Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến được tổ chức vào ngày 27-28/2 tại Hà Nội được dư luận và truyền thông thế giới đặc biệt quan tâm. Tính đến ngày 21/2, đã có tới 2.600 phóng viên quốc tế đăng ký đến Việt Nam để đưa tin về sự kiện quan trọng này. 

Khai trương Trung tâm báo chí quốc tế Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2, chiều 23/2 tại Hà Nội. (Ảnh: CPV)

Trả lời phỏng vấn báo chí chiều 21/2, về công tác chuẩn bị của Việt Nam cho Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết: So với lần tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tại Singapore, thì lần này, thời gian để Việt Nam chuẩn bị cho hội nghị rất ngắn. Singapore có gần hai tháng, trong khi hội nghị lần hai này, kể từ thời điểm Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thông báo chính thức địa điểm tổ chức tại Việt Nam là ngày 6/2, nêu địa điểm là tại Hà Nội sau đó mấy ngày. Tức là Việt Nam có chưa đến 20 ngày để chuẩn bị. Trong khi đó, công tác chuẩn bị gồm rất nhiều nội dung, đó là an ninh, lễ tân, hậu cần và công tác thông tin báo chí. Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam rất coi trọng sự kiện này, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chỉ đạo rất sát sao về công tác chuẩn bị và hiện đang có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương có liên quan. 

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, cho đến nay, có thể nói về cơ bản các công việc chuẩn bị đã triển khai theo đúng tiến độ và hai nước Hoa Kỳ - Triều Tiên đều đánh giá cao, cảm ơn công tác chuẩn bị của Việt Nam. 

Trước thềm Hội nghị, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đề cập khả năng nới lỏng các lệnh trừng phạt Triều Tiên, song nhấn mạnh điều này chỉ diễn ra khi Bình Nhưỡng "làm việc gì đó có ý nghĩa" về phi hạt nhân hóa. Phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 20/2, ông Trump nêu rõ: "Các lệnh trừng phạt đang được thực thi đầy đủ. Tôi chưa dỡ bỏ trừng phạt. Tôi muốn có thể làm được điều đó, nhưng để làm được như vậy, chúng ta phải có một động thái có ý nghĩa từ phía kia".                 

Lần đầu tiên đưa tin về thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2, ngày 24/2, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã khởi hành tới Hà Nội bằng tàu hỏa, để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần này. Chuyến tàu chở ông Kim Jong-un đã rời nhà ga Bình Nhưỡng vào chiều 23/2. Cũng theo KCNA, ông Kim Jong-un sẽ có chuyến thăm hữu nghị chính thức tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. 

Tổng thống Nga công bố Thông điệp Liên bang năm 2019

Ngày 20/2, Tổng thống Vladimir Putin đã đọc Thông điệp liên bang thường niên trước Hội đồng Liên bang Nga, vạch ra những đường hướng đối nội và đối ngoại của người đứng đầu nhà nước Nga trong thời gian tới.

Tổng thống Vladimir Putin đọc Thông điệp liên bang thường niên
trước Hội đồng Liên bang Nga, ngày 20/2. (Ảnh: TASS)

Nếu như bản Thông điệp liên bang năm 2018 được xem là bản cương lĩnh tranh cử của ông Putin trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra cùng năm, thì bản Thông điệp liên bang năm nay lại mang những nét mới và được chia làm 2 phần nội dung chính. Phần thứ nhất là các vấn đề liên quan tới phát triển kinh tế – xã hội, nhân khẩu học, giáo dục, y tế trong khi phần còn lại đề cập tới lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc tế với nhiều nội dung đáng chú ý.

Về lĩnh vực ngoại giao và chính sách đối ngoại, Tổng thống Putin cho rằng, dù Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) cho tới nay đã lỗi thời, song Mỹ không nên đưa ra những lập luận “phù phiếm” để cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước này. Nhà lãnh đạo Nga cáo buộc Mỹ đã có hành động vi phạm nghiêm trọng tinh thần của INF thông qua việc triển khai các bệ phóng tên lửa ở Romania và Ba Lan.

Đề cập tới mối quan hệ nhiều sóng gió giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Putin hy vọng rằng các nước EU sẽ có những bước đi thực tế nhằm khôi phục các mối quan hệ kinh tế và chính trị bình thường với Moscow.

Bên cạnh đó, ông Putin cũng khẳng định Nga đang “lưu tâm đặc biệt” tới các mối quan hệ với Ấn Độ và Trung Quốc. 

Hoa Kỳ tuyên bố vẫn duy trì lực lượng quân đội tại Syria

Ngày 21/2, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah H. Sanders thông báo, quân đội Hoa Kỳ sẽ vẫn duy trì khoảng 200 binh sỹ nhằm thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Syria, sau khi rút phần lớn lực lượng khỏi chiến trường này.

Quân đội Hoa Kỳ tại chiến trường Syria. (Ảnh: AFP)

Thông báo của bà Sanders cho biết, một nhóm nhỏ lực lượng gìn giữ hòa bình gồm khoảng 200 binh sỹ sẽ vẫn ở lại Syria một thời gian nữa sau khi Hoa Kỳ triển khai kế hoạch rút quân vào mùa Xuân này.

Đây được xem là một sự thay đổi về lập trường cơ bản của Washington trong vấn đề Syria bởi vào tháng 12/2018, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cam kết sẽ nhanh chóng rút toàn bộ lực lượng gồm 2.000 quân khỏi Syria trong vòng 30 ngày. Người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng, sự hiện diện của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại quốc gia Ả rập này đã bị đẩy lùi và sứ mệnh quân sự của Hoa Kỳ tại Syria đã đi tới hồi kết.

Tuy nhiên, quyết định trên của ông D.Trump đã vấp phải những phản ứng trái chiều, với một số ý kiến phản đối cho rằng, việc Hoa Kỳ rút lực lượng khỏi Syria sẽ tạo ra “khoảng trống” khiến các nhóm người Kurd tại miền Bắc Syria có nguy cơ phải hứng chịu các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như làm gia tăng tầm ảnh hưởng của Iran trong cuộc khủng hoảng Syria.

Chính vì thế, việc Hoa Kỳ quyết định lưu lại khoảng 200 binh sỹ tại chiến trường Syria không chỉ được xem là “một sự nhượng bộ” của Washington trước các đồng minh, mà còn thể hiện rõ sự “chia sẻ và đồng thuận” từ phía Nhà Trắng trước những lo ngại của Lầu Năm góc cho rằng, việc rút hoàn toàn lực lượng khỏi Syria sẽ tạo ra nguy cơ IS giành lại quyền kiểm soát các khu vực chủ chốt tại Syria.

Hoa Kỳ và Trung Quốc kéo dài thời gian đàm phán thương mại 

Ngày 22/2, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết một hội nghị về thương mại với sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc có thể được tổ chức vào tháng tới. Phát biểu tại Nhà Trắng khi gặp phái đoàn đàm phán thương mại của hai nước, Tổng thống Trump đã ca ngợi hai ngày đàm phán “rất hiệu quả” vừa qua. 

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. ( Ảnh: AP)

Vòng đàm phán thương mại lần thứ 7 được kéo dài tới ngày 24/2 để giới chức hai nước có thể đạt được một thỏa thuận trước thời hạn chót vào tuần tới.

Trong sự kiện trên, Tổng thống Trump cũng đã đề cập tới khả năng lùi lại thời hạn chót cho việc nâng mức thuế đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD từ ngày 2/3 tới. Tổng thống Trump nói: “Tôi nhận thấy có cơ hội rất lớn để hai bên đạt được một thỏa thuận. Nếu cuộc gặp đang diễn ra suôn sẻ, tôi có thể sẽ lùi lại thời hạn chót đặt ra trước đó”. 

Trong khi đó, phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Trung Quốc, đồng thời là Đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Lưu Hạc cho biết ông lạc quan về kết quả đàm phán. Ông nói: “Từ phía Trung Quốc, chúng tôi tin rằng hai nước có thể sẽ đạt được một thỏa thuận”.

Thông tin tích cực về vòng đàm phán thương mại mới nhất giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã giúp các chỉ số trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, đặc biệt là các cổ phiếu công nghệ, tăng điểm. Trong khi đó, giá dầu cũng đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 11 năm ngoái, cụ thể giá dầu Brent đã đạt mức 67,73 USD/thùng.

Vấn đề Brexit: Anh không kịp đạt thỏa thuận tiếp nối thương mại với nhiều đối tác
 
Ngày 21/2, Chính phủ Anh thông báo không thể đạt được thỏa thuận tiếp nối trao đổi thương mại với một số đối tác như Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ... trước ngày 29/3, khi Brexit chính thức diễn ra.

Thủ tướng Anh Theresa May tại thủ đô London ngày 20/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Anh đã nỗ lực ký kết các thỏa thuận tiếp nối trao đổi thương mại với 40 đối tác bằng cách tái tạo thỏa thuận thương mại của Liên minh châu Âu (EU) với những đối tác này trước thời hạn Brexit ngày 29/3. Tuy nhiên, cho tới nay Anh mới ký các thỏa thuận tiếp nối với Thụy Sĩ, Chile, đảo quốc Faroe, khu vực Đông và Nam châu Phi, Israel và Palestine.

Trong thông báo mới, Chính phủ Anh thừa nhận những thỏa thuận nhằm duy trì trao đổi thương mại với một số quốc gia khác như Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ hay Algeria có thể sẽ không đạt được trước thời hạn 29/3. Điều này đồng nghĩa nếu Anh rời EU mà không có thỏa thuận, thì hoạt động trao đổi thương mại với những quốc gia này có thể bị gián đoạn. Vì vậy, trách nhiệm của chính phủ là công bố danh sách những quốc gia có khả năng cao sẽ không đạt được thỏa thuận tiếp nối trước hạn chót để đảm bảo thông tin cho các doanh nghiệp và các cá nhân có phương án chuẩn bị phù hợp. Thông báo cũng nêu rõ chính phủ đang xây dựng những phương án để đảm bảo dòng chảy thương mại trong trường hợp Brexit không thỏa thuận.

Hiện Hạ viện Anh vẫn chưa thể thống nhất được một thỏa thuận Brexit trước hạn chót 29/3 khi Anh chính thức rời EU theo luật định. Điều này càng làm dấy lên quan ngại về một kịch bản Brexit không thỏa thuận gây tổn thất lớn cho nền kinh tế lớn thứ năm thế giới khi mọi hoạt động trao đổi thương mại, dòng chảy hàng hóa và dịch vụ đều sẽ bị đình trệ vì việc tái áp dụng các biện pháp thuế quan. 

Hỏa hoạn kinh hoàng gây thương vong lớn tại Bangladesh

Số liệu cập nhật ngày 21/2 cho biết, số người thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn tại thủ đô Dhaka của Bangladesh ngày 20/2 đã lên tới 81 người.

Lính cứu hỏa làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ hỏa hoạn. (Ảnh: AP)

Như vậy, số người thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn kinh hoàng này đã tăng lên đáng kể so với con số 69 người được đưa ra trước đó. Tuy nhiên, con số thương vong được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong bối cảnh các lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân.

Hãng tin Reuters cho biết, ít nhất đang có 50 người bị thương đang được điều trị tại bệnh viện, nhiều người trong số này đang trong tình trạng nguy kịch.

Giới chức Bangladesh cho biết, vụ hỏa hoạn xuất phát từ một vụ nổ bình gas vào lúc 22h40 tối 20/2 giờ địa phương, sau đó nhanh chóng lan sang các công trình lân cận, gồm một kho chứa hóa chất ở tầng trệt của một tòa nhà 5 tầng cùng một loạt tòa nhà lân cận ở khu phố cổ Chawkbazar. Theo một số nhân chứng, bình gas đã bắt lửa khi một số người đang sử dụng để nấu ăn./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực