Thế giới vẫn đang trượt trên con đường dẫn tới thảm họa khí hậu

Thứ tư, 17/06/2020 17:06
(ĐCSVN) - Báo cáo REN21 (Báo cáo Tình hình Năng lượng tái tạo toàn cầu) cho thấy, phát triển năng lượng tái tạo chỉ mới giới hạn trong ngành điện, chúng ta cần một cuộc phong toả toàn diện đối với nhiên liệu hóa thạch để đi đến một cuộc cách mạng khí hậu.

Kể từ cuộc Cách mạng công nghiệp năm 1750 đến nay, con người đã thải ra
gần 2.000 tỷ tấn carbon dioxide (CO2) vào không khí (Ảnh: baochinhphu.vn) 

Báo cáo cho biết, trong vòng năm năm qua, ngành năng lượng tái tạo đã có những bước phát triển hết sức ấn tượng. Tuy nhiên, ở các lĩnh vực vận tải, sưởi ấm và làm mát, tăng trưởng của năng lượng tái tạo lại chững lại. Nhìn chung, cơn khát năng lượng toàn cầu vẫn tiếp tục tăng mạnh và đang đuổi kịp những tiến bộ đón đầu nó, theo Báo cáo Tình hình Năng lượng tái tạo Toàn cầu năm 2020 (GSR) của REN21 công bố. Thế giới vẫn đang trượt trên con đường dẫn tới thảm họa khí hậu, trừ khi chúng ta chuyển đổi ngay từ bây giờ sang sử dụng năng lượng tái tạo và hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực sau đại dịch COVID-19.

“Năm nào cũng vậy, chúng ta luôn ghi nhận những thành công tiếp nối thành công trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Quả thực, năng lượng tái tạo đã đạt được tiến bộ tuyệt vời. Nó đánh bại tất cả các loại nhiên liệu khác về mặt tăng trưởng và khả năng cạnh tranh. Nhiều tổ chức quốc gia và toàn cầu đã kịp ăn mừng với chiến thắng này. Tuy nhiên, báo cáo của chúng tôi lại gửi đi một lời cảnh báo rõ ràng: Những tiến bộ trong ngành năng lượng chỉ mới là một phần nhỏ bé của bức tranh. Và nó còn có nguy cơ bị nuốt chửng khi cơn khát năng lượng của thế giới vẫn tiếp tục gia tăng. Nếu chúng ta không thay đổi toàn bộ hệ thống năng lượng, thì nghĩa là chúng ta chỉ đang tự huyễn hoặc bản thân mình mà thôi,” bà Rana Adib, Giám đốc điều hành của REN21 nói .

Báo cáo cho thấy trong các lĩnh vực năng lượng cho sưởi ấm, làm mát và vận tải, những rào cản chuyển đổi vẫn gần như nguyên vẹn suốt 10 năm nay. “Chúng ta cũng phải ngưng sử dụng nhiêu liệu hoá thạch để sưởi ấm nhà và cho xe ô tô của mình, ” Adib kêu gọi.

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế đặc biệt do COVID-19,Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA dự báo phát thải CO2 liên quan đến năng lượng sẽ giảm tới 8% vào năm 2020. Nhưng phát thải năm 2019 là mức cao nhất từ trước đến nay và mức thuyên giảm kia chỉ là tạm thời. Để đáp ứng các mục tiêu của Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, thế giới sẽ cần duy trì mức giảm hàng năm ít nhất là 7,6% trong 10 năm tới. Adib nói: “Ngay cả khi cuộc phong toả này kéo dài thêm một thập kỷ thì thay đổi mà nó mang lại vẫn là không đủ. Với tốc độ hiện tại, với hệ thống hiện tại và các quy tắc thị trường hiện tại, thế giới sẽ còn rất lâu để đến gần mục tiêu trở thành một hệ thống phi carbon.”

“Nhiều gói phục hồi khiến chúng ta tiếp tục mắc kẹt trong một nền kinh tế nhiên liệu hóa thạch bẩn”

Các gói phục hồi mang đến một cơ hội độc nhất vô nhị cho nhiều nước để chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Nhưng theo Adib, nguy cơ cao cơ hội to lớn này sẽ bị đánh mất. “Nhiều gói kích thích thậm chí trói chặt chúng ta vào hệ thống nhiên liệu hóa thạch bẩn. Một số gói phục hồi còn trực tiếp thúc đẩy khí đốt tự nhiên, than hoặc dầu mỏ. Những gói khác, dù tuyên bố đặt trọng tâm xanh, lại chỉ xây phần mái mà quên đi nền móng,” cô nói. “Lấy ví dụ xe ô tô chạy bằng điện và hydrogen chẳng hạn. Những công nghệ này chỉ được tính là xanh nếu chúng chạy bằng năng lượng tái tạo.”

Báo cáo chỉ ra rằng các biện pháp phục hồi “xanh”, như đầu tư vào năng lượng tái tạo và vào hiệu suất năng lượng của các tòa nhà, tiết kiệm chi phí tốt hơn các biện pháp kích thích kinh tế truyền thống và cũng mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Báo cáo cũng ghi nhận năng lượng tái tạo cung cấp cơ hội việc làm, quyền tự quyết năng lượng, tăng tốc quá trình tiếp cận năng lượng ở các nước đang phát triển, giảm khí thải và ô nhiễm không khí.

Điều này trái ngược với chi phí thực tế của nhiên liệu hóa thạch,đánh giá ở mức 5,2 nghìn tỷ USD, nếu tính cả chi phí cho các tác động tiêu cực như ô nhiễm không khí, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tắc nghẽn giao thông.

Các hệ thống năng lượng tái tạo giúp thúc đẩy quyền tự quyết năng lượng và dân chủ năng lượng, trao quyền cho công dân và cộng đồng, thay vì cho các nhà sản xuất và những nhà tiêu dùng nhiên liệu hóa thạch lớn. “Khi chi tiền cho gói kích thích, chúng ta phải quyết định: Chúng ta muốn có một hệ thống năng lượng phục vụ một nhóm nhỏ hay một hệ thống phục vụ số đông? “Adib nói. “Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là về tiền. Chúng ta phải chấm dứt mọi loại hỗ trợ cho nền kinh tế nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là khi nói đến sưởi ấm, làm mát và vận tải. Chính phủ cần thay đổi hoàn toàn các điều kiện và quy tắc thị trường và thể hiện năng lực lãnh đạo quyết liệt giống như trong đại dịch COVID -19.”

Báo cáo chỉ ra: Tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng tiếp tục tăng (1,4% mỗi năm từ 2013 đến 2018). Mặc dù có những tiến bộ đáng kể trong sản xuất năng lượng tái tạo, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng hầu như không tăng (9,6% năm 2013 lên 11% vào năm 2018). So với ngành điện, ngành sưởi ấm, làm mát và vận tải tụt lại rất xa (tỷ lệ năng lượng tái tạo trong ngành điện là 26%, sưởi ấm và làm mát là 10%, vận tải là 3%).

Những bước tiến hiện nay phần lớn là kết quả của các chính sách và quy định khởi xướng từ nhiều năm trước và tập trung vào ngành điện. Các rào cản chính cho quá trình chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực sưởi ấm, làm mát và vận tải vẫn gần như còn nguyên sau một thập kỷ. Cần có các chính sách thích đáng để tạo ra điều kiện thị trường phù hợp.

Ngành năng lượng tái tạo sử dụng khoảng 11 triệu lao động trên toàn thế giới vào năm 2018. Năm 2019, khu vực tư nhân đã ký các thỏa thuận mua bán điện (PPA) tạo mức tăng trưởng kỷ lục hơn 43% từ năm 2018 đến 2019 cho công suất điện tái tạo mới.

Tính đến tháng 4 năm 2020, 1.490 khu vực pháp lý –trải rộng trên 29 quốc gia với 822 triệu dân - đã ban hành các tuyên bố khẩn cấp về khí hậu, trong đó bao gồm các kế hoạch và mục tiêu cho các hệ thống năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo.

Trong khi một số quốc gia đang dần loại bỏ than trong sản xuất điện, nhiều nước khác vẫn tiếp tục đầu tư xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than. Ngoài ra, tài trợ từ các ngân hàng tư nhân cho những dự án nhiên liệu hóa thạch vẫn tăng lên mỗi năm kể từ khi các nước ký Thỏa thuận Paris, với tổng trị giá 2,7 nghìn tỷ USD trong ba năm qua.

“Rõ ràng, năng lượng tái tạo đã trở thành xu thế chủ đạo và thật tuyệt vời khi được chứng kiến thành quả đó. Nhưng chúng ta không nên lầm tưởng rằng tiến bộ trong một lĩnh vực này nghĩa là năng lượng tái tạo đã đảm bảo một thành công chắc chắn. Chính phủ các nước cần hành động mạnh mẽ hơn, không chỉ dừng ở gói phục hồi kinh tế.  Họ cũng cần tạo ra các quy tắc và môi trường phù hợp để chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng hiệu quả và dựa trên nhiên liệu tái tạo. Thực hiện trên toàn cầu. Ngay bây giờ."  Arthouros Zervos, Chủ tịch của REN21 kết luận./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực