Tổng thống Mỹ Donald Trump với cách tiếp cận mới về châu Á

Thứ hai, 20/11/2017 16:24
(ĐCSVN) - Cách tiếp cận đối với khu vực châu Á của Tổng thống Donald Trump đã có những thay đổi sau chuyến công du dài ngày thăm một số quốc gia và dự hai Hội nghị quan trọng tại khu vực này.

Trong bài phát biểu với 4.950 từ tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC ở Đà Nẵng (ngày 10/11), ông đã 9 lần đề cập đến cụm từ “Ấn Độ - Thái Bình Dương”, khiến giới nghiên cứu và dư luận cho rằng có thể Tổng thống Donald Trump đã có cách tiếp cận địa – chiến lược mới với khu vực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Mở rộng không gian chiến lược theo cách tiếp cận mới

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump dự Hội nghị Cấp cao APEC và thăm 5 nước châu Á cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ tưởng trừng như chỉ nhấn mạnh quan hệ thương mại song phương với chủ nghĩa biệt lập, nhưng ông lại rất coi trọng tổ chức đa phương APEC, cho thấy khu vực này nằm trong sự ưu tiên của chính sách đối ngoại mới của Washington.

Trong bài phát biểu của mình, ông Trump nói: “Mỹ tự hào là thành viên của cộng đồng kinh tế dưới mái nhà chung Thái Bình Dương”, ông kiên định chiến lược “Nước Mỹ là trên hết” và mong muốn tất cả mọi người trong hội trường này cũng coi trọng đất nước mình trên hết. Tuy nhiên, thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” được ông Trump sử dụng nhiều lần, trong khi cụm từ “châu Á-Thái Bình Dương” lại không được nhắc tới.

Theo giới quan sát, cụm từ “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở” mới được sử dụng trong các quan chức cấp cao thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) và Hội đồng Kinh tế Quốc gia (NEC) trước khi chuyến công du châu Á của Tổng thống Trump diễn ra. Cụm từ này được giải thích là “hệ thống kinh tế quốc tế công bằng, bền vững và dựa trên luật lệ, các nguyên tắc của thị trường”.

Chỉ riêng trong chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson đã sử dụng cụm từ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” hàng chục lần. Và được biết, năm 2007, Thủ tướng Nhật Bản khi phát biểu tại Quốc hội Ấn Độ cũng đề cập đến “vòng cung Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” và dự báo về “sự hội tụ mạnh mẽ như là các vùng biển của sự tự do và thịnh vượng” tại một “châu Á rộng lớn hơn”.

Khẳng định chính sách mới 

Theo giới phân tích, việc sử dụng cụm từ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” chắc chắn sẽ có nội hàm chiến lược rộng lớn hơn với các điểm nhấn quan trọng đó là:

Mộ là, sự liên kết hai vùng biển rộng lớn trong một hệ thống đại chiến lược;

Hai là, thừa nhận tầm quan trọng của một Ấn Độ đang trỗi dậy;

Ba là, làm giảm vai trò “trung tâm” của Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương;

Bốn là, phản ánh thực chất cuộc cạnh tranh chiến lược tại khu vực sẽ tập trung vào việc kiểm soát các đại dương.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, vấn đề “vành đai, con đường” đang và sẽ tác động sâu sắc đến cục diện thế giới, trước hết là châu Á - Thái Bình Dương. Và sự tác động không nhỏ của Ấn Độ với chính sách hướng Đông trong xu thế “khu vực hóa toàn cầu” với trật tự thế giới “đa cực, đa trung tâm” đang chuyển mạnh từ định hướng sang định hình… khiến nhãn quan chiến lược của Mỹ có thay đổi.

Theo lộ trình thì 23 năm nữa Trung Quốc sẽ có thể trở thành “siêu cường” toàn cầu, GDP vượt Mỹ, quân sự ngang Mỹ và xã hội trở nên khá giả hơn. Còn Ấn Độ cũng đã có nhận thức mới về đại dương và vai trò của hải quân để hội nhập sâu rộng hơn tạo ảnh hưởng tại Nam Á - Ấn Độ Dương. Vì thế, việc mở rộng không gian chiến lược của Mỹ là việc nắm bắt xu thế khách quan.

Mặt khác, trong chuyến công du lần này, Tổng thống Donald Trump đã không hề đề cập đến vấn đề nhân quyền, ngay cả trong bài phát biểu chính thức của ông tại APEC. Trong quá trình phát biểu, ông Trump tỏ ra quan tâm nhiều đến “nước Mỹ trên hết”, thương mại công bằng, có đi, có lại, tạo việc làm cho người Mỹ, nhất là khoản thâm hụt thương mại khổng lồ mà những người tiền nhiệm của ông để lại.

Đánh giá về thành công trong chuyến công du dài ngày đầu tiên, ngay khi rời Philippin, Tổng thống Donald Trump nói rằng, chuyến thăm của ông “mang lại trị giá thỏa thuận ít nhất 300 tỷ USD, thậm chí là gấp ba lần con số này”. Cuối cùng, có thể nói chuyến công du châu Á của Tổng thống Donald Trump là một chuyến đi thuận buồm xuôi gió.

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng (15/11), khi đánh giá về chuyến thăm châu Á, ông Trump khẳng định, đã mang lại nhiều thành quả tích cực với 3 mục tiêu chính:

Thứ nhất là, đoàn kết toàn thế giới đối phó với nguy cơ đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên;

Thứ hai là, tăng cường quan hệ đồng minh và đối tác kinh tế trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do;

Và thứ ba là, thúc đẩy công bằng và đối xứng cho nước Mỹ.

Các thành quả đạt được khi thăm 5 nước và dự các hội nghị thượng đỉnh khu vực, ông Trump cho biết, đã chuyển thông điệp rất rõ ràng của Mỹ đối với khu vực về cạnh tranh, kinh doanh và bảo vệ các giá trị cũng như an ninh của nước Mỹ.

Về quan hệ Mỹ - Việt ông Trump nói: “Tôi đặc biệt vui mừng thông báo rằng Mỹ và Việt Nam mới đây đã ký kết các hợp đồng thương mại trị giá 12 tỷ USD, trong đó riêng của phía Mỹ là 10 tỷ”… Khiến giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, đây có thể là sự thành công của sự thay đổi cách tiếp cận trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Và vẫn còn những bất cập…

Theo giới quan sát, trong hai Văn bản luật mới nhất có liên quan đến châu Á - Thái Bình Dương là Dự luật An ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương (H.R.2621) công bố ngày 24/5/2017 và Đạo luật Hỗ trợ nâng cao mối quan hệ đối tác chiến lược, tăng cường hợp tác kinh tế giữa Mỹ và ASEAN (HRES 311), Hạ viện Mỹ thông qua ngày 27/9 đều không hàm chứa những tư duy mới có tính chiến lược nêu trên.

Theo đó, Dự luật H.R.2621, khi nói đến ngân sách dành cho các hoạt động quân sự, quốc phòng năm 2018 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với hai nội dung, hai hạng mục chi tiêu cụ thể; Đạo luật HRES 311, với 7 điểm quan trọng cũng không có thuật ngữ nào về Ấn Độ hay Ấn Độ Dương được nêu ra.

Theo giới phân tích, đây có thể là sự bất cập, hoặc chưa tương thích giữa tư duy của giới lập pháp và hành pháp ở Washington, bởi Tổng thống Donald Trump vốn xuất thân từ một doanh nhân tỷ phú chưa quen với tư duy chiến lược ở tầm vĩ mô, còn bộ máy giúp việc của ông lại thiếu kinh nghiệm. Vì thế, sau gần một năm điều hành đất nước, mà chính quyền của ông Trump mới chỉ dần dần hé lộ những nhân tố có thể gọi tư duy Đại chiến lược./. 

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực