Tổng thống Mỹ: Thời gian tồn tại của IS tại Syria tính "bằng giờ"

Thứ năm, 21/03/2019 10:50
Ngày 20/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng sẽ bị xóa khỏi bản đồ Syria trong vòng "vài giờ tới".
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng
ngày 19/3/2019. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Washington, Tổng thống D.Trump khẳng định các lực lượng Mỹ đã gây thiệt hại nặng nề cho IS trên chiến trường trong tháng vừa qua. Ông đã so sánh bản đồ vùng lãnh thổ do IS kiểm soát tại Iraq và Syria ngày ông đắc cử với thời điểm là sáng 20/3. Theo ông chủ Nhà Trắng, khi ông mới đắc cử, Syria vẫn còn là "một mớ hỗn độn" với sự hoành hành của các tay súng IS. Trong tấm bản đồ mới nhất, Tổng thống D.Trump nhấn mạnh "vương quốc Hồi giáo sẽ biến mất từ đêm nay". Ông cũng xác nhận việc lực lượng Mỹ đã tiêu diệt các phần tử khủng bố đứng sau vụ tấn công làm 4 binh sĩ Mỹ thiệt mạng vào tháng 1 vừa qua.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian (Giăng Y-vét Lơ Đri-ăng) cho biết Pháp – một trong những đồng minh chính trong cuộc chiến chống IS – chưa nhận được trả lời rõ ràng về kế hoạch của Mỹ nhằm bảo đảm an ninh ở Đông Bắc Syria.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly (Phlo-răng Pác-li) đã có mặt tại Washington từ ngày 18/3 để thu thập những thông tin chi tiết từ các quan chức Mỹ về ý tưởng thiết lập và quan sát khu vực an toàn tại Đông Bắc Syria, hiện đang trong quá trình đàm phán. Theo Ngoại trưởng Le Drian, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được Mỹ giải đáp như sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Syria, chính sách và nhiệm vụ của họ. Ông Le Drian nhấn mạnh rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Em-ma-nuy-en Ma-crông) sẽ quyết định mức đóng góp của Pháp dựa trên những thông tin cụ thể này.

Các tay súng IS tại thành phố Raqa, Syria, ngày 30/6/2014. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Tháng 12/2018, Tổng thống D.Trump quyết định rút phần lớn quân trong số 2.000 binh sĩ tại Syria, sau khi IS bị đánh bại. Ông cho biết Mỹ sẽ duy trì khoảng 400 binh sĩ tham gia cùng đội quân từ 800 đến 1.500 người từ các nước đồng minh châu Âu, có nhiệm vụ thiết lập và quan sát khu vực an toàn vùng Đông Bắc Syria. Tuy nhiên, ý tưởng này đã vấp phải sự hoài nghi từ các đồng minh châu Âu, trước hết là Pháp, nước đã đóng góp 1.200 binh sĩ, chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ như tiến hành không kích, yểm trợ và huấn luyện pháo binh ở Iraq, chưa kể các binh sĩ thuộc các lực lượng đặc biệt hoạt động ở Syria.

Ngày 18/3 vừa qua, sau một đêm pháo kích và không kích ác liệt, Các lực lượng dân chủ Syria (SDF), nhóm vũ trang do người Kurd (Cuốc) đứng đầu được Mỹ hậu thuẫn tại Syria, đã mở cuộc tấn công tại làng Baghouz (Ba-gu), nơi cố thủ cuối cùng của IS tại miền Đông Syria. SDF hiện đã giành quyền kiểm soát hầu hết vùng lãnh thổ này. Ngoại trưởng Le Drian khẳng định rằng thành trì cuối cùng của IS tại Baghouz sẽ bị san phẳng trong thời gian tới, nhưng các tay súng cực đoan hiện vẫn đang ẩn nấp trong các hầm sâu dưới lòng đất và chạy trốn sang các nước khác, bao gồm cả Afghanistan. Ông nhấn mạnh rằng Pháp không thể bỏ mặc SDF.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Iraq thông báo, các lực lượng an ninh của nước này đã được đặt trong tình trạng báo động cao và sẵn sàng phòng vệ biên giới gần Syria trước mối đe dọa từ IS. Theo Bộ Quốc phòng Iraq, IS đang chống cự trong tuyệt vọng tại khu vực Baghouz của Syria gần biên giới Iraq. Lực lượng an ninh và vũ trang Iraq hiện được triển khai dọc theo biên giới giữa Iraq và Syria, kéo dài gần 600 km tại phía Tây nối hai tỉnh Nineveh (Ni-nê-vê) và Anbar (An-ba), sẵn sàng hành động trong trường hợp khẩn cấp./.

Đặng Ánh - Linh Hương -Việt Khoa/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực