Tổng thống Nga bảo vệ hành động bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine

Thứ năm, 29/11/2018 16:23
(ĐCSVN) – Ngày 28/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục lên tiếng bảo vệ hành động của lực lượng biên phòng Nga trong vụ bắt giữ 3 tàu Ukraine ở ngoài khơi bán đảo Crimea hồi cuối tuần trước trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa hai nước láng giềng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ukraine cảnh báo nguy cơ nổ ra "chiến tranh toàn diện" với Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: kremlin.ru)

Trong một bình luận đầu tiên liên quan tới vụ đụng độ giữa Nga và Ukraine tại eo biển Kerch vào ngày 25/11, ông Putin coi đây là một hành vi khiêu khích từ phía Kiev. Nhà lãnh đạo này miêu tả các tàu của Ukraine đã tiến vào vùng hải phận của Nga và từ chối đáp lại yêu cầu của các tàu tuần tra Nga. Trong tình huống này, các lực lượng chức năng Nga đã hoàn tất trọng trách về quân sự và chức năng hành pháp để bảo vệ biên giới Nga.

Căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Ukraine sau vụ đụng độ trên eo biển Kerch vào cuối tuần trước vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi cả hai nước láng giềng đều đổ lỗi cho nhau là nguyên nhân gây ra vụ việc. Sau khi cảnh báo về nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tranh toàn diện với Nga, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, ngày 28/11 đã ký sắc lệnh áp đặt lệnh thiết quân luật trong vòng 30 ngày tại các khu vực biên giới tiếp giáp với Nga, biển Đen và biển Azov. Việc ban bố tình trạng thiết quân luật sẽ cho phép các nhà chức trách Ukraine có thể huy động quân đội, kiểm soát truyền thông và hạn chế tụ tập đông người tại các khu vực bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh trên, các quan chức quân sự Nga, ngày 28/11 cũng cho biết nước này sẽ sớm triển khai hệ thống phòng không tối tân S-400 tới bán đảo Crimea – vùng lãnh thổ được Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh sáp nhập vào LB Nga từ năm 2014. Nguồn tin trên cho biết, trong những ngày tới, sẽ có thêm 1 hệ thống S-400 nữa được triển khai bổ sung với 3 hệ thống khác đã sẵn sàng tại Crimea.

Cho tới nay, một số nước phương Tây đã tỏ rõ quan điểm đứng về phía Ukraine trong vụ căng thẳng với Nga, thậm chí còn cáo buộc Nga đã cản trở bất hợp pháp quyền tiếp cận vùng biển Azov và sử dụng vũ lực mà không có lý do biện minh.

Ngày 27/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo kịch bản hủy cuộc gặp người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) sẽ diễn ra tại Argentina vào cuối tuần này nhằm tỏ rõ thái độ lên án Moscow trong vụ đụng độ trên eo biển Kerch với 3 tàu hải quân Ukraine. Trong một tuyên bố vừa đưa ra, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống D.Trump và người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã điện đàm về vụ đụng độ giữa Nga và Ukraine, bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” về sự việc trên cũng như việc Nga bắt giữ các tàu và thủy thủ Ukraine.

Tuy nhiên, mặc dù có lời cảnh báo trên của người đứng đầu Nhà Trắng, Điện Kremlin vừa bày tỏ hy vọng rằng, cuộc gặp gỡ thượng đỉnh được trông đợi giữa ông D.Trump và ông Putin sẽ vẫn diễn ra như dự kiến. Thậm chí mới đây, Cố vấn chính sách đối ngoại của Nga – ông Yuri Ushakov còn nhấn mạnh rằng “cuộc gặp gỡ này đóng một vai trò cần thiết ở mức tương đương đối với cả Nga và Mỹ”.

Phát biểu trước phóng viên tại Geneva (Thụy Sĩ), ngày 28/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bác bỏ lời cáo buộc của một số nước phương Tây và cho rằng, chính Mỹ cùng một số nước châu Âu đang “dung túng và cổ súy” cho Ukraine. Moscow nhấn mạnh, phía Kiev đang muốn lợi dụng vụ đụng độ ở eo biển Kerch để gia tăng hình ảnh của Tổng thống Poroshenko – người sẽ phải đối mặt với một chiến dịch tái tranh cử đầy cam go dự kiến diễn ra vào tháng 3/2019.

Được biết, hiện chính quyền Kiev đã yêu cầu Moscow trao trả các tàu bị bắt giữ và phóng thích 24 thủy thủ Ukraine bị bắt giam sau vụ đụng độ tại eo biển Kerch vào cuối tuần trước. Các thủy thủ Ukraine đã bị một tòa án ở thành phố Simferopol trên bán đảo Crimea yêu cầu tạm giam 2 tháng chờ xét xử.

Ngay lập tức, Thủ tướng Ukraine Volodymyr Groysman đã đăng tải thông điệp trên trang cá nhân nhằm phản đối phán xét của tòa án thành phố Simferopol và tuyên bố Kiev đang gia tăng nỗ lực để đưa các thủy thủ bị bắt giữ trở về nước. Bộ Ngoại giao Ukraine đã gửi công hàm ngoại giao tới Nga nhằm phản đối việc bắt giam được cho là “bất hợp pháp” nhằm vào các thủy thủ Ukraine.

Vụ việc diễn ra trên eo biển Kerch ngày 25/11 đánh dấu cuộc đụng độ trực tiếp đầu tiên giữa hai nước láng giềng kể từ khi chiến sự bùng phát tại miền Đông Ukraine từ năm 2014 khiến 10.000 người thiệt mạng. Diễn biến này đã khiến cộng đồng quốc tế quan ngại sâu sắc và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế trước nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột mới trong khu vực./.

Thu Lan (Theo egypttoday, TASS, Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực