Tổng thư ký Liên hợp quốc lo ngại về sự sụp đổ của INF

Thứ sáu, 02/08/2019 16:07
(ĐCSVN) – Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres vừa cảnh báo rằng “thế giới sẽ mất đi một công cụ vô giá để kìm hãm chiến tranh hạt nhân” khi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được Nga và Mỹ ký kết năm 1987 bị “khai tử” trong ngày hôm nay (2/8).

Mỹ đề cập việc rút khỏi INF và không gia hạn START mới

 

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: UrduPoint.com)

Phát biểu trước phóng viên, ngày 1/8, ông Guterres ghi nhận vai trò của INF là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, đóng vai trò hỗ trợ an ninh châu Âu và chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh. Chính vì thế, sự kết thúc của INF sẽ có nguy cơ làm gia tăng, chứ không phải thuyên giảm các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo.

 

Qua đó, ông Guterres kêu gọi: “Cho dù điều gì có xảy ra đi nữa, các bên nên tránh kịch bản làm mất ổn định sự phát triển và khẩn trương tìm kiếm thỏa thuận về một con đường chung mới để kiểm soát vũ khí toàn cầu”.

 

Cách đây ít lâu, Mỹ đã yêu cầu Nga tiêu hủy một loại tên lửa tầm trung bị Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) cáo buộc là vi phạm INF để đưa ra quyết định rút khỏi hiệp ước này vào ngày 2/8, với viện cớ rằng Washington cần phát triển các đầu đạn riêng để “răn đe” Moscow.

 

Về phần mình, Nga tuyên bố nước này tuân thủ đầy đủ INF – vốn là thành quả đàm phán giữa cựu Tổng thống Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên bang Xô Viết bấy giờ là ông Mikhail Gorbachev giúp đặt ra giới hạn về số tên lửa tầm trung mà hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới được sở hữu.

 

Chính vì thế, sự sụp đổ INF được nhìn nhận là một dấu hiệu mới nhất cho thấy sự căng thẳng gia tăng trong quan hệ Đông-Tây vốn đang rất bộn bề. Điều này cũng đang khiến nhiều chuyên gia và các quan chức phương Tây “đứng ngồi không yên” trước lo ngại về viễn cảnh của an ninh châu Âu. Theo quan điểm của các chuyên gia này thì việc khai tử INF sẽ cho phép Nga có thể sở hữu các loại tên lửa tầm trung để phát động “một cuộc tấn công hạt nhân” nhằm vào châu Âu trong một thời gian rất ngắn.

 

Trước sự quan ngại về sự sụp đổ của INF, người đứng đầu Liên hợp quốc  đã mạnh mẽ khuyến khích Mỹ và Nga gia hạn Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START) duy nhất còn tồn tại giữa hai cường quốc để không “khép lại cánh cửa” đàm phán về các biện pháp kiểm soát vũ khí trong tương lai.

 

Hiệp ước START mới được ký kết giữa Nga và Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/2/2011, đặt ra mức giới hạn triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược. Hiệp ước này sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021, song có thể được tiếp tục gia hạn thêm 5 năm nếu như hai bên cùng nhất trí.

 

Trong bài trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS được đăng tải ngày 2/8, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Nga sẽ “không để cho bất cứ ai” gây áp lực hoặc ép buộc nước này thực hiện các bước đi cụ thể trong các tình huống phát sinh liên quan tới INF.

 

Theo quan điểm của quan chức ngoại giao này thì ý thức và mối quan tâm chung đối với an ninh châu Âu và an ninh toàn cầu sẽ vượt xa các mối quan tâm khác liên quan tới việc phụ thuộc vào sự ép buộc trong mọi lĩnh vực.

 

Ông Ryabkov nhấn mạnh Moscow sẽ không mù quáng tin tưởng vào những tuyên bố của NATO rằng liên minh quân sự này sẽ không triển khai tên lửa hạt nhân ở châu Âu ngay cả khi thiếu vắng vai trò của INF. “Cho tới bây giờ, NATO vẫn bảo đảm trước chúng tôi rằng họ không có kế hoạch triển khai các thiết bị hạt nhân này. Tuy nhiên, những lời hứa như vậy không đáng tin cậy nếu chỉ dựa trên hình thức bên ngoài” – ông Ryabkov nói./.

Thu Lan (Theo Reuters/CNA, TASS, AP/The Washington Post)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực