Triển vọng kinh tế toàn cầu ít ảm đạm hơn so với dự báo

Thứ sáu, 25/09/2020 15:22
(ĐCSVN) - Ngày 24/9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gerry Rice nhận định, triển vọng kinh tế toàn cầu ít ảm đạm hơn so với dự báo được đưa ra cách đây 3 tháng trước, do dữ liệu hoạt động kinh tế của Trung Quốc và các nền kinh tế tiên tiến khác khả quan hơn dự đoán.
IMF cảnh báo triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 (Ảnh: AFP).

Tuy nhiên, phát ngôn viên IMF, ông Gerry Rice cho biết, nói chung triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) và tác động của đại dịch đối với các lĩnh vực kinh tế.

Ông Rice cảnh báo, tình trạng “bất ổn” hiện vẫn tồn tại tại nhiều quốc gia đang phát triển và các thị trường đang nổi hơn so với Trung Quốc, nhấn mạnh IMF cũng lo ngại về mức độ nợ đang gia tăng.

IMF dự định sẽ công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất vào ngày 13/10 tới đây. “Dữ liệu gần đây cho thấy triển vọng kinh tế toàn cầu có thể sẽ ít khốc liệt hơn so với dự báo được đưa ra trong báo cáo cập nhật về Triển vọng Kinh tế Toàn cầu công bố ngày 24/6, trong đó một số lĩnh vực trong nền kinh tế toàn cầu bắt đầu vượt qua giai đoạn khó khăn”, ông Rice cho biết.

Theo ông Gerry Rice, một số dấu hiệu cho thấy thương mại toàn cầu đang bắt đầu hồi phục sau khi các quốc gia dần dỡ bỏ các lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. “Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn đang đứng trước các thách thức, đặc biệt tại các thị trường đang nổi và các quốc gia đang phát triển”, ông Gerry Rice cho biết và nhấn mạnh nhiều quốc gia phải đối mặt với sự sụt giảm trong nhu cầu nội địa, xuất khẩu cũng như du lịch.

“Chúng tôi lo ngại rằng cuộc khủng hoảng này sẽ làm đảo ngược những thành quả đạt được trong công cuộc giảm nghèo đói nhiều năm qua cũng như đẩy lùi các tiến bộ đạt được nhằm hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững”, ông Rice nhấn mạnh đến những mục tiêu đầy tham vọng mà Liên hợp quốc đề ra cách đây 5 năm nhằm chấm dứt tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng.

Trước đó, ngày 24/6 vừa qua, báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới do IMF công bố cho thấy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay ước giảm 4,9% do ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng mà đại dịch COVID-19 gây ra.

Theo IMF, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu 2020 sẽ sụt giảm nhiều hơn đáng kể so với mức giảm 3% mà IMF đưa ra trong báo cáo trước đó hồi tháng 4. Theo đó, đây sẽ là đợt suy giảm hàng năm tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II. Tuy nhiên, tổ chức này cũng dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng trở lại ở mức 5,4% trong năm 2021.

Bản báo cáo cập nhật của IMF nêu rõ, có 2 kịch bản xảy ra, trong trường hợp xấu bùng phát đợt dịch COVID-19 mới vào đầu năm tới, tăng trưởng toàn cầu sẽ dừng lại ở mức 0,5%. Ở kịch bản tươi sáng hơn, các biện pháp kích thích kinh tế sẽ phát huy hiệu quả và giúp tăng trưởng đạt mức 8,4% trong năm 2021.

Các chuyên gia IMF lo ngại dịch COVID-19 cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng lâu dài trong thương mại, kinh doanh và việc làm. Theo báo cáo này, thiệt hại là rất lớn và lan rộng hơn bất kỳ đợt suy thoái nào trong nhiều thập kỷ qua. Suy thoái tại các nền kinh tế lớn sẽ tăng gấp đôi mức mà họ từng chứng kiến trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Theo IMF, hoạt động kinh doanh trên toàn cầu bị đình trệ khiến hàng trăm triệu người trên thế giới mất việc làm, và các nền kinh tế lớn ở châu Âu đối mặt với suy thoái ở mức hai con số. Triển vọng phục hồi sau dịch bệnh rất bất trắc vì không thể dự báo hướng phát triển của virus. IMF cảnh báo: "Đại dịch COVID-19 đã gây ra tác động đến hoạt động kinh tế trong nửa đầu năm 2020 tiêu cực hơn dự báo và sự phục hồi sẽ chậm chạp hơn các dự báo trước đây”./.

Hoài Hà (Theo Reuters, imf.org)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực