Triều Tiên kêu gọi gỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế

Thứ năm, 21/05/2020 15:38
(ĐCSVN) - Trong văn bản trình lên Hội đồng Y tế Thế giới, ngày 20/5, Triều Tiên đã kêu gọi cộng đồng quốc tế sớm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế trong bối cảnh hiện nay, khi mà sự hợp tác toàn cầu để chống lại đại dịch COVID-19 là điều cần thiết.
Người dân đi lại tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên, ngày 15/5/2020. (Ảnh: Kyodo) 

Trong văn bản trên, Triều Tiên kêu gọi các quốc gia khác bãi bỏ các biện pháp hạn chế kinh tế, tài chính và thương mại đơn phương cũng như các biện pháp trừng phạt vô nhân đạo, đồng thời yêu cầu các nước này không chính trị hóa các chương trình viện trợ.

Trong thông báo đưa ra mới đây, một quan chức không tiết lộ tên thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhận định về khả năng Triều Tiên sẽ thiếu khoảng 860.000 tấn ngũ cốc trong năm 2020, trong bối cảnh sự bùng phát của đại dịch COVID-19 có thể khiến tình hình trở nên nghiêm trọng. Kết quả dự báo này được đưa ra dựa trên số liệu do một viện nghiên cứu địa phương cho rằng, Triều Tiên đã sản xuất 4,64 triệu tấn ngũ cốc vào năm ngoái, thấp hơn mức cần thiết tối thiểu là 5,5 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu của 25 triệu dân.

Năm ngoái, Triều Tiên thông báo nước này đã có một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, Triều Tiên cũng thường xuyên phải đối mặt với tình cảnh thiếu thốn lương thực do thời tiết không thuận lợi và sức ép từ các lệnh trừng phạt quốc tế, hạn chế quyền tiếp cận của nước này đối với các sản phẩm như phân bón và các vật liệu canh tác quan trọng khác. Trong khi đó, việc Triều Tiên quyết định đóng cửa biên giới với Trung Quốc vào cuối tháng 1/2020 để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 cũng được cho là một diễn biến khiến các hoạt động giao thương với Trung Quốc và việc nhập khẩu ngũ cốc bị chững lại.

Trong báo cáo ngày 20/5, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc cho biết, Triều Tiên nằm trong số 47 nước trên thế giới, hiện có 183 triệu người đang phải đối mặt với nguy cơ bất ổn an ninh lương thực nghiêm trọng, do các biện pháp đóng cửa biên giới và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu đã cản trở các nước này tiếp cận với các sản phẩm nông nghiệp. Và để đưa ra hỗ trợ cần thiết cho các nước này sẽ cần đến một khoản tiền trị giá khoảng 350 triệu USD.

Đầu tháng 5/2020, Nga thông báo về việc nước này đã viện trợ nhân đạo 25.000 tấn lúa mì cho Triều Tiên.

Cũng trong văn bản gửi lên Hội đồng Y tế Thế giới, ngày 20/5, Triều Tiên tiếp tục khẳng định nước này không ghi nhận bệnh nhân mắc COVID-19 nhờ vào các biện pháp phòng ngừa hiệu quả theo chỉ thị của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Hiện Triều Tiên đang tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với các nhà ngoại giao nước ngoài, trong đó có việc không cho phép di chuyển tới những địa điểm bên ngoài quận sinh sống. Từ đầu tháng 2/2020, Triều Tiên đã bắt đầu thực hiện những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, gồm cả việc cách ly đối với các nhân viên ngoại giao nước ngoài và các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, các biện pháp này đã được gỡ bỏ từng phần kể từ tháng 3/2020./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực