Tuần qua, nhiều nước dần quay trở lại “nhịp sống bình thường mới”

Chủ nhật, 17/05/2020 09:54
(ĐCSVN) – Trong tuần qua (11-17/5), virus SARS-CoV-2 tiếp tục trở thành đề tài được nhắc tới nhiều nhất và gây lo lắng nhất trên thế giới. Tuy nhiên, câu chuyện về con virus này dường như đang đi theo một chiều hướng khác khi nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu có những bước đi đầu tiên để đưa cuộc sống của người dân quay trở lại “nhịp sống bình thường mới”, sau nhiều tuần thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội một cách hiệu quả.

 

Nhiều nước bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế xã hội

Giao thông đông đúc trở lại tại Pháp trong những ngày đầu gỡ bỏ phong tỏa. (Ảnh: Le Monde) 

Từ ngày 18/5 tới, các nhà hàng và quán cà phê tại Litva cũng có thể phục vụ khách hàng ở bên trong quán thay vì chỉ ở bên ngoài như trước đây. Tuy nhiên, giờ mở cửa các cơ sở phục vụ ăn uống sẽ bị hạn chế. Trẻ em có thể trở lại trường vào cuối năm học này, nhưng quyết định cuối cùng phụ thuộc vào các cơ sở giáo dục. Từ ngày 30/5, việc tổ chức các sự kiện thể thao chuyên nghiệp sẽ được khôi phục, nhưng với điều kiện không có khán giả.  

Sau nhiều tuần “đóng băng” nhiều hoạt động kinh tế - xã hội để kiềm chế sự lây lan dịch bệnh, một số nước châu Âu từng là “điểm nóng” của COVID-19 gồm Pháp, Đức và Tây Ban Nha đang dần từng bước gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa.

Trong thông điệp phát đi ngày 14/5, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cho biết, sẽ có khoảng 80% tỉnh của Nhật Bản được dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trước thời hạn. Cụ thể, hiện đã có 39 tỉnh tại Nhật Bản được gỡ bỏ lệnh cách ly, trong khi 8 tỉnh còn lại vẫn tiếp tục kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp phong tỏa.

Ngày 11/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo giai đoạn ngừng hoạt động của đất nước, vốn được áp đặt nhằm kiềm chế sự lây lan chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ được gỡ bỏ. Tuy nhiên,  những sự kiện quy mô lớn sẽ vẫn bị cấm và những điều kiện vệ sinh vẫn phải được duy trì, cũng như những người dân từ 65 tuổi trở lên phải ở trong nhà.

Thống đốc bang New Yok (Mỹ) Andrew Cuomo ngày 11/5 tuyên bố cho phép 3 khu vực nông thôn phía Bắc của bang mở cửa hoạt động lại vào cuối tuần này. Tuy nhiên, trước mắt sẽ chỉ có ngành xây dựng, sản xuất và bán lẻ được phép hoạt động. Đây là bước tiến cụ thể đầu tiên của giới chức bang New York trên con đường tìm kiếm một lộ trình mở cửa lại các hoạt động kinh tế một cách thận trọng và an toàn. 

Theo cảnh báo của các chuyên gia, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội cần được thực hiện một cách thận trọng và dựa trên sự tính toán kỹ lưỡng bởi nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ 2 vẫn còn hiện hữu. Khi đó, việc các nước phải áp đặt trở lại các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, kéo theo nhiều hệ lụy đối với cuộc sống con người là điều khó tránh khỏi. Chính vì thế, thách thức đặt ra trước mắt là các nước cần thực hiện tốt "nhiệm vụ kép", vừa chặn đứng được sự lây lan của virus, vừa khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội. 

Giá chứng khoán, giá dầu thế giới đồng loạt đi lên

Ảnh minh họa: untvweb 

Chốt phiên giao dịch ngày 14/5, chứng khoán Phố Wall đi lên sau 2 phiên giảm điểm liên tiếp, khi cổ phiếu ngành ngân hàng tăng bất chấp sự gia tăng đột biến về số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ.

 Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,6%, lên 23.625,34 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 1,2%, lên 2.852,50 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,9%, lên 8.943,72 điểm.

Số liệu vừa công bố của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, nước này ghi nhận có thêm gần 3 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua. Mặc dù số đơn xin trợ cấp thất nghiệp này đã giảm kể từ cuối tháng 3, thời điểm số đơn lên tới 7 triệu trong một tuần, nhưng mức trên vẫn cho thấy ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 đối với người lao động và nền kinh tế Mỹ. Như vậy, tổng số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 ở Mỹ đã lên tới 36,5 triệu người.

Cổ phiếu của nhiều ngân hàng đã có một phiên giao dịch tích cực, với cổ phiếu của các ngân hàng Bank of America, Citigroup và JPMorgan Chase đều tăng hơn 3%. Cổ phiếu của ngành ngân hàng giao dịch yếu trong mấy tuần gần đây khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiến hành cắt giảm lãi suất và triển vọng kinh tế vĩ mô xấu đi.

Tính đến nay các thị trường chứng khoán thế giới đã tăng hơn 30% kể từ mức thấp ghi nhận trong tháng 3 sau khi các chính phủ công bố các biện pháp kích thích kinh tế chưa từng có tiền lệ cũng như sự can thiệp của các ngân hàng trung ương nhằm chống lại những tác động kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Trong khi đó, giá dầu thế giới đi lên trong phiên 14/5 sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo dự trữ dầu toàn cầu sẽ giảm trong nửa cuối năm 2020, mặc dù thị trường vẫn lo ngại về nguy cơ bùng phát đợt lây nhiễm thứ hai dịch COVID-19 trong những tháng tới.

Venezuela bắt giữ thêm 39 đối tượng liên quan tới âm mưu xâm nhập lãnh thổ trái phép

Thẻ căn cước thu giữ từ các lính đánh thuê xâm nhập lãnh thổ Venezuela với âm mưu phá hoại, được trưng bày tại Caracas ngày 4/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN 

Ngày 14/5, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino thông báo cơ quan chức năng nước này vừa bắt giữ 39 cựu quân nhân nước này ở khu vực biên giới với Colombia được cho là có liên quan tới các vụ xâm nhập bất thành của nhóm lính đánh thuê mà Venezuela triệt phá mới đây.

Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, tướng Padrino cho biết, nhóm cựu quân nhân này đang định xâm nhập Venezuela từ Colombia và có thể đang thực hiện một nhiệm vụ trong tổng thể chiến dịch đột nhập vào lãnh thổ Venezuela để phá hoại và ám sát các nhà lãnh đạo nước này. Như vậy, đến nay cơ quan chức năng Venezuela đã bắt giữ 91 đối tượng liên quan đến vụ việc.

Bộ trưởng Padrino khẳng định đây là một kế hoạch được lên kế hoạch quân sự rất chi tiết với sự tài trợ lớn từ bên ngoài nhằm bắt giữ hoặc tiêu diệt Tổng thống hợp hiến Nicolas Maduro và dựng thủ lĩnh đối lập Juan Guaido  lên làm người lãnh đạo đất nước. Chính phủ Venezuela cáo buộc Mỹ và Colombia đứng đằng sau hậu thuận cho âm mưu mà phe đối lập cực đoan đã ký kết với một công ty an ninh quân sự của Mỹ.

Tuy nhiên, cho đến nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn khẳng định họ không hề liên quan tới âm mưu nói trên.

LHQ trông đợi Nga và Mỹ đạt thỏa thuận về Hiệp ước START-3

Người Phát ngôn Stephane Dujarric. (Nguồn: UN) 

Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric cho biết LHQ hy vọng rằng Mỹ và Nga có thể đạt được thỏa thuận về việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược START mới, còn gọi là START-3.

Phát biểu tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi liệu LHQ có kế hoạch tham gia một cách tích cực hơn vào việc giải quyết vấn đề gia hạn Hiệp ước START-3 hay không, ông Dujarric nhấn mạnh: "Chúng tôi cho rằng các hiệp ước, như START-3, là một phần không thể tách rời trong lĩnh vực không phổ biến và giải giáp vũ khí. Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các quốc gia tham gia thỏa thuận sẽ tìm thấy tiếng nói chung và đi đúng hướng".

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói rằng Moskva vẫn chưa nhận được tín hiệu từ phía Washington về ý định gia hạn Hiệp ước START-3. Ông Ryabkov lưu ý rằng Washington, theo tất cả các dấu hiệu cho thấy, có lẽ sẽ quyết định không gia hạn hiệp ước. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố mong muốn xây dựng một thỏa thuận hạt nhân 3 bên mới giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ vì theo quan điểm của Washington, Hiệp ước START-3 có một số thiếu sót và "lỗi thời". Tuy nhiên, cả Bắc Kinh cũng như Moskva đều bác bỏ ý tưởng này. 

Quan hệ Mỹ-Trung lại căng thẳng

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 13/5. Ảnh: BNG Trung Quốc. 

Cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra đã và đang làm trầm trọng thêm mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Dịch bệnh phá vỡ sự hòa hoãn tạm thời giữa hai bên sau thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký kết hồi đầu năm nay. COVID-19 không phải là nguyên nhân tạo ra những khó khăn mới trong quan hệ Mỹ-Trung mà chỉ thúc đẩy thêm những xu hướng đã hiện hữu từ nhiều năm qua, khi hai nước cạnh tranh ảnh hưởng kinh tế và chính trị toàn cầu. 

Trong tuần qua, Mỹ đã "đụng chạm" tới tất cả các vấn đề trong quan hệ với Trung Quốc, từ cách xử lý dịch COVID-19 đến thương mại, sở hữu trí tuệ, nhân quyền và Biển Đông. Tổng thống Mỹ D.Trump đã cho thấy mối quan hệ của ông với Trung Quốc đang ngày càng xấu đi nhanh chóng vì đại dịch COVID-19 khi tuyên bố ông không muốn nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thậm chí cắt đứt quan hệ với nền kinh tế số 2 thế giới trong một cuộc phỏng vấn ngày 14-5 (giờ Mỹ). Tổng thống Mỹ khẳng định nếu bây giờ cắt đứt quan hệ với Trung Quốc, Mỹ có thể "tiết kiệm được 500 tỉ USD".

Trong cuộc họp báo chiều 15/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã lên án việc thượng viện Mỹ đề xuất luật cho phép Tổng thống D.Trump trừng phạt Trung Quốc.

Tuy nhiên, phát ngôn viên này tin tưởng rằng, việc duy trì quan hệ Mỹ - Trung ổn định sẽ đem lại lợi ích cho cả hai dân tộc và sẽ có lợi cho hòa bình, ổn định thế giới. "Vào thời điểm hiện tại, cả Trung Quốc và Mỹ nên hợp tác nhiều hơn để cùng nhau chống lại virus, chữa trị cho những người bệnh và khôi phục sản xuất kinh tế, nhưng Mỹ cần phải thỏa hiệp với Trung Quốc" - đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực