Vì sao Mỹ áp thuế 100% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Pháp?​

Thứ sáu, 06/12/2019 12:07
(ĐCSVN) - Ngày 2/12 vừa qua, Chính phủ Mỹ cho biết họ có thể áp hàng rào thuế quan lên đến 100% đối với 2,4 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Pháp.
leftcenterrightdel
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Việc áp thuế  nhằm vào các mặt hàng như: rượu sâm banh, túi xách, phô mai và các sản phẩm khác, với lý do Pháp đã gây thiệt hại lớn cho các công ty công nghệ của Mỹ bởi sắc thuế “dịch vụ kỹ thuật số - SFC)” của Pari, khiến giới nghiên cứu thị trường và dư luận lo ngại về cuốc chiến thương mại - công nghệ có thể nổ ra.

Washington cáo buộc SFD không phù hợp

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết cuộc điều tra sắc thuế SFC của Pháp theo chuyên mục 301, họ đã phát hiện ra sự “không phù hợp với nguyên tắc hiện hữu của chính sách thuế quốc tế và đột ngột tạo ra ảnh hưởng xấu đến các công ty Mỹ nằm trong diện chịu thuế” là các tập đoàn công nghệ lớn như: Google của Alphabet, Facebook, Apple...

Đại diện USTR, Robert Lighthizer cho biết, Chính phủ Mỹ đang tìm hiểu xem liệu có mở cuộc điều tra tương tự vào thuế dịch vụ kỹ thuật số của Áo, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ nữa hay không. Lần này USTR tập trung vào đáp trả lại làn sóng bảo hộ thương mại ngày càng tăng từ phía các thành viên EU, vốn nhắm đến các công ty Mỹ một cách bất công (ngoại trừ Canada và Anh).

USTR cho biết họ sẽ thu thập bình luận từ công chúng cho đến ngày 14/1/2020 về đề xuất áp thuế đối với hàng hóa Pháp cũng như phương án áp phí hoặc ràng buộc đối với dịch vụ của Pháp, trong đó có một cuộc điều trần công khai dự kiến diễn ra vào ngày 7/1/2020.

Danh sách hàng hóa Mỹ nhắm tới lần này, bao gồm rượu vang, túi sách, đồ trang điểm – một yếu tố có thể tác động nặng nề đến các đại công ty như LVMH và nhà sản xuất mỹ phẩm L’Oreal của Pháp. Phô mai Gruyere không nằm trong danh sách áp thuế của USTR hồi tháng 10, nhưng nay cũng được thể hiện nổi bật trong danh sách hàng hóa Pháp có khả năng bị áp thuế 100%.

Theo USTR, “Thuế dịch vụ kỹ thuật số của Pháp không hợp lý, mang tính bảo hộ thương mại và phân biệt đối xử”, Thượng nghị sĩ Mỹ Charles Grassley (Đảng viên Cộng hòa) và Ron Wyden (Đảng viên Dân chủ), cả hai ông đều ở vị trí hàng đầu trong  Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ (SFC) đều nói như vậy.

Sự đáp trả của EU

Ngay ngày hôm sau (3/12), Bộ trưởng Pháp Bruno Le Maire tuyên bố Pháp và EU sẵn sàng đáp trả quyết định của Mỹ đánh thuế lượng hàng hóa trị giá 2,4 tỷ USD của Paris. Phát biểu với đài Radio Classique, ông Bruno Le Maire cho rằng, những đe dọa áp thuế mới nhất của Mỹ đối với các sản phẩm của Pháp là “không thể chấp nhận được”.

Ông Bruno Le Maire còn nhấn mạnh: “Trong trường hợp Mỹ áp các lệnh trừng phạt mới, EU sẽ sẵn sàng đáp trả”. Thứ trưởng Kinh tế Pháp Agnes Pannier-Runacher cũng tuyên bố Pháp sẽ “đối đầu” với những đe dọa áp thuế mới nhất của Mỹ đối với sản phẩm Pháp. Phát biểu với đài Sud Radio, ông Pannier-Runacher, đồng thời khẳng định Pháp sẽ không rút lại kế hoạch đánh thuế DST của nước này.

Biện pháp trả đũa mới của Mỹ đã gây tác động tiêu cực đến ngành xa xỉ phẩm tại Pháp. Các cổ phiếu hàng đầu như: LVMH, Kering và Hermes đã giảm điểm từ 1,4% đến 1,5% trong phiên giao dịch sáng ngày 3/12. Giám đốc quỹ đầu tư Clairinvest Ion-Marc Valahu, nhận định ngành xa xỉ phẩm của Pháp đang đứng trước rủi ro quá lớn và đã chịu nhiều thiệt hại do tình hình bất ổn gần đây tại Hong Kong.

Trước ngày 2/12, một quan chức Pháp nói rằng, Pháp sẽ phản bác với các phát hiện của USTR, và đưa ra lập luận của Paris rằng thuế SFC không nhằm vào các công ty công nghệ của Mỹ. Rằng “Chúng tôi sẽ không từ bỏ thuế kỹ thuật số”. Bởi thuế 3% đối với doanh thu từ dịch vụ kỹ thuật số của các công ty có hơn 25 triệu Euro (27.86 triệu USD) doanh thu ở Pháp và 750 triệu Euro (830 triệu USD) trên toàn thế giới chứ không phải riêng Mỹ.

Nguy cơ thương chiến công nghệ cận kề?

Theo giới quan sát, ngay từ hồi tháng 4 năm nay, trong một tuyên bố trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhấn mạnh, WTO đã phát hiện việc EU trợ cấp cho tập đoàn sản xuất máy bay Airbus, gây bất lợi cho Mỹ. Do đó, Mỹ sẽ áp thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ EU có tổng trị giá 11 tỷ USD. Tuyên bố nêu rõ: “EU đã lợi dụng Mỹ về thương mại trong nhiều năm. Điều này sẽ sớm chấm dứt”.

Trong Báo cáo của USTR lần này, cùng với đề xuất áp thuế diễn ra sau vài tháng đàm phán giữa Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin về việc sửa chữa lớn các quy tắc thuế kỹ thuật số trên phạm vi toàn cầu. Hai bên đã có sự thỏa hiệp hồi tháng 8/2019 tại Hội nghị G7 ở Pháp. Theo đó, Pháp sẽ hoàn trả cho các công ty Mỹ khoản chênh lệch giữa thuế SFC của Pháp và cơ chế mới được lập ra bởi OECD. Tuy nhiên, ông Trump chưa bao giờ chính thức thừa nhận thỏa thuận này.

Tổng thống D. Trump cũng đưa ra tuyên bố trên chỉ 1 ngày sau khi Văn phòng Thương mại Mỹ (USTR) công bố một danh sách hàng hóa của EU bị đánh thuế bổ sung. Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer khẳng định, mục tiêu của Mỹ là đạt được một thỏa thuận với EU nhằm chấm dứt toàn bộ trợ cấp trái quy định của WTO cho máy bay dân dụng cỡ lớn, hồi tháng 4.

Theo giới phân tích, Mỹ và EU đã có một cuộc tranh chấp lâu kể từ năm 2004, khi đưa ra các cáo buộc lẫn nhau về việc hỗ trợ trái phép đối với 2 tập đoàn sản xuất máy bay của mình là Airbus và Boeing. Khi đó WTO phát hiện hai bên đã trợ cấp hàng tỷ USD để giành lợi thế trên thị trường máy bay toàn cầu và lần này chỉ là “giọt nước tràn ly” mà thôi.

Như vậy, với chủ thuyết “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Mỹ D. Trump đã quyết tâm thực hiện lời hứa của mình đối với cử tri Mỹ là “đòi lại sự công bằng cho nước Mỹ”, ông bất chấp đối tượng hay đối tác; Trung Quốc hay đồng minh... khiến sự quan ngại của giới nghiên cứu và dư luận về sự chuyển hóa từ chiến tranh thương mại sang chiến tranh công nghệ là có cơ sở./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực