WHO kêu gọi các nước chung sống với COVID-19 trong "trạng thái bình thường mới"

Thứ ba, 30/06/2020 11:29
(ĐCSVN) – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa kêu gọi tất cả các nước trên thế giới coi việc chung sống với đại dịch COVID-19 là một “trạng thái bình thường mới”, trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh đã lần lượt vượt ngưỡng 10 triệu và 500.000 người.

Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhiều tại nhiều nước trên thế giới.
(Ảnh: Xinhua) 

Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, ngày 29/6, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Một vấn đề mang tính thiết yếu đặt ra đối với tất cả các nước trên thế giới trong những tháng tới là làm thế nào để chung sống với con virus này. Đây là một trạng thái bình thường mới”.

Người đứng đầu WHO cho rằng, dù nhiều nước đã đạt tiến triển trong việc đẩy lùi COVID-19, song đại dịch vẫn đang tăng tốc trên phạm vi toàn cầu.

“Sáu tháng trước, không ai trong chúng ta có thể tưởng tượng rằng, bằng cách nào mà thế giới và cuộc sống của chúng ta có thể bị xáo trộn bởi con virus mới… Đại dịch đã phơi bày những điều tốt đẹp nhất và cả những điều tồi tệ nhất của nhân loại… Trên khắp thế giới, chúng ta đã chứng kiến những hành động ấm áp về sự kiên cường, sáng tạo, đoàn kết và lòng tốt. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy những dấu hiệu của sự kỳ thị, những thông tin sai lệch và chính trị hóa đại dịch này” – ông Ghebreyesus nói.

Từ những lập luận trên, người đứng đầu WHO kêu gọi tất cả các nước trên thế giới ưu tiên 5 giải pháp để cứu sống sinh mạng con người, bao gồm: trao quyền cho cộng đồng và cá nhân để bảo vệ chính họ và những người khác; ngăn chặn sự lây lan của virus; đẩy mạnh nghiên cứu về COVID-19; tăng cường vai trò lãnh đạo chính trị và tinh thần đoàn kết; sử dụng oxy và dexamethasone trong điều trị.

Theo số liệu do trang thống kê trực tuyến worldometers.info vừa công bố, thế giới hiện có 10.408.433 ca nhiễm COVID-19, với 508.078 ca tử vong vì dịch bệnh. Đại dịch COVID-19 đã để lại những tác động nghiêm trọng đối với mọi mặt đời sống con người. Đáng lo ngại, virus SARS-CoV-2 còn đang trở thành “vết dầu loang” kéo theo nhiều căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Cách đây ít lâu, Mỹ đã lên tiếng chỉ trích cách thức mà WHO ứng phó với COVID-19, đồng thời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra về nguồn gốc virus SARS-CoV-2. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng có thể virus này bắt nguồn từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán mặc dù không thể chứng minh cho phát biểu này, còn Trung Quốc thì kịch liệt bác bỏ.

Liên quan tới vấn đề này, ông Ghebreyesus, ngày 29/6 cho biết WHO sẽ cử một nhóm chuyên gia tới Trung Quốc vào tuần tới để điều tra về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu trong cuộc họp báo ở diễn ra cùng ngày ở Geneva (Thụy Sĩ), người đứng đầu WHO nói: “Chúng ta có thể cải thiện ứng phó với con virus này nếu như biết được mọi điều về nó, gồm cả sự khởi phát của virus”. Tuy nhiên, ông không cho biết thành phần nhóm chuyên gia được cử tới Trung Quốc cũng như nhiệm vụ cụ thể của nhóm chuyên gia này. Đầu tháng 5/2020, WHO đã có động thái hối thúc Trung Quốc mời các chuyên gia của tổ chức này tới điều tra về virus SARS-CoV-2./.

Thu Lan (Theo Xinhua, NHK)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực