APEC thúc đẩy du lịch bền vững vì châu Á – Thái Bình Dương bao trùm và kết nối

Thứ hai, 19/06/2017 20:32
(ĐCSVN) – Đối thoại Chính sách cao cấp của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) về du lịch bền vững diễn ra tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) ngày 19/6.

Trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Đối thoại tập trung thảo luận định hướng thúc đẩy du lịch bền vững vì châu Á – Thái Bình Dương bao trùm và kết nối. Đây là một sự kiện quan trọng của APEC, nhằm hưởng ứng Năm quốc tế 2017 của Liên hợp quốc về Du lịch bền vững vì sự phát triển, với sự tham gia của các Bộ trưởng và các quan chức du lịch APEC, đại diện của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển du lịch bền vững và đại diện các doanh nghiệp du lịch.

Đối thoại được tổ chức trong bối cảnh châu Á – Thái Bình Dương đang trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng, cục diện thế giới đang thay đổi mạnh mẽ và APEC đang xây dựng tầm nhìn sau năm 2020. Phát biểu khai mạc Đối thoại, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: “Trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc, ngành du lịch APEC có nhiều cơ hội, song cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được dự báo sẽ tạo nên những thay đổi lớn đối với thế giới nói chung, ngành du lịch nói riêng. Vấn đề cấp bách hiện nay là làm thế nào để phát triển du lịch bền vững về kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường.”

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái và các đại biểu quốc tế tại buổi họp báo. (Ảnh: Khắc Kiên)

Tại đối thoại, các đại biểu nhấn mạnh vai trò quan trọng của du lịch, nhất là trong thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, liên kết kinh tế và kết nối khu vực, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân. Năm 2016 lĩnh vực du lịch và lữ hành đóng góp trực tiếp 1,3 nghìn tỷ đô-la Mỹ cho GDP của khu vực APEC, tạo 67 triệu việc làm trực tiếp và đóng góp 6,1% vào xuất khẩu của khu vực. Hơn nữa, cứ 10% tăng trưởng khách du lịch tại nền kinh tế thành viên APEC sẽ thúc đẩy xuất khẩu tăng 1,2% và nhập khẩu tăng 0,8%. Du lịch và lữ hành góp phần thúc đẩy tinh thần kinh doanh và tăng trưởng bền vững và bao trùm của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, hỗ trợ đa dạng hóa các hoạt động kinh tế và thúc đẩy tạo việc làm cho các ngành liên quan.

Tiến sĩ Dirk Glaesser, Giám đốc chương trình Phát triển bền vững của Tổ chức Du lịch thế giới, đã nêu các khuyến nghị về du lịch và chương trình nghị sự phát triển bền vững đối với các nền kinh tế APEC. Ông Randy Durband, Tổng Giám đốc Hệ thống tiêu chuẩn Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu, đã nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của hệ thống tiêu chuẩn về du lịch bền vững. Các đoàn tham dự Đối thoại cũng tập trung thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch bền vững, trong đó chú trọng các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tiêu chuẩn và chứng nhận đối với các cơ sở dịch vụ du lịch, đảm bảo phát triển bao trùm và thúc đẩy kết nối khu vực và địa phương, tăng cường quan hệ đối tác công – tư trong phát triển du lịch bền vững....

Các Bộ trưởng và trưởng đoàn phụ trách về du lịch APEC đã thông qua Tuyên bố cao cấp về du lịch bền vững với chủ đề “Thúc đẩy du lịch bền vững châu Á – Thái Bình Dương bao trùm và kết nối”. Đây là tuyên bố có ý nghĩa rất quan trọng, chuyển tải thông điệp ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc và hành động nhằm thúc đẩy du dịch bền vững, bao gồm: coi phát triển du lịch bền vững là một quá trình liên tục cần có sự theo dõi, đánh giá tác động một cách thường xuyên; đẩy mạnh các chính sách phát triển du lịch nội địa và khu vực nhằm hỗ trợ thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc; khuyến khích các đóng góp kinh tế dài hạn, khả thi, đem lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan; tôn trọng tính nguyên bản về văn hóa - xã hội của cộng đồng địa phương; sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên môi trường tự nhiên; khuyến khích nhu cầu của người tiêu dùng đối với các hoạt động và sản phẩm du lịch bền vững; đẩy mạnh đối tác công - tư với tư cách là biện pháp chính để phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch bền vững; tạo môi trường cạnh tranh, hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến du lịch, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiến hành thêm các nghiên cứu để các nền kinh tế APEC có thể thích ứng và tận dụng những thay đổi do các công nghệ mới tiên tiến đem lại. Các Bộ trưởng và trưởng đoàn phụ trách du lịch của các nền kinh tế thành viên APEC đã nhất trí sẽ báo cáo các nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC vào tháng 11 năm 2017 về tầm quan trọng của việc thúc đẩy du lịch bền vững ở  châu Á – Thái Bình Dương.

Đối thoại là sáng kiến của Việt Nam nhằm đóng góp vào các nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu về phát triển du lịch bền vững. Đây cũng là hoạt động cấp Bộ trưởng thứ ba của APEC mà Việt Nam đăng cai tổ chức trong Năm APEC 2017./.

Nhóm phóng viên tại Hạ Long

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực