Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

Thứ ba, 29/08/2017 15:35
(ĐCSVN) - Sáng 29/8, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch và Báo Lao Động phối hợp tổ chức hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch”.

Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: VH

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, những năm qua, ngành du lịch đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của ngành du lịch. Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch có chất lượng cao.

Năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đã đạt 10 triệu lượt, tăng 26% so với năm 2015; phục vụ 62 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 8,8% so với năm 2015. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 417 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2015. Năm 2016, ngành du lịch tạo ra khoảng 900.000 việc làm trực tiếp, trong tổng số hơn 2,5 triệu việc làm liên quan đến du lịch. Ngành du lịch đã thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu lực đầu tư của xã hội, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược vào các khu vực có ý nghĩa trọng điểm quan trọng đối với du lịch Việt Nam như: Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn... đã góp phần hình thành hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại tại nhiều địa phương. Sự gia tăng các khu vui chơi, giải trí, khách sạn có quy mô và chất lượng mang tầm cỡ quốc tế (4-5 sao) đã góp phần tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao và hiện đại.

Sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng hàng không, đường bộ và các cảng biển cùng với sự phát triển của hệ thống cơ sở vật chất ngành du lịch đã góp phần kết nối điểm đến  du lịch Việt Nam và quốc tế. Bước đầu thiết lập mạng đường bộ cao tốc với các tuyến Hà Nội - Lào Cai; TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức- Long Thành; Đà Nẵng - Quảng Ngãi...

Đặc biệt, du lịch góp phần khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, di tích vật thể và phi vật thể ở các địa phương. Nội dung văn hóa trong phát triển du lịch ngày càng được chú trọng và phát huy, góp phần nâng cao chiều sâu và giá trị của sản phẩm du lịch.

Nhận thức về du lịch đã có bước chuyển biến quan trọng. Du lịch từ chỗ chỉ được coi là hoạt động phục vụ nghỉ ngơi đơn thuần, đến nay được xác định là một ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thông qua sự phát triển du lịch, hình ảnh quốc gia và các điểm đến được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước, tạo sự nhìn nhận tích cực về hình ảnh và nâng cao uy tín của đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Việt Nam còn những hạn chế, yếu kém nhất định, chưa đáp ứng được thực tiễn yêu cầu phát triển. Cụ thể: Công tác xúc tiến quảng bá hạn chế về hiệu quả và nguồn lực; thiếu điểm đến du lịch nổi trội, khác biệt để cạnh tranh với các nước trong khu vực; công tác quản lý điểm đến và môi trường du lịch còn nhiều bất cập; nguồn lực du lịch chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; công tác xã hội hóa phát triển du lịch chưa được đẩy mạnh; mức độ mở cửa quốc tế chưa cao; chính sách phát triển du lịch còn thiếu… 

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp giải pháp để đưa du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao và hiện đại, trong đó tập trung vào 2 giải pháp chính: Chuyên nghiệp hóa công tác quản lý, kinh doanh du lịch và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường, khai thác được tài nguyên du lịch vốn là thế mạnh của Việt Nam.

Các diễn giả đã đóng góp nhiều thông tin, phân tích, đánh giá về thực trạng cũng như đưa ra các đề xuất, giải pháp về: Tầm nhìn chiến lược; chính sách phát triển du lịch phù hợp xu thế phát triển; cải cách thủ tục hành chính; tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đủ năng lực; cải tiến công tác xúc tiến quảng bá du lịch có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch tham gia chuỗi giá trị.

Để phát triển du lịch không chỉ cần quyết tâm và nỗ lực của một mình ngành Du lịch mà còn rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng. Tất cả đều cùng tham gia trong quá trình chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; góp phần tạo dựng hình ảnh điểm đến Việt Nam hấp dẫn, thân thiện; từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao và hiện đại./.

V.Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực