Bàn tay vàng của ngành dệt sợi Việt Nam

Thứ bảy, 09/01/2016 14:58
(ĐCSVN) - Trong suốt 25 năm qua, chị Đỗ Thị Thúy, công nhân bậc 6/6, tổ trưởng Tổ máy con Sợi 1, Nhà máy Sợi (Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định) đã nỗ lực, phấn đấu vươn lên làm chủ được những cỗ máy sợi và trở thành “Bàn tay vàng” ngành sợi Việt Nam, với “kỉ lục” nối được 19 mối sợi trong 1 phút.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất dệt Nam Định, hình ảnh người thợ trong các nhà máy có ấn tượng đặc biệt với chị Thúy từ thuở bé. Ngay sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, chị Thúy đứng trước sự đấu tranh quyết liệt của bản thân về việc lựa chọn con đường vào đời của mình đó là thi vào đại học hay đi học nghề.

Chị Thúy tâm sự “Nhiều người khuyên tôi đi học đại học, cao đẳng để có tương lai sáng lạn hơn, công việc nhàn hạ hơn. Nhưng sau nhiều đêm đắn đo suy nghĩ, cuối cùng tôi quyết định không đi học đại học mà đi học trung cấp nghề sợi, và quyết định chọn nghề sợi để lập thân, lập nghiệp”.

Năm 1990, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp nghề Sợi, chị Thúy vào làm việc tại Nhà máy Sợi - đơn vị đầu mối quan trọng trong chuỗi tạo liên kết sợi nhuộm, cung cấp nguồn nguyên liệu chính cho ngành dệt may Việt Nam.

Chị Đỗ Thị Thúy - người đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” ngành dệt sợi Việt Nam -  Ảnh: PC

Nhớ lại những ngày đầu làm thợ, chị Thúy chia sẻ “Khi đó, tay nghề còn “non", tôi rất lo lắng khi nhìn thấy những cỗ máy to lớn, chằng chịt những sợi, con thoi với nhiều tiếng ồn, bụi… cũng có những lúc tôi nản chí, muốn bỏ nghề. Nhưng nhìn những tấm gương của các cô chú, các bác, các anh chị đi trước với biết bao gian khổ, với thiết bị máy móc cũ kỹ lạc hậu, đời sống vật chất, tinh thần còn quá khó khăn nhưng các bác, các cô chú vẫn khắc phục vượt qua được, nên tôi đã quyết tâm gắn bó với nghề”.

“Tôi đã suy nghĩ và tự nhủ mình phải cố gắng, quyết tâm vượt qua khó khăn và học hỏi để làm chủ được những cỗ máy sợi. Tôi luôn tranh thủ sự giúp đỡ, chỉ bảo, hướng dẫn của các thao tác viên, kết hợp với sự rèn luyện của bản thân để kịp thời khắc phục những thao tác chưa đạt. Vì vậy, tôi đã nhanh chóng nắm bắt được công việc và đúc rút ra những thao tác chuẩn, những cách làm hay trong công việc của mình”, chị Thúy bộc bạch.

Xuất phát từ yêu cầu của thị trường, những năm qua Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định luôn chú trọng đến việc đa dạng hóa các loại mặt hàng và nâng cao chất lượng sản phẩm, các phương án sản xuất luôn được đổi mới phù hợp, vì thế độ phức tạp trong sản xuất cũng tăng lên. Muốn đảm bảo chất lượng sản phẩm, càng đòi hỏi người công nhân đứng máy phải có tay nghề vững vàng, cẩn thận, đồng thời phải cố gắng rất lớn, bền bỉ, dẻo dai.

Ý thức được điều này, suốt 25 năm qua, chị Thúy rèn luyện cho bản thân thói quen luôn chấp hành đúng quy trình thao tác công nghệ, quy tắc kỹ thuật, tích cực đi tua, xử lý nhanh, chuẩn xác sự cố. Vừa đi bộ trên 10km/ca, vừa phải tập trung cao độ phát hiện, xử lý kịp thời các mối đứt, sự cố của máy là kỹ năng được chị tôi luyện thành thục mấy chục năm qua bằng sự cố gắng, kiên trì và lòng yêu nghề.

“Trong 25 năm qua tôi luôn rèn luyện cho mình thói quen, trước mỗi ca sản xuất thường vào sớm 20 phút để chuẩn bị trang bị bảo hộ lao động, thực hiện quy trình giao nhận ca, tôi tận dụng tối đa giờ sản xuất, kiểm tra và xử lý toàn bộ các máy và phân công chị em trong tổ thay nhau trông máy, sau giờ nghỉ về ngay vị trí làm việc kiểm tra và xử lý lỗi trên máy. Thói quen này tôi đã duy trì được nhiều năm nay và chị em trong tổ cũng hào hứng theo tôi thực hiện, đó cũng là nguyên nhân tổ máy chúng tôi luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, đồng thời tổ cũng có thu nhập cao của nhà máy”, chị Thúy tâm sự.

Xác định tham gia các phong trào thi đua “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” và các hội thi thợ giỏi là cơ hội tốt để luyện tay nghề và đánh giá khả năng phấn đấu của bản thân, đợt thi nào chị Thúy cũng đăng ký và cố gắng rèn luyện để dự thi.

Chính vì vậy, nhiều kỳ thi cấp cơ sở chị đã đạt giải Nhất và tại Hội thi thợ giỏi lần thứ II của ngành dệt may (2000) chị đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” ngành sợi, với “kỉ lục” nối được 19 mối sợi trong 1 phút. Qua các hội thi, tay nghề của chị ngày càng vững vàng hơn, chỉ trong 10 năm 1990-2000, từ thợ bậc 2/6, chị đã đạt bậc 6/6– bậc cao nhất của công nhân sợi.

Bên cạnh những thành tích đạt được cho riêng mình, chị Thúy thường xuyên trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật thao tác, xử lý máy cho các công nhân mới vào nghề và số chị em tay nghề chưa giỏi. “Tôi đặc biệt dành nhiều thời gian hướng dẫn, giúp đỡ, động viên cho các em cũng biết yêu ngành, yêu nghề và quyết tâm phấn đấu ngay từ đầu như mình với mong muốn nhà máy có được những lớp công nhân tiêu biểu mới giỏi hơn mình”.

Với cương vị là Uỷ viên ban chấp hành Công đoàn nhà máy, chị luôn là người đi đầu vận động chị em đoàn viên công nhân lao động trong tổ cũng như toàn nhà máy tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do Công đoàn Dệt may Việt Nam và Tổng công ty phát động.

Với những đóng góp xuất sắc trong thời gian qua, chị Đỗ Thị Thúy đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Nam Định tặng thưởng Bằng khen; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh và nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sỹ Thi đua cơ sở… Đặc biệt, chị Đỗ Thị Thúy vinh dự là một trong các đại biểu được báo cáo thành tích tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX năm 2015./.

Phạm Cường 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực