Bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp

Thứ sáu, 08/06/2018 17:12

(ĐCSVN) – Trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, sắp xếp lại lao động, Công đoàn sẽ là trung tâm để giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro cũng vậy, nhờ biết phát huy vai trò của Công đoàn, đã có hàng nghìn lao động nghỉ việc được giải quyết mọi chế độ ổn thỏa và còn góp phần nâng cao đời sống cho những lao động còn ở lại.

Người lao động trên giàn khoan mỏ Bạch Hổ.

Cuộc "cách mạng" trong tinh giản lao động

Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro là liên doanh dầu khí đầu tiên của Việt Nam với nước ngoài, được thành lập năm 1981 trên cơ sở Hiệp định liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên Xô về hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam. Vì là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí và được thành lập trong giai đoạn Việt Nam đang còn chịu sự bao vây cấm vận về kinh tế, nên cơ cấu tổ chức của Vietsovpetro được xây dựng theo mô hình khép kín, bao gồm nhiều đơn vị trực thuộc, mỗi đơn vị thực hiện một lĩnh vực dịch vụ như xây lắp, khoan, địa vật lý giếng khoan, khai thác ... cho phép Vietsovpetro tự mình làm được hầu hết các công đoạn của quá trình tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Mô hình cơ cấu tổ chức của Vietsovpetro đã phát huy tác dụng rất tốt, rất hiệu quả trong giai đoạn đầu, giúp cho Vietsovpetro phát triển mạnh mẽ, trở thành đơn vị đầu tàu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế thị trường mở như hiện nay, mô hình cơ cấu tổ chức của Vietsovpetro đã bộc lộ một số hạn chế như: năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số đơn vị, bộ phận không cao, khả năng cạnh tranh chưa được tốt. Do vậy, để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường công nghiệp dầu khí, ngay từ năm 2014, Vietsovpetro đã tiến hành tái cấu trúc lại doanh nghiệp theo hướng hoàn thiện cơ cấu tổ chức, tối ưu hóa biên chế và chi phí nhân viên.

Theo báo cáo của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, từ năm 2016, để nâng cao hiệu quả công tác tái cấu trúc và phù hợp với thông lệ và quy chuẩn quốc tế của một công ty dầu khí, Vietsovpetro đã thuê một công ty chuyên tư vấn về tái cấu trúc doanh nghiệp (Mckinsey) lên một kế hoạch về tái cấu trúc Vietsovpetro, đồng thời Vietsovpetro cũng tự mình đề ra một kế hoạch dài hạn trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Vietsovpetro sẽ sáp nhập một số đơn vị trực thuộc, phòng ban chức năng, các xưởng, đội, bộ phận có các chức năng tương tự hoặc gần giống nhau để tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; giải thể một số bộ phận, phòng ban, đơn vị do khối lượng công việc giảm; cắt giảm và chuyển sang thuê ngoài một số lao động giản đơn, những loại hình công việc có sẵn trên thị trường lao động để tiết giảm chi phí nhân viên.

Theo kế hoạch, đến năm 2020 Vietsovpetro sẽ giảm số lượng lao động tại lô khai thác chính của Vietsovpetro hơn 2.200 người. Việc tái cơ cấu lại các đơn vị, cắt giảm lao động được thực hiện theo lộ trình cụ thể được đề ra trong 5 năm 2016-2020, với kế hoạch chi tiết hàng năm, đồng thời có điều chỉnh lại kế hoạch tổng thể cho phù hợp với thực tế.

Đến hết năm 2017, Vietsovpetro đã thực hiện rất tốt kế hoạch tái cấu trúc lại các đơn vị theo lộ trình đã đề ra. Đã sáp nhập, giải tán nhiều xưởng, đội, giàn, phòng ban và các đơn vị trực thuộc. Trong 4 năm từ 2014-2017, đã giảm gần 2.000 lao động, trong đó có gần 100 chức danh lãnh đạo cấp trưởng, phó các phòng ban; giám đốc, phó giám đốc các đơn vị và Bộ máy điều hành.

Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động

Trong hoàn cảnh đó, vai trò của Công đoàn là gì và cần phải làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động để đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động là những vấn đề lớn và cấp bách đặt ra với Công đoàn Vietsovpetro.

Theo đồng chí Nguyễn Quốc Đạt, Chủ tịch Công đoàn Vietsovpetro, Công đoàn đã chủ động cùng với chính quyền bàn bạc đề ra các giải pháp tốt nhất trong điều kiện cho phép nhằm đạt được mục đích tiết giảm chi phí, duy trì được sản xuất nhưng ít ảnh hưởng nhất đối với người lao động. Việc áp dụng các giải pháp để duy trì sản xuất là điều kiện quan trong nhất để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Vietsovpetro đã áp dụng các giải pháp như: giãn tiến độ và tạm dừng một số công trình sản xuất chưa thực sự cấp bách; kéo dài ca làm việc trên công trình biển từ 15 ngày lên 21 ngày, dùng tàu chở CBCNV ra công trình biển thay vì bằng trực thăng, nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển CBCNV ra làm việc trên các công trình biển; giảm lương của các cấp lãnh đạo; giảm thưởng và một số phụ cấp và các chế độ phúc lợi của CBCNV như phụ cấp tiền nhà, tiền trang phục, các khoản thưởng nhân các ngày lễ, tết.

Đồng chí Nguyễn Quốc Đạt cho biết, khi thực hiện các giải pháp tiết giảm và tiết kiệm chi phí trên thì đương nhiên đã kéo theo các hệ quả là giảm việc làm, giảm thu nhập của người lao động. Để giảm thiểu tối đa việc phải sa thải người lao động, Công đoàn Vietsovpetro cũng đã chủ động cùng với lãnh đạo chính quyền bàn bạc và đề ra chính sách như: Khuyến khích việc tự làm lấy các dịch vụ nội bộ như sửa chữa các máy móc thiết bị, tàu thuyền thay vì đi thuê ngoài như trước đây; tự thiết kế, chế tạo một số các thiết bị thay vì phải đi mua như trước đây, nhằm tạo thêm việc làm cho CBCNV và tiết kiệm chi phí do giá thành rẻ hơn. Đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, sáng chế để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề và tăng thêm thu nhập cho CBCNV.

Giai đoạn 2013-2017, có 2.650 CBCNV tham gia hoạt động sáng kiến sáng chế với 842 đơn đăng ký, trong đó có 528 giải pháp được công nhận là sáng kiến sáng chế, có 2 công trình về khoa học công nghệ đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh và 1 công trình đoạt giải thưởng cấp Nhà nước làm lợi cho Vietsovpetro hơn 250 triệu USD, người lao động tham gia các hoạt động sáng kiến sáng chế cũng được thưởng hơn 2,2 triệu USD từ chi phí sản xuất và hơn 14 tỷ đồng từ khoản khuyến khích, hỗ trợ của Công đoàn Vietsovpetro.

Cùng với việc cắt giảm chi phí, việc động viên những người lớn tuổi về hưu trước tuổi với chế độ hỗ trợ 3 tháng lương, trong 3 năm đã có hơn 1.000 người xin về hưu trước tuổi. Đồng thời mở rộng hoạt động dịch vụ ra bên ngoài, tạo thêm việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động. Doanh thu từ công tác dịch vụ gần 228 triệu USD/năm; lợi nhuận hơn 47 triệu USD/năm; tạo được hơn 700 việc làm cho người lao động - thu nhập của người lao động tăng thêm từ 20%-30%.

Từ khoản tiết kiệm chi phí nhân viên trong quá trình tái cấu trúc đơn vị, Vietsovpetro đã tăng lương cho hàng trăm kỹ sư trẻ, công nhân có tay nghề cao để khuyến khích người lao động tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Công đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người lao động hiểu, chia sẻ khó khăn và ủng hô các chính sách của Vietsovpetro. Trong quá trình tái cơ cấu lại các đơn vị trong Vietsovpetro đã phần nào ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập và quyền lợi của người lao động, điều đó đã tác động không nhỏ tới tới tâm lý, tinh thần của người lao động, gây hoang mang, lo lắng, thậm trí là phản ứng tiêu cực của người lao động nếu như họ không được kịp thời tuyên truyền, giải thích thỏa đáng, rõ ràng. Với vai trò là một tổ chức đoàn thể, gần gũi với quần chúng, Công đoàn Vietsovpetro đã làm tốt nhiệm vụ của mình, kịp thời tuyên truyền, giải thích để người lao động hiểu việc thực hiện các chính sách trên là cần thiết, và đó cũng chính là cách tốt nhất để đảm bảo quyền lợi của người lao động, từ đó người lao động chia sẻ và ủng hộ các chính sách của đơn vị.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giải thích cho người lao động được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau như đăng các bài viết trên bản tin công đoàn trong trang mạng nội bộ của Vietsovpetro; trang tin Công đoàn Vietsovpetro trên mạng xã hội; thông qua các hội nghị, đại hội công đoàn và đặc biệt là thông qua diễn đàn đối thoại định kỳ, nơi có đầy đủ đại diện của Công đoàn và Đại diện của người lao động các đơn vị tham dự. Đã có hơn 200 kiến nghị của người lao động được giải đáp thỏa đáng, trong đó có hơn 50 kiến nghị đã được lãnh đạo Vietsovpetro ghi nhận và đưa vào sửa đổi trong các quy chế, quy định của Vietsovpetro như các kiến nghị liên quan tới lương, phụ cấp, bảo hộ lao động, đời sống...

Việc đối thoại định kỳ tại nơi làm việc ở Vietsovpetro trong thời gian qua đã phát huy tác dụng rất tích cực, nó không chỉ là diễn đàn để người lao động nói lên tiếng nói của mình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình, mà còn là kênh thông tin để lãnh đạo đơn vị, các tổ chức chính trị tuyên truyền, giải thích, phổ biến tình hình sản xuất kinh doanh của Vietsovpetro, các chế độ chính sách đối với người lao động.

Chủ tịch Công đoàn Vietsovpetro Nguyễn Quốc Đạt khẳng định, việc đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền cho người lao động trong thời gian qua đã góp phần tạo nên mối quan hệ hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động, giúp cho người lao động ổn định tư tưởng, an tâm công tác và thực hiện từng bước quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp hiệu quả nhất./.

Hiền Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực