"Bông hồng" vàng nghị lực và đột phá

Chủ nhật, 09/08/2020 10:11
(ĐCSVN) - Sinh ra và lớn tại Yên Bái, là thế hệ thứ 3 trong gia đình công tác trong ngành quân giới, trải qua hơn 3 thập kỷ gắn bó với ngành, với nghề, người nữ sỹ quan, Phó giám đốc Trần Thị Mai Hạnh đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Nhà máy Z183 qua các thời kỳ.

Đại tá Trần Thị Mai Hạnh kết nạp Đảng 10/8/1996 và chuyển chính thức một năm sau đó. Đó cũng là động lực để chị phấn đấu, xứng đáng với vai trò tiên phong của người đảng viên và nhiều năm liên tục được công nhận là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Thượng tá Bùi Văn Lương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty cho biết, là một cán bộ nữ, trên các cương vị công tác, đồng chí Trần Thị Mai Hạnh luôn khẳng định rõ nét vai trò, trách nhiệm và sự nhiệt huyết trong công việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Với cương vị Phó giám đốc sản xuất, đồng chí luôn sâu sát, quyết liệt, chỉ đạo, điều hành sản xuất có hiệu quả. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nội bộ, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị. Đồng chí là một trong số ít cán bộ nữ điển hình tiên tiến, tiêu biểu xuất sắc của đơn vị.

Phút đời thường của đồng chí Trần Thị Mai Hạnh. (Ảnh: HNV)

Ông ngoại là một trong những công nhân đầu tiên của nhà máy, thế hệ đầu của ngành quân giới. Trước đó, ông tham gia xây dựng phân xưởng đầu tiên ở Thái Nguyên, sau chuyển về Yên Bái, tham gia xây dựng nhà máy Z1 - tiền thân của Z183 bây giờ và công tác tại Z183 cho tới lúc nghỉ hưu. Bố là người miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, làm lái xe nhà máy,  còn mẹ là công nhân nhà máy. Có thể nói, truyền thống gia đình đã hun đúc và tác động nhiều về mặt tinh thần, tình cảm của cá nhân đồng chí Hạnh với Z183 nói riêng và ngành quân giới nói chung.

Bản thân đồng chí Trần Thị Mai Hạnh cũng trải qua nhiều vị trí làm việc khác nhau, trưởng thành từ công nhân trực tiếp sản xuất rồi dần dần phát triển lên các vị trí: Trợ lý, Trưởng phòng và Phó giám đốc. Chị tâm sự: “Mỗi công việc có yêu cầu khác nhau nhưng tựu chung lại, tất cả đều phải có sức khỏe, sự đam mê nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm, nhất là khi ở cương vị Phó giám đốc, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân phải làm gì để phát huy truyền thống đơn vị và đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động”.

Chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm

Đồng chí Trần Thị Mai Hạnh trao khen thưởng tập thể, cá nhân Z183 trong Lễ phát động thi đua dịp tháng 6/2020. (Ảnh: HNV)

Chị kể: "Được giao nhiệm vụ Trưởng phòng Tổ chức lao động vào đúng thời điểm Đảng ủy, chỉ huy nhà máy có chủ trương tinh giản biên chế gián tiếp và đổi mới cơ chế tiền lương, đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng nền nếp chính quy trong đơn vị, nhiều chế độ chính sách của Nhà nước, Bộ Quốc phòng có sự thay đổi, tác động mạnh đến tâm lý người lao động. Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Ban giám đốc, tôi đã trăn trở làm thế nào để tổ chức tiến hành việc tinh giản đúng người, đúng việc hướng tới mục tiêu duy trì tốt mọi hoạt động quản lý nhưng giữ vững đoàn kết nội bộ. Đây là việc rất nhạy cảm, động chạm đến quyền lợi của nhiều người”.

Đầu tiên, bản thân đồng chí Hạnh đã phối hợp cùng Cơ quan Chính trị, tham mưu giúp Đảng ủy xây dựng Nghị quyết chuyên đề về tinh giảm biên chế. Quán triệt để mọi cán bộ, đảng viên thông suốt, xác định đây là nhiệm vụ cấp thiết phải thực hiện.

Phòng Tổ chức lao động đã tham mưu cho Ban giám đốc ban hành quy trình tiến hành các nội dung cần thực hiện và hướng dẫn các đơn vị triển khai từng bước cụ thể, chắc chắn. Căn cứ vào nhiệm vụ của từng phòng, ban, phân xưởng để xác định số lượng gián tiếp phù hợp. Tiến hành rà soát, đánh giá năng lực, hiệu quả công việc của từng người thông qua cá nhân tự đánh giá, đến các tổ, bộ phận đến cấp phòng, phân xưởng đánh giá. Thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, có xem xét đến hoàn cảnh một số đối tượng chính sách. Nhiều trường hợp khi tự đánh giá năng lực đã tự nguyện xin chuyển vị trí sang làm trực tiếp. Quá trình thực hiện tinh giảm chia làm các đợt, đến năm 2016 còn 24,6% và đến nay còn 20,07%. Như vậy chuyển cơ cấu lao động từ gián tiếp sang trực tiếp 14,2%, góp phần tạo ra nhiều giá trị và nâng cao năng suất lao động tính theo lao động bình quân.

Năm 2017, khi được giao nhiệm vụ Phó giám đốc phụ trách sản xuất, chỉ đạo điều hành đơn vị sản xuất đảm bảo kế hoạch, quản lý nội bộ để sản xuất có chi phí thấp nhất, trước áp lực cạnh tranh về giá cả, đáp ứng nhu cầu khách hàng về chất lượng, tiến độ và đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, bản thân đồng chí Hạnh cũng nhận thấy, đây là một thử thách lớn. Bản thân là nữ được đào tạo về quản trị kinh doanh, hiểu biết về kỹ thuật, công nghệ sản xuất còn hạn chế; nhà ở xa đơn vị; trong khi đó các yếu tố để triển khai sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Hệ thống máy móc, thiết bị, tuy đã được quan tâm đầu tư, song so với yêu cầu nhiệm vụ có lúc chưa đáp ứng tốt, thiết bị cũ bị hỏng nhiều. Cơ cấu mặt hàng sản xuất kinh tế đa dạng. Năng lực công nghệ còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực không cao, khả năng thích ứng với cường độ lao động cao chưa tốt. “Tôi luôn xác định, khó khăn càng nhiều, quyết tâm phải càng lớn, bản thân luôn chủ động khắc phục mọi khó khăn, tìm biện pháp để triển khai cụ thể” – chị Hạnh tâm sự.

Theo chị, để làm tốt công tác xây dựng kế hoạch, đảm bảo tính khả thi, cần có sự phối hợp chặt chẽ với bộ phận kinh doanh, dự báo kế hoạch hàng quý phải sát để chủ động đảm bảo tốt các điều kiện thiết bị, lao động theo quy hoạch sản phẩm quốc phòng và các sản phẩm kinh tế chủ yếu, khi được giao nhiệm vụ, có đơn hàng là tổ chức sản xuất được ngay. Quá trình tổ chức, điều độ sản xuất quyết liệt, khoa học, nhịp nhàng, kịp thời phát hiện những điểm thắt trong sản xuất để tháo gỡ, và quan trọng là luôn đảm bảo tính đồng bộ của bán thành phẩm trên dây chuyền.

Có những thời điểm sản lượng hàng xuất khẩu tăng cao, năng lực thiết bị còn hạn chế, đi đặt bán thành phẩm thì chi phí cao, không có lãi. Để giữ bạn hàng, người nữ cán bộ nhỏ nhắn nhưng đầy quyết tâm, mạnh mẽ đó đã cùng cán bộ kỹ thuật bám xưởng sản xuất, có những hôm thâu đêm, đưa ra phương án tối ưu để tổ chức sản xuất đảm bảo chất lượng và giao hàng đúng hẹn. 100% sản phẩm quốc phòng được Tổng cục giao đều đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn. Hàng kinh tế xuất khẩu có sự tăng trưởng cao, năm 2018 bằng 178% so với năm 2017, năm 2019 doanh thu kinh tế đạt 170 tỷ đồng.

Đối với doanh nghiệp, việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động là một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà doanh nghiệp phải hướng tới. Với mục tiêu đó, đồng chí Hạnh đã đề xuất và được tập thể Đảng ủy, chỉ huy nhà máy thống nhất triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nội bộ, tổ chức sản xuất và vận hành theo hướng chuyên môn hóa, giảm khâu trung gian, tiết kiệm chi phí vận chuyển và dễ kiểm soát chất lượng, nâng cao năng suất lao động.

Tự tin, nhiệt huyết tạo đột phá

Gặp chị, trò chuyện rồi trực tiếp chứng kiến chị làm việc tại nhà máy, dễ nhận thấy ở chị hình ảnh một trong những phụ nữ tự tin, đầy nhiệt huyết, tạo ra đột phá. Chị đã minh chứng cho việc giới hạn và quan niệm mặc định nữ giới không mạnh về mặt kỹ thuật nhưng khi được tạo điều kiện để cùng tiếp cận, cùng tham gia thì khả năng được phát huy tối đa. Bản thân chị cũng tự nhận mình khá may mắn khi nhận được sự hỗ trợ tích cực của đồng nghiệp và xuất phát điểm từ gia đình có truyền thống, đó cũng là bệ phóng, là cơ hội để nữ cán bộ đó được thể hiện và phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của bản thân. Chúng tôi hiểu được rằng, đằng sau những thành quả đó là cả một nỗ lực không ngừng nghỉ, tự học hỏi, rèn luyện, chủ động, sáng tạo để vươn lên của chính cá nhân đồng chí Hạnh.

Đồng chí Trần Thị Mai Hạnh (ngoài cùng bên phải sang) trong Lễ nhận Quyết định thăng quân hàm cấp Đại tá tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cuối tháng 7/2020 (Ảnh: Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) 

Chị kể: “Lúc mình làm thợ, xưởng có từ 6-70 công nhân, nếu mình cứ đều đều vào ca rồi lại hết ca thì cứ bình thường, có khi không ai để ý đến. Nhưng ở thời điểm đó, khi được phân công việc gì cũng đều làm được và bản thân cũng mạnh dạn, không sợ. Cơ duyên được tín nhiệm làm công tác Đoàn – đây là thời điểm chị được rèn luyện và trưởng thành rất nhiều. Chị cho hay: “Là Bí thư Chi đoàn, dưới mình còn bao nhiêu nam giới, nhưng nhờ vào sự nhiệt tình, năng nổ, một khi chuẩn bị làm gì đó thì phải đọc trước, học trước, mình phải thật hiểu về việc này và khi làm về công tác Đoàn phải có nhiều cái mới – dám nghĩ, dám tìm tòi thì hiệu quả rất khác và nhìn thấy rất rõ, phát huy vai trò cán bộ Đoàn, xem xét cả một quá trình làm trực tiếp thể hiện cố gắng quyết tâm bằng hành động cụ thể và từ đó được tin tưởng, được đánh giá cao về nghị lực và năng lực thể hiện ở nhiều mặt. Sau khi được cử đi học đại học, sau đó, được phân công làm nhân viên phòng Kế hoạch một thời gian, rồi đến lúc bổ nhiệm Trưởng phòng Tổ chức cũng nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn, “làm công nhân lên phòng được vài năm thì năng lực có đáp ứng được không?”. Tuy nhiên, bằng quyết tâm và với suy nghĩ, người khác làm được thì mình cũng sẽ làm được. Điều quan trọng là phải có tinh thần cầu thị, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, nhất là khi làm chính sách cho người lao động, cần phải hiểu đúng và làm đúng. Về vấn đề này, không ai được quyền tự nghĩ ra mà tất cả phải theo quy định của Nhà nước – phải đọc và hiểu kỹ và nguyên tắc là phải làm đúng ngay từ đầu. Bởi thế, khi về Trưởng phòng Tổ chức lao động thì cá nhân đồng chí Hạnh đã  quán triệt và thực hiện phương châm “làm đúng ngay từ đầu”, bởi chính sách không làm đúng thì sửa sai cực kỳ vất vả, thậm chí có những cái sai không thể sửa được.

Trong công tác quản lý, đồng chí Trần Thị Mai Hạnh cũng đã có nhiều giải pháp được áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao, tiêu biểu là “Tiết kiệm điện giờ cao điểm giảm chi phí sản xuất”; “Bố trí lao động hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng lao động, giảm chi phí nhân công”; “Sử dụng hệ thống làm mát, đảm bảo môi trường làm việc cho người lao động”.

Với những thành tích đã đạt được trong giai đoạn 2014 – 2019, đồng chí Trần Thị Mai Hạnh đã nhận được nhiều khen thưởng, động viên kịp thời, quý báu, được Thủ trưởng Tổng cục tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở 3 năm, 2 bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, 5 bằng khen của Thủ trưởng Tổng cục và Tổng cục Chính trị, cùng nhiều Bằng khen, giấy khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trao đổi với chúng tôi, chị thẳng thắn bày tỏ, trong quá trình công tác, điều quan trọng là cần có ý chí quyết tâm cao, đam mê, tâm huyết với công việc. “Hơn nữa, mình là phụ nữ, công tác trong một ngành rất đặc thù, lại cần phải mạnh dạn, tự tin, vượt qua chính mình và không ngừng nỗ lực học tập, học hỏi mọi lúc, mọi nơi. Khi ở vị trí lãnh đạo, phải luôn công tâm, khách quan, bản thân phải gương mẫu, thực sự là hạt nhân để truyền cảm hứng, quyết tâm cho cấp dưới. Sâu sát, biết tập hợp và phát huy sức mạnh tập thể, khơi dậy tính tự giác của người lao động. Đồng thời, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng thời điểm cụ thể gắn với phong trào thi đua, hoàn thành tốt mục tiêu đề ra” -  Đại tá Trần Thị Mai Hạnh cho biết thêm.

Chị cũng chia sẻ, trong suốt cả quá trình công tác nhất là trước khi đề xuất vào vị trí Phó giám đốc, cá nhân chị luôn được quan tâm tạo điều kiện của Đảng ủy, chỉ huy nhà máy, tạo cơ hội để phụ nữ rèn luyện bản thân và khẳng định mình. “Bản thân mình cố gắng thôi chưa đủ, cần nhờ vào sự giúp đỡ, tạo điều kiện của rất nhiều người” – chị Hạnh nói.

Hà - Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực