Hà Nội: Giao lưu điển hình tiên tiến dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX

Thứ tư, 02/12/2015 18:13
(ĐCSVN) - Sáng 2/12, Ban Thi đua - Khen thưởng, Hội Nông dân TP Hà Nội tổ chức chương trình “Giao lưu điển hình tiên tiến tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX”, đồng thời phát động Cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn”.

Tại chương trình, các điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước đã có dịp chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, những cách làm đem lại hiệu quả thiết thực cho gia đình, địa phương cũng như trong cộng đồng.

Tấm gương điển hình tiên tiến Nguyễn Văn Thanh sinh năm 1963, là hội viên Hội Nông dân xã Vạn Thái, Ứng Hòa, Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình làm nông nghiệp, gia đình đông con, vất vả quanh năm cũng không góp đủ tiền xây được căn nhà để ở. Từ hoàn cảnh đó, ông luôn trăn trở làm sao cho gia đình và bà con làm giàu trên chính đồng đất quê mình. Để bắt đầu sự nghiệp, ông đã hướng đến chăn nuôi lợn vì ông nghĩ nhu cầu sử dụng thịt lợn của người dân ta từ xưa đến nay không bao giờ đủ, đặc biệt là sản phẩm “thịt lợn sạch”. Ông đã tìm mua và lựa chọn những giống lợn sinh sản tốt, chống chọi được với dịch bệnh.

Các điển hình tiêu biểu của Thành phố  Hà Nội trong phong trào thi đua yêu nước
chia sẻ kinh nghiệm tại buổi giao lưu.

Từ đàn lợn 2, 3 con ban đầu, đến nay ông đã gây dựng được trang trại với 1.300 heo nái, hơn 10.000 lợn thương phẩm. Để mở rộng trang trại, ông đã nhận thầu hơn 8 ha, xây dựng 72.000m2 chuồng trại để chăn nuôi lợn siêu nạc, tổng doanh thu đạt 93 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho gần 45 lao động thường xuyên. Trang trại lợn của ông được đầu tư hiện đại, đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Do tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật nên trang trại lợn của ông từ trước đến nay ít khi bị xảy ra dịch bệnh.

Các đại biểu tham dự buổi giao lưu đã được nghe chia sẻ của cựu chiến binh Triệu Tiến Ích, Chủ tịch Hội Sản xuất kinh doanh nhãn chín muộn, huyện Hoài Đức. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ của người lính, trở về quê hương, ông Triệu Tiến Ích băn khoăn không biết nuôi con gì, trồng cây gì có hiệu quả kinh tế cao để giúp gia đình thoát đói nghèo. Mặc dù trong vườn có giống nhãn quả to, vị ngọt đậm, thơm ngon, nhưng khi vào vụ thu hoạch rộ, nhãn rất khó bán hoặc bị thương lái ép giá cho nên hiệu quả kinh tế thấp.

Tuy nhiên, sau nhiều lần tìm hiểu và vô số lần thất bại, cuối cùng, ông Ích đã tìm ra được bí quyết giúp nhãn thu hoạch muộn hơn so với quy luật thông thường từ 30 đến 40 ngày. Các giống này có ưu điểm là thu hoạch muộn hơn nhãn thông thường, cho nên giá bán cao hơn, tiêu thụ ổn định.

Hiện nay, trang trại do ông làm chủ chuyên sản xuất, tư vấn kỹ thuật và trồng, chăm sóc, chiết ghép nhãn chín muộn cho năng suất và kinh tế cao. Trong quá trình sản xuất, ông đã làm chủ được kỹ thuật chiết, ghép cả 4 mùa xuân, hạ, thu, đông mang lại thu nhập cao cho người làm vườn, giá trị kinh tế 1 héc-ta nhãn gấp 6 đến 7 lần so với trồng lúa.

Đến nay, mỗi năm gia đình ông Triệu Tiến Ích thu hoạch khoảng hơn 20 tấn quả và cung cấp ra thị trường từ 20 nghìn đến 30 nghìn cây giống nhãn chín muộn có chất lượng cùng nhiều loại cây, con khác, giúp gia đình ông vươn lên làm giàu bền vững. Ông trở thành tấm gương nỗ lực vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp.

Khi đã làm chủ được kỹ thuật nhân giống nhãn chín muộn, ông đã chia sẻ bí quyết làm giàu, đào tạo miễn phí kỹ thuật trồng nhãn cho người dân; giúp đỡ cây, con giống cho những gia đình khó khăn. Hiện, mô hình nhãn chín muộn dần trở thành trở thành hướng đi làm giàu cho người dân huyện Hoài Đức, được người dân ở nhiều địa phương trong cả nước lựa chọn.

Đến dự buổi giao lưu còn có nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó để làm giàu cho quê hương, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, như anh Nguyễn Xuân Hồng, Bí thư Chi bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh. Vinh dự được kết nạp Đảng khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tốt nghiệp đại học, với mong muốn được góp sức mình vào xây dựng quê hương, anh Nguyễn Xuân Hồng đã tích cực, chủ động, sẵn sàng tham gia các công việc của địa phương, thôn xóm với các vị trí công tác chi ủy viên, đoàn viên, công an viên.

Đến tháng 2/2012, anh được chi bộ thôn Mỹ Nội bầu làm Bí thư Chi bộ, đồng thời đảm nhiệm vai trò trưởng ban công tác Mặt trận khi vừa tròn 24 tuổi. Với sự nỗ lực, cố gắng trong công tác, cuối năm 2013, anh được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Bắc Hồng và tháng 5/ 2015, được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã Bắc Hồng.

Một tiết mục văn nghệ được biểu diễn tại buổi giao lưu.

Nhờ công tác tổ chức khoa học và hiệu quả, trong những năm qua, Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới ở Mỹ Nội đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi và là điểm sáng của xã Bắc Hồng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương. Chính vì vậy, thôn Mỹ Nội trở thành làng văn hóa cấp thành phố từ năm 2013, Ban công tác Mặt trận thôn Mỹ Nội đã được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP Hà Nội tặng bằng khen.

Qua quá trình công tác thực tế tại địa phương, chia sẻ bài học kinh nghiệm trong công tác vận động nhân dân tại buổi giao lưu, anh Nguyễn Xuân Hồng tâm sự: “Vấn đề cốt lõi, thành công trong công tác vận động là tạo dựng lòng tin với nhân dân. Tạo dựng lòng tin chính là sự gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên”.

* Tại chương trình, đồng chí Trịnh Thế Khiết, Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Hà Nội đã báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Cuộc vận động "Vì môi trường trong sạch, vì sức khoẻ cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn". Đồng thời, phát động Cuộc vận động tới toàn thể hội viên, nông dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Theo đó, các cấp Hội Nông dân Thành phố tiếp tục vận động nông dân không sử dụng nguồn nước, các loại phân bón gây ô nhiễm môi trường; không sử dụng các loại thức ăn gia súc có chứa các chất độc hại và hóc môn tăng trưởng...

Đặc biệt, tiếp tục vận động nhân dân không sử dụng sản phẩm màu độc hại bôi lên sản phẩm, không sử dụng các loại hóa chất có hại để ngâm tẩm rau, quả; không giết mổ, bán các loại gia súc, gia cầm bị bệnh dịch; chỉ sử dụng và tiêu thụ trên thị trường các loại rau quả dùng thuốc bảo vệ thực vật đã đủ thời gian cách ly  không gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng…/.

Tin, ảnh: PC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực