“Hạnh phúc khi được yêu thương, chia sẻ và phục vụ bệnh nhân phong”

Thứ năm, 25/02/2016 22:21
(ĐCSVN) – Đó là tâm sự của nữ Y tá Nguyễn Thị Xuân, người đã gần 30 năm gắn bó với bệnh nhân Bệnh viện Phong - Da liễu Bắc Ninh. Với chị, lời dạy của Bác Hồ “lương y như từ mẫu” luôn được chị khắc cốt, ghi tâm và thực hiện đến trọn đời.

 

Y tá Xuân bên những đôi dép tự đóng cho người bệnh. (Ảnh: NVCC)

Yêu thương bệnh nhân hơn cả bản thân

Sẽ không nói quá khi biết được con đường đến với bệnh nhân phong cùng cả cuộc đời nguyện gắn bó, chăm sóc bệnh nhân phong của chị. Khi còn là cô gái mười tám, đôi mươi, chị đang là giáo viên mầm non có danh hiệu loại giỏi ở Quế Phong, trên đường đi làm về, gặp một đám ma chỉ có hơn chục người đưa tiễn làm chị ngạc nhiên dừng lại hỏi. Được biết, đó là một bệnh nhân phong bị gia đình và người thân xa lánh, chỉ có những người trong viện làm các thủ tục ma chay. Hình ảnh những người đưa tiễn cũng tập tễnh trong chiều tà cùng câu trả lời của một bệnh nhân khiến chị day dứt và thấy lòng trĩu nặng. Tìm hiểu về bệnh phong, chị đã tìm đọc và gặp được cuốn "Lạc quan trên miền thượng" kể về  một vị linh mục người Pháp trẻ tuổi, đã từ bỏ giàu sang phú quý đến Việt Nam, lặn lội lên rừng bế những người mắc bệnh phong, cùi bị bỏ rơi về chăm sóc và thành lập trại phong ở Di Linh, Lâm Đồng. Chị càng cảm động và trăn trở nhiều hơn, chị tự hỏi, “tại sao một thanh niên người Pháp lại sang Việt Nam làm được điều tốt như thế, mà mình là người Việt Nam lại không làm được gì?”. Từ suy nghĩ ấy, cuối tuần nào cũng thế, hết thời gian làm việc ở trường mẫu giáo, cô giáo Xuân lại cơm đùm cơm nắm, lóc cóc đạp xe hơn chục cây số đến Trại phong Quả Cảm để chăm sóc bệnh nhân. Cơm nước, giặt giũ, cõng bệnh nhân đi lại… không việc gì là chị không làm. Cuối cùng, chị quyết định nghỉ hẳn việc ở trường mầm non, khi vừa được nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi để tập trung làm công việc như một y tá thực thụ ở Trại phong Quả Cảm. 

Cảm phục tấm lòng của chị, giám đốc trại phong khi ấy khuyên chị nên đi học một lớp y tá để về làm việc thuận tiện hơn, chị lại một mình khăn gói vào tận Trại phong Quy Hòa (Quy Nhơn, Bình Định) để học cách chăm sóc người bị phong. Suốt thời gian học tập ở đây, tận mắt thấy việc làm của các bác sĩ, y tá và trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, chị càng thấu hiểu hơn nỗi khổ cực của những bệnh nhân phong cô đơn, cùi cụt. Cũng đã không ít lần bà nản chí và tự vấn lại cách lựa chọn của mình, nhưng những lúc ấy, các thầy ở đây lại lấy lời dạy của Bác Hồ "Lương y phải như từ mẫu" để động viên, tiếp thêm sức mạnh cho nữ y tá đang học nghề. Cũng với sự tận tình của những y, bác sỹ tại đây đã tiếp thêm sức mạnh, ý chí và lòng can đảm cho chị bước tiếp trên chặng đường mình đã chọn. 

Học xong lớp y tá, chị trở về Trại phong Quả Cảm. Lúc này nữ y tá Nguyễn Thị Xuân mới ngoài ba mươi tuổi, nhưng cô quyết sẽ ở vậy gắn bó với những người phong."Rất khó để có người chia sẻ công việc này với mình, kể cả những người ruột thịt khi ấy đã không hiểu, cho rằng tôi “thân làm tội đời”. Nhưng không. Tôi trả lời mọi người là tôi hạnh phúc khi được làm y tá. Tôi đã học có chuyên môn và những người bị phong đang cần tôi".

Cả đời cống hiến, chăm sóc cho bệnh nhân phong 

Từ khi được vào làm chính thức tại trại, chị Xuân càng nhiệt tình gánh vác công việc hơn và nguyện đem hết tâm sức của mình để chăm sóc họ. Qua quan sát, chị thấy, nhiều cụ già yếu, chân tay bị cụt vì bệnh phong, phải dùng những chiếc xô nhựa, chậu nhựa, hay những thanh gỗ cắt ra làm chân giả, đi lại khó khăn, có khi bật cả máu, chị thấy xót xa. Chị nghĩ, “sẽ phải làm gì đó giúp mọi người đỡ đau khỏ hơn vì bản thân mỗi người đã quá khổ rồi”. Năm 1992, chị quyết định xin lãnh đạo cho đi học một lớp làm chân giả với mong muốn làm được những chiếc chân gỗ hợp với bệnh nhân, giúp họ đi lại dễ dàng và chị đã thành công dù cũng không mấy thuận lợi trong điều kiện các dụng cụ còn quá thô sơ. 

Cụ Nguyễn Xuân Phước - năm nay hơn 80 tuổi, bị cụt hai chân tới gần đầu gối - cho biết: “Trước đây, khi chưa có đôi chân giả do chị Xuân thiết kế, mỗi lần đi lại tôi phải dùng hai tay lết từ chỗ này qua chỗ khác, có lúc ngã dúi đầu về phía trước, giập trán đổ máu. Nay thì quá tốt cho chúng tôi rồi…”. 

Cùng với làm chân, tay giả, chị cũng là người chuyên làm dụng cụ phục hồi chức năng như: Nạng, dụng cụ hỗ trợ bàn tay cụt dụt như: Bút viết, bát, thìa, giúp bệnh nhân ăn uống dễ dàng. Nhờ những công cụ hỗ trợ và luyện tập phục hồi chức năng thường xuyên đã giúp bệnh nhân mỗi ngày một tiến triển tốt hơn cả về tinh thần lẫn sức khoẻ. 

Với những cống hiến của mình, y tá Xuân nhiều lần được Nhà nước, tỉnh khen thưởng. (Ảnh: NVCC) 

Là người sống tại bệnh viện luôn nên không việc gì là không đến tay chị. Từ việc thay chân, tay giả hỏng đến việc bệnh nhân ốm, đau, đột quỵ, chị lại là người túc trực thuốc thang chăm sóc trong đêm. Chị Xuân cho biết, dù bệnh phong đã được chứng minh là không di truyền nhưng hầu hết những bệnh nhân sống ở trại đều bị gia đình bỏ mặc, hoặc không còn người thân thích, họ hàng nên khi các cụ khuất núi, chị lại là người tắm rửa, thay giặt và lo mọi thủ tục tang lễ. Chị tâm sự “Lúc sống, họ cũng có nhiều tình cảm gắn bó, mình đã chăm sóc họ như những người cha, người mẹ mình, lúc mất không người thân thích bên cạnh nên tội lắm, tôi sẽ lo hết". 

Không chỉ làm tốt vai trò chăm sóc của mình, chị còn là trung tâm gắn kết bệnh nhân với nhau. Những bệnh nhân còn trẻ theo chị mà học cách tự chăm sóc bản thân và chăm sóc những bệnh nhân già yếu hơn lúc ốm đau, trái gió trở trời. Bởi sống ở đây, họ chỉ còn biết nương tựa vào nhau để vượt qua sự cô đơn, mặc cảm của số phận.

Tháng 10 năm 2012, theo đúng tuổi, chị được nghỉ chế độ, nhưng cảm thông và thấu hiểu bện nhân phong, nhất là lúc tuổi già tàn tật đau ốm, vắng vẻ cô đơn, chị thương như cha mẹ, người thân của chị, nên chị đã xin tình nguyện ở lại để tiếp tục được thể hiện tình yêu thương, chia sẻ và phục vụ bệnh nhân phong, đây là nguyện vọng duy nhất của chị từ khi vào đây làm.

Hạnh phúc khi được yêu thương, chia sẻ

Chị Xuân cũng là người xe duyên, kết mối cho những người có cùng số phận. Chị đã từng đi khắp các tỉnh từ Hà Tây (cũ), Hà Nam, Thái Bình đến Sơn La, Điện Biên tìm đến những trại phong khác để kết nối các bệnh nhân lại với nhau, giúp bao đôi lứa nên duyên vợ chồng. Cặp đôi anh Chất, chị Đoàn nảy sinh tình cảm từ một buổi giao lưu văn nghệ giữa Trại phong Quả Cảm và Trại phong Sóc Sơn. Sau hơn 10 năm gắn bó, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, anh chị đã có một cháu trai khôi ngô, tuấn tú đang học lớp 7. Cũng nhờ chị Xuân nên chị Hà nhà ở cạnh trại phong Phú Bình (Thái Nguyên) đã đồng ý về làm vợ anh Sanh (quê huyện Sìn Hồ, Lai Châu) khi anh đến Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh chữa bệnh. 

Bằng uy tín và sự tận tâm, chị đã xin các nhà hảo tâm kinh phí xây dựng nhà ở cho bệnh nhân phong, phòng mổ, nhà ăn tập thể, nhà khách, nhà tang lễ, sửa chữa đường đi nội viện, giúp phát triển kinh tế cho bệnh nhân phong bằng cách đào 3 ao cá lớn, cải tạo 2 ao cá nhỏ, san ủi 2 đồi, chuyển đổi cây trồng trên các vườn đồi có thu nhập cao hơn. Xây 250 ngôi mộ vô danh cho bệnh nhân phong tại Quả Cảm.

Ngoài ra, chị thường xuyên giúp các bệnh nhân phong trong 13 khu điều trị phong miền Bắc, hỗ trợ cải thiện cuộc sống vật chất, tinh thần.

Từ năm 2012 tới nay, chị đã giúp người mù và con người mù tỉnh Bắc Ninh về sổ tiết kiệm, xe đạp, học bổng và hai lớp học nghề tại Bệnh viện Phong - Da liễu Bắc Ninh. Năm 2012 giúp cho bệnh nhân Phong Gia Lai, Kon Tum áo ấm, gạo, tiền trị giá 40 triệu đồng. Trong những năm qua, chị đã phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ tiền cho bệnh nhân xây nhà ở và vận động các nhà hảo tâm góp tiền xây dựng nhà cho các bệnh nhân phong trong cả nước. Tổng số nhà ở đã được xây dựng là 198 căn cho bệnh nhân trên 16 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó nhiều nhất là tỉnh Tuyên Quang với 50 căn, tỉnh Bắc Ninh với 29 căn… Nhờ đó giúp cho bệnh nhân phong hoà nhập với xã hội, không còn mặc cảm về bệnh tật, hoàn cảnh nghèo khó...

Ngoài việc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho bệnh nhân phong, chị còn vận động giúp đỡ về vốn cho những hộ này để họ có điều kiện cải thiện về cuộc sống. Kết quả, chị đã vận động giúp đỡ cho 126 hộ có vốn từ 8 đến 10 triệu đồng để sản xuất. Trong đó có 3 tỉnh gồm Bắc Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang mỗi tỉnh hỗ trợ cho 20 hộ gia đình.

Chị cũng kêu gọi mua xe đạp cho các cháu học sinh kết quả đã kêu gọi mua được 173 chiếc. Trong đó tỉnh Bắc Ninh mua được 33 chiếc, là tỉnh Nghệ An 26 chiếc, tỉnh Sơn La 17 chiếc…

Nhằm giúp con em bệnh nhân phong yên tâm học tập, chị cũng đã liên hệ các tổ chức từ thiện và phối hợp với các nhà hảo tâm, đồng nghiệp hỗ trợ học bổng giúp cho con, cháu bệnh nhân phong. Giúp các em có điều kiện tới trường nhằm nâng cao kiến thức cũng như trình độ, nhất là xoá đi mọi mặc cảm về bệnh tật. Mỗi năm, chị vận động giúp được trên dưới 300 em hoc sinh, mỗi em trung bình một năm từ 2 đến 2,5 triệu đồng; giúp trên dưới 40 sinh viên mỗi em trung bình một năm từ 4 đến 6 triệu đồng. Hàng năm, hỗ trợ 50 suất học bổng cho học sinh và sinh viên Hội Người mù tỉnh Bắc Ninh.

Y tá Xuân (đi sau) luôn tận tình chăm sóc các bệnh nhân. (Ảnh: NVCC)

Để theo kịp với xu hướng phát triển của công nghệ thông tin, chị đầu tư 10 máy vi tính và mời thầy dạy miễn phí, hỗ trợ tiền ăn và tiền xe cho các học viên là nhân viên và con em bệnh nhân phong ở các khu điều trị phong miền Bắc và Hội Người mù tỉnh Bắc Ninh. Năm 2012, chị đã vận động mở được 3 khoá, tặng 3 máy vi tính xách tay cho 3 sinh viên là con bệnh nhân phong.

Được sự đồng ý của chính quyền các cấp, chị cũng đã chủ động  kết hợp với các nhà hảo tâm, tổ chức các cuộc giao lưu đoàn kết cho bệnh nhân và con em của bệnh nhân phong của 12 khu điều trị phong của miền Bắc.

Từ năm 2011, chị được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo trợ người tàn tật trẻ mồ côi tỉnh Bắc Ninh, trong vai trò mới chị có nhiều cơ hội hơn để giúp đỡ cho người tàn tật và trẻ mồ côi, chị rất vui và hạnh phúc khi được làm các việc giúp cho người tàn tật và trẻ mồ côi.

Cả cuộc đời của chị gắn bó với bệnh nhân phong, có lẽ, niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của chị đó là khi thấy nhờ những cố gắng của bản thân, các gia đình bệnh nhân phong cũng như con em của họ đã ổn định cuộc sống, các cháu có điều kiện học tập tốt hơn. Có những gia đình bệnh nhân phong có hai con học xong Đại học và có những em học trên Đại học, có nhiều cháu đã thành đạt và đang phục vụ trong nhiều lĩnh vực của xã hội. Đó là món quà lớn nhất chị được nhận lại khi bệnh nhân phong đáp đền từ sự chăm sóc của chị./.

Hiền Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực