Người mở đầu cho công trình nghiên cứu về vật liệu từ kim loại đất hiếm – kim loại chuyển tiếp

Thứ tư, 07/09/2016 17:44
(ĐCSVN) - Vượt qua nhiều công trình tiêu biểu, cụm công trình “Nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng các vật liệu từ liên kim loại và đất hiếm – kim loại chuyển tiếp” do GS.TSKH Thân Đức Hiền cùng các cộng sự thực hiện, đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá cao và đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ vào giữa tháng 9 tới đây.

 

GS.TSKH. Thân Đức Hiền  chia sẻ về thành công từ cụm công trình chế tạo vật liệu từ liên kim loại và đất hiếm. (Ảnh: BL)

GS Thân Đức Hiền sinh năm 1939, trong một gia đình nông dân nghèo của huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Nhận thức được rằng chỉ có con đường học tập mới đưa quê hương thoát khỏi nghèo nàn, chàng thanh niên Thân Đức Hiền cũng giống như bao bạn trẻ cùng trang lứa, mang một khát vọng lớn trong suốt cuộc đời học tập và công tác của mình là  học để góp phần giải phóng quê hương, xây dựng đất nước.

Bản tính cần cù, chịu khó đã giúp ông bước đầu gặt hái thành công. Năm 1961, được cử đi học ở Trường Đại học Tổng hợp Lomonoxop,  Matxcova (Liên xô cũ). Sau khi tốt nghiệp loại ưu cuối năm 1966, ông được chuyển tiếp học tại trường theo chế độ nghiên cứu sinh. Ba năm miệt mài làm việc tại Khoa Vật lý của trường về vật lý nhiệt độ thấp, ông đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (bây giờ là tiến sĩ).

Trở về quê hương, thầy Hiền tiếp nhận công việc giảng dạy tại Khoa Vật lý của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Không chỉ tham gia công tác giảng dạy, thầy Hiền cùng  các đồng  nghiệp tiến hành  nghiên cứu về vật liệu từ kim loại đất hiếm – kim loại chuyển tiếp, một lĩnh vực  khoa học mới mẻ đối với Việt Nam thời kỳ đó. Sử dụng các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam, năm 1991, thầy Hiền bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (nay là tiến sĩ khoa học) tại Viện Hàn lâm khoa học Vacxava của Ba Lan.

Trong cuộc đời giảng dạy của GS.TSKH. Thân Đức Hiền, ít ai biết rằng, ông là người mở đầu cho công trình nghiên cứu về vật liệu từ kim loại đất hiếm – kim loại chuyển tiếp và cũng là một trong những người đóng góp cho sự hình thành và phát triển của ngành khoa học vật liệu Việt Nam. Một trong những thành tích rất ấn tượng của ông và đồng nghiệp là việc ra đời Phòng thí nghiệm đầu tiên của Việt Nam về vật lý nhiệt độ thấp.

Cụm công trình nghiên cứu về vật liệu từ kim loại đất hiếm của ông và cộng sự kéo dài hơn 20 năm, công bố 50 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín thuộc hệ thống ISI, Scopus. Tổng số trích dẫn tính đến năm 2015 là 1.008 lần (nguồn Scopus), như vậy có đến 20 lần trích dẫn/1 bài báo. Số lượng trích dẫn này bằng mức trung bình của các phòng thí nghiệm trên thế giới. Điều đó cũng chứng tỏ những vấn đề mà nhóm nghiên cứu là đúng và đã được các phòng thí nghiệm trên thế giới quan tâm.

Các nghiên cứu cơ bản của cụm công trình đã góp phần vào sự hiểu biết cơ bản về tính chất từ của hợp kim liên kim loại, đất hiếm - kim loại chuyển tiếp. Việc công bố kết quả trên các tạp chí quốc tế và tham dự hội nghị khoa học quốc tế đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam và hội nhập quốc tế về KH&CN.

Xét về mặt nghiên cứu ứng dụng, cụm công trình của GS Hiền và cộng sự đã nghiên cứu chế tạo thành công các nam châm, đất hiếm chất lượng cao, có tích năng lượng (BH)max gấp 5 đến 10 lần tích năng lượng của các nam châm đang được sử dụng ở Việt Nam. Cụm công trình đã sử dụng đất hiếm do Việt Nam chế tạo (Mish metal) cũng đạt được tích năng lượng tương đối cao, sẽ làm giảm thiểu các thiết bị dùng nam châm mà tính năng thiết bị lại tăng lên.

Các nam châm đất hiếm do cụm công trình chế tạo đã được ứng dụng trong chế tạo các sản phẩm như: đồng hồ đo nước, mô tơ bước, công tơ điện… cho kết quả khả quan. Các nghiên cứu ứng dụng này đã góp phần thúc đẩy việc sử dụng vật liệu mới, công nghệ mới vào trong các thiết bị ở trong nước.

Cụm công trình đã xây dựng được một tập thể khoa học mạnh. Khi bắt đầu thực hiện nghiên cứu, đề tài chỉ có 1 phó giáo sư và 1 tiến sĩ. Do thực hiện cụm công trình đã có 6 người được phong giáo sư và 3 người được phong phó giáo sư. Các cán bộ chủ chốt của nhóm nghiên cứu cụm công trình sau này đã làm nòng cốt cho các nhóm nghiên cứu khoa học về từ học và khoa học vật liệu ở Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trong cuộc đời nghiên cứu và giảng dạy của GS.TSKH Thân Đức Hiền, mỗi công trình là một niềm vui. Giờ đây, bước vào tuổi thất thập cổ lai hy, GS.TSKH Thân Đức Hiền đón nhận tin vui lớn khi Hội đồng cấp Nhà nước vừa công bố cụm công trình “Nghiên cứu cơ bản và định hướng ứng dụng các vật liệu từ liên kim loại đất hiếm - kim loại chuyển tiếp” đã được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN.

Niềm vui lớn ấy không chỉ đến với thầy giáo Hiền mà với cả đội ngũ nhà khoa học tham gia vào một công trình, dù đã được thực hiện cách đây cả chục năm nhưng đến nay vẫn còn tính thời sự.

PGS.TS.Nguyễn Phúc Dương, một trong những học trò của thầy Hiền và hiện là Phó Viện trưởng Viện ITIMS (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), rất xúc động khi biết các thầy của mình đã vinh dự được nhận giải thưởng cao quý. “Tôi mong thầy Hiền vẫn tiếp tục tham gia nghiên cứu với chúng tôi về vật liệu nano từ tính. Đây là hướng nghiên cứu mới về vật liệu đang được Viện ITIMS triển khai” – PGS.TS. Dương chia sẻ.

Dù tuổi đã cao nhưng thầy Hiền vẫn hăng say với sự nghiệp giáo dục, vẫn tham gia nghiên cứu cùng với học trò của mình với mong muốn giúp họ, giúp khoa học Việt Nam ngày càng có nhiều công trình công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực