Người phụ nữ Giẻ Triêng không cam chịu nghèo khó

Thứ năm, 04/10/2018 15:15
(ĐCSVN) – Không như các chị em phụ nữ khác, nhất là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số thường tự ti, cam chịu trước nghèo khó, chị Y PơL (thôn Đắk Xanh, thị trấn Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) là một phụ nữ năng động, nhạy bén trong công việc gia đình và xã hội. Chị là tấm gương để phụ nữ đồng bào Giẻ Triêng tại địa phương học tập, làm theo.

Đó là những thông tin được đồng chí Nguyễn Văn Hạnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đắk Glei (tỉnh Kon Tum) giới thiệu về chị Y PơL với chúng tôi.

Theo chân đồng chí Nguyễn Văn Hạnh - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đắk Glei, chúng tôi đi bộ hơn 3,5 km đường từ trung tâm thị trấn Đắk Glei đến thôn Đắk Xanh và ghé thăm nhà chị Y PhơL.

Chị Y PơL luôn tươi cười khi trò chuyện.

Nhà chị Y PơL nằm sát bên bờ hồ Đắk Xanh rộng hơn 10 ha. Đây vừa là hồ nước điều hòa không khí cho thị trấn Đắk Glei, đồng thời cũng là nguồn nước cung cấp tưới cho hàng chục ha rẫy và vườn cây của cư dân khu vực ven thị trấn Đắk Glei.

Bước qua cánh cửa tường gạch mới xây để vào vườn nhà chị Y PơL, trước mắt chúng tôi là một ngôi nhà ngói có sân vườn rộng và một quán giải khát được trang trí khá đẹp bởi nhiều giỏ lan rừng đang khoe sắc. Phía bên kia quán nước là một ao cá rộng khoảng 03 ha, hai bên bờ là nhiều loại cây ăn quả được chị Y PơL trồng có tuổi đời hơn 10 năm. 

Vừa rót trà, chị Y PơL vừa chia sẻ với chúng tôi: “Ngày trước mình cũng nghèo và cuộc sống rất khó khăn. Đến khi hai đứa con lớn dần và đi học, đòi hỏi nhiều chi phí cho việc học hành. Sau nhiều đêm suy nghĩ, mình quyết định bàn với chồng cải tạo lại khu vườn này để trồng cà phê. Cái hồ cá kia hai vợ chồng thuê người đào, nạo vét để nuôi cá. Từ nhỏ, mình đã biết chăn nuôi nên vay tiền mua mấy con heo giống, ít gà và vịt thả quanh hồ… Kể từ đó, kinh tế gia đình có thêm thu nhập. Từ đó, mình quyết định mở thêm quán này”.

Chị Y PơL kể tiếp, thời kỳ đầu, vườn cà phê đòi hỏi nhiều công sức và chi phí đầu tư. Đến khi cà phê cho thu hoạch, có năm được giá, mình thu về khoảng trên dưới 80 triệu đồng, năm nào mất giá thì khoảng 50-60 triệu đồng. Do chi phí đầu tư lớn và tốn nhiều công sức nên hai vợ chồng lại quyết định phá vườn cà phê để trồng cây bời lời. Hiện nay, vườn bời lời cũng đã cho thu nhập, bình quân từ 30-50 triệu đồng/năm. “Tuy thu nhập thấp hơn cà phê nhưng bời lời không tốn nhiều chi phí, công sức đầu tư  nên mình mới có thời gian lo cho chồng, con và cả cái quán này nữa”- Chị Y PơL lại cười rồi nói tiếp: “Cái ao kia mình thả đến 5-6 loài cá, trong đó chủ yếu là cá trắm cỏ, cá rô phi… Trong 2 năm qua, ao cá này đã cho gia đình mức thu nhập vài chục triệu đồng/năm...”.

Tiếp lời chị Y PơL, đồng chí Nguyễn Văn Hạnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đắk Glei cho chúng tôi hay:  Chị Y PơL rất đảm đang, không những lo toan mọi việc trong gia đình mà còn đảm nhiệm các công việc xã hội rất hiệu quả.  "Y PơL thực sự là tấm gương sáng để nhiều chị em của thị trấn Đắk Glei nói riêng và chị em đồng bào dân tộc Giẻ Triêng ở địa phương nói chung học tập”- đồng chí Nguyễn Văn Hạnh chia sẻ.

Khu vực ao nuôi cá của gia đình chị Y PơL.

Theo chị Y PơL ra bờ ao cho cá ăn, tôi được chị chia sẻ thêm: “Ở thị trấn Đắk Glei, ngoài người Kinh có vài chục hộ đồng bào Giẻ Triêng sinh sống. Trong số các hộ Giẻ Triêng tại đây, phần lớn cuộc sống vẫn rất khó khăn. Do vậy, con em của đồng bào hay bỏ học sớm. Đây là điều mình rất lo lắng. Vì thế, khi có dịp là mình đến chia sẻ, động viên các gia đình nên cho con đi học để sau này có việc làm. Mình cũng giúp nhiều hộ kinh tế khó khăn về vốn, giống và chỉ cách trồng trọt, chăn nuôi để làm ăn...”.

Với tư cách là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chị luôn tâm niệm đây là cơ hội để đem tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, địa phương mình đến với Trung ương, nên trong các cuộc họp, chị thường xuyên có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết cho hoạt động chung. Ngoài ra, khi về địa phương, tại các cuộc họp của khu dân cư hay các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân, chị cũng thường đóng góp nhiều ý kiến. Theo chị, những việc có liên quan đến phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… hay các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự tại địa phương đều cần phải phản ánh kịp thời.

Chị Y PơL dẫn chúng tôi đi thăm khu vực vườn nhàc của gia đình chị.

“Hiện tại, khu vực mình sống, hằng ngày chứng kiến các cháu nhỏ đi học phải đi qua cây cầu treo trên sông PooKô đang hư hỏng, xuống cấp, mình rất lo, sợ nguy hiểm cho các cháu. Tại nhiều cuộc họp, mình cũng đã đề nghị địa phương xây dựng lại sớm cây cầu này. May mắn là hiện nay, dự án đầu tư xây dựng cây cầu cơ bản bắt qua sông PooKô giai đoạn 1 (2018-2020) với kinh phí 49,9 tỷ đồng từ ngân sách của địa phương đã được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt. Hiện dự án được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cơ bản huyện Đắk Glei làm chủ đầu đầu tư xây dựng. Hy vọng cây cầu này sẽ sớm hoàn thành để các cháu đến trường được an toàn”- Chị Y PơL cho biết.

Chia tay chị Y PơL sau buổi nói chuyện, trên đường về, chúng tôi vẫn nhớ mãi nụ cười và sự chia sẻ thân tình của người phụ nữ Giẻ Triêng - chị Y PơL: “Không nên cam chịu mà phải biết nỗ lực vượt qua hoàn cảnh...”./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực