Người thương binh vượt khó, vươn lên thoát nghèo

Thứ sáu, 24/11/2017 10:32
(ĐCSVN) - Với phẩm chất của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, không ngại khó khăn gian khổ, ông Lại Văn Tiếp, thương binh hạng 4/4, ở xóm 5, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam là một tấm gương vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Ông Lại Văn Tiếp (đứng đầu tiên từ trái qua) giới thiệu về hiệu quả từ việc trồng na, chăn nuôi bò giống của gia đình.

Năm 1973, chàng trai Lại Văn Tiếp vừa tròn 17 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc hăng hái tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau khóa huấn luyện tăng cường bổ sung cho chiến trường, ông được biên chế vào Đại đội 17, Trung đoàn 209, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Tháng 8/1974, trong một trận chiến đấu ác liệt, chống lại sự càn quét của địch, bảo vệ căn cứ cách mạng ở Sông Bé, ông đã bị thương. Đến tháng 11/1976, ông xuất ngũ trở về địa phương.

Mang trên mình nhiều vết thương, bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, cuộc sống của gia đình ông gặp nhiều khó khăn, vất vả. Không chỉ vậy, người con gái thứ hai của ông do bị ảnh hưởng chất độc da cam, dù đã hơn 30 tuổi mà vẫn ngơ ngác như đứa trẻ, không thể tự lo cho mình; bản thân ông thường xuyên ốm đau, tưởng như bệnh tật đã biến ông thành người tàn phế. Song với ý chí, nghị lực của người lính, hai vợ chồng thương binh Lại Văn Tiếp luôn chịu khó tăng gia sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình.

Cả ngày lăn lộn làm cỏ, trồng ngô, chăn nuôi lợn, gà, từ sáng sớm đến chiều tối, ông Tiếp không rời cái cuốc, cái liềm, quần áo luôn lấm lem bùn đất. Vụ mùa đầu tiên, như không phụ lòng người chăm bón, cây cối, vật nuôi lớn nhanh, tươi tốt, hứa hẹn cho một mùa bội thu. Nhưng rồi chỉ sau trận bão đầu mùa mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi, cây cối bị gãy đổ, rụng hết quả, gà, lợn bị bệnh chết, ông gần như mất trắng.

Không cam chịu đói nghèo, được sự động viên, giúp đỡ của bạn bè, gia đình và đặc biệt, được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Nam quan tâm, hỗ trợ giống vốn, công cụ sản xuất trị giá 10 triệu đồng, ông Lại Văn Tiếp đã mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua bò giống, cây trồng để phát triển kinh tế.

Ông tự nhủ, muốn phát triển kinh tế bền vững thì không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu truyền thống mà cần phải áp dụng khoa học công nghệ. Thế là ông tìm tòi học hỏi kinh nghiệm qua sách, báo về những mô hình hay, hiệu quả trong phát triển kinh tế. Thậm chí ông còn đạp xe hàng trăm ki-lô-mét lên Hà Nội để tham dự khóa tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi do Viện nghiên cứu cây trồng Trung ương hướng dẫn và được tham quan các mô hình phát triển kinh tế gia đình hiệu quả để về áp dụng vào mảnh đất của mình.

Nhận thấy cây na phù hợp với vùng đất đồi đá ong, dễ trồng, cho hiệu quả kinh tế cao, ông đã cải tạo mảnh vườn rộng hơn 1 nghìn m2 để trồng na. Cùng với việc đầu tư phát triển vườn cây ăn quả, để tăng thu nhập cũng như cải thiện bữa ăn cho gia đình ông còn tận dụng diện tích đất xung quanh nhà trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò, thả cá và nuôi thêm gà, vịt… Nhờ sự cần cù, siêng năng lao động, sau gần 2 năm, ông đã trồng được hơn 300 gốc na, táo và hàng nghìn con gà, lợn, bò giống đã sinh trưởng và phát triển tốt; hằng năm sau khi trừ đi các khoản chi phí ông thu lãi từ 50 đến 60 triệu đồng.

Giờ đây, những năm tháng khó khăn, vất vả đã qua đi, gia đình thương binh Lại Văn Tiếp đã vượt qua nghèo khó, vươn lên khá giả, ổn định cuộc sống. Nhớ lại những lúc khó khăn, ông Tiếp cho biết: “Có những lúc muốn bỏ cuộc nhưng khắc sâu lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, tôi nghĩ mình không thể khuất phục trước cái đói, cái nghèo. Chính vì vậy, tôi trăn trở phải làm sao vươn lên thoát nghèo, lo cho gia đình và các con. Bên cạnh đó, được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quan tâm, hỗ trợ giống, vốn nên tôi đã quyết định vay thêm vốn ngân hàng để phát triển kinh tế. Hiện nay kinh tế gia đình cũng đỡ khó khăn hơn; sắp tới tôi sẽ bán bê con, đàn gà để tiếp tục mua giống cây trồng, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế”.

Không chỉ chí thú làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, ông Tiếp còn là tấm gương sáng trong việc gương mẫu đi đầu thực hiện và tuyên truyền, vận động bà con thôn, xóm chấp hành nghiêm mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhận xét về hội viên của mình, ông Vũ Công Chính, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng cho biết: “Bên cạnh làm kinh tế giỏi, ông Tiếp còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động công tác Hội, tham gia xây dựng nông thôn mới; đóng góp xây dựng đường làng, các công trình phúc lợi của thôn, xóm. Không những thế, ông Tiếp còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn về cây giống, con giống… để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.

Tấm gương vượt khó, vươn lên thoát nghèo của thương binh Lại Văn Tiếp được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao. Với những phẩm chất đáng quý, nhiều năm liền ông Tiếp được Hội Cựu chiến binh các cấp biểu dương, khen thưởng./.

Bài, ảnh: Nguyễn Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực