Người “vác tù và” nơi xóm đảo

Chủ nhật, 03/05/2020 14:40
(ĐCSVN) - Trong chuyến công tác đến đảo Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi được nghe cán bộ, chiến sĩ và người dân sinh sống trên đảo dành nhiều lời khen cho chị trưởng thôn Nguyễn Thị Cảnh.

Trò chuyện với chị, chúng tôi càng khâm phục nghị lực vượt khó và trân quý tình cảm mà chị đã dành cho bà con nơi đây.

Vượt khó gắn bó đảo Trần

Đảo Trần là đảo tiền tiêu của Tổ quốc, nằm cách đường phân định ranh giới trên vịnh Bắc Bộ hơn 4 km. Trước đây chỉ có một số đơn vị bộ đội đóng quân. Năm 2006, gia đình chị Cảnh là hộ dân đầu tiên đến đảo sinh sống. Chia sẻ lý do chọn đảo Trần để lập nghiệp, chị Cảnh cho biết: “Gia đình tôi làm nghề cung cấp hàng hóa dịch vụ cho các tàu đánh cá trên biển nên tôi thường xuyên được theo bố mẹ ra khơi. Mỗi chuyến đi, thuyền của gia đình lại cập bến đảo Trần nghỉ ngơi, những lần như vậy, tôi hay lên thăm đảo và coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Vì vậy năm 2006, sau khi lập gia đình, tôi đã thuyết phục chồng ra đảo ở”.

 Thời điểm đó, đảo Trần không điện lưới, không sóng điện thoại, không trường học, không trạm y tế, nước ngọt bị thiếu quanh năm nên không ai dám đến sinh sống. Chỉ có các tàu, thuyền đi đánh bắt cá gặp trời mưa, bão mới ghé để tránh, trú. Vì vậy, ý định ra đảo định cư của vợ chồng chị Cảnh bị người thân cương quyết phản đối, nhất là bố mẹ chị, nhưng vì yêu đảo, muốn được sống trên đảo nên chị Cảnh không thay đổi quyết định.

Chị Cảnh (áo đen, đứng giữa) tại một buổi gặp gỡ đoàn công tác của BTL Quân khu 3 ra thăm đảo.   

Hành trang gia đình chị mang ra đảo lập nghiệp chỉ là ít lương thực và một số vật dụng cần thiết. Để có chỗ ở, vợ chồng chị đã đi xin cót tre, vải bạt của bộ đội về quây lại làm nhà. Ban ngày, hai vợ chồng ra biển đánh cá, tối về quây quần trong ngôi nhà tạm. Mọi sinh hoạt ban đêm của gia đình đều trông chờ vào đèn dầu. Có lần bão lớn, nhà bị gió tốc bay hết mái, tuy nhiên, những trận bão biển không làm vợ chồng chị Cảnh rời bỏ đảo, họ lại tiếp tục kiên trì đi nhặt từng viên ngói vỡ về để lợp lại tổ ấm của mình.

 Cuộc sống ngoài đảo thiếu thốn đủ thứ nhưng có lẽ khổ nhất là thiếu nước ngọt. Ngày đó, chỉ có duy nhất một giếng nước ngọt phục vụ bộ đội. Vợ chồng chị Cảnh phải xách can vào đơn vị xin nước. Mùa mưa còn có nước nhưng đến mùa khô giếng cạn gần tới đáy, vợ chồng chị bảo nhau dậy từ 3 giờ sáng đi gạn từng bát nước đục về nấu cơm. Thậm chí có năm mùa khô kéo dài, chị Cảnh phải nhờ bố mẹ chở nước ngọt từ trong đất liền ra.

 Khó khăn, thiếu thốn là vậy, nhưng sau nhiều năm kiên trì gắn bó với đảo, vợ chồng chị Cảnh đã xây được nhà kiên cố, cuộc sống gia đình cũng dần ổn định và đỡ vất vả hơn. Các con của chị Cảnh được đưa vào đất liền học tập miễn phí trong trường nội trú tỉnh. Đặc biệt, tàu, thuyền đi đánh bắt cá khi ghé đảo Trần thường tới gia đình chị Cảnh nghỉ ngơi nên nhà chị trở thành điểm dừng chân quen thuộc của nhiều ngư dân.

 Người “vác tù và” nơi xóm đảo

Năm 2014, tỉnh Quảng Ninh có chủ trương khuyến khích nhân dân tới đảo Trần định cư. 17 hộ gia đình đã đăng ký tình nguyện ra đảo. Có người tới sống cùng, hàng ngày, chị đến từng hộ gia đình để thăm hỏi, giúp đỡ mọi người khi thì cân gạo, lúc là bộ quần áo...

“Ngày mới tới đảo, gia đình tôi cũng đã trải qua những khó khăn nên tôi hiểu và thông cảm với mọi người. Mình giúp được đến đâu hay đến đó, chỉ mong mọi người cố gắng ở lại để đảo đỡ cô đơn", chị Cảnh chia sẻ.

 Một vài gia đình thấy cuộc sống khó khăn định quay lại đất liền nhưng được chị Cảnh động viên nên đã thay đổi ý định. Chị Hoàng Thị Quang, một cư dân đảo Trần tâm sự: “Có đêm bão to, chị Cảnh đội mưa đến từng nhà để thông báo cho mọi người ra bến gia cố, buộc lại tàu, thuyền. Bão vừa tan đã thấy chị gõ cửa hỏi thăm xem gia đình có thiệt hại gì không. Nhiều lúc nghĩ cuộc sống ngoài đảo vất vả, thiếu thốn cũng định quay lại đất liền nhưng thấy chị Cảnh tốt bụng nên chúng tôi không nỡ rời đi. Nhờ chị Cảnh thường xuyên động viên, giúp đỡ mà vợ chồng tôi và các hộ dân ở đây đã dần ổn định và thích nghi với cuộc sống”.

Những năm đầu mới có dân tới sinh sống, đảo Trần chưa thành lập thôn. Do đảo ở độc lập lại cách xa trụ sở hành chính điểm đảo xã Thanh Lân và điểm đảo huyện Cô Tô khiến cho việc trao đổi thông tin giữa người dân và chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Điện thoại là phương tiện liên lạc chủ yếu. Nhờ gần gũi với nhân dân nên mọi tâm tư, nguyện vọng của bà con trên đảo đều được chia sẻ với chị Cảnh để nhờ chị báo lên chính quyền địa phương. Ngược lại, địa phương muốn tuyên truyền chủ trương, chính sách đến người dân cũng thông qua chị Cảnh. Từ đó, chị Cảnh trở thành cầu lối và là “người thổi tù và” của xóm đảo. Mỗi khi có đoàn công tác trong đất liền hay lãnh đạo địa phương ra thăm đảo, không cần ai phân công, chị Cảnh đi thông báo cho bà con biết và nhiệt tình làm công tác chuẩn bị.

 Nhiều năm làm việc công nhưng chị Cảnh chưa bao giờ đòi hỏi bất kỳ quyền lợi gì cho riêng mình. Bởi với chị “giữ” được mọi người ở lại với đảo cũng chính là giúp vợ chồng chị đỡ cô đơn nơi “đầu sóng ngọn gió”. Thậm chí, khi tỉnh Quảng Ninh đầu tư xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình trên đảo, nghĩ mình đã có nhà, chị Cảnh còn nhường lại cho các hộ gia đình mới đến.

 Cuối năm 2017, đảo Trần thành lập thôn, chị Cảnh được mọi người bầu làm trưởng thôn. Được người dân tin tưởng khiến chị Cảnh càng xác định trách nhiệm của mình nặng nề hơn. Thấu hiểu nguyện vọng của người dân, chị Cảnh đã đề nghị chính quyền địa phương đầu tư một máy phát điện và khoan các giếng nước ngọt trên đảo. Nhờ đó mà giờ đây đảo Trần không còn tình trạng thiếu nước ngọt, các hộ gia đình có điện chiếu sáng, được dùng ti vi, tủ lạnh..., đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện rõ rệt, góp phần quan trọng để người dân thêm yên tâm, gắn bó với đảo.

 Cuộc sống của người dân đảo Trần tuy có khá hơn trước nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Mong muốn của chị Cảnh trong thời gian tới được dùng điện lưới thay vì dùng điện máy phát, vì chi phí mua nhiên liệu chạy máy phát rất tốn kém. Ngoài ra, 90% hộ gia đình ở đảo làm nghề đi biển nhưng trên đảo chưa có âu tàu để tàu, thuyền vào tránh, trú mỗi khi có bão, gió. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều ngư dân chưa dám tới đảo Trần sinh sống.

 Được biết, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có nhiều chính sách ưu đãi để giúp người dân thôn Trần phát triển kinh tế - xã hội. Mong rằng, với những chính sách hợp lý cùng với sự nhiệt tình, trách nhiệm, tận tâm của trưởng thôn Nguyễn Thị Cảnh sẽ giúp đảo Trần ngày một đổi thay, từ đó thu hút được thêm nhiều người từ đất liền tới đảo lập nghiệp./.

Bài, ảnh: Nguyễn Trường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực