Nhân rộng các gương điển hình tiên tiến học và làm theo gương Bác

Thứ tư, 17/05/2017 14:14


(ĐCSVN) - Nhìn lại những cuộc giao lưu, tôn vinh điển hình tiên tiến “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” những năm qua, có thể khẳng định, câu chuyện về các điển hình là những minh chứng sinh động cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Thông qua các hoạt động này, các cá nhân điển hình có dịp được giao lưu với nhau, mang lại hiệu ứng xã hội rất lớn và có sức lan tỏa rộng khắp.

Khẳng định sự thành công, sức lan tỏa của các cuộc tôn vinh, giao lưu

Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết hợp, kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, là tinh hoa văn hóa của nhân loại và là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc, Nhân dân và Đảng ta. Đây là hành trang quý báu để đất nước ta tự hào, tự tin vững bước về phía trước.

Thông qua các buổi giao lưu với điển hình tiên tiến, khán giả được hiểu rõ hơn về công việc, 
cuộc sống của những tấm gương điển hình. (Ảnh:TH)

Hơn 10 năm qua, từ khi Đảng ta phát động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiến hành các đợt sinh hoạt chính trị văn hóa rộng lớn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã có hàng triệu thành tích, tấm gương của các tập thể, cá nhân học tập và làm theo gương Bác được tỏa sáng, tôn vinh, được giao lưu với nhau trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thực tiễn những năm qua và qua những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được tôn vinh, ghi nhận, chúng ta thấy một cách sinh động, sâu sắc mọi người Việt Nam, ai cũng có thể học và làm theo Bác một cách tự giác, tự nhiên, ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi việc; mỗi người học Bác, làm theo tấm gương đạo đức của Bác là có ích cho chính mình, cho gia đình, con cháu mình và cho xã hội, cho đất nước.

Thông qua các buổi giao lưu với điển hình tiên tiến, khán giả được hiểu rõ hơn về công việc, cuộc sống của những tấm gương điển hình – Họ không chỉ thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn vận dụng sáng tạo lời dạy của Người vào thực tiễn công tác. Câu chuyện mà các điển hình tiêu biểu chia sẻ là những minh chứng sinh động của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Vì vậy, các cuộc tôn vinh, giao lưu đã đi đúng hướng, có sức lan toả mạnh mẽ, có chiều sâu và hiệu quả thiết thực. Cùng với đó, các giá trị đạo đức, lối sống, đạo lý dân tộc được giữ gìn, bồi đắp. Qua đó khẳng định "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" là phải trau dồi các phẩm chất "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư"; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tệ nạn xã hội; gắn kết việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cả nước, các cấp, các ngành, của từng địa phương, cơ quan và đơn vị.

Các cuộc tôn vinh, giao lưu chính là minh chứng sống động nhất, chân thật nhất về những người thật, việc thật được cộng đồng phát hiện tôn vinh. Mới đây, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Quân ủy Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam và một số tỉnh, thành phố tổ chức giao lưu các điển hình tập thể và cá nhân tiêu biểu cụm các địa phương, đơn vị khu vực phía Bắc, phía Nam, miền Trung - Tây Nguyên trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Các buổi giao lưu đã khẳng định, cả nước đã có hàng chục triệu những mô hình hay, những cách làm tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà theo chia sẻ của các gương điển hình “càng gần gũi, dễ hiểu thì càng dễ học tập và đi vào đời sống”.

Đó là Thượng Tá Mê Văn Đạt, Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy, huyện Trung Khánh, Cao Bằng – người đã 10 năm gắn bó với địa bàn, với bà con các dân tộc, là điểm tựa cho tinh thần đoàn kết quân dân nơi biên cương của Tổ quốc. Đồng chí Mê Văn Đạt khẳng định: Học và làm theo lời dạy của Bác trong phong cách lãnh đạo phải là thấy việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Vì thế anh đã cùng với các chiến sĩ Đồn Biên phòng Đàm Thủy và Đảng ủy xã đã tổ chức tuyên truyền, kiên trì vận động, giải thích, phân tích để nhân dân hiểu về các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tập trung vào ổn định đời sống, chú trọng sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống...

Hay như tấm gương của anh Trần Tấn Phú, ấp Thiên Tuế, xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Là người con của vùng đất khó khăn, thấu hiểu được những gian lao, khó nhọc của những người sống bằng nghề biển, anh Phú đã tham gia các hoạt động từ thiện xã hội với tinh thần sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Anh đã cùng chi bộ, cùng với chính quyền ấp vận động nhân dân cùng chung tay bỏ công, đóng góp tiền xây dựng đường giao thông nông thôn ở địa phương, giúp đỡ những hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, anh Phú còn tham gia góp vốn để hỗ trợ cho bà con nghèo mượn vốn làm ăn, phát triển kinh tế mà không tính lãi.

Đó còn là chị lao công bới cả xe rác để tìm một chùm chìa khoá cho người dân của Thủ đô Hà Nội; từ Phú Thọ, một cựu chiến binh hiến thận để cứu mạng người khác; cán bộ lực lượng vũ trang thầm lặng hi sinh, cống hiến xương máu để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc; những doanh nhân không chỉ vì lợi nhuận mà chăm lo cho người lao động; là những nhà khoa học từ chối làm việc tại nước ngoài với mức lương cao để về nước công tác cống hiến cho sự phát triển nước nhà; là những Việt kiều với những việc làm hướng luôn hướng về đất mẹ… Không đao to búa lớn, nhưng những việc làm đó thật là đời thường, thật là dung dị nhưng đã, đang và sẽ mãi làm xúc động lòng người. Mỗi câu chuyện là một tấm gương tiêu biểu, là minh chứng sinh động của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ở mỗi cá nhân là những cách học tập, cách làm theo gương Bác khác nhau, nhưng mang lại hiệu quả rất lớn, có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Sau 10 năm phát động, đến thời điểm này, ngoài các cuộc tổng kết việc thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tổng kết  việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thì chưa có một cuộc tổng kết riêng nào về các cuộc tôn vinh, giao lưu điển hình tiên tiến học tập và làm theo Bác một cách cụ thể, riêng rẽ. Nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng, từ khi phát động đến nay, đã có rất nhiều tấm gương bình dị đã được phát hiện, giới thiệu tại các lễ trao giải, các cuộc giao lưu nghệ thuật…, khẳng định thành công và sức lan tỏa của các cuộc tôn vinh, giao lưu học tập và làm theo lời Bác. Nó không chỉ thể hiện sự kiên trì theo đuổi một “đề tài” tưởng chừng không còn mới, nhưng luôn mang tính thời sự, bởi một xã hội, một đất nước muốn phát triển bền vững phải luôn có những con người biết xả thân vì lý tưởng cao đẹp, hành động luôn hướng đến mục đích vì cộng đồng và giá trị chân - thiện - mỹ.

Đó cũng là cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới; là giải pháp tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW đạt hiệu quả thiết thực hơn, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bởi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Người đã chỉ rõ, nêu gương và làm những tấm gương đó lan tỏa là một nguyên tắc trong thực hành đạo đức. Bác đã dạy: “Muốn người ta theo, thì mình phải làm gương trước”. Vì thế, trong mỗi việc làm, hành động, lời nói của những tấm gương điển hình phải thể hiện là “kiểu mẫu”, có sức thuyết phục, được mọi người thừa nhận, học tập.

Phát hiện kịp thời, tôn vinh đúng lúc

Trong những năm qua, nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đơn vị đã làm khá tốt việc phát hiện, nhận rộng các điển hình làm theo lời Bác. Việc tổ chức gặp mặt, giao lưu và biểu dương thành tích các tập thể và cá nhân điển hình cũng là dịp để rút ra bài học bổ ích từ công tác chỉ đạo của Ban chỉ đạo các cấp trong việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị; sự hưởng ứng và thực hiện của toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.

Tuy nhiên, điểm hạn chế trong công tác xây dựng điển hình tiên tiến là không ít đơn vị chưa chú trọng việc phát hiện, nuôi dưỡng, tuyên truyền nhân rộng điển hình tiên tiến, nhân tố mới. Cũng có cơ quan, đơn vị, địa phương lại buông lỏng quy trình xem xét công nhân các điển hình. Vì thế, một số điển hình không xứng đáng, thậm chí "có vấn đề" lại được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, gây phản cảm trong dư luận. Nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp ủy cơ sở, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng, phát hiện, nuôi dưỡng và nhân rộng các gương điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước thông qua những cuộc gặp gỡ, giao lưu. Những điển hình đã được xây dựng, có lúc, có nơi thiếu sự đầu tư, tạo môi trường thuận lợi để những “hạt giống điển hình” tiếp tục nêu gương, tỏa sáng... thông qua các cuộc giao lưu, gặp gỡ...

Để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, nhân rộng gương điển hình làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, cần phát huy đồng bộ hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là các cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, cấp ủy, cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị cần tạo môi trường thuận lợi để các điển hình thực hiện và thể hiện vai trò của mình; coi trọng và quan tâm thường xuyên đến việc nuôi dưỡng, nhân rộng điển hình. Ngoài ra, việc nhân rộng điển hình phải gắn liền với việc phát hiện những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt. Phong trào thi đua mà không có điển hình tiên tiến thì phong trào sẽ thiếu đi sức sống; ngược lại, có điển hình tiên tiến mà không có phong trào thi đua thì những điển hình đó cũng ít có cơ hội được tôn vinh, nhân rộng để mọi người biết đến, học tập và làm theo.

Các cuộc tôn vinh, giao lưu chính là minh chứng sống động nhất, chân thật nhất 

về những người thật, việc thật được cộng đồng phát hiện, tôn vinh. (Ảnh:TH)

Để các cuộc tôn vinh, giao lưu điển hình tiên tiến học tập và làm theo lời Bác ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, thiết nghĩ chúng ta phải đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Ban Thi đua - Khen thưởng các cấp tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm tuyên truyền, quán triệt Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành trong các hội nghị sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, trong hội thảo đánh giá thực hiện Luật nhằm từng bước nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, địa phương về vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Vụ trưởng, Trưởng bộ phận chuyên trách giúp việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khoá XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, để đẩy mạnh, nhân rộng các điển hình tiên tiến, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và kết quả việc học tập và làm theo Bác. Đưa nội dung giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống học viện, trường chính trị, trung tâm bồi dưỡng chính trị cả nước; vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân; nâng cao nhận thức và vai trò của gia đình, cha mẹ đối với giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho thanh, thiếu niên, nhi đồng; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.

Đặc biệt, công tác tôn vinh điển hình tiên tiến thông qua các buổi khen thưởng, giao lưu phải luôn xác định là nhiệm vụ quan trọng trong việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước để động viên các tập thể, cá nhân nỗ lực phấn đấu trong lao động sáng tạo. Ngoài ra, cần phát hiện khen thưởng kịp thời và tổ chức tôn vinh, giao lưu nhân rộng các điển hình tiên tiến ngay tại đơn vị, địa phương và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất trong lao động, học tập, phòng chống tội phạm, cứu người,...

Cùng với đó phải xác định hoạt động tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến thông qua các buổi giao lưu, tôn vinh phải duy trì thường xuyên, liên tục và phải luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của công tác thi đua, khen thưởng, nhưng phải có điểm nhấn về nội dung và hình thức. Các tổ chức đoàn, các cơ quan báo chí, truyền thông cần đẩy mạnh phổ biến, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ ra toàn xã hội, để những tấm gương tốt đẩy lùi những mặt xấu, mặt tiêu cực, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Chú trọng tuyên truyền trước, trong và sau các hoạt động tôn vinh, giao lưu với nhiều hình thức tuyên truyền cho phù hợp. Đồng thời, công tác tuyên truyền phải gắn liền với biểu dương, khen thưởng, đặc biệt chú trọng đến việc khen thưởng đột xuất nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện các phong trào thi đua góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa quê hương, đất nước.../.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực