Những bông hoa đẹp trong vườn hoa đẹp

Thứ hai, 07/12/2015 19:10

(ĐCSVN) - Trong chương trình làm việc sáng 7/12, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đã nghe tham luận của 3 điển hình tiên tiến. Đó là Tiến sỹ Nguyễn Bá Hải, giảng viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đam mê sáng tạo, dấn thân vì khoa học, cống hiến cho cộng đồng; tấm gương đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc của cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân hay Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk - cánh chim đầu đàn của ngành sữa.

* Đam mê sáng tạo để phục vụ cộng đồng

Tham luận tại Đại hội với nội dung "Đam mê sáng tạo để phụng sự cộng đồng", Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải chia sẻ: "Mỗi ngày thức dậy, tới trường hay nơi làm việc, tất cả chúng ta đều phải tương tác với cộng đồng, cuộc sống hiện đại khiến giá trị chung của cộng đồng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Phụng sự và cống hiến cho xã hội chính là phục vụ cho chính bản thân mình… Mỗi chúng ta hãy góp sức nhỏ của mình để xã hội của chính chúng ta tốt đẹp hơn, nhân văn hơn".

     Tiến sỹ Nguyễn Bá Hải, giảng viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh
 Ảnh: PC

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải nói "Phụng sự cộng đồng vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội để thanh niên chúng ta hoàn thiện bản thân, để khẳng định ý nghĩa tồn tại của chính mình". Để bắt đầu quá trình phụng sự ấy, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải kêu gọi thế hệ trẻ Việt Nam hãy can đảm xông pha vào những “mặt trận” bản thân mình còn yếu kém, thông qua việc "Học bằng cách dạy, học bằng cách làm, học từ thực tiễn và luôn ghi nhớ", và tất cả điều vĩ đại đều bắt nguồn từ những việc nhỏ nhoi nhất".

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải mong muốn thế hệ trẻ Việt Nam hãy phát huy niềm đam mê và khát vọng cháy bỏng, vì "đam mê và chỉ đam mê, con người ta có thể biến những hành động đơn giản thành kết quả lớn, đam mê khiến con người ta “chạm” vào những giây phút thăng hoa trong công việc của mình, đam mê tạo ra một nguồn năng lượng vĩ đại để càng làm việc càng được kích thích và cuốn hút như đang dạo chơi trong một hành trình khám phá những điều bí ẩn thú vị nhất trong nghề nghiệp của mình".

Về những khó khăn, thử thách trong đam mê, sáng tạo, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải chia sẻ "Những thất bại luôn rình rập, sẵn sàng ập đến với những người trẻ tuổi thừa năng lượng, thiếu kinh nghiệm như chúng ta. Bản thân tôi đã gặp những thất bại trong 8 phiên bản nghiên cứu "mắt thần" cho người khiếm thị trong nhiều năm. Tôi đã từng nghe người khiếm thị phản hồi tiêu cực về sự nặng nề của sản phẩm".

Vượt qua nhiều khó khăn, thất bại với phương châm “thất bại là mẹ của thành công”. Từ đó đến nay, thông qua Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Đoàn cơ sở ở các tỉnh, thành phố cùng những mạnh thường quân, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải đã trao gần 1.000 thiết bị dẫn đường tặng người khiếm thị ở hơn 10 tỉnh, thành phố tại Việt Nam và một số nước khác.

Cũng với tình yêu ấy, Khóa học 1 đô la về sáng tạo kỹ thuật sáng lập từ năm 2010 của Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải đã giúp khoảng 3.000 thanh niên và người dân yêu khoa học được nhận thức rõ được đam mê đích thực của bản thân là gì?

Bên cạnh đó, dự án gia tăng giá trị nông sản là hạt cafe nhờ phát triển công nghệ Pha chế độc quyền Nhật – Việt – Ý để tạo ly cafe thuần Việt của Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải và các cộng sự từ lúc lỗ khoảng 70 triệu/tháng đến nay đã tạo thêm 10 điểm bán cafe sạch giá chỉ 10 ngàn đồng, tạo thêm 15 công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho thanh niên khó khăn….

“Tất cả những việc chúng tôi làm tuy còn rất nhỏ với kết quả khiêm tốn, nhưng đó là tất cả tấm lòng mà chúng tôi mong muốn gửi gắm vào cuộc sống này. Nếu có một lựa chọn cho ngày hôm nay, tôi sẽ tiếp tục chọn con đường trên nền tảng tình yêu thương ấy”, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải bộc bạch.

* Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

Tham luận tại Đại hội, Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân cho biết. Vùng 4 Hải quân đóng quân và làm nhiệm vụ trên vùng biển, đảo trọng yếu, đó là Căn cứ quân sự Cam Ranh và quần đảo Trường Sa. Đây là một vùng trọng điểm, là căn cứ quân sự rất quan trọng của Hải quân, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị và Quốc phòng - An ninh của đất nước.

Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân chia sẻ đóng góp của đơn vị tại Đại hội
 Ảnh: PC

Những năm gần đây, tình hình khu vực biển, đảo được phân công có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, có lúc nguy hiểm… Tình hình đó đặt ra cho Vùng 4 những nhiệm vụ mới, yêu cầu đòi hỏi cao hơn.  Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng cũng như đồng bào cả nước, cán bộ, chiến sỹ Vùng 4 luôn ý thức sâu sắc dù nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, gian khổ, nhưng đó là niềm vinh dự và tự hào lớn, là cơ hội để khẳng định mình, có thêm quyết tâm, vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, để cống hiến và trưởng thành, hoàn thành xuất sắc trọng trách bảo vệ vững chắc, trọn vẹn vùng biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc được phân công; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, xứng đáng với niềm tin tưởng, gửi gắm của đồng bào, đồng chí cả nước.

Với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, có thể tự hào khẳng định rằng, hiện nay 100% cán bộ, chiến sĩ của đơn vị có bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trước những khó khăn, hiểm nguy, dám chấp nhận hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Điều này đã được thực tiễn chứng minh, nhiều lần tàu thuyền, phương tiện của nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển, đảo nước ta. Dù diễn biến có căng thẳng, gay go, khó lường, nguy hiểm đến mấy, theo lệnh của trên, toàn Vùng luôn chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ; không một cán bộ, chiến sĩ có biểu hiện dao động, do dự, lo lắng; dù ngày thường hay ngày lễ tết, đêm khuya hay sáng sớm, tất cả có lệnh là lên đường, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Và cũng từ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua quyết thắng các cấp, nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ tham gia đấu tranh kiên cường, dũng cảm, khôn khéo, linh hoạt trên thực địa, sẵn sàng hy sinh thân mình để cản phá tàu thuyền, phương tiện đối phương xâm nhập vùng biển của ta.

“Đó là kết quả của quá trình huấn luyện, rèn luyện bền bỉ, là kết tinh của phong trào thi đua yêu nước trong toàn Quân chủng và toàn quân ta. Điển hình là Thuyền trưởng tàu Trường Sa 22, thiếu tá Lê Minh Phúc, mặc dù bị thương nặng, trên người 8 vết thương, đứt động mạch cánh tay, máu chảy đầm đìa, nhưng ngay sau khi được đồng đội sơ cứu bằng 15 mũi khâu, người đang bị choáng do mất nhiều máu, anh vẫn giữ vững vị trí chỉ huy tàu cản phá, xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển của Tổ quốc”, Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân nói.

Ngoài nhiệm vụ chính trị số một là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, 5 năm qua, các lực lượng của Vùng 4 đã hỗ trợ cho trên 20.000 tàu cá của ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản; tìm kiếm cứu nạn 220 tàu với hơn 4.700 lượt người gặp nạn. Đặc biệt, cơn bão số 14 năm 2013, trong điều kiện sóng to, gió lớn, đêm tối…, cán bộ, chiến sỹ đảo Song Tử Tây đã đưa 64 tàu cá với gần 800 ngư dân vào tránh trú an toàn, cung cấp thuốc men, quần áo, lương thực thực phẩm cho bà con.

Từ năm 2013 đến nay, kíp quân y các đảo đã cấp cứu trên 250 ca, khám chữa bệnh cho trên 1.000 lượt ngư dân. Nhiều trường hợp bệnh nặng, sau khi cấp cứu ban đầu, đã được máy bay, tàu Hải quân đưa về bờ cứu chữa; cứu chữa thành công nhiều ca cấp cứu trên đảo. Gần đây nhất, ngày 9/7/2015, một tàu cá Quảng Ngãi bị chìm ở khu vực đảo Đá Lớn, 11 ngư dân với một thuyền thúng không đủ sức chứa, đang trong tình trạng hết sức nguy hiểm. Nhận được tín hiệu cấp cứu, biên đội tàu trực trên biển khẩn trương cơ động đến vị trí, tìm kiếm phát hiện và cứu sống 11 ngư dân đang lả dần vì kiệt sức sau gần 24 giờ lênh đênh trên biển.

Hay ngày 27/10/2015, ngư dân Võ Văn Thành, quê ở Quảng Ngãi, được đưa lên đảo trong tình trạng rất nguy kịch, bị sốc bỏng nặng, mất thính lực, thị lực. Quân y trên đảo nhanh chóng cứu chữa, đảm bảo an toàn tính mạng trong sự cảm động và biết ơn sâu sắc của gia đình và địa phương. Những việc làm trên đã góp phần giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên biển ngày càng vững chắc. Hình ảnh Vùng 4 Hải quân, hình ảnh của Bộ đội Cụ Hồ, luôn có mặt từ Bắc vào Nam, trên các vùng biển và thềm lục địa của Tổ quốc.

Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân nhấn manh: Trong tình hình mới, người chiến sĩ Hải quân Vùng 4 luôn mài sắc ý chí chiến đấu, phát huy truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng, của Quân chủng Hải quân Anh hùng, quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc, toàn vẹn chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân.

Ghi nhận thành tích đã đạt được, liên tục từ 2010 đến nay, Vùng 4 Hải quân được Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân tặng Cờ Thi đua và nhiều phần thưởng cao quý khác.

* Cánh chim đầu đàn của ngành sữa Việt Nam

Trong bài phát biểu của mình tại đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, bà Mai Kiều Liên đã chia sẻ những bí quyết để Vinamilk lớn mạnh trở thành doanh nghiệp hàng đầu của ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết: Ra đời từ một năm sau ngày giải phóng đất nước đến nay, Vinamilk đã lớn mạnh trở thành doanh nghiệp hàng đầu của ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam. Trên chặng đường gần 40 năm xây dựng và phát triển, tập thể lãnh đạo luôn trăn trở suy nghĩ làm sao “đưa được con thuyền Vinamilk vững vàng ra biển lớn sánh vai các thương hiệu danh tiếng trên thế giới”.

Bà Mai Kiều Liên chia sẻ: “trong chặng đường phát triển của mình, Vinamilk luôn chủ động tìm lối đi cho mình và liên tục đổi mới, sáng tạo coi đó là sự sống còn của doanh nghiệp. Đó là những câu chuyện mà ít ai biết phải khó khăn, vất vả như thế nào mới có được một Vinamilk như ngày hôm nay”.


Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty Sữa Việt Nam chia sẻ những bí quyết để
 Vinamilk lớn mạnh - Ảnh: PC


Những năm 1976 -1985, nền kinh tế đất nước gặp muôn vàn khó khăn. Vinamilk cũng trong hoàn cảnh này: sản xuất hoàn toàn thụ động, bao cấp, sản lượng rất thấp. Đến thời kỳ 1984 – 1988,  trở ngại lớn nhất là thiếu ngoại tệ để mua nguyên vật liệu. Để giải quyết khó khăn, lãnh đạo công ty đã chủ động liên doanh liên kết với các công ty xuất nhập khẩu có ngoại tệ mạnh… nhờ đó sản lượng tăng đáng kể.

Cụ thể là thông qua nhiều con đường, từ năm 1990, Vinamilk đã tiến hành mua trực tiếp nguồn nguyên liệu với giá rẻ vài trăm USD/tấn thông qua các công ty xuất nhập khẩu, góp phần giảm giá thành, cạnh tranh được với hàng ngoại nhập tràn lan trên thị trường.

Cùng với đó, Vinamilk đã khẩn trương nhập máy móc hiện đại để sản xuất sữa tươi tiệt trùng và thu mua sữa của nông dân với giá cao hơn nguyên liệu sữa nhập khẩu; hỗ trợ nông dân con giống, thú y, kỹ thuật chăn nuôi; thiết bị bảo quản sữa và không ngần ngại giảm lãi để khuyến khích phát triển đàn bò sữa trong nước.

Với mô hình liên kết với người nông dân mở rộng vùng chăn nuôi, đồng thời tự hình thành các trang trại chăn nuôi bò sữa từ Bắc đến Nam. Đến nay, Vinamilk đã có 9 trang trại quy mô lớn với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Úc, New Zealand và Mỹ. Trang trại của Vinamilk là trang trại đầu tiên tại Đông Nam Á đạt chứng nhận tiêu chuẩn Global G.A.P về quản lý trang trại và chất lượng sữa tươi thuần khiết.

Ngoài ra, Vinamilk còn liên kết với hơn 7.000 hộ dân chăn nuôi bò sữa với hơn 65.000 con trên cả nước, thu mua sản lượng bình quân khoảng 500 tấn sữa/ngày, góp phần tạo nhiều công ăn việc làm cho nông dân.

Trong suốt quá trình đổi mới từ năm 1991 cho đến nay, Vinamilk đã chiếm 45% thị phần trong nước. Sản phẩm của Vinamilk đã có mặt ở 31 quốc gia trên thế giới, trong đó các thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Đức Canada…

Trong 5 năm gần đây, Vinamilk luôn đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng, vươn lên top 100 công ty giá trị nhất ASEAN và top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam.

Với mục tiêu phát triển bền vững và vươn ra tầm quốc tế, Vinamilk đặt chiến lược phát triển dài hạn trở thành một trong 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017 với doanh số 3 tỷ USD.

Bà Mai Kiều Liên cũng cho biết: Để tiếp tục mục tiêu phát triển, Vinamilk luôn coi trọng và đi đầu trong việc cải tiến và phát triển sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của người tiêu dùng. Xác định nguồn nhân lực là yếu tố quyết định và là sức mạnh cốt lõi, Vinamilk đã luôn đầu tư nâng cao chất lượng, trình độ, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ nhân viên; tiên phong, đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất bằng việc hiện đại hóa hệ thống nhà máy; đầu tư một cách bài bản vào hệ thống phát triển nguồn nguyên liệu theo tiêu chuẩn quốc tế. Sự phát triển ấn tượng trong những năm vừa qua đã mang đến cho tập thể Vinamilk những giải thưởng danh giá và uy tín do các tổ chức trong nước và thế giới trao tặng.

Sau gần 40 năm đồng hành cùng sự phát triển và đổi mới của đất nước, Vinamilk – cánh chim đầu đàn của ngành sữa Việt Nam đã, đang đi những bước đi vững chắc để hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực