Nông dân Yên Khánh thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Thứ bảy, 25/06/2016 20:18
(ĐCSVN) – Giờ đây, cụm từ “Tỷ phú nông dân” không còn xa lạ tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Vẫn trên diện tích đất nông nghiệp cũ, người nông dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đạt giá trị sản xuất kinh doanh hiệu quả nhất.


Nông dân Yên Khánh áp dụng công nghệ hiện đại quản lý chăn nuôi. (Ảnh: HH)

Gia đình chị Vũ Thị Sợi, xóm 1, xã Khánh Thủy đã sớm chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang làm trang trại nuôi từ năm 2004 trên những diện tích đất xấu. Chị cho biết, gần chục sào đất lúa chị chuyển sang làm ao thả cá, nuôi vịt và xây chuồng lợn trên bờ. Ngay những năm đầu tiên, chị đã thấy rõ hiệu quả kinh tế so với trồng lúa. Khi còn ít vốn, chị nuôi hơn chục con lợn, rồi dần dần tích vốn, chị mở rộng đàn lên dần thành 20, 30 rồi 40, 50 con/lứa. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm và quen dần với các đầu mối cung cấp giống, cám và kỹ thuật chăn nuôi, gia đình chị Sợi càng tự tin hơn để đầu tư mở rộng trang trại theo quy mô lớn. Sau năm 2010, trại lợn của chị Sợi có quy mô lớn nhất nhì trong xã với 150 nái và hơn 1000 lợn thịt/lứa. Doanh thu từ lợn mỗi năm trên 1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chị vẫn duy trì nuôi cá, gà vịt và trồng thêm cây cảnh. Chị cho biết, mỗi năm gia đình xuất bán được khoảng 2,5-3 tấn cá trắm, chép, trôi và nuôi 300 gà đẻ. Tính ra doanh thu từ các nguồn này cũng được vài trăm triệu nữa.

Với mức công việc như trên, gia đình chị Sợi luôn có 5 công nhân làm việc với mức lương, trung bình 4 triệu đồng/người/tháng, lương kỹ thuật 7-8 triệu đồng.

Được biết, hiện toàn xã Khánh Thủy có 35 hộ chăn nuôi vừa và nhỏ, và có hộ chăn nuôi lớn như nhà chị Sợi. Không chỉ riêng Khánh Thủy, các hộ nông dân trong toàn huyện thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Hiện toàn huyện có 280 mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi cho thu nhập cao như chị Vũ Thị Đam, xã Khánh Công đã mạnh dạn thành lập Tổ liên kết sản xuất nấm và các loại rau, củ, quả, giải quyết việc làm cho 180 lao động địa phương; mô hình tổ hợp tác sản xuất rau hữu cơ tại xã Khánh Hồng cho thu nhập 7-8 triệu/sào/vụ; mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao tại xóm 8, xã Khánh Trung; mô hình cải tạo vườn tạp tại xóm 13, xã Khánh Thành… Các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tiêu biểu của ông Đỗ Văn Ước, ông Phạm Văn Miễn (xã Khánh Thuỷ); ông Nguyễn Văn Biếc (xã Khánh An); mô hình nuôi trồng thuỷ sản của hộ ông Đinh Văn Việt (xã Khánh Lợi); ông Trương Văn Chiên (xã Khánh Hồng), ông Lê Văn Hướng và ông Phan Văn Vinh (xã Khánh Thuỷ)…

Hiện toàn huyện Yên Khánh có 66 mô hình chăn nuôi; 22 mô hình sản xuất nấm, 29 mô hình nuôi con đặc sản; 21 mô hình nuôi thuỷ sản; 39 mô hình VAC tổng hợp; 21 mô hình cây cảnh; 50 mô hình dịch vụ nông nghiệp tổng hợp; 6 mô hình trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Theo ông Nguyễn Văn Đậu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Khánh, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, Hội Nông dân huyện đã thường xuyên tổ chức các hoạt động sôi nổi, rộng khắp trong toàn thể hội viên. Phong trào thi đua thu hút đông đảo nông dân tham gia, trong đó nổi bật là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Thông qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều nông dân điển hình tiên tiến, góp phần tích cực phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Hằng năm, các cấp Hội Nông dân huyện Yên Khánh đã chủ động phối hợp với các ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp để chỉ đạo, tổ chức phát động phong trào thi đua rộng khắp. Các chỉ tiêu thi đua của phong trào được cụ thể hoá tới cơ sở Hội và đăng ký, giao ước thi đua. Trong đó xác định, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là phong trào trọng tâm, xuyên suốt mang lại quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho hội viên, nông dân, từ đó hội viên, nông dân gắn bó và tích cực tham gia tổ chức Hội,

Mô hình trang trại nuôi lợn của gia đình chị Sợi. (Ảnh: HH)

Các cơ sở Hội đã tích cực vận động nông dân khai thác, phát huy lợi thế tiềm năng đất đai, lao động, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ... để không ngừng phấn đấu vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững. Trong 5 năm qua, Hội Nông dân huyện đã chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật và một số công ty sản xuất vật tư, phân bón mở 182 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân với 28.250 lượt người tham dự, góp phần thay đổi tư duy lạc hậu trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn ký hợp đồng uỷ thác với Ngân hàng Chính sách - Xã hội giúp nông dân vay vốn.

Đến nay, dư nợ vốn trong toàn huyện đạt trên 70 tỷ đồng, giúp 3.216 hộ vay. Các cấp Hội cũng tích cực huy động các nguồn lực ủng hộ Quỹ hỗ trợ nông dân. Hiện nay, Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trên địa bàn huyện đạt trên 2,5 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ đã có 205 mô hình vay phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, hằng năm các cấp Hội Nông dân trong huyện còn phối hợp với các công ty, doanh nghiệp giúp nông dân mua hàng trăm tấn phân bón trả chậm, giúp nông dân có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu và tạo việc làm cho nhiều lao động trong vùng.

Từ phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nông dân không cam chịu đói nghèo, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, biết phát huy lợi thế, tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển sản xuất và trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong 5 năm qua, huyện Yên Khánh có 255 mô hình điển hình tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp với quy mô sản xuất lớn, có nguồn vốn đầu tư sản xuất hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, thu nhập hàng năm đạt từ 100 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng.

Các cấp Hội Nông dân trong huyện đã khuyến khích, động viên và cùng các hộ nông dân sản xuất giỏi xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh giỏi nhằm phát triển, nhân rộng. Trong đó lấy gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi làm nòng cột để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên bằng các hình thức như: tham quan, học tập kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; bí quyết kinh doanh cũng như giúp nhau về vốn... Để tạo chuỗi liên kết đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã chủ động thành lập tổ hợp tác như: Tổ hợp tác chăn nuôi xã Khánh Thành, Tổ hợp tác chăn nuôi trâu bò và nuôi lợn xã Khánh Cường, Tổ hợp tác sản xuất nấm xã Khánh Nhạc...

Ông Nguyễn Văn Đậu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện khẳng định, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở Yên Khánh đã phát huy tốt vai trò chủ thể và sức sáng tạo của nông dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, toàn huyện có 10.320 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi (chiếm 35%), trong đó cấp Trung ương có 12 hộ, cấp tỉnh có 93 hộ, còn lại cấp huyện và cấp cơ sở.

Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân Yên Khánh ngày càng được cải thiện, qua đó vai trò của tổ chức Hội Nông dân được khẳng định, nâng cao. Đóng góp của các cấp Hội và hội viên trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện ngày càng rõ nét./.

Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực