Sáng kiến từ thực tiễn của những người lính biển

Thứ ba, 05/11/2019 10:08
(ĐCSVN) - Bám sát yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị, các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật (SKCTKT) của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Vận tải thủy 873, Cục Hậu cần Quân khu 4 luôn bắt nguồn từ thực tiễn, đi vào thực tiễn huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn một cách thiết thực nhất, góp phần để đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trên đường dẫn chúng tôi thăm đơn vị, Đại tá Trần Văn Chiến, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Vận tải thủy 873, Cục Hậu cần Quân khu 4 cho biết: Năm 2019, đơn vị tổ chức nhiều chuyến đi biển dài ngày trên các hải trình Bến Thủy đi Đảo Hòn Mê (Thanh Hóa), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Hòn Mắt (Nghệ An)… thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên sông trên biển, khảo sát vận tải thủy. Điểm nhấn trong công tác chuẩn bị, sửa chữa tàu thuyền chuẩn bị cho những chuyến đi là nhiều SKCTKT được đưa vào ứng dụng thực tiễn, rút ngắn thời gian, giảm công sức của bộ đội trong quá trình công tác. Các SKCTKT đều xuất phát từ thực tiễn công tác. Điển hình như sáng kiến “Bếp giảm độ lắc” và “Hệ thống thủy lực nâng hạ tàu.

Đại úy Trần Văn Hoạt hướng dẫn cán bộ, nhân viên cách sử dụng sáng kiến “Hệ thống nâng thủy lực”

Khi chúng tôi đề cập đến sáng kiến đạt giải Nhì Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ XIX năm 2019”, mà Trung úy Nguyễn Thái Vượng, Thuyền trưởng tàu 15-11-02 là người dày công nghiên cứu chế tạo, anh tâm sự: “Đây là ý tưởng xuất phát từ việc gặp nhiều khó khăn khi nấu ăn trong những chuyến đi biển gặp sóng to gió lớn. Bề ngoài bếp được cấu tạo khá đơn giản gồm các bộ phận: Giá bếp gồm mặt sàn và khung bếp; thân bếp có bếp dầu và đối trọng; bộ phận giảm lắc nhưng để ý kỹ thì “linh hồn”, “chất xám” của sáng kiến này tập trung ở hai vòng tròn dao động. Hai vòng này kết hợp với đối trọng sẽ hoạt động theo nguyên lý “chậu là bàn” trên tàu hay “con lật đật”. Khi nấu ăn trong điều kiện lắc lư, giá bếp được cố định trên sàn tàu, đối trọng theo phương thẳng đứng của trọng lực kết hợp với hai vòng tròn dao động sẽ đảm bảo cho nồi luôn thăng bằng dù giá bếp lắc lư theo tàu.

Với sáng kiến “Hệ thống thủy lực nâng hạ tàu” đạt giải Nhất Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ XIX năm 2019”, Đại úy Trần Văn Hoạt, Phó xưởng trưởng Xưởng sữa chữa tàu thuyền không chỉ giúp nhân viên của xưởng thao tác sửa chữa thuận lợi, nâng cao năng suất, bảo đảm an toàn mà còn làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng. Xuất phát từ thực trạng công tác sửa chữa tàu thuyền gặp nhiều khó khăn, vất vả khi mà các trang thiết bị đã cũ, lạc hậu, chủ yếu vận dụng kinh nghiệm và làm thủ công, nhất là khi tàu lên đà, việc kê kích, chuyển dằm xe, lắp ráp tôn phải sử dụng 15-20 người trong khoảng thời gian 2-4 ngày mới xong, không những thế, công nhân còn thường xuyên đối mặt với nguy hiểm luôn rình rập, anh Hoạt đã tận dụng tối đa vật tư có tại xưởng, kết hợp mua các chi tiết của máy xúc, máy cẩu hư hỏng trên ở các bãi phế liệu, mang về phục chế, nghiên cứu, chế tạo thành công sáng kiến “Hệ thống nâng thủy lực”.

Theo Đại tá Trần Văn Chiến thì hệ thống này mang lại rất nhiều lợi ích, trước hết là giảm hẳn lượng nhân công khi chỉ cần 2-3 người để thao tác trong thời gian 30 phút là kê kích xong, tuyệt đối đảm bảo an toàn bởi máy sử dụng bơm dầu thay cho phương pháp thủ công, cơ khí. Đồng thời tiết kiệm cho đơn vị khoản tiền khoảng 400 triệu đồng (sáng kiến có giá thành 45 triệu, trong khi máy mới ngoài thị trường giá 450 triệu đồng), mà điều kiện đơn vị còn nhiều khó khăn chưa thể trang bị. Trong khi đó, hệ thống kích thủy lực ngoài thị trường khá to lớn, cồng kềnh mà thực tế sửa chữa ở xưởng không sử dụng hết tính năng của loại máy đó, gây lãng phí.

Với hai sáng kiến có tính ứng dụng cao trên thì Trung úy Nguyễn Thái Vượng và Đại úy Trần Văn Hoạt được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen; Trung ương Đoàn trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo, đồng thời được thăng quân hàm, nâng lương trước niên hạn. Đó là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ của hai đồng chí và là động lực để cán bộ, nhân viên đơn vị đẩy mạnh phong trào thi đua SKCTKT.

Trung úy Nguyễn Thái Vượng hướng dẫn thủy thủ trên tàu cách sử dụng sáng kiến “Bếp giảm độ lắc”

Không chỉ hai sáng kiến trên mà thời gian qua, Lữ đoàn còn có nhiều SKCTKT có giá trị ứng dụng thiết thực như: “Đệm giảm va cho tàu” của Đại úy Nguyễn Đình Lam, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2; “Hệ thống chuông báo động khi tàu ngập nước” của Đại úy QNCN Nguyễn Đình Hiếu; “Hệ thống bơm hút khô”  của Thiếu tá QNCN Nguyễn Hữu Thắng; “Giá nâng tôn lắp tàu” của Đại úy Trần Văn Hoạt…

Thượng tá Lê Văn Trung, Chính ủy Lữ đoàn cho biết: Bám sát yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị, chúng tôi luôn quán triệt cho cán bộ, nhân viên tinh thần chủ động, sáng tạo trong công tác, đồng thời đẩy mạnh phong trào phát huy SKCTTK vào thực tế cuộc sống, SKCTKT làm ra là để sử dụng chứ không phải vì thành tích hay để trưng bày. Nhờ đó, SKCTKT của đơn vị luôn bắt nguồn từ thực tiễn, đi vào thực tiễn huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn một cách thiết thực nhất, góp phần để đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, trở thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua SKCTKT của Cục Hậu cần Quân khu 4./.

Bài, ảnh: Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực