Trở thành tỷ phú từ nguồn phế thải nông nghiệp

Thứ sáu, 21/04/2017 17:09
(ĐCSVN) – Là cựu chiến binh đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rời quân ngũ trở về địa phương, ông Phạm Văn Mỹ (trú tại xóm 6, xã Khánh Vân, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) đã nỗ lực vượt khó vươn lên, thoát nghèo và làm giàu chính đáng từ chính những nguồn nguyên liệu thân thuộc nhất...

Ông Mỹ (giữa) giới thiệu khu đóng bịch và ủ giống nấm ban đầu.  
Không cam chịu đói nghèo

Với bản lĩnh của anh “Bộ đội Cụ Hồ” không cam chịu đói nghèo, ông trăn trở tìm hướng đi để phát triển kinh tế gia đình. Sau những vụ mùa quen thuộc, hằng ngày đi qua những đống rơm rạ cao chất ngất ngoài đồng, nhà thì đốt bỏ, nhà thì đắp ụ bỏ hoang phí, ông Mỹ đã nghĩ làm gì đó để tận dụng được những nguồn nguyên liệu phế thải từ nông nghiệp này.

Ông đã mày mò học hỏi trồng nấm từ tất cả những nguồn thông tin có thể tiếp cận được như: sách báo, ti vi,...; rồi ông bảo con đưa đến tận những nơi trồng nấm đã mang lại hiệu quả kinh tế để học tập. Ông đã tìm gặp được người bạn quê Hà Tây cũ là một trong những điển hình sản xuất nấm giỏi và được người bạn này chỉ bảo tận tình kinh nghiệm sản xuất nấm.

Năm 2007, ông chính thức bắt tay vào trồng nấm trên diện tích 70 m2 tại vườn nhà, nhưng kết quả rất thấp. Ông Mỹ cho biết, người mới vào nghề, ủ nấm mà hàng tháng trời không thấy nhúc nhích tý gì là chuyện dễ xảy ra, bởi có thể độ ẩm không đủ, nước tưới không đều hay vì nhiều lý do khác. Đó là chưa kể, không biết hiệu quả đã rõ ràng chưa nên ông cũng chưa dám mạnh dạn đầu tư vốn vào làm nhà xưởng, lán trại một cách kiên cố để trồng nấm nên thỉnh thoảng, giàn nấm của ông lại bị đổ....

Mất một thời gian thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tình hình đã được cải thiện khi ông luôn tích cực tham gia tập huấn về kỹ thuật trồng nấm của các cấp, các ngành. Do từng bước áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên sản phẩm nấm do ông Mỹ trồng cho năng suất ngày càng cao, sản phẩm đều và đẹp, bán ra thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng. Đó là  cơ sở quan trọng để ông tiếp tục đầu tư phát triển nghề trồng nấm quy mô lớn hơn.

Năm 2013, ông Mỹ mạnh dạn vay thêm vốn từ ngân hàng để đầu tư mở rộng lán trại quy mô lên 1.200 m2 và học thêm quy trình sản xuất nấm mỡ, nấm sò và nấm linh chi. Không chỉ dừng lại ở việc làm lò hấp, sấy thủ công, nhỏ lẻ, công suất thấp, ông Mỹ còn đầu tư thêm 800 triệu đồng xây dựng lò hấp, sấy bảo quản sản phẩm bằng điện, công suất từ 4 - 5 tấn/ngày. Sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu đến thời gian thu hái không bị mốc, bị hỏng mà được bảo quản tốt cho chất lượng không giảm.

Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại nấm, ông Mỹ giới thiệu từng loại máy móc hiện đại phục vụ trong quá trình sản xuất nấm theo hướng công nghiệp. Mỗi công đoạn sản xuất nấm được ông Mỹ chia ra thành từng khu riêng, bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật như: khu sản xuất giống, khu đóng bịch giống, trồng và khu bảo quản sản phẩm.

Với việc tuân thủ quy trình sản xuất nấm sạch nên sản phẩm nấm của gia đình ông Mỹ được các nhà hàng tin dùng. Việc tìm đầu ra cho sản phẩm vì thế mà dễ dàng hơn. Nhiều lúc, trang trại còn không đủ nguồn cung để xuất ra thị trường.

Không chỉ cung cấp sản phẩm nấm ra thị trường, ông Mỹ còn sản xuất theo hướng công nghiệp các phụ phẩm nông nghiệp, giống nấm với giá thành rẻ nhằm mục đích hỗ trợ các cơ sở nấm nhỏ tại địa phương. Đến nay, trang trại của ông Mỹ đã mở rộng lên trên 2.000 m2, mỗi năm tiêu thụ từ 85 - 100 tấn giống nấm, xuất bán các loại nấm sò, mộc nhĩ, nấm rơm, nấm linh chi cho tổng thu nhập từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng/năm, trừ chi phí cũng cho thu lãi gần 500 triệu đồng.

Cùng với phát triển kinh tế cho gia đình, ông Mỹ đã tạo công ăn, việc làm cho hơn 20 lao động nông nhàn tại địa phương, trong đó có 16 lao động là cựu chiến binh và vợ, con của đồng đội, mỗi tháng thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Hợp tác để làm ăn lớn

Khi đã có tiềm lực kinh tế và tạo được thị trường ổn định, ông Mỹ lại nhận thấy nhu cầu làm giàu chính đáng của nhân dân trong vùng cũng như của các đồng chí, đồng đội trong hội CCB nơi ông đang sinh hoạt. Có nhiều người tìm đến để học hỏi kinh nghiệm nuôi trồng nấm. Cũng có những hộ trong xã đã tự trồng nhưng cũng như ông trước đó, chỉ mang tính tự phát, manh mún và nhỏ lẻ.

Thấy vậy, ông Mỹ đã bàn với các đồng chí trong hội cựu chiến binh đề xuất với các hộ thành lập tổ hợp tác để có thể liên kết giữa các hộ phát triển theo quy mô lớn hơn, đồng thời có sự giao lưu, trao đổi về kiến thức, kinh nghiệm, thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ông Mỹ cùng các đồng chí cựu chiến binh và thành viên HTX thăm khu trồng mộc nhĩ.

Kế hoạch của ông được mọi người ủng hộ. Ban đầu, tổ hợp tác chỉ có 7 người tham gia. Sau khi thành lập, các thành viên trong tổ đã có sự liên kết gần gũi, giúp nhau về kỹ thuật nên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trước. Năm 2014, được sự tư vấn của Liên minh HTX tỉnh, HTX sản xuất nấm Khánh Vân được thành lập. Ông Mỹ được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Ông Trần Văn Tư - một thành viên HTX chia sẻ, gia đình ông gắn bó với nghề trồng nấm đã lâu, nhưng từ ngày tham gia HTX, gia đình ông có nhiều cơ hội hơn để trao đổi kinh nghiệm cùng các thành viên trong việc trồng và thu hoạch theo định kỳ đều đặn hơn, không phải lo đến việc đi bán nấm. Khách hàng đã đến tận HTX thu mua. Gia đình ông cũng đã mạnh dạn đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị mở rộng cơ sở sản xuất, chế biến nấm với tổng diện tích 1.200m2; quy mô sản xuất, sử dụng 300 khối mùn cưa/năm để trồng nấm sò, nấm mộc nhĩ, nấm rơm... Bình quân, mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Cùng với hộ gia đình ông Mỹ, ông Hùng, Hợp tác xã Khánh Vân hiện còn 12 thành viên nữa, với diện tích sản xuất trên 7.000 m2. Đến nay, Hợp tác xã đã xuất hàng trăm tấn nấm/năm cho doanh thu trên 8 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho trên 50 lao động trong và ngoài xã với mức lương bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Nói về cá nhân cựu chiến binh Phạm Văn Mỹ và HTX KHánh Vân, ông Hoàng Văn Bạo - Chi hội trưởng Chi hội 6, Hội Cựu chiến binh xã Khánh Vân khẳng định, ông Mỹ không chỉ được nhiều đồng đội quý mến, khâm phục mà còn là tấm gương cho nhiều thế hệ thanh niên tại địa phương về ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu. Ngoài ra, ông Mỹ còn giúp đỡ, đào tạo nhiều học viên, hầu hết là nông dân nghèo trong và ngoài xã. Hiện có khoảng 30% số người học nghề đã sống được bằng nghề trồng nấm.

Với nghị lực và quyết tâm của anh "Bộ đội Cụ Hồ", ông Mỹ đã vinh dự nhận nhiều bằng khen của Trung ương và địa phương là cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, giúp nhau giảm nghèo. Ông Phạm Văn Mỹ cũng đã được báo cáo điển hình và được tuyên dương tại Đại hội thi đua yêu nước các cấp tỉnh Ninh Bình và của Hội Cựu chiến binh Việt Nam./.

Bài và ảnh: Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực